++ Hãy đến với nhau bằng tấm lòng trung thực!++

Thứ Hai, 12 tháng 9, 2011

Nhất nhật vi lao, bán nhật vi lao





Đăng ngày: 13:45 09-09-2011
Thư mục: Thế sự
NguoiTroVe-danlambao.jpg
Một ngày cũng là tù, nửa ngày cũng là tù...
Nghe câu chuyện 5 ngày ở tù của chị Phương Bích khiến tôi rất xúc động. Thấy sinh hoạt những người nữ tù nhân dưới chế độ ta mà cũng bất hạnh như những người cùng cảnh ngộ trong các chế độ mà ta cho là thối nát, cần phải đánh đổ. Hình ảnh cũ đã được tái hiện trên một số tác phẩm văn nghệ của “Chủ nghiã hiện thực phải đạo (chữ của Hoàng Ngọc Hiến). Còn hình ảnh mới, nào có khác gì như đoạn chị Phương Bích mô tả sau đây:
Ngày trở nên dài vô tận. Đám bạn tù giải khuây bằng cách ngêu ngao hát những bài nhạc chế. Đối với họ thì quá quen, nhưng với tôi nó vô cùng thú vị. Nó chứng tỏ mỗi một con người dẫu rất bình thường nhưng đều có cái tài lẻ nào đó. Họ hát hay, lời chế rất linh hoạt, đượm buồn. Trong khi họ thản nhiên hát, tôi lúc cười, lúc lại che mặt giấu đi những giọt nước mắt. Thương nhất là bài hát về tử tù: “xin cha mẹ tha thứ cho con, phận làm con chữ hiếu chưa tròn...” kể về nước mắt người mẹ, về sự hối hận của đứa con, về mong muốn khi đã về bên kia thế giới, vẫn cố tìm đường trở về nhà qua làn khói, để rồi thấy bên bàn thờ bóng mẹ gầy và đàn em nhỏ thơ ngây...”(http://xuandienhannom.blogspot.com/2011/09/phuong-bich-buoc-chan-vao-chon-nguc-tu_07.html)
Từ đó tôi mới ngộ ra, một nền văn nghệ mà xa rời cuộc sống thì có khác chi một kẻ dở người mộng du, luôn quay lưng lại với nỗi đau của đồng loại để cho cái xấu, cái ác mặc sức hoành hành. Tôi đã gửi cái còm trên blog của tiến sỹ Nguyễn Xuân Diện để bày tỏ nỗi niềm của mình như thế này:
Thấy chị Phương Bích kể lại nhớ tới Phim Nguyễn Văn Trỗi Sống Mãi của đạo diễn Lý Thái Bảo và Bùi Đình Hạc làm từ thập niên 60. Bây giờ Lý Thái Bảo đã khuất còn Bùi Đình Hạc đã lên tột đỉnh vinh quang nhờ những phim như thế... Liệu NSND - Giải thưởng HCM - Bùi Đình Hạc nói riêng và các nhà biên kịch và đạo diễn của ĐAVN nói chung có dám viết kịch bản câu chuyện cảm động về các nữ tù nhân đang hát (nhưng không phải bài "Bài Ca Hy Vọng") như chị Bích tả không???” (11:24 Ngày 07 tháng 9 năm 2011)
Uoc_mo.jpg
Ước mơ hòa bình - Ảnh: Phạm Văn Mùi
Nhắc đến chuyện phim ảnh, tôi lại nhớ tới một nhà biên kịch và đạo diễn có tiếng ở cơ quan cũ của tôi. Anh bây giờ đã là Nghệ sỹ Nhân dân (NSND). Nhưng nếu người ngoại đạo chắc gì đã biết chuyện tù ngục của anh từ thuở hàn vi. Tôi muốn ôn lại chuyện này, tuy nhiên vì chưa xin phép anh nên đành cho được dấu tên thật để khỏi làm anh phải buồn phiền. Câu chuyện xẩy ra, khi tôi vừa chuyển từ phim Truyện về phim Tài liệu – Khoa học (5/1979), lúc anh vừa bị “bắt khẩn cấp” vì có liên quan dến một chuyên án “ăn cắp đồ c”. Đồ cổ là một con cóc bằng đồng hun đang trưng bày ở Bảo tàng của Thành phố Hải Phòng, bị kẻ gian đánh cắp, nhờ anh bán hộ. Do không biết xuất xứ của “cổ vật” nên anh đã bị “nhập kho”. Nghe tin anh bị bắt, ai cũng thương xót. Anh em trong cơ quan cử người, ngả mũ túc trực ngay ở chân cầu thang lối lên xuống để quyên tiền “cứu tế” gửi về cho vợ và 4 đứa con thơ nheo nhóc của anh ở Hải Phòng. Khoảng 3 tháng sau, anh được “tạm thaVì giá trị thực của con cóc chưa qúa 40 đồng (Thời đó lương tối thiểu của công nhân là 45 VNĐ/tháng). Nên không đủ tiêu chuẩn để toà cấp thấp nhất mang ra xử! (Tối thiểu để một vụ án được xử tại toà án Quận là giá trị đồ ăn cắp phải từ 40 VNĐ trở lên).
Ra khỏi trại giam anh sụt mất tới ngót chục ký. Câu chuyện anh kể với mọi người về những ngày lao tù thì tôi không tài nào quên được. Anh mô tả trong trại giam nơi anh lao lý, mỗi phòng giam có tới ba bốn chục người, nằm như cá đóng hộp ở trên các bục xi măng. Mỗi phòng như thế chỉ có một cửa sắt chính thông ra hành lang và một cửa sổ có song sắt chắc chắn ở gần sát trần nhà. Đã ngột ngạt, phòng giam thời đó không có nhà vệ sinh nên cả tiểu và đại tiện của mấy chục con người đều vào một chiếc hòm (thùng) bằng sắt tây. Được tù nhân gọi là “hòm tài liệu”. Những người mới vào như anh được phân công “gác hòm tài liệu”. Nghiã là nằm cạnh cái nơi đại tiểu tiện ấy. Mỗi sáng, mọi người đi cầu theo tuần tự: đại ca, phó đại ca, sĩ quan, lính (tay chân thân tín của đại ca), nhân dân (các trại viên thường). Tất cả đi xong thì người gác “hòm tài liệu” mới đến lượt. Sau đó thì phải vác “hòm tài liệu” đi đổ và cọ rửa sạch sẽ, trước khi mang trở lại phòng giam. Hôm sau lại tiếp tục công việc như vậy... cho tới khi phòng giam có tân binh mới nhập kho thì mới được đổi gác”...
Ngay buổi gác “hòm tài liệu” đầu tiên ấy đã khiến anh thấy ớn lạnh dọc sống lưng. Anh đang nghĩ mưu phải tìm cách thoát khỏi cực hình này thì gặp ngay đám lính hầu vừa đấm lưng vừa hầu chuyện tiếu lâm mua vui cho đại ca. Thấy cả câu chuyện lẫn tài kể chuyện nhạt hoét, anh mạnh dạn xung phong góp vui.
Nhờ uyên bác, đọc hàng bồ sách, lại có trí nhớ dai, với lối kể dí dủm hấp dẫn, anh đã nhanh chóng chinh phục cả phòng giam về những chuyện tiếu lâm cười rơi nước mắt của mình. Có lúc câu chuyện ly kỳ anh kể làm cả phòng giam há hốc như nuốt lấy từng lời. Nghe xong mới vài chuyện, đại ca đã gạ nhường chức “đi cầu” đầu tiên cho anh. Đổi lại mỗi ngày, tối thiểu anh phải kể một chuyện tiếu lâm và đọc một bài thơ cho cả phòng nghe. Anh chưa kịp phản ứng ra sao, cả phòng đồng loạt vỗ tay tán thưởng nhiệt liệt.
Kể từ đó anh luôn được trọng vọng, nuông chiều và qúi mến của cả phòng. Chuyện của anh hấp dẫn tới độ ngay cả quản giáo và lính canh cũng lén tới nghe ké. Hôm biết tin anh được “tạm tha cả phòng giam tuyệt thực phản đối. Coi đó là sự bất hạnh to lớn đối với họ. Chỉ khi anh qùy xuống tạ ơn tình cảm đặc biệt của mọi người giành cho anh và xin họ đại xá thì cả phòng mới nguôi ngoai...
Ra tù, anh gặp may, đúng lúc ông Đoàn Duy Thành (Bí thư Thành uỷ Hải Phòng) đang phát động chính sách khoán nông nghiệp (khoán chui), anh xung phong đi thực tế vừa viết kịch bản vừa đạo diễn bộ phim “Một vùng đồng biển! Phim thành công gây tiếng vang cho Hải Phòng trong cả nước. Đang từ một nhà thơ, một anh biên kịch ẩn dật anh lừng lững trở thành một đạo diễn tên tuổi với hàng loạt phim rất thành công (cả với chức danh biên kịch và đạo diễn) ... và xứng đáng nhận danh hiệu NSND sau hơn chục năm làm ăn tấn tới.
Công thành danh toại, anh đã gặp lại những “cựu thù là những người công an đối thủ của anh khi xưa.
Nguyên nhân tai hoạ chính là cái tội ngông nghênh không coi ai ra gì. Cứ mỗi kỳ về Hải Phòng hàng mấy tháng dòng, anh đạp xích lô chở khách từ Hải Phòng xuống Đồ Sơn kiếm tiền nuôi con, mà không hề chung chi hay “biết điều” với thổ công. Đã thế còn thơ phú châm chọc gây thù chuốc oán với các anh ấy nữa. Vài tháng tù (oan) cảnh cáo như thế là nhẹ hều rồi, còn thắc mắc gì nữa? Tưởng vụ “buôn bán đồ ăn cắp đó là cái hạn. Hoá ra đó cũng là cơ may giúp anh tỉnh ngộ, thay đổi cách sống. Để vươn lên, làm nên những tác phẩm có tiếng để lại cho đời.
109218_300.jpg
Tác giả của "Một vùng đồng biển" - Tranh: Nguyễn Hoàng - Nguồn: news.go.vn
Nhân chuyện thành danh của tác giả phim “một vùng đồng biển, tôi lại nhớ tới chuyện một người tù ở xã (nay đã là phường) tại Hoà Hải-Hoà Vang Đà Nẵng năm xưa.
Thời đó trụ sở UBND xã Hoà Hải còn sơ sài lắm. Chỉ là căn nhà cấp 4 tuềnh toàng mọc lên giữa vùng cát trắng mênh mông ngay sát con lộ Đại Hàn nối TP Đà Nẵng với Thị xã Hội An. Lúc này ông Nguyễn Văn Chi (nguyên UVBCT-Trưởng Ban kiểm tra TƯ) mới chỉ là giám đốc sở Du lịch Quảng Nam Đà Nẵng thôi. Đen cho chúng tôi, vào Đà Nẵng làm phim Ngũ Hành Sơn lại đi sau đám Trung tâm Nghe nhìn của bà Phượng và nhạc sỹ danh tiếng Hoàng Vân. Khiến chúng tôi bị lép vế. Khi tiếp chúng tôi ở văn phòng của Sở Du lịch, ông Chi cứ đeo kính đen (tôi cứ tưởng ông ta bị đau mắt). Hoá ra đó là cách tiếp đón lạnh nhạt, như có ý đuổi khéo khiến cả 3 thành viên trong đoàn đều chán nản muốn bỏ ngay về Hà Nội cho rồi.
Tiếc cái công đã mang đầy đủ phim màu và máy móc vào đây mà phải về trả lại kho thì phí qúa. Tôi bàn với hai anh Thiệu (đạo diễn) và Sơn (chủ nhiệm) là ta cứ xin giấy giới thiệu của Sở Văn hoá, thuê xe lam trở thẳng xuống địa phương, nhờ họ giúp đỡ làm theo kiểu “thời chiến khi xưa, cứ gì phải ăn nghỉ ở khách sạn du lịch của ông Chi mới làm được phim? Với quyết tâm của tôi và anh Sơn nên anh Thiệu cũng đành xuôi chèo. Hôm đó, về tới Hoà Hải thì trời đã nhá nhem tối. Trụ sở vắng tanh, còn mỗi anh chủ tịch xã tên Hết đang dắt xe ra cửa. Thêm một anh trung niên đang ngồi hóng mát hành lang. Cứ tưởng ông thường trực, hoá ra đó là anh “tù tự giác tại xã. Một chân anh ta bị xích lủng liểng vào đầu chiếc ghế, có ổ khóa cẩn thận. Anh ta chỉ có thể di chuyển vòng quanh với bán kính khoảng 3 mét. Nhưng để xuống tới bếp để đun nước pha trà đãi khách từ trung ương Hà Nội vào đột xuất thế này thì đành chịu. Không có chìa mở khoá, bí qúa chủ tịch Hết đành xin lỗi khách, cùng anh tù mỗi người một đầu khiêng cả chiếc ghế băng xuống gian bếp cách đó mấy chục thước để anh tù đun nước phà trà....
Trà nước bàn bạc công việc xong, mới thấy chú Đình du kích xã từ nhà trưởng CA xã mang được chìa khoá về để toan “giải phóng sức lao động cho anh tù. Đêm đó chúng tôi kê ghế băng ngủ chung luôn với anh tù ở hiên nhà ủy ban. Chỉ khác, chân anh tù có sợi dây xích, còn chúng tôi thì được tự do. Ban ngày thì anh ta được mở khoá để quét tước dọn dẹp vườn sân quanh uỷ ban. Từ hôm chúng tôi đến anh lĩnh thêm nhiệm vụ “anh nuôi thổi cơm nấu nước cho chúng tôi rất chi là tươm tất. Khi đã quen nhau rồi tôi mới lân la hỏi chuyện làm sao mà bị “tù cải tạo như thế này? Anh trả lời, tội ăn cắp gà. Đúng ra tội không lớn lắm. Nhưng do tái phạm nhiều lần nên anh bị bắt đi cải tạo lao động 3 tháng (theo luật hiện hành của điạ phương). Đúng ra là phải lên trại tập trung ở trên huyện. Song do chiếu cố gia đình liệt sỹ, anh được lưu lại UB xã để làm lao công trong lúc cơ quan cũng đang thiếu người.
Tôi hỏi, ở đây anh có bị ngược đãi gì không?
Anh thật thà phi lộ, lúc đầu làm trái ý cán bộ thì cũng bị quát mắng. Nhưng nay mọi sự đều đã vào nề nếp thì không có vấn đề gì nữa. Anh còn tỏ ra thích được “cải tạo tại xã hơn vì thi thoảng đêm hôm còn được gặp vợ con tới thăm mà không phải mất công mất việc như những trường hợp nằm trại xa trên huyện trên tỉnh.
Hôm hoàn tất công việc, điạ phương có tổ chức bữa liên hoan chia tay nho nhỏ ở một nhà hàng gần đó, tôi rủ anh cùng đi cho vui. Anh không dám, vì tự biết thân phận của mình, cho dù tôi đã thuyết phục được cả Chủ tịch Hết lẫn Bí thư Khế. Tiễn chúng tôi ra xe về lại Đà Nẵng anh năng nổ xách giúp chúng tôi túi xách và đồ nghề. Xiết tay anh, tôi chúc anh cố gắng cải tạo tốt để sớm trở về làm ăn lương thiện và không còn phải gặp lại anh trong hoàn cảnh bất tiện như cái đêm đầu tiên nữa. Anh không nói năng gì. Nhưng trong khoé mắt đỏ hoe, rớm lệ của anh đã nói lên tất cả. Anh sống tình cảm thế, mà bây giờ tự dưng tôi lại đoảng tới mức quên mất cả tên anh.
Đầu năm 1988, sau gần 5 năm, nhân dịp đi dự LHP quốc gia lần VIII ở Đà Nẵng, tôi bớt chút thì giờ về Hoà Hải thăm lại những người xưa. Đáng tiếc, không gặp bất kể một người quen cũ nào ngoài bà mẹ của Nguyệt (người hoa tiêu đưa chúng tôi đi quay phim khi xưa). Hỏi thăm anh “tù cải tạo năm đó, bà nói bây giờ anh cải tà qui chính, chí thú làm ăn, trở thành người khá giả và rất có uy tín với bà con trong vùng. Thật mừng. Thật không uổng những câu chuyện dông dài những lúc trà dư hay cùng anh ngắm trăng thu ở mái hiên dưới chân ngọn Ngũ Hành Sơn diệu huyền. Cùng với sự nỗ lực vượt bực của bản thân, sự thương yêu giúp đỡ của nhiều người tốt xung quanh. Những câu chuyện nhỏ như “gác hòm tài liệu của tôi chắc cũng phần nào tác động, góp phần trong sự chuyến biến thần kỳ nơi con người anh (?).
P1060558.JPG
Bãi biển Non Nước-Ngũ Hành Sơn tháng 8.1983 (Chú Đình du kích đeo Ác quy đi phụ quay cho Gocomay)
Như phương ngôn nói “gần mực thì đen gần đèn thì rạng. Không biết những người mang trọng trách vẻ vang đi cải tạo và giáo hoá cho những kẻ tội phạm lỗi lầm (hay những người bị cho là như thế) sẽ nghĩ gì về cái câu mà một nữ chiến sỹ CA “vì nước quên thân vì dân phục vụ đã phát ngôn trước các đối tượng của mình như câu: Con kia! Mày không im mồm, tao mà không là công an tao tát vỡ mồm mày bây giờ”  (http://xuandienhannom.blogspot.com/2011/09/phuong-bich-buoc-chan-vao-chon-nguc-tu_05.html). Thì thật không tưởng tượng nổi. Đó là sự việc diễn ra ở nhà giam CA Quận Hoàn Kiếm cuối tháng 8 lịch sử vừa qua. Nơi mà tất hầu như tất cả những người có trách nhiệm “hóa cải” những “tội phạm” đa phần đều thuộc diện “bị kỷ luật” như mô tả của Người Buôn Gió (tù ở quận -http://nguoibuongio1972.multiply.com/journal/item/190). Như vậy sẽ cải tạo đối tượng theo chiều hướng tốt lên hay xấu đi?
Để kết cho những câu chuyện “nhất nhật tại tù xin chép lại đây một đoạn bức thư của chị Phương Bích gửi ông Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Thế Thảo có đoạn như sau: “Người xưa có câu: Hiếu với cha mẹ mới chỉ là Trung hiếu, còn hiếu với đất nước mới là Đại hiếu. Tôi tuy chỉ là một người dân bé mọn, nhưng cũng xin được đặt chữ Đại hiếu làm đầu”.(http://xuandienhannom.blogspot.com/2011/09/phuong-bich-buoc-chan-vao-chon-nguc-tu.html).
Không biết khi đọc được những dòng đại giác này, ông Thảo và các ông bà quản giáo có suy nghĩ gì? Khi mà nhân cách và hành xử của những người bị coi là “tội phạm” lại có những nét son, tỏ vô ngần. Vậy ông và những thuộc hạ của ông có cảm thấy tự vấn và tự thẹn mỗi khi được đối diện với những vầng trăng mùa thu tròn và sáng rỡ như thế không?
____________________________


------------------
*****

»» xem thêm

Nhân chuyện biểu tình, suy nghĩ cùng anh Vũ Duy Thông



Phạm Ngọc Luật *
 
Tôi không phải là người thân, càng không phải là thân thiết với anh Vũ Duy Thông, nhưng tôi biết anh đại loại thế này:
Anh học ở Đại học Tổng hợp Văn, ra trường về TTXVN. Có thời gian ngắn làm ở tạp chí Diễn đàn Văn Nghệ Việt Nam. Sau chuyển lên Ban Tuyên Huấn TW, làm vụ trưởng báo chí và xuất bản. Ở đây, anh có bằng TS về Mỹ học. Một năm vài ba lần trong các cuộc họp do Ban Tuyên Huấn và Bộ VH-TT tổ chức để định hướng các tờ báo và các NXB, anh (là vụ trưởng) và ông Cục trưởng của Bộ ngồi hai bên ông Thứ trưởng, đội hình trông chặt chẽ như Nam Tào và Bắc Đẩu bên cạnh Ngọc Hoàng. Rồi anh có học hàm PGS. Tóm lại là thăng tiến vững chắc. (Thú thực là hồi trước tôi thấy danh hiệu GS, PGS TS nó thật, nó khó và thiêng lắm. Sau này thấy nó bị chính trị hóa quá, mặt trận quá, thật giả mua bán lẫn lộn, tự nhiên thấy nó cũng thường, thậm chí có cảm giác ơn ớn vì hội chứng bằng cấp coi như thế mới là trí thức hạng cao).

Nói thêm điều đó, tuyệt nhiên tôi không có ý ám chỉ anh thuộc loại PGS – TS “mặt trận ấy”. Nhưng tôi thấy danh hiệu nhà thơ của anh lại được hơn, làm thơ được như anh là được. Từ đầu những năm 70, bài thơ “Bè ta xuôi Sông La” của anh đã được giải nhì, giải ba gì đó của cuộc thi thơ báo Văn nghệ. Do vị thế của anh, mà những dịp tết nhất, thơ của anh được đăng báo “hơi bị nhiều”, nhiều bài được, có những bài hay, chùm hay, tôi còn lưu giữ lại, chẳng hạn như cái chùm báo Văn nghệ có bài về hoa bằng lăng phố Thợ Nhuộm. Thơ anh thường có cái ngào ngạt của tình, có chất men say của rượu. Đương nhiên phải thấy là không ít bài được đăng vì người chứ không vì thơ… Làm thơ mà không có chức tước đi cùng thì thường nghèo khó lắm. Ông bạn vong niên của tôi – nhà thơ  Thiền dân gian Huyền Thi – Nguyễn Bảo Sinh có nói vui, tếu táo:
Muốn cho trộm chẳng tới nhà
Đề vào trước cửa đây là nhà thơ
Vậy nhà thơ mà có thêm chức tước, địa vị như anh thì hay quá, cũng ấm thân hơn, nhưng chính chỗ này có khi lại là biên giới mong manh của sự suy đồi và tha hóa. Cách hiểu thường thường của suy đồi, tha hóa là như phải dính vào tệ nạn xã hội kiểu đĩ điếm, cờ bạc, trộm cắp, lừa đảo, hút chích… Hiểu thế không sai nhưng chưa thật đúng về căn cốt. Cơ hội, biến chất, bè phái, giả dối, nịnh bợ, toan tính, lợi ích bè nhóm… đó là sự tha hóa, suy đồi ở cấp cao hơn, dưới bề ngoài thật sự bóng bẩy hơn. Nhà thơ Nguyễn Duy có hai câu thơ tôi tâm đắc:
Điếm cấp thấp bán trôn nuôi miệng
Điếm cấp cao bán miệng nuôi…thân
Thực ra anh Duy viết “bán miệng nuôi trôn” nhưng tôi muốn đổi đi một chút, ý tứ chắc không sai, chắc anh Duy cũng thông cảm được. Trích hai câu thơ này tôi không có ý gắn vấn đề anh Thông có thế không và đã thế chưa, nhưng khi đọc bài viết của anh trên báo Hà Nội mới ngày 22/08/2011 “Cần nhận rõ mưu đồ thâm độc”, anh lên án những người biểu tình ở Hà Nội mấy tuần qua thì tôi thấy hình như trong con người anh có nhiều phần của những con người khác.
Cảm giác đầu tiên của tôi là thấy buồn buồn cho con người, về con người sau khi đọc bài viết đó. Anh kết tội họ nào là “có mưu đồ xấu, nhẹ dạ, cả tin, bị lợi dụng, muốn các cố gắng của Đảng và Nhà nước ta bị thất bại”. Anh cho đó là “mưu đồ chống phá Đảng và Nhà nước ta, làm suy yếu để đi đến lật đổ chế độ v.v..” toàn là những từ ngữ kiểu lập trường to tát quá. Anh đánh giá họ quá tầm thường, xúc phạm họ một cách nặng nề trong đó có nhiều người là những trí thức danh giá mà cách thức biểu hiện lòng yêu nước của họ có thể không vừa khẩu vị anh và ai đó nhưng lòng yêu nước của họ là hàng thật, hàng xịn. Họ không mũ ni che tai, không lạnh tanh máu cá, không chép miệng triết lý vặt. Họ là những trí thức dấn thân. Họ nói và làm có thể không theo một khuôn phép thông lệ. Có thể nó đắng hơn mướp đắng, cay hơn ớt, xốc hơn mù tạt, nhưng không giả.
Mà sao thế nhỉ, đã từ khá lâu rồi, ở nước ta cứ hay nhắc đến những “âm mưu thâm độc” và “những thế lực thù địch” chống phá ta? Xin thưa là chẳng thế lực thù địch nào chống phá được ta bằng ta tự chống phá ta. Lòng người bất an thì xã hội bất an …
Tôi nhớ cái hồi nhà văn Hà Minh Tuân, sau vụ “Vào đời”, trông người mơ mét như gà phải cáo. Ở bếp ăn tập thể, ông nói nhỏ nhẹ: Đấy cứ xem, sử sách ngày xưa, sau mỗi chương, đoạn ghi về thời bất an, tao loạn đều có một dòng kết rằng: “Khắp nơi giặc giã và trộm cắp nổi lên như rươi”. Nói thật với anh là đến thời buổi này mà còn suy diễn, quy kết kiểu như thế thì xưa cũ quá, bảo thủ quá. Chỉ nói riêng về cuộc truy diệt Nhân văn – giai phẩm, một lĩnh vực mà chắc anh phải rất am tường, thì có ai trả lời, chỉ ra được bọn phản động nào đâu; mà nói như nhà thơ Lê Hoài Nguyên – một cựu sĩ quan an ninh thuộc A25 (cũ) trong một chuyên luận nghiên cứu khá công phu về Nhân văn – giai phẩm thì đây là “một trào lưu tư tưởng dân chủ, một cuộc cách mạng văn học không thành”. Thế thôi! Và có lẽ chỉ thế thôi! Những vị bị kết tội cầm đầu, phản động đều đã trở về với chính danh. Đương nhiên họ và gia đình họ quá thiệt. Đất nước cũng thiệt và còn mang tiếng. Vậy nên, quá nhiều bài học lịch sử cho thấy đừng quá suy diễn, đừng quá vội vàng bảo chỗ này là đen tối, chỗ kia là thâm độc, mưu đồ, phản động v.v ..
Trong bài báo anh bảo những người tụ tập biểu tình là “chuyện bé xé ra to”. Nói vậy là nhầm đấy. Chuyện độc lập dân tộc, chuyện toàn vẹn lãnh thổ bây giờ là chuyện to lớn nhất. Ông Nguyễn Trần Bạt, nhà nghiên cứu có tiếng, viết bao nhiêu sách, thuyết trình bao nhiêu buổi cho các chức sắc ở Hội đồng lý luận Trung ương và Học viện chính trị – Hành chính quốc gia nghe, đầu năm nay ông cũng khẳng định dứt khoát điều này, ông cho nó còn khẩn cấp hơn cả vấn đề kinh tế. Thể chế nhà nước có thể thay đổi, có thể tiêu tan, có thể mất đi nhưng đất nước này không thể để mất vào tay Ban lãnh đạo Trung Quốc. Thử hỏi đến giờ này nhân dân Việt Nam còn bao nhiêu người còn tin vào mấy chữ tốt, mấy chữ vàng, sự hữu nghị đầu lưỡi của Ban lãnh đạo Trung Quốc? Chưa tiện nuốt ngay thì họ nuốt ta từ từ từng miếng, từng vùng, từng khúc. Tôi cứ nghĩ ngày trước ta và Mỹ đánh nhau chí tử nhưng là một cuộc đánh “đàng hoàng”, ngửa bài. Còn Trung Quốc với ta bây giờ, xin thưa “đồng chí” mà vô vàn mưu ma chước quỷ. Tạm bỏ thời phong kiến Đại Hán ra, chỉ từ thời Trung Hoa cộng sản thì cũng đã… ác lắm rồi. Họ càng khỏe lên thì càng ác. Thôi thì Nhà nước lo chuyện đại sự theo kiểu của Nhà nước. Còn nhân dân họ có quyền lo quyền làm (cũng cho chuyện đại sự) nhưng theo kiểu của nhân dân, miễn là không phạm luật. Thế là quý lắm! Quan niệm mềm đi có khi được việc. Chứ nếu cứ dùng sức mạnh và tiền của cho được việc, lúc bấy giờ thì với Nhà nước, việc đó dễ như trở bàn tay nhưng tôi tin cái hại sẽ ngấm ngầm lâu lắm. Việc huy động công an và xe cộ, việc dựng vội mấy cái sân khấu ở những vị trí “ngon” với người biểu tình quanh Bờ Hồ hôm 21-8 là như vậy. Nói thật, tôi và nhiều người chưa bao giờ thấy một kiểu văn nghệ sống sít, vơ bèo vạt tép, miễn cưỡng như kiểu “Tinh thần thể dục” của nhà văn Nguyễn Công Hoan, ở sân khấu Bờ Hồ sáng đó. Nhiều cháu quá bé nhỏ yếu ớt, biểu diễn lâu dưới cái nắng rất oi bức, quả thật tôi lo cho các cháu dễ bị cảm, ốm. Tuần nào cũng vài ba buổi, không sáng thì chiều, tôi đi bộ quanh Hồ Gươm, tôi cứ thầm mong đừng bao giờ phải thấy cái kiểu văn nghệ hát hò như thế nữa. Thật chẳng làm gì có cái văn nghệ như anh Thông duy tưởng trong bài viết của mình đâu.


Có lẽ vì cảm hứng kinh viện, lại quá mẫn cảm ý thức bề trên cần dậy bảo mà anh Thông mấy lần đưa ra huấn thị về lòng yêu nước, khi thì dẫn lời Bác Hồ nói, khi thì mấy đồng chí lãnh đạo cao nhất nói, nói chung nó đúng và kêu như khẩu hiệu, như đường lối nhưng xem ra nó cứ chuội đi, cứ lô lố thế nào vì tính sách vở, kinh viện không đúng chỗ. Điều người dân quan tâm nhất là thực tế, là việc làm, mọi người, đặc biệt là các vị làm to, các vị là “đầy tớ của nhân dân”, các vị sống như thế nào, làm được gì và làm được bao nhiêu so với nói?
*
*        *
Anh Thông ạ, là người làm công tác văn hóa, nghệ thuật ở cấp trung ương (hình như anh cũng đã nghỉ hưu) lại là người làm thơ thường nhiều xúc cảm và rung động, chắc anh cũng phải biết một thực tế này. Đó là mấy lâu nay, đi bất cứ đâu, ở bất cứ chỗ nào (chợ búa, bến xe, vỉa hè, quán nước, bàn bia, bữa cơm gia đình, họp hành to nhỏ…) ta đều có thể nghe người ta bàn luận, thở than chuyện dân tình thế thái, chuyện lộn xộn, lùm xùm của đất nước mình. Người thì chép miệng, người chửi đệm một câu, người triết lý. Không ít người hăng say phân tích đầy thuyết phục, giỏi giang  v.v… Đấy là dân tình chứ còn là gì khác. Rồi cảm  giác bất an như lúc nào cũng lơ lửng trên đầu, như cứ chực rơi bất cứ lúc nào vào số phận mình, người thân của mình, bạn bè mình, và cả nhân dân, đất nước mình. Người lãnh đạo, người làm chuyên môn điều tra xã hội học, người làm công tác văn hóa tư tưởng như anh không thể bỏ qua thực tế đáng buồn này. Xin các vị làm to cứ thử “vi hành” (như tên một truyện ngắn của bác Hồ), cứ thử tiếp xúc với các cử tri (cử tri đặc thảo dân, không chấm chọn) kiểu này xem sao?
Rất đông nhân dân lao động hàng ngày lam lũ lắm, chẳng biết báo chí lề nào cả, bươn chải bám mặt đường để mưu sinh, nhưng họ biết cả đấy. Họ biết bằng trực cảm rồi trực ngộ. Có thể họ không thuộc một chữ một câu trong những định nghĩa về lòng yêu nước như anh đã dẫn ra, nhưng chính họ là người yêu nước hồn nhiên và xịn nhất.
Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm, nguyên ủy viên Bộ chính trị, có thời là thủ trưởng trực tiếp của anh, vừa đây có nói trên Lao động online như để chia sẻ, như để mỗi người tự thẩm thấu; cố nhiên ông không nhằm lên lớp dạy bảo ai, rằng, “Hiện nay trong dân có một tâm lý rất phổ biến là người ta không thích guồng máy hiện tại. Người ta không thích và ngại tiếp xúc với chính quyền trong khi cuộc sống của người dân lại có hàng trăm thứ phải gắn với chính quyền, bởi “những người đầy tớ của dân” luôn vòi vĩnh lạnh nhạt với dân. Đó là biểu hiện của sự xuống cấp về văn hóa giao tiếp, văn hóa hành chính, ứng xử. Với một guồng máy như vậy thì làm sao đất nước phát triển khi thiếu sự tin cậy giữa chính quyền và người dân. Hiện dân chỉ đối phó với chính quyền…”. Rồi ông kết luận : “Sống trong một xã hội như xã hội mình thì khi nào cũng phải sợ, bởi điều phiền toái xuất hiện từ những phía mà mình không ngờ được”. Chuyện biểu tình vừa rồi, tôi nghĩ cũng là một kiểu như vậy đấy. Chữ “phiền toái” ông Điềm dùng cũng rất là đúng trong câu chuyện biểu tình những ngày qua.
Không biết anh Thông có lướt hết vài trăm phản hồi trên báo mạng chỉ vài ba ngày sau bài viết của anh; nó dồn dập, tập trung và hầu hết là đúng, là hay, là chí lý. Đây cũng là dân tình. Nhưng dân tình ở một cấp độ giàu chất xám hơn mà thôi.
Chuyện biểu tình chẳng biết có còn nữa hay thôi. Còn hay thôi là tùy vào “ông bạn lớn” xấu chơi và sự ứng xử khôn ngoan, đúng luật pháp của chính quyền và của nhân dân. ứng xử khôn ngoan và đúng luật pháp còn cần thiết cho nhiều việc khác mà chính quyền và nhân dân có thể còn va vấp, đụng chạm nhau.
Nghĩ cho cùng, tôi và anh Thông và rất nhiều ai nữa chả là cái đinh gì trong dòng chảy của thời gian. Ngắn ngủi lắm! “Trăm năm còn có gì đâu. Chẳng qua một nấm cỏ khâu xanh rì” - đấy là nếu như không mất nước thì may ra chúng ta mới còn “một nấm” để mà ngâm như cụ Nguyễn Gia Thiều đã nói hộ.
Vậy nên, cầu mong cho nhân dân, cho dân tộc, cho đất nước là trên hết ./.
BS: * Ông Phạm Ngọc Luật, nguyên là Phó Giám đốc Nhà xuất bản Văn hóa-Thông tin.  Cùng một tác giả: Thanh Tâm: BIỂU TÌNH VÀ SƯA TẶC(Quê choa).

------------------
*****


»» xem thêm

Thứ Bảy, 10 tháng 9, 2011

Lính Trung Quốc đã được cải trang đưa vào Việt Nam?

TIN KHẨN CẤP: LÍNH TRUNG QUỐC ĐÃ ĐƯỢC CẢI TRANG THÀNH CÔNG NHÂN ĐƯA VÀO VIỆT NAM ?


-Phamvietdao.net: Đây là thông tin do một nguồn tin chuyển cho Phamvietdao.net; yêu cầu các nhà chức trách cho kiểm tra khẩn cấp....
-Xem kỹ ảnh 2 và 4, công nhân Trung Quốc vẫn con mặc quần áo rằn ri, tức quần áo lính tại công trường xây dựng nhà máy bauxite tại Tây Nguyên...

------------------
*****
»» xem thêm

Thứ Hai, 5 tháng 9, 2011

Binh đao Trần Đình Bá

Nguồn: tienphong

http://www.tienphong.vn/Phong-Su/550435/Binh-dao-Tran-Dinh-Ba-tpp.html

Binh đao Trần Đình Bá

TP - Chất giọng Nghệ nặng chịch khi vang khi rè. Con người lão dường như phảng phất vẻ bất an nào đó? Tập hợp những bài báo đã viết, lão có mấy cuốn sách bán khá chạy nhưng nổi có Hành trình đến chân lý và cuốn mới nhất Vui với cuộc đời.

Nhà báo Trần Đình Bá (trái) cùng tác giả
Nhà báo Trần Đình Bá (trái) cùng tác giả.

Đứng không yên ổn...

Chất giọng Nghệ nặng chịch khi vang khi rè. Con người lão dường như phảng phất vẻ bất an nào đó? Tập hợp những bài báo đã viết, lão có mấy cuốn sách bán khá chạy nhưng nổi có Hành trình đến chân lý và cuốn mới nhất Vui với cuộc đời.

Trong giới làm báo từng có giai thoại, người ta cầm hai cuốn ấy lên không coi sách mà ngửi rồi phán, Trần Đình Bá đây mà? Sao biết? Là có mùi binh đao!

Viên tâm là chữ người xưa để nói tâm trạng của con vượn luôn động. Động nên cứ phải là cựa quậy nhẩy nhót. Nguyễn Du có câu đứng không yên ổn ngồi không vững vàng để chỉ sự bất định luôn phải lăn tăn phân vân của một giống người.

Trần Đình Bá chẳng phải vượn mà là nhà báo. Có cảm giác đóng khung định hình không riêng chi tôi mà với nhiều đồng nghiệp là lão này lúc nào cũng thủ sẵn trong đầu và trong túi (tài liệu) về những vụ tham nhũng tiêu cực này khác? Những đường đi nước bước ấy lão chỉ hé ra một cách mơ hồ cho vài người được gọi là thân tín. Gọi là mơ hồ bởi lão không toạc ra những thứ cụ thể nhưng phàm người làm nghề chỉ mới nghe qua phải giật thột. Giật thột bởi sự khoa học và hiệu quả của những thứ bài binh bố trận cùng đường đi nước bước ấy!

Từng được nhận giải A (cùng đợt với lão năm 1987 của Hội Nhà báo Việt Nam) nhưng ngón nghề so với lão, cánh chúng tôi chỉ là muỗi! Mãi tận bây giờ ngồi nghe lại cái băng thâu buổi ấy hẵng còn rờn rợn với rân rân cảm xúc!

Phục nể bởi, thời điểm ấy, những công khai thẳng thắn đang còn phải co ro mà lão dám đứng mấy tiếng đồng hồ liền đôi co đối chất lẫn đối chứng với một cán bộ cao cấp như ông Tô Duy (Chủ tịch Trọng tài kinh tế T.Ư) dưới sự trực tiếp điều hành chủ trì của ông Đỗ Mười khi đó là Thường trực Ban Bí thư (Viết đến đây có lẽ phải biết ơn không khí cởi mở thông thoáng đến bất ngờ ấy do Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đã tạo dựng).

Vậy nên, có thể nói loạt bài Sự thật về nhà ở của ông Tô Duy của Trần Đình Bá không phải Giải A báo chí nữa mà phải đặc biệt hoặc A1 bởi là tiếng trống là hiệu lệnh khai cuộc cho cánh ký giả nước mình tuyên chiến với nạn đặc quyền đặc lợi.

Tôi từng được (hay phải đây?) can dự cùng lão hai việc. Một bệnh viện đầu ngành tuyến trên, người ta có sáng kiến biến một cô gái xinh xắn thừa khả năng sinh nở thành một... gã đàn ông! Người nhà cô ấy đâm đơn đến nhiều tòa báo.

Bây giờ, với sự tiến bộ kỹ thuật của ngành Y có lẽ cũng chả phải là nan giải nhưng những năm 1980 thiếu thốn, tránh sao khỏi việc chẩn đoán chữa trị nhầm lẫn! Nan giải, phức tạp thêm lại có sự bao che từ một cấp cao cho việc nhầm lẫn ấy... Người ta có thể sai lầm nhưng không được phép dối trá.

Trần Đình Bá chắc nịch như vậy tuyên chiến luôn và hăng hái kéo tôi vào cuộc... Suốt mấy tháng trời đôn đáo, hai chúng tôi chỉ viết được ba bài báo về vụ ấy nhưng lão lấy làm mãn ý! Tuy không có công văn tiếp thu phê bình nhưng sự im thít của ban lãnh đạo bệnh viện nọ có lẽ đã thay cho sự trả lời?

Việc thứ hai có lẽ là cái tình đồng nghiệp. Đận ấy báo tôi bị khởi tố vì một bài báo mà tôi là tác giả. Tìm đến lão như một sự tự nhiên trong lúc hoạn nạn. Lão thẳng tưng, chỉ cộng tác với tôi với ba điều kiện và cũng là nguyên nhân để cứu được nhau.

Có ăn tiền không? Ban biên tập có ủng hộ có dũng cảm để bảo vệ cái đúng của phóng viên không? Cấp chủ quản có bảo vệ không? Hội đủ được ba cái có có không không ấy chả phải dễ. Nhưng trong những duyên do của lần thoát nạn đó, toa thuốc của Trần Đình Bá quả là có tác dụng công phạt. Mà hình như vẫn hữu hiệu vẫn là thời sự với nghề báo, vốn là cái nghề mong manh?

Lần ấy, một ông cán bộ hàm bộ trưởng (vốn chỗ quen biết và giao thiệp rộng với nhiều ký giả) trong cuộc họp đã kéo mấy anh em chúng tôi ra... Chuyện gần chuyện xa, hóa ra ông ngỏ ra dự định là làm sao bảo cái tay Trần Đình Bá nên dừng vụ đất đai ở Thủ Đức (đang là vấn đề thời sự cuối những năm 1990) bởi phức tạp và nhạy cảm lắm, khéo mà rước họa!?

Thấy lũ chúng tôi nhe răng ra mà cười rằng không muốn bị lão cho ăn chửi thì ông nọ lại ngỏ ra ý làm sao tạo điều kiện để ông gặp lão một tý! Tất nhiên đám chúng tôi làm sao mà tạo điều kiện được. Vì khi đó cánh ký giả trong làng đều hay lão ấy là thứ dữ. Xin lẩy ra đây một chi tiết: có một thời gian dài, có mấy lá đơn tố cáo những cán bộ quyền cao chức trọng. Những lá đơn đã nhiều lần gửi đến các cá nhân và cơ quan có trách nhiệm và hầu như trong làng báo ai cũng biết bởi tác giả của những lá đơn đó là Trần Đình Bá! Phen này lão chỉ có đi đứt! Nhiều người nghĩ vậy.

Mặc dầu không ai nghi ngờ những chi tiết vụ việc mà Trần Đình Bá tố trong đơn nhưng cung cách trứng chọi đá khó hiệu quả mà còn rước bao thứ họa vào thân! Thế mà gần 3 năm tố như thế, lão vẫn an lành mới là sự lạ? Hình như vị lãnh đạo cao cấp nào đó đã đúng? Đúng khi có người hỏi, có phải ông đứng sau Trần Đình Bá? Vị ấy trả lời, có lẽ sau Trần Đình Bá là nhân dân!

Tôi chả mấy tin vào những lào phào của ai đó rằng vị thượng tá nguyên PV Báo Quân đội nhân dân này là người... Cục 2. Lại cũng chả chắc chắn những hậu thuẫn hậu phương để bảo vệ lão những là có nhiều thân nhân người có công với cách mạng trong đó có bà cụ thân sinh vv...

Nhưng dứt khoát trong cuộc chiến với tiêu cực của giới báo chí nói chung và Trần Đình Bá nói riêng, ngoài nhân dân với vô vàn tai mắt, ngoài cơ chế và luật pháp hiện hành, tôi cứ mang máng, phải có ảnh hưởng, phải có đột biến của những yếu nhân với sức mạnh hữu hiệu nhưng kín đáo? Nếu không vậy thì cuộc đời chắc phải thê thảm lẫn buồn tẻ lắm?

Trần Đình Bá dâng lễ vật cúng vong hồn anh ruột Trần Đình Mai tại nơi anh hy sinh trong cuộc chiến tranh chống Mỹ (xã Quảng Tùng, huyện Quảng Trạch, Quảng Bình)
Trần Đình Bá dâng lễ vật cúng vong hồn anh ruột Trần Đình Mai tại nơi anh hy sinh trong cuộc chiến tranh chống Mỹ (xã Quảng Tùng, huyện Quảng Trạch, Quảng Bình).

Tiền đâu ra?

Lần ấy khi cả bọn đã bung biêng mấy chén rượu mật gấu, lão rè rè chất giọng Nghệ nặng trịch cố hữu anh nói các chú nghe, anh bây giờ không giầu nhưng đủ sống. Khá nữa. Không sống khá, chỉ “thèm tiền” thì không làm báo được đâu, nhất là viết báo chống tiêu cực”.

Khá nữa... Thì đã rõ. Từ khi lão về hưu kiêm nghề tạm gọi là nhà báo tự do, có lúc nhà lão nuôi mấy chục con gấu (rượu mật gấu là từ đó. Bây giờ cấm, lão bỏ nuôi gấu lâu rồi). Lại có trang trại ở Lương Sơn. Lại ôm hàng tấn nấm linh chi về để liên danh chế tác rượu Hương rừng...

Lắm buổi thoát khỏi cái vầng ám Trần Đình Bá, tôi đôi hồi và giật thột với ý nghĩ, tiền lão đâu ra? Nó cũng nhiêu khê và gian nan như việc kê khai tài sản của một số quan chức nhà ta vậy?

Đủ độ thân mật nên có bận tôi hỏi thẳng. Lão toang toác không phải với riêng tôi mà nhiều người, nhiều lần. Bác nói ngay với các chú, trước khi viết cuốn sách Đi tìm Chân lý đầu tay, nhà bác trần xì hai cái xe đạp, ti vi còn chưa có mà xem. Năm 1989, bác in 8 vạn bản cuốn Chân lý, bán 2000 đồng/cuốn mà vàng bấy giờ 35.000 đ/chỉ. Chú hãy tính là tôi có bao nhiêu vàng?

Cùng nhẩm tính. Sau khi trừ chi phí, Trần Đình Bá đã có khoảng gần 300 cây vàng. Mà đất mặt tiền bấy giờ giá chỉ một vài chỉ vàng một mét vuông!

Có tiền, tôi mua đất và nuôi gấu. Từ khi 1 cc mật gấu có giá 250.000 đồng, tôi đã nuôi 60 con gấu. Khi mật gấu xuống 100.000 đồng/cc, tôi bắt đầu bán. Tôi gọi khách đến, bán gấu với công thức như sau: Con gấu cho 1 cc mật giá 1.000.000 đ, mật gấu người mua hưởng; trong đàn gấu của tôi phần lớn đều cho 60 cc mỗi con, vậy là thành một món tiền lớn.

Thú thực tôi nghe vậy chỉ biết vậy! Chợt nghĩ đến một ông bạn được một người bạn là doanh nhân quý lắm, biếu gần 800 triệu đồng. Tiền ấy được giao giá là thay vì mua xe ô tô thì dùng vào việc đi taxi đến lúc chết! Lại nghĩ đến một vị doanh nhân khác làm xây dựng nhưng lại có duyên làm chùa.

Mà chùa vị ấy xây khá hoành tráng kiểu liên hoàn tổng thể chi phí nhiều tỷ bạc. Nghe phong thanh là một số người đã lặng lẽ giấu tên cung tiến tiền để xây chùa làm phúc cho người đời lẫn con cháu!

Chợt nghĩ, chợt thấy để vận vào trường hợp của lão có mà trật khấc! Bởi chắc chả có vị nào hảo tâm cúng tiền cho Trần Đình Bá để làm cái việc đấu tranh chống tiêu cực cả. Nhưng hình như việc phanh phui cái xấu cái ác cũng là một dạng làm phúc? Cá nhân ai đó bớt oan khuất, xã hội đỡ nặng nề u ám và việc làm ăn của lão cũng có chút hanh thông?

Binh đao. Dẫu là trong báo trong sách người ta cũng chả mấy chuộng? Nhưng cuộc sống bây giờ cần lắm những cuộc ra quân, những cú khai đao? Sao cứ dần hiếm đi những Trần Đình Bá?

Nhà báo Trần Đình Bá sinh năm 1947 tại Nghệ An. Năm 1972-1975 tham gia chiến đấu tại Mặt trận Quảng Trị. Phóng viên Báo QĐND từ năm 1976 đến năm 2002. Năm 2002 về hưu với cấp hàm thượng tá.

Năm 1930, gia đình Trần Đình Bá đủ một chi bộ Đảng, nơi tổ chức in truyền đơn cho phong trào Xô - viết Nghệ Tĩnh. Ông cụ thân sinh là Nông hội trưởng Nông hội đỏ. Khi phong trào bị đàn áp, nhà cửa, ruộng vườn bị đốt sạch. Ông nội và chú ruột bị bắn chết.


Xuân Ba

Ý kiến của bạn đọc

------------------
*****
»» xem thêm

Tìm kiếm Blog này