++ Hãy đến với nhau bằng tấm lòng trung thực!++

Chủ Nhật, 31 tháng 7, 2011

Đánh bại các tranh chấp ở Biển Đông

Nguồn: Ba Sàm
Đăng bởi basamnews on 31.07.2011
Mark Valencia
Ngày 29-7-2011
Bản hướng dẫn mà các bên tại Diễn đàn Khu vực ASEAN đều tán thành là sự khởi đầu tốt đẹp cho việc giải quyết tranh cãi về chủ quyền giữa Trung Quốc và các nước ASEAN.

Tuần qua, trước sự chứng kiến của thế giới, một cảm xúc lạc quan đã phảng phất trong các cuộc họp của Diễn đàn Khu vực ASEAN tại Bali.

Hiệp hội Các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Trung Quốc đã nhất trí về “bản hướng dẫn” thực thi Tuyên bố chung 2002 về ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC) mà trước kia họ từng tán thành. Một số thành viên, kể cả Trung Quốc, ca ngợi sự kiện này như thể đó là một bước đột phá. Nhưng các bên khác thì đồng ý với phát biểu của Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton rằng: “Đây là một bước quan trọng, nhưng chỉ là bước đầu tiên”, ASEAN và Trung Quốc nên hành động nhanh hơn – thậm chí là khẩn cấp hơn – để đạt được một bộ quy tắc ứng xử thật sự.

Đúng là bản hướng dẫn đã hé lộ nhiều điều từ những gì nó không nói ra hơn là từ những gì nó nói ra. Quả thật, nó thiếu các quy định cụ thể, thiếu thời gian biểu và thiếu tính bắt buộc thi hành. Nó không cụ thể hóa nội dung tranh chấp giữa các bên, và tâm điểm mà nó hướng tới trên thực tế là các vấn đề an ninh phi truyền thống như bảo vệ môi trường, khoa học hàng hải và tội phạm xuyên quốc gia. Rõ ràng rất khó đạt được thỏa thuận; do vậy nó chung chung, mơ hồ, nhấn mạnh vào việc xây dựng niềm tin, và còn nhiều lỗ hổng.

Kỳ vọng cao một cách phi lý, và vì thế đứng từ góc độ ấy, bản hướng dẫn rất dễ bị phê phán. Tuy vậy, quá trình đàm phán để dẫn đến cái kết cục không công bằng – hay ít nhất cũng quá vội vã này – cho thấy một cách rõ ràng nhất cách ứng xử của ASEAN và các nước có yêu sách chủ quyền. Có rất nhiều điều còn cần đánh dấu hỏi: ASEAN và Trung Quốc cần chứng tỏ rằng họ có thể ít nhiều tự mình xử lý tranh chấp trong khu vực. Và họ cũng cần đảm bảo với thế giới một lần nữa rằng biển Hoa Nam là nơi an toàn đối với mậu dịch quốc tế. Tóm lại, khả năng, độ tín nhiệm, và tính chính đáng của các diễn đàn an ninh ASEAN đang bị nghi ngờ. Người ta cũng hồ nghi về niềm hy vọng trong dài hạn về hòa bình ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, thay thế cho nền Hòa bình kiểu Mỹ hiện nay.

Bên trong hậu trường, các cuộc đàm phán do chủ tịch đương nhiệm của ASEAN là Indonesia chủ trì đều đạt được tiến bộ đáng kể, ghi điểm cho kỹ năng của các nhà ngoại giao tham gia vào đó. Quả thật, Indonesia đã thể hiện rằng họ có thể lãnh đạo – không chỉ giải quyết các tranh chấp khu vực, mà còn lãnh đạo toàn thể Đông Nam Á. ASEAN đã nhân nhượng một bước lớn khi họ đồng ý bỏ đi một điều khoản quy định việc xây dựng lập trường chung của ASEAN trước khi giải quyết vấn đề biển Hoa Nam với Trung Quốc. Động thái này có ý nghĩa rất quan trọng trong việc thuyết phục Trung Quốc tin rằng các nước có yêu sách chủ quyền khác (Brunei, Malaysia, Philippines và Việt Nam) sẽ không sử dụng ASEAN để “tập hợp nhau lại”.

Trung Quốc cũng rất xứng đáng được khen ngợi. Từ lâu họ đã phản đối bản dự thảo hướng dẫn, và lần này đã nhượng bộ rất lớn khi tán thành nó. Có lẽ họ đã nhìn thấy điềm gở nào đó, và họ sợ tranh chấp sẽ đẩy ASEAN về phía Mỹ. Cho dù động cơ có là gì đi nữa, Trung Quốc cũng đã thành công với cách phát biểu và ứng xử làm giảm căng thẳng, ít nhất là vào lúc này.

Sự can đảm về chính trị và thái độ quả quyết của Việt Nam cũng được thể hiện hết cỡ – thách thức Trung Quốc từng tí một, ăn miếng trả miếng. Và Philippines cũng bộc lộ sự can đảm chính trị. Nhưng, quan trọng hơn thế là họ cho thấy rằng luật quốc tế có thể góp phần làm cho quan hệ giữa các nước trở nên công bằng hơn, chặn bước những siêu cường. Cùng nhau, với sự tham gia của Liên Hợp Quốc, họ đặt Trung Quốc vào thế phải tự vệ chính trị.

Suốt năm qua, một loạt vụ gây hấn liên quan đến tàu tuần tra Trung Quốc, cùng những phát biểu chính thức rất ôn hòa sau đó, đã gây phức tạp và lo ngại về một nước Trung Hoa “kẻ bắt nạt”. Đó là vụ cắt cáp khảo sát địa chấn của một tàu khảo sát thừa lệnh của Việt Nam, hoạt động trên vùng biển mà Việt Nam đã tuyên bố là thềm lục địa của mình; và vụ quấy rối một tàu khảo sát thừa lệnh Philippines; cũng như vô số những lần Trung Quốc bị buộc tội “xâm nhập” vào khu Bãi Cỏ Rong mà Philippines đã tuyên bố là thuộc vùng đặc quyền kinh tế của họ. Tồi tệ hơn, Trung Quốc phản ứng lại trước những cuộc biểu tình sôi sục ở Việt Nam và Philippines bằng việc cảnh báo rằng bất kỳ cuộc thăm dò khảo sát nào trên khu vực quần đảo Trường Sa mà không được sự chấp thuận của Trung Quốc thì đều là vi phạm quyền tài phán và chủ quyền Trung Quốc. Giữa lập trường trần trụi và bao trùm của Trung Quốc với việc thực thi nó có một mối liên hệ đồng thời, và điều ấy làm cho các nước có yêu sách chủ quyền ở ASEAN ớn lạnh xương sống. Điều ấy cũng thu hút sự chú ý của Mỹ. Hoa Kỳ đã từng đối đầu Trung Quốc và đã khôn ngoan tóm gọn toàn bộ cuộc tranh chấp và những nỗi lo ngại về nó thành vấn đề “tự do hàng hải”, thông qua bài diễn văn của bà Clinton tại hội nghị ARF tháng 7 năm ngoái ở Hà Nội. Hoa Kỳ chỉ tỏ ý là họ rất vui được giúp đỡ, ít nhất là bằng lời nói và bằng những tín hiệu mà chỉ giới quân sự hiểu.

Việt Nam phản ứng trước những hành động của Trung Quốc một cách tương đương, bằng những luận điệu cay độc và các cuộc tập trận đáp lại Trung Quốc. Philippines cũng đã đạp đổ hết các “luật lệ” của Trung Quốc. Họ quốc tế hóa vấn đề, kêu gọi cả Liên Hợp Quốc và Hoa Kỳ tham gia giúp đỡ. Họ công khai hóa vấn đề, hé lộ nhiều chi tiết về các cuộc đàm phán. Và họ thách thức yêu sách đường chín đoạn của Trung Quốc với việc đề xuất rằng vấn đề quyền tài phán phải được quyết định thông qua một tiến trình phân xử của trọng tài theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS), điều ước mà cả hai bên đều đã phê chuẩn.

Năm vừa qua cũng được coi là đã có những cuộc đàm phán nhằm biến DOC thành một bộ quy tắc chính thức, có tính ràng buộc về mặt pháp lý và có thể thực thi. Nhưng trong thời gian tiến tới các cuộc họp thượng đỉnh, tình hình có vẻ chắc chắn sẽ xấu đi, trước khi có tiến triển nào. Các công ty dầu phương Tây vẫn lên kế hoạch cho nhiều cuộc khảo sát hơn nữa, được sự đồng ý của Việt Nam và Philippines, thậm chí họ có kế hoạch khoan thăm dò tại các khu vực Trung Quốc đã ra yêu sách đòi chủ quyền. Clinton cảnh báo rằng các vấn đề không được giải quyết sẽ đe dọa hòa bình và ổn định ở Đông Nam Á.

Trong bối cảnh này và trong lúc căng thẳng chính trị gia tăng, kết quả tích cực của diễn đàn đã làm người ta thấy hy vọng. Đang có sự dịch chuyển theo đúng hướng – cho dù là sự thay đổi đó nhỏ bé và mong manh. Tất nhiên, đó chỉ là một trong rất nhiều bước cần thiết để có thể thật sự dẹp yên các tranh chấp kiểu chim Phượng Hoàng này. Nhưng các kịch bản thay thế thì quá rắc rối và sẽ thật mệt nếu phải dự đoán. Mặc dù sản phẩm hiện thời có thể không hoàn hảo và chưa được hoàn thành, nhưng cuộc khủng hoảng đã mang lại cho nhiều nước liên quan những điều tốt đẹp nhất. Điều đó báo trước những tín hiệu lạc quan trong việc giải quyết tranh chấp, cũng như tín hiệu lạc quan trong tương lai của châu Á.

Mark Valencia là chuyên viên nghiên cứu cao cấp của Văn phòng nghiên cứu Quốc gia về châu Á.
Người dịch: Đan Thanh
Bản tiếng Việt © Ba Sàm 2011
------------------
*****


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tìm kiếm Blog này