++ Hãy đến với nhau bằng tấm lòng trung thực!++

Thứ Hai, 11 tháng 7, 2011

Carlyle A. Thayer: Trung Quốc bác bỏ Công ước LHQ, khẳng định chủ quyền trên biển Hoa Nam.

Nguồn: Ba Sàm

Biển Đông: vùng biển chung chỉ dành riêng cho Trung Quốc?    

Ngày 8-7-2011

Trung Quốc bác bỏ Công ước LHQ, khẳng định chủ quyền trên biển Hoa Nam.
Cùng với việc trung tâm kinh tế toàn cầu dịch chuyển về phía đông, cho thấy sự trỗi dậy của Trung Quốc với tư cách nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới, những tuyến đường mậu dịch phục vụ cho khu vực đã trở nên quan trọng hơn nữa. Thực trạng này cũng tạo sự chú ý tới Công ước LHQ về Luật Biển 1982, viết tắt UNCLOS. Đây là cơ chế pháp lý quốc tế đã kiểm soát trật tự toàn cầu trên biển suốt một thập kỷ rưỡi qua, và Đông Á đã trở thành đấu trường mới cho các cuộc xung đột.

Chú thích ảnh: Trung Quốc bảo cái này là của họ=>
Trung Hoa vừa gửi đi những tín hiệu bác bỏ UNCLOS, bằng việc khẳng định “chủ quyền không thể tranh cãi” trên biển Hoa Nam. Lập trường của Trung Hoa va chạm với yêu sách của sáu nhà nước khác xung quanh khu vực biển Hoa Nam: Đài Loan, Việt Nam, Philippines, Malaysia và Brunei. Cả sáu nhà nước này đều có những yêu sách khác nhau khẳng định chủ quyền biển đảo của mình, dựa trên UNCLOS.

Những yêu sách ra đời từ hàng chục thập niên trước, nay đã trở nên khẩn cấp hơn với việc Trung Quốc nổi lên như một cường quốc về mậu dịch, và phụ thuộc hơn bao giờ hết vào các tuyến đường biển quốc tế kéo dài từ vùng biển Đông Á sang tận Trung Đông. Một thời Trung Quốc đã từng tự cung tự cấp được về tài nguyên năng lượng. Bây giờ thì họ phải nhập khẩu dầu, và sự phụ thuộc của họ vào khí đốt nhập khẩu sẽ tăng lên rõ rệt trong hai thập niên tới. Mối quan tâm của Trung Quốc tới sự an toàn của các tuyến đường giao thông – liên lạc trên biển, nhu cầu của họ về tài nguyên băng cháy (1), dồn cả vào biển Hoa Nam, nơi được cho là có chứa những mỏ dầu và mỏ khí với trữ lượng rất đáng kể.
 
UNCLOS bắt đầu có hiệu lực từ năm 1996, như là một cơ chế pháp lý toàn cầu nhằm điều tiết quyền và trách nhiệm của các quốc gia ven biển trong lĩnh vực hàng hải. UNCLOS là một thỏa thuận rất tinh vi giữa các quốc gia ven biển và các quốc gia sử dụng biển vì mục đích kinh tế.

Theo UNCLOS, tất cả các quốc gia ven biển đều có quyền xác lập một vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) 200 hải lý tính từ đường bờ biển của họ. Họ được hưởng chủ quyền đối với tất cả các tài nguyên trong khu vực này, kể cả biển và đáy biển. Các quốc gia sử dụng biển thì có quyền qua lại EEZ trên biển và trên không. UNCLOS bắt buộc cả quốc gia ven biển lẫn quốc gia sử dụng biển phải tôn trọng quyền của bên kia.

Thêm vào đó, UNCLOS phân biệt rõ giữa đảo và các cấu trúc địa lý khác, như là đá. Đảo (island) được định nghĩa là vùng đất có biển bao quanh và có thể tự nó duy trì sự sinh sống hoặc đời sống kinh tế của con người. Theo luật quốc tế, các đảo đều đủ điều kiện để có EEZ 200 hải lý. Các cấu trúc khác trên biển – gồm đá, vỉa san hô, đảo nhỏ (islet), bãi cát – đều không đạt điều kiện để có EEZ.

Những rắc rối trên biển Hoa Nam bắt nguồn vừa từ vị trí của nó (nằm ở trung tâm của khu vực giao thông hàng hải đông đúc thứ nhì thế giới, nối Đông Á với Trung Đông) vừa từ địa hình phức tạp của nó. Nó bao gồm hai quần đảo: Paracel (Hoàng Sa trong tiếng Việt – ND) ở phía bắc và Spratly (Trường Sa) ở phía trung tâm. Cả hai quần đảo này, với vô số cấu trúc địa lý đi kèm, đều được đánh dấu trên bản đồ hàng hải là vùng nguy hiểm. Vì lý do an toàn hàng hải, tuyến đường giao thông – liên lạc trên biển phải lượn vòng quanh những nhóm đảo này, phía đông đến gần Philippines và phía tây thì gần Việt Nam. Biển Hoa Nam có ý nghĩa kinh tế rất lớn vì vựa cá và nguồn băng cháy của nó, cả hai tài nguyên này đều đã được xác minh và rất có tiềm năng.

Trung Quốc và Đài Loan ra yêu sách chủ quyền đối với gần như toàn bộ biển Hoa Nam, căn cứ vào cái gọi là “phát hiện từ trong lịch sử”. Trung Quốc chiếm hữu toàn bộ nhóm đảo Paracel (Hoàng Sa) và ít nhất bảy cấu trúc địa lý (2) khác trên biển Hoa Nam. Đài Loan chiếm một đảo có thể nói là duy nhất – theo nghĩa pháp lý của UNCLOS – ở Spratly (Trường Sa).

Phần còn lại của quần đảo Spratly do các nhà nước như sau nắm giữ, mỗi bên một phần: Việt Nam chiếm hơn 20 cấu trúc (nghĩa là gồm cả đảo, đảo nhỏ, đá, vỉa san hô, bãi – ND), nhiều nhất; Philippines: 9; Malaysia: ít nhất 5. Brunei không chiếm mảnh nào và chỉ có yêu sách đòi vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý.

Năm 2002, Hiệp hội Các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Trung Quốc tìm cách kiểm soát tranh chấp chủ quyền bằng việc thông qua Tuyên bố chung về ứng xư của các bên trên biển Hoa Nam (DOC). Họ cam kết giải quyết các bất đồng một cách hòa bình, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực. Văn bản này cũng vạch ra một số hoạt động hợp tác và các biện pháp xây dựng niềm tin, mà cuối cùng chưa bao giờ được thực hiện.

Những căng thẳng hiện nay trên biển Hoa Nam nảy sinh một phần từ sự kiện tháng 5 năm 2009, khi Ủy ban LHQ về ranh giới thềm lục địa ra hạn chót cho việc nộp hồ sơ xác lập thềm lục địa mở rộng, tức là vượt hơn mức 200 hải lý. Việt Nam và Malaysia đều đã gửi hồ sơ chung và riêng của họ. Động thái này khiến Trung Quốc phản đối.

Về phần hồ sơ của mình, Trung Quốc chính thức đệ trình – lần đầu tiên – một bản đồ biển Hoa Nam trong đó có một đường chín đoạn tạo thành hình chữ U, nằm ở bên dưới bờ biển phía đông của Việt Nam, chạy tới phía bắc Indonesia và sau đó tiếp tục hướng về phía bắc tới tận bờ biển tây của Philippines. Ngoài ra Trung Quốc không đưa thêm văn bản nào nữa chẳng hạn để nêu ra tọa độ địa lý của đường chữ U này, hoặc các đoạn được nối vào nhau như thế nào. Vùng chủ quyền của Trung Quốc, theo như yêu sách của họ, đi sâu vào vùng đặc quyền kinh tế của các quốc gia ven biển (ở Đông Nam Á – ND).

Nghiêm trọng hơn, Trung Quốc để các yêu sách của họ trong tình trạng không rõ ràng: Có phải bản đồ hình chữ U của Trung Quốc đòi chủ quyền đối với tất cả các đảo và các cấu trúc địa lý? Bản đồ đó đòi chủ quyền trên toàn bộ khu vực hàng hải (Đông Nam Á), coi đó là vùng biển của Trung Quốc? Hay là Trung Quốc muốn đưa ra yêu sách rằng những đảo đá (rock) kia thực chất là đảo (island) và do đó được phép có vùng đặc quyền kinh tế?

Trung Quốc đã gây sức ép đối với các công ty Mỹ, không cho họ hỗ trợ các nước khác trong việc thăm dò khai thác dầu khí. Trung Quốc đã đơn phương áp đặt lệnh cấm đánh bắt cá hàng năm lên ngư dân Việt Nam. Năm nay, Trung Quốc thể hiện một thái độ hung hãn bất thường khi họ can thiệp vào các hoạt động thương mại của tàu thăm dò khai thác dầu khí hoạt động trên vùng đặc quyền kinh tế của Philippines và Việt Nam. Việt Nam đã phản ứng lại với vụ Trung Quốc cắt cáp hai tàu của họ, bằng việc đưa một tàu trở lại hoạt động trên biển nhưng có tàu hộ tống mang vũ khí đi kèm, và tiến hành một cuộc tập trận bắn đạn thật ven biển của họ.

Các nước có yêu sách chủ quyền khác ở Đông Nam Á thì tìm cách giải quyết tranh chấp với Trung Quốc bằng cách hợp lại với nhau và đưa ra lập trường chung. Họ muốn đàm phán với Trung Quốc trên cơ sở đa phương. Còn Trung Quốc khẳng định rằng tất cả tranh chấp chủ quyền đều phải được giải quyết song phương giữa các nước có liên quan trực tiếp. Sự khác biệt về đường lối tiếp cận này gây khó khăn cho các nỗ lực ngoại giao giữa ASEAN và Trung Quốc nhằm thiết lập các nguyên tắc chung cho việc làm sống lại bản Tuyên bố chung 2002 đang hấp hối, và nâng cấp nó thành một bộ quy tắc ứng xử có tính ràng buộc về pháp lý hơn.

Mỹ và các siêu cường hải quân khác khẳng định họ có quyền lợi chính đáng liên quan và phải là một phần trong quá trình đàm phán. Ngoại trưởng Hillary Clinton tuyen bố Mỹ có lợi ích quốc gia trong vấn đề tự do hàng hải, tự do ra vào vùng biển chung của châu Á và trong việc các bên đều tôn trọng công pháp quốc tế trên biển Hoa Nam.

Thái độ quyết liệt một cách hung hãn của Trung Quốc đã thành phản tác dụng. Nó đã đẩy các bên có yêu sách chủ quyền ở ASEAN xích lại gần nhau và tạo cho Indonesia – chủ tịch ASEAN năm 2011 – cơ hội để khẳng định vai trò trung tâm của ASEAN trong an ninh khu vực. Các nước Đông Nam Á muốn Mỹ tham gia và hỗ trợ những nỗ lực của họ trong việc ứng xử với Trung Quốc. Thêm vào đó, hai quốc gia đã ký hiệp ước đồng minh là Philippines và Mỹ cũng đang hợp tác chặt chẽ hơn về lĩnh vực quốc phòng. Việt Nam và Mỹ đang thúc đẩy quan hệ mới chớm về quốc phòng.

Điều quan trọng sống còn là ASEAN và các siêu cường ủng hộ họ phải thành công trong việc giải quyết các tranh chấp chủ quyền trên biển Hoa Nam căn cứ vào UNCLOS. Nếu không thì “kẻ mạnh cứ làm gì chúng thích và người yếu thì phải chịu đựng những gì họ phải chịu” – như lời sử gia Hy Lạp Thucydides từng nói hàng thế kỷ trước. Việc Trung Quốc biến biển Hoa Nam thành một kiểu “biển của chúng tao” (3) thời hiện đại sẽ phá hoại cái cơ chế pháp lý quốc tế đang góp phần xây dựng trật tự toàn cầu kia.

(Carlyle A. Thayer là giáo sư danh dự Đại học New South Wales thuộc Học viện Quốc phòng Australia, Canberra. Bài báo này được in lại với sự cho phép của Trung tâm Nghiên cứu Toàn cầu hóa Yale.)

Chú thích ảnh: Trung Quốc bảo cái này là của họ
Chú thích của người dịch:
(1) Băng cháy: Hỗn hợp rắn giống băng, có cấu trúc gồm tinh thể nước bao quanh một phân tử khí hydro carbon. Hầu hết các vỉa băng cháy trên trái đất đều có thành phần khí là metan. Băng cháy đang được các quốc gia khát năng lượng xem là nhiên liệu lý tưởng thay thế dầu mỏ trong 10 năm tới. (SGTT, http://sgtt.vn/Thoi-su/Quoc-te/85720/Chau-A-Cuoc-dua-tim-kiem-bang-chay.html)
(2) Nguyên văn: Features. UNCLOS đề cập tới một số loại cấu trúc địa lý:
+ Đá (rock) có diện tích nhỏ hơn 0,001 hải lý vuông (1 hải lý [nautical mile] = 1,852 km)
+ Đảo nhỏ (islet) có diện tích 0,001 – 1 hải lý vuông
+ Đảo vừa (isle) có diện tích 1 – 1.000 hải lý vuông
+ Đảo lớn (island) có diện tích trên 1.000 hải lý vuông
Cho đến nay, vẫn chưa có sự phân loại các đảo một cách cụ thể chính xác của bất cứ cơ quan, tổ chức quốc tế nào. Tiếng Việt hiện nay chỉ có một từ chung là “đảo”, để chỉ cả rock, islet, isle và island, thậm chí cả từ “feature”.
(3) “mare nostrum”, tiếng Latin nghĩa là “biển của ta”, cách người La Mã ngày xưa gọi Địa Trung Hải.
Người dịch: Thủy Trúc
Bản tiếng Việt © Ba Sàm 2011

------------------
*****

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tìm kiếm Blog này