Nguồn: Toquoc
8h:37' - 29/7/2011
(Toquoc)-Việc Trung Quốc vạch đường chữ U là “mua dây buộc mình”; 10 năm ngoại giao châu Á bị hủy trong một ngày; nên tìm giải pháp cho cuộc tranh chấp Biển Đông.
Trong thời kỳ đầu của cuộc tranh chấp trên Biển Đông sau những vụ gây hấn của tàu thuyền Trung Quốc hồi tháng 5 vừa qua, Trung Quốc rộ lên những lời đe dọa và thách thức. Gần đây, dư luận Trung Quốc đôi phần điềm tĩnh hơn, với những ý kiến ngược chiều đề cập về giải pháp Biển Đông. Phần lớn các bài dưới đây xuất bản trước khi thỏa thuận về Quy tắc hướng dẫn thực hiện DOC ngày 21/7, có giá trị để ta tham khảo xem người Trung Quốc bàn về giải pháp Biển Đông như thế nào.
5 hướng giải quyết tranh chấp Biển Đông
Bình luận viên Đài Truyền hình Phượng Hoàng Hong Kong Trịnh Hạo phát biểu trong chương trình bình luận thời sự của Đài này ngày 16/7 cho biết, ngày 13/7 ông đã đến Bắc Kinh tham dự “Hội thảo về tình hình tranh chấp Biển Đông và trách nhiệm của báo chí” do Đài Truyền hình Vân Nam và Sở nghiên cứu châu Á-Thái Bình Dương, Viện Khoa học xã hội Trung Quốc, đồng tổ chức. Tham gia Hội thảo có hơn 20 chuyên gia, học giả và có cả giới quân sự. Các chuyên gia đã nêu nhiều quan điểm về cách thức giải quyết tranh chấp Biển Đông, nhìn chung có 5 hướng sau:
Một, lập trường chính thống của chính phủ Trung Quốc: Thông qua đối thoại song phương, đàm phán song phương với các nước có tranh chấp với Trung Quốc, giải quyết bằng biện pháp hoà bình, phản đối bên thứ ba can thiệp; cho rằng bên thứ ba can thiệp chắc chắn sẽ làm cho vấn đề bị quốc tế hoá, phức tạp hoá. Quan điểm thông qua đối thoại song phương giải quyết tranh chấp do Trung Quốc đưa ra đến nay vẫn chưa thay đổi.
Biển Đông và Đông Nam Á đặt ra những câu hỏi lớn đối với người Trung Quốc thời gian gần đây
Hai, chủ trương “mơ hồ về chủ quyền”. Hiện nay nếu nói chủ quyền các đảo và quyền quản lý vùng biển là của ai thì rất khó, nếu trong thời gian ngắn muốn phân định rõ ràng thì chắc chắn các bên sẽ tranh cãi quyết liệt. Tốt hơn là chưa nên tính đến chủ quyền thuộc ai, dốc sức vào thực hiện hợp tác với các nước tranh chấp, giống như quan điểm “gác tranh chấp cùng khai thác”, nhưng nhấn mạnh “mơ hồ về chủ quyền”. Vấn đề là Trung Quốc mơ hồ về chủ quyền nhưng các bên lại không muốn, họ biết rất rõ tình hình và 29 đảo hiện nay vẫn trong tay họ. Phương thức này có yếu tố tích cực là chủ trương cùng khai thác. Các bên thành lập một công ty liên doanh, Trung Quốc đầu tư giai đoạn đầu, bởi vì Trung Quốc có tiền, có thể cung cấp tài chính mua sắm thiết bị thăm dò, khai thác, chiếm phần lớn cổ phần. Nhiệm vụ khai thác thì giao cho các nước như Philippines, Malaysia, Việt Nam, bởi vì những nước này có khoảng cách gần hơn. Các bên cùng khai thác và phân chia sản phẩm theo cổ phần.
Ba, chủ trương “hành động thực tế”, đa số là giới quân sự, chủ trương áp dụng hành động thực tế, cho rằng chỉ dựa vào đàm phán sẽ không có tác dụng. Các nước đã chiếm lĩnh nhiều năm nay và đang khai thác thực tế. Những đảo này kể cả có đàm phán tiếp cũng không thể thu về được, do đó Trung Quốc cần áp dụng một số hành động thực tế để thu về.
Bốn, chủ trương giải quyết bằng pháp luật. Có thể cuối cùng vẫn phải thông qua con đường pháp luật để giải quyết, như căn cứ luật quốc tế, Công ước luật biển.
Năm, chủ trương căn cứ sự thực lịch sử, phần lớn là các nhà sử học. Những người này cho rằng không có gì phải đàm phán. Trung Quốc có chứng cứ lịch sử liên tục như khảo cổ, bia, tiền đồng, đồ sứ bị đắm ở khu vực đó, kể cả “đường 9 đoạn”. Trong lịch sử trước đây chưa từng có tranh chấp, tranh chấp chỉ xuất hiện những năm gần đây khi khu vực này phát hiện ra dầu khí. Do đó không cần phải đàm phán, đó là của Trung Quốc, chủ quyền thuộc Trung Quốc. Hiện nay, Trung Quốc không cần dùng biện pháp quân sự và đưa ra toà án phán quyết, Trung Quốc chỉ cần đến đó đánh cá, khai thác là được. Nếu đối phương sử dụng vũ lực uy hiếp thì Trung Quốc sẽ sử dụng vũ lực.
Cá nhân ông Trịnh Hạo không đồng tình với lập trường của Chính phủ Trung Quốc, phản đối đối thoại song phương, vì đối thoại song phương không thể giải quyết vấn đề một cách căn bản. Ông Trịnh Hạo chủ trương giải quyết bằng luật pháp, bởi vì, đánh nhau là không thể. Trong giới quân sự Trung Quốc cũng có một bộ phận cho rằng dùng vũ lực là không phù hợp, chưa nói đến quan chức chính phủ. Do đó, cuối cùng sẽ phải đưa ra toà án để phán quyết theo luật. Có thể sẽ phải mất mấy chục năm nữa mới đến bước này, nhưng có lẽ nên đi theo hướng này.
Vạch đường chữ U là chuyện “mua dây buộc mình”; 10 năm ngoại giao châu Á bị hủy trong một ngày
Tạp chí Khai Phóng (Hongkong) số tháng 7/2011 đăng bài của nhà bình luận chính trị Trần Phá Không cho rằng gần đây vấn đề tranh chấp chủ quyền Biển Đông thể hiện rõ xu hướng xấu đi. Trong vấn đề Biển Đông, bản thân Trung Quốc không có lập trường rõ ràng, tiền hậu bất nhất, gây tổn hại nghiêm trọng tới uy tín quốc tế của Trung Quốc. Thời Đặng Tiểu Bình, lập trường của Trung Quốc về Biển Đông là “gác tranh chấp, cùng khai thác”. Tuy nhiên, lập trường của Trung Quốc không ngừng thay đổi. Mấy năm gần đây, Trung Quốc bắt đầu từ chối đàm phán đa phương. Các nước bỗng chốc trở nên cảnh giác với Trung Quốc. Tháng 3/2010, Trung Quốc đột nhiên cao giọng tuyên bố chủ quyền Biển Đông thuộc “lợi ích cốt lõi” của mình. Dư luận các nước bùng lên. Sở dĩ Trung Quốc lớn tiếng là vì nước này tự kiêu với việc quốc lực được tăng cường, quân lực được mở rộng, muốn cho thế giới thấy “cơ bắp” của mình. Trong Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN tháng 7/2010, các nước dự hội nghị như Ấn Độ, EU đều ủng hộ lập trường của ASEAN, Trung Quốc rơi vào tình trạng bị cô lập chưa từng có, tự ví là “đã bị vây đánh”. Xem ra nỗ lực 10 năm ngoại giao châu Á của Trung Quốc đã bị hủy trong một ngày. Trung Quốc lập tức thay đổi giọng điệu, vứt bỏ cách nói “lợi ích cốt lõi”, trở lại với cách biểu đạt lập trường mơ hồ.
Tác giả viết rằng, tạm thời chưa nói tới sự đúng sai của các bên trong tranh chấp Biển Đông, câu hỏi đặt ra là liệu việc Trung Quốc vẽ đường phạm vi chủ quyền Biển Đông (đường chữ U) tới “cửa nhà” của các nước như Việt Nam, Philippines, Malaysia và Bruney có hợp với tình hình khách quan hay không? Đối chiếu với các quy định bằng văn bản rõ ràng liên quan tới việc “các nước có vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý” trong Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển mà Trung Quốc ký từ năm 1982, Trung Quốc càng khó có thể bào chữa cho kiểu hoạch định này của mình. Trên thực tế, từ việc tự vạch đường chữ U cho tới cách nói về “lợi ích cốt lõi” đều là chuyện “mua dây buộc mình” của Trung Quốc.
Chẳng trách tại hội thảo Vấn đề An ninh ở Biển Đông tổ chức ở Washington gần đây, trong khi học giả Việt Nam giành được sự đồng tình của những người dự hội nghị vì đã làm sáng tỏ lập trường chủ quyền của Việt Nam một cách lôgíc và hùng biện trên cơ sở lập luận chứng cứ đầy đủ, học giả Trung Quốc khiến những người dự hội nghị cảm thấy “quá khiên cưỡng”, gây ấn tượng “không trung thực” bởi phát biểu vá víu, mơ hồ. Đuối lý, học giả Trung Quốc sau đó chỉ còn cách đổ thừa cho là “chuẩn bị chưa đầy đủ”.
QT (Gt)
(Còn tiếp)
------------------
*****
Đồ ăn cướp thì làm sao có lý được mà nói "chuẩn bị chưa đầy đủ"
Trả lờiXóa