++ Hãy đến với nhau bằng tấm lòng trung thực!++

Thứ Bảy, 30 tháng 7, 2011

Ý kiến dư luận về loạt bài “Những chứng cứ lịch sử và cơ sở pháp lý khẳng định chủ quyền Việt Nam tại Hoàng Sa và Trường Sa” (30/07/2011)

Nguồn: daidoanket.vn

 
 
LTS: Sau khi báo Đại Đoàn Kết đăng loạt bài "Những chứng cứ lịch sử và cơ sở pháp lý khẳng định chủ quyền Việt Nam tại Hoàng Sa và Trường Sa” gồm 29 bài từ ngày 21-6 đến 23-7-2011, Toà soạn đã nhận được rất nhiều ý kiến chia sẻ, cổ vũ, động viên, góp ý từ bạn đọc của báo. Loạt bài đã thu hút sự quan tâm của nhiều vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cán bộ Mặt trận các cấp, các cán bộ lão thành, các nhà nghiên cứu, các nhà khoa học, kiều bào ta ở nước ngoài và những người dân bình dị nhất. Số báo này, báo Đại Đoàn Kết xin trích đăng một phần trong số những ý kiến mà chúng tôi đã nhận được.

 
Nhân dân ra thăm các chiến sĩ đảo An Bang
trên quần đảo Trường Sa
 
Nhà sử học Dương Trung Quốc:
Phải nhìn nhận khách quan về đóng góp của mỗi thế hệ người Việt cho lịch sử chung của dân tộc
Thời gian qua tôi theo dõi sát sao loạt bài viết về "Những chứng cứ lịch sử và cơ sở pháp lý khẳng định chủ quyền Việt Nam tại Hoàng Sa và Trường Sa” đăng trên Báo Đại Đoàn kết. Tôi cho rằng, Báo Đại Đoàn kết đã đặt vấn đề rất đúng và trúng. Chúng ta phải đặt Tổ quốc lên trên hết. 

Theo tôi khi nhìn nhận lại lịch sử, chúng ta phải thấy mỗi một thế hệ người Việt Nam có đóng góp gì vào lịch sử chung của dân tộc để chúng ta trân trọng. Thí dụ như vấn đề biển đảo chẳng hạn, rõ ràng có một thời kỳ đất nước ta bị chia cắt, rõ ràng trách nhiệm chung với lãnh thổ quốc gia là của tất cả các lực lượng chính trị. Những gì mà cá nhân nào, thể chế chính trị nào có đóng góp cho chủ quyền Tổ quốc thì đều nên ghi nhận, lịch sử không nên là những ý tưởng thuần túy. Theo tôi đừng biến lịch sử thành cái gì vô nhân xưng, nó phải có gương mặt, tên tuổi con người. Những người lính dù của chế độ chính trị nào mà bảo vệ Tổ quốc, chúng ta đều phải tôn trọng.

Tôi cho việc nghiên cứu vấn đề Biển Đông nên tiếp cận ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Có những vấn đề đi vào chuyên môn sâu để xây dựng luận chứng bảo vệ chủ quyền trên cơ sở nền tảng khoa học, trong đó có luật pháp, có lịch sử. Có những cái thuộc về giáo dục, tạo ra ý thức chung, sự đồng thuận chung khi đứng trước thử thách như vậy. 

Tốt nhất chúng ta nên hiểu việc bảo vệ chủ quyền thành ý thức hay nói cho đúng là tâm thế thường trực, chứ tôi không nghĩ chỉ tổ chức thành một chiến dịch tuyên truyền. Có nghĩa là mình cần có giáo dục lâu dài về vấn đề này. Ví dụ ngay trong SGK dạy học sinh, từ bé mình phải có hệ thống kiến thức vừa với tầm suy nghĩ của mỗi lứa tuổi, mỗi cấp học ăn sâu vào tiềm thức của con người một cách lâu dài không phải là đối phó theo tình huống.

468dung@gmail.com. Địa chỉ: 44h2 Lê Phụng Hiểu, P.Bình Khánh, TP Long Xuyên, tỉnh An Giang:
Tôi sẽ mua báo Đại Đoàn Kết
Lời đầu tiên tôi gửi lời chúc sức khỏe và thái độ rất trân trọng đến toàn thể các anh, các chị nhất là Ban biên tập của báo. Các anh, các chị đã lên tiếng về những vấn đề nóng của đất nước, của dân tộc trong thời gian gần đây. Tôi chỉ là một người thích được báo hơn là phải viết gì gửi cho báo, nhưng hôm nay tôi phải cố gắng viết về những suy nghĩ của tôi. Tôi cũng không biết bài viết của mình có được đăng báo không và tôi cũng không biết đặt cái tựa mà bài báo mình sẽ viết có tên gì, nếu được Ban biên tập chọn đăng, nhờ Ban biên tập chọn cho cái tựa. Tôi là một độc giả trung thành của hai tờ báo khác, mấy chục năm qua mỗi sáng sớm khi bụng đang đói, ngoài trời đang giông bão, mưa to nhưng tôi phải vượt đường hai chuyến đi về gần 10 km để mua báo về đọc, cho dù những năm gần đây tôi đã xem tin tức trên mạng, nhưng tôi vẫn phải mua 2 tờ báo đó vì nó đã ăn sâu vào trong cảm xúc và tiềm thức của tôi. Nhưng rồi vào những ngày tháng 7 tôi được đọc loạt bài này trên báo Đại Đoàn Kết. Vậy là từ nay báo Đại Đoàn Kết sẽ là người bạn cùng tôi trong suốt quãng đường còn lại vì tờ báo này đang đồng hành cùng nhân dân, Tổ quốc và dân tộc.
 
 
Chăm sóc rau xanh ở nhà giàn DK1
Ảnh: H.S
 
Ông Nguyễn Hòa Bình, Bí Thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi, Viện trưởng Viện KSND tối cao:
Tôi hoan nghênh loạt bài viết này
Tôi đã dành khá nhiều thời gian để đọc những bài viết liên quan đến chủ quyền biển đảo của Tổ quốc đăng trên báo Đại Đoàn kết. Với tư cách là một công dân Việt Nam, lãnh đạo của một tỉnh có biển, tôi rất hoan nghênh loạt bài viết này. Có thể nói Quảng Ngãi là một trong các địa phương mà ngư dân cảm nhận rất là rõ nét những cái khắc nghiệt về tình hình phức tạp ở Biển Đông. Do đó, chúng tôi rất mong muốn báo chí phải vào cuộc phản ánh nhiều hơn nữa đời sống nhiều rủi ro của người dân do thiên tai, nhân tai gây ra. Qua đó có kêu gọi các nguồn lực, kể cả trong nước và ngoài nước hỗ trợ cho ngư dân. Tôi mong muốn có có nhiều tờ báo cùng vào cuộc như báo Đại Đoàn kết, tăng cường hơn nữa việc tuyên truyền về chủ quyền biển đảo.

tronghieu7371@yahoo.com
Tôi yêu báo Đại Đoàn Kết
Nhiệt liệt hoan nghênh báo Đại Đoàn Kết đăng loạt bài này, người dân Việt Nam rất vui khi biết được nội dung Công hàm của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Rất đáng khen ngợi cho Ban biên tập và tập thể phóng viên báo Đại Đoàn Kết, tôi rất muốn nói: tôi yêu báo Đại Đoàn Kết.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thanh Tùng, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Thái Nguyên,
Báo Đại Đoàn kết nên đưa thêm những bài viết về chủ quyền biển đảo
Về vấn đề chủ quyền biển đảo của Tổ quốc thời gian qua, tôi có đọc trên nhiều tờ báo. Tuy nhiên, về chất lượng thông tin, loạt bài trên báo Đại Đoàn kết đưa tương đối mạnh và đậm nhất, thu hút sự chú ý của bạn đọc và tạo được tiếng vang trong dư luận. Tôi cho rằng loạt bài tuyên truyền về những chứng cứ lịch sử chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là đúng đắn, qua đó giúp cho người dân trong và ngoài nước thấy rõ hơn về chứng cứ chủ quyền của chúng ta. Vấn đề chủ quyền của ta, tại sao lại không được quyền nói mạnh. 

Thời gian qua, Báo Đại Đoàn kết rất quan tâm đến vấn đề này, chúng ta đưa như thế là hợp lý, nếu cần sẽ phải tiếp tục đưa thêm những bài viết khác. Ý kiến cử tri cũng bày tỏ mong muốn Quốc hội khóa XIII có bàn bạc về vấn đề Biển Đông và đưa ra những quyết sách về Biển Đông. Nếu QH có thảo luận về vấn đề này, chúng tôi cũng sẽ đóng góp ý kiến.
 
Đoàn Đại biểu 54 dân tộc anh em với các công dân " nhí”
trên quần đảo Trường Sa
Ảnh: HOÀNG LONG
 
toivanlatoi19811988@yahoo.com
Xin cảm ơn báo Đại Đoàn Kết
Xin cảm ơn báo Đại Đoàn Kết, cuối cùng thì cũng có một cơ quan ngôn luận chính thức của Nhà nước giải thích rất rõ ý nghĩa của Công hàm của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng 1958, bao năm qua Công hàm này đã bị xuyên tạc một cách trắng trợn không chỉ của Trung Quốc mà còn cả của những thế lực chống phá Nhà nước muốn lợi dụng nó để nói xấu chính quyền Việt Nam. Nay, bài báo này đã khiến họ phải nghĩ lại. Cử chỉ hữu nghị của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng hồi đó là rất cần thiết và minh bạch.

Đại biểu Quốc hội Phạm Xuân Thăng, Chủ tịch UBMTTQ tỉnh Hải Dương
Cử tri rất quan tâm đến loạt bài này
Tôi nghĩ rằng vấn đề Biển Đông là vấn đề mang tính lịch sử, chính trị, liên quan đến lợi ích của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Để giải quyết được vấn đề này thật hài hòa, đòi hỏi chúng ta cần phải có đường lối ngoại giao, cách giải quyết thật mềm dẻo, linh hoạt.

Hiện nay cử tri rất quan tâm đến vấn đề Biển Đông. Vừa qua Báo Đại Đoàn kết có loạt bài đưa ra những chứng cử lịch sử về chủ quyền của Việt Nam ở hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Là một cán bộ Mặt trận, đồng thời là một bạn đọc, tôi đánh giá rất cao loạt bài này. Qua theo dõi, chúng tôi thấy đại đa số cử tri, nhất là những cử tri cao tuổi rất quan tâm đến loạt bài này. Loạt bài đã giúp cho cử tri cả nước nâng cao nhận thức của mình về chủ quyền không thể chối cãi được của Việt Nam với hai quần đảo nói trên. Thông qua đó, cử tri cũng có một cái nhìn đúng đắn hơn về cách giải quyết vấn đề Biển Đông. 

viethoang123@yahoo.com
Nên dịch loạt bài viết ra nhiều thứ tiếng
Tôi đề nghị báo Đại Đoàn Kết nên dịch loạt bài viết ra nhiều thứ tiếng
Hoan hô báo Đại Đoàn kết - luôn đi đầu trong việc định hướng dư luận, giở lại lịch sử nhằm đáp trả những thông tin vu khống, suy diễn nhằm xưng bá Biển Đông. Tôi đề nghị báo Đại Đoàn Kết nên dịch các bài viết trong loạt bài ra nhiều thứ tiếng - đặc biệt là tiếng Anh và tiếng Trung để nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới và cả người Trung Quốc được biết.

Ông Vũ Quốc Hùng - Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương
Hoan nghênh báo đã công phu và công khai
Tôi đọc từ số đầu đến số cuối và khi xếp chúng lại từ bài 1 đến bài 29 thì tôi thấy cách sắp xếp lại tư liệu lịch sử và các chứng cứ pháp lý của báo như vậy là rất hợp lý, đúng đắn. Tôi hoan nghênh báo đã mạnh dạn, công phu và công khai khi triển khai loạt bài này. Những tư liệu liên quan đến chủ quyền biển đảo của Việt Nam trong loạt bài này sẽ làm nhân dân Việt Nam hiểu hơn, cũng làm cho thế giới hiểu hơn về chúng ta. Lịch sử của dân tộc Việt Nam thì cần công khai cho nhân dân Việt Nam được biết.
 
 
 
Giao lưu văn nghệ tại Đảo Song Tử Tây
 
TS. Phạm Quang Long - Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch Hà Nội:
Tờ báo đã nói trung thực và đúng mức về chủ quyền đất nước
Tôi theo dõi đầy đủ loạt bài này. Loạt bài này rất cần thiết vào thời điểm hiện nay trên nhiều phương diện. Tờ báo đã nói trung thực và đúng mức những điều mà nhân dân đang vô cùng quan tâm. Loạt bài xuất hiện vào lúc đòi hỏi của nhân dân về bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ, về nhu cầu bày tỏ tình yêu Tổ quốc đang bức thiết, cho nên khi tờ báo đưa ra những tư liệu lịch sử về quá trình đấu tranh giữ gìn bờ cõi và khẳng định chủ quyền của mọi thế hệ người Việt Nam thì rất trúng. Theo tôi, báo cần tiếp tục có những bài viết sâu sắc hơn về hệ vấn đề ấy. 

Ông Thèn Xuân Chu (Thượng Sơn - Vị Xuyên - Hà Giang)
Một cái nhìn toàn cảnh, đa chiều về chứng cứ
Tôi là một cựu chiến binh, đã mất nhiều năm lăn lộn ở chiến trường, giữa hai cuộc kháng chiến! Đất nước thanh bình, tôi về nhà và sống một cuộc sống yên ổn tuổi già cùng cháu con. Dù đã trải qua bom đạn và mất mát lớn lao của chiến tranh, nhưng cho đến giờ này tôi vẫn nghĩ nếu có phải chiến đấu để bảo vệ Tổ quốc tôi vẫn không chùn bước. Là người có tuổi, thông tin với tôi là rất cần thiết. Tuy điều kiện cuộc sống ở miền quê tôi có khó khăn, gia đình tôi cũng không có điều kiện nhưng tôi vẫn chủ tâm dành dụm tiền để đặt mua báo. Báo Đại Đoàn Kết, "món ăn” sở trường của tôi và nhiều người trong gia đình.

Một cựu chiến binh như tôi vô cùng xúc động và rất hoan nghênh báo đã có nhiều bài viết về Trường Sa, Hoàng Sa – những phần lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc. Loạt bài "Những chứng cứ lịch sử và cơ sở pháp lý khẳng định chủ quyền Việt Nam tại Hoàng Sa và Trường Sa” là chuỗi bài tổ chức có kinh nghiệm và cũng rất dày công, tâm huyết của Báo Đại Đoàn Kết, nhằm cung cấp cho độc giả những cái nhìn toàn cảnh, đa chiều về chứng cứ của người Việt trên Biển Đông, đặc biệt là chủ quyền với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Đây là xâu chuỗi những chứng cứ hết sức khách quan, được thể hiện qua các thư tịch cổ, các chứng cứ qua các thời kỳ, có thật và đã được nhiều quốc gia cũng như dư luận quốc tế ủng hộ.

Cái đặc biệt nhất của Báo Đại Đoàn Kết trong chuỗi bài này là mạnh dạn đã đưa ra Công hàm năm 1958 mà bấy lâu nay đã bị Trung Quốc và các phần tử thù địch khác đưa ra "như một chứng cứ” thể hiện sự "yếu thế” của Việt Nam để vươn tới những thâm đồ của mình. Với việc không né tránh, phân tích hết sức khoa học đã làm những sự "mập mờ” bấy lâu được sáng tỏ. Như một cách nhìn thẳng vào sự thực, đã thêm căn cứ để chúng ta khẳng định thêm chủ quyền của người Việt trên Biển Đông và đặc biệt với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. 

C.Thúy - H.Lê - Đ.Tuyền (ghi)
[Lời tòa soạn: Quý độc giả kính mến]
[Kỳ 29: Hoàng Sa và Trường Sa trong tâm linh người Việt]
[Kỳ 28: Dư luận quốc tế phản đối "đường lưỡi bò”]
[Kỳ 27: Xuyên tạc lịch sử trong âm mưu chiếm đoạt
Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam]
[Kỳ 26: Công hàm 1958 với
chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam]
[Kỳ 25: Châu bản thời vua Bảo Đại khắc ghi
chủ quyền Hoàng Sa của Việt Nam]
[Kỳ 24: Châu bản thời Minh Mạng và Thiệu Trị khắc ghi
chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam]
[Kỳ 23: "Đường lưỡi bò” phi lý và tham vọng bá chủ
của Trung Quốc ở Biển Đông]
[Kỳ 22: Trung Quốc chưa bao giờ có chủ quyền
ở Hoàng Sa và Trường Sa]
[Kỳ 21: Cơ sở pháp lý khẳng định chủ quyền
Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam]

[Kỳ 20: Cơ sở pháp lý quốc tế về sự thiết lập
chủ quyền lãnh thổ tại các hải đảo]

[Kỳ 19: Cờ Tổ quốc vẫn tung bay trên ngư trường Hoàng Sa]
[Kỳ 18: "Sinh Tồn” trên đại dương gió bão]
[Kỳ 17: Cô Lin - "Mắt thần” của biển]
[Kỳ 16: Trận chiến bảo vệ chủ quyền Trường Sa năm1988]
[Kỳ 15: Chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam
giai đoạn sau 1991]

[Kỳ 14: Chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam
giai đoạn 1975 - 1991]

[Kỳ 13: Ký ức Hoàng Sa trong nhiều thế hệ người Việt Nam]
[Kỳ 12: Trận hải chiến bảo vệ chủ quyền Hoàng Sa
của Việt Nam năm 1974]

[Kỳ 11: Chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam
giai đoạn 1954-1975]

[Kỳ10: Chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam
giai đoạn 1945 -1954]

[Kỳ 9: Chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam
thời Pháp thuộc]

[Kỳ 8: Hoàng Sa và Trường Sa trong thư tịch cổ Trung Hoa]
[Kỳ 7: Hoàng Sa-Trường Sa: Tư liệu cổ phươngTây]
[Kỳ 6: Hải đội Hoàng Sa thực thi chủ quyền]
[Kỳ 5: Thực thi chủ quyền ở Hoàng Sa và Trường Sa
của các triều đại Việt Nam ]

[Kỳ 4: Chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam
trong thư tịch triều Nguyễn ]

[Kỳ 3: Chủ quyền biển đảo của Việt Nam từ các bản đồ
trong lịch sử]

[Kỳ 2: Chủ quyền của Việt Nam ở Hoàng Sa và Trường Sa
từ thế kỷ XV đến thế kỷ XVIII]

[Kỳ 1: Vài nét địa lý tự nhiên thuộc vùng biển Việt Nam]

------------------
*****


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tìm kiếm Blog này