++ Hãy đến với nhau bằng tấm lòng trung thực!++

Thứ Bảy, 25 tháng 6, 2011

Nỗi đau nước Việt: 1979-Sự thật về quan hệ VN-TQ trong 30 năm qua

Nguồn: Blog Nguyễn Xuân Diện

Đôi lời với bạn đọc: Tôi cho rằng đây là nỗi đau của nước Việt là bởi, đã biết dã tâm của bọn bành trướng, với một bản đồ chúng in ra mà biên giới của chúng là toàn bộ 3 nước Bán đảo Đông dương, ngoài ra còn kể cả Thái Lan, Myanmar , rồi cuối cùng vẫn xác định đi theo họ... để đến hôm nay như mọi người đã thấy dã tâm của chúng. 

1979: SỰ THẬT VỀ QUAN HỆ VIỆT NAM - TRUNG QUỐC TRONG 30 NĂM QUA



Thưa chư vị,
Sáng nay, mưa gió nhưng có việc phải đi, tôi đến thăm Họa sĩ Trịnh Quang Vũ - người đã từng từ chối hợp tác làm phim "Lý Công Uẩn - đường tới thành Thăng Long" với hãng Trường Thành, và tôi đã phỏng vấn trực tuyến trên Nguyễn Xuân Diện-blog tháng 9 năm ngoái. Ông cũng là họa sĩ thiết kế mỹ thuật của phim "Hà Nội trong mắt ai" của Đạo diễn, NSND Trần Văn Thủy. Khi tôi nói chuyện với ông rằng có nhiều vị hỏi tôi về cuốn sách "Sự thật về quan hệ Việt Nam - Trung Quốc trong 30 năm qua" do NXb Sự thật (nay là Nxb Chính trị quốc gia) in và phát hành năm 1979. Thư viện Hán Nôm và thư viện gia đình tôi không có bản sách này, thì ông vội lên thư phòng ở lầu 2 lấy xuống trao cho tôi mượn.

Cuốn sách này in xong và nộp lưu chiểu tháng 10 năm 1979 với 65.200 cuốn. Một con số phát hành khủng khiếp. Sách dày 110 trang, trong có nhiều bản đồ và tư liệu "quý" về mối quan hệ Việt - Trung.

Xin chân thành cảm ơn Họa sĩ Trịnh Quang Vũ và xin trân trọng giới thiệu một số trang của cuốn sách, đồng thời cũng mong muốn Nxb Chính trị quốc gia cho tái bản và phát hành rộng rãi cuốn sách này, với số lượng khoảng 1 triệu bản.

Lâm Khang Nguyễn Xuân Diện
.
MỘT SỐ HÌNH ẢNH CỦA CUỐN SÁCH











Mời đọc thêm cuộc phỏng vấn Họa sĩ Trịnh Quang Vũ
do Nguyễn Xuân Diện thực hiện tháng 9 năm 2010


NXD: Thưa ông, Ông đã xem đoạn phim Quảng Cáo phim: Lý Công Uẩn - Đường tới Thành Thăng Long chưa ạ?  

TQV: Tôi đã xem. Do cô Yên Thảo, PV của báo Pháp Luật Tp Hồ Chí Minh mở cho xem, khi cô ấy tới hỏi chuyện tôi.   
NXD: Ông có nhận xét ban đầu gì về đoạn phim đó? Những cảm nhận ban đầu của ông là gì thưa ông?  

TQV: Tôi thấy rõ ràng là một phim TQ. Chứ ko phải phim VN. 
 
NXD: Vì sao thế ạ? 
 
TQV: Tôi thấy bối cảnh không gian và nền phim đằng sau mang yếu tố và phong cách TQ, tôi nghĩ rằng ai xem đoạn phim đó cũng có cảm nhận như vậy. Tôi thấy long bào và giáp trụ cho người ta cảm nhận đang xem phim TQ. Tôi nói điều này vì trước đây tôi có vẽ 1 bộ giáp trụ triều Lý dựa trên tượng Kim Cương chùa Long Đọi cho 1 phim tài liệu - truyện "Đinh Tiên Hoàng đế "(đây, kịch bản đây; đạo diễn Trần Tuấn Hiệp, kịch bản của TS. Nguyễn Hạnh Lê).



Phim đó tôi chỉ nhận là cố vấn về cổ trang, và chỉ những bộ trang phục người ta yêu cầu (trong đó có bộ giáp trụ của tướng thời Lý và trang phục Đinh Tiên hoàng thời còn là 1 trong 12 sứ quân).  

NXD: TS. Đoàn Thị Tình, người cố vấn trang phục cho phim Lý Công Uẩn cũng nói là giáp trụ trong phim là dựa theo tượng Kim Cương ở chùa Đọi?
 

T.Q.V: Vấn đề trang phục giáp trụ, xin để cho các nhà duyệt phim và khán giả tự nhận xét. Như thế, khán giả sẽ so sánh giữa: 1. Tượng Kim Cương chùa Đọi, 2. Giáp trụ trong phim. 3. Giáp trụ do tôi vẽ (xin cung cấp đây).  

NXD: Mời quý vị xem để so sánh.




Giáp trụ trong phim


Tượng Kim Cương đời Lý ở chùa Long Đọi. Ảnh: Internet



Thiết kế giáp trụ thời Lý, do HS Trịnh Quang Vũ dựa vào tư liệu tượng Kim Cương chùa Đọi thiết kế cho phim Đinh Tiên hoàng đế.

NXD: Thưa ông, thế còn trang phục nhà vua, ông thấy sao? Theo sự nghiên cứu của ông, thì vua nhà Lý có đội mũ bình thiên không?


TQV: Vua Lý có đội mũ bình thiên. Ngoài mũ bình thiên vua Lý còn đội mũ Quyển Vân và mũ Phù dung. Mũ bình thiên chỉ đội khi có đại lễ. Còn chủ yếu là đội khăn.
 

NXD: Trong phim thì Vua Lý cũng có đội mũ bình thiên khi thiết triều. Như vậy đúng là vua Lý rồi!

 
TQV: Ngay ở TQ, mũ bình thiên mỗi đời cũng khác nhau. Mời anh Diện xem tập tư liệu này. Đây là sách trang phục về 5000 năm của TQ.


Nguyễn Xuân Diện và HS Trịnh Quang Vũ cùng xem lại đoạn phim quảng cáo:


TQV nói tiếp: Ở VN, thì đời nào vua cũng đội mũ bình thiên, từ đời Lý (tư liệu An Nam chí lược của Lê Trắc) đến đời Nguyễn (ông Vũ cho xem ảnh Vua Khải Định đội mũ bình thiên), trừ đời Lê - Trịnh (tk 16 - 17 - 18, kể cả vua Lê lẫn chúa Trịnh).


Vua Khải Định đội mũ bình thiên (Ảnh do Ông Trịnh Quang Vũ cung cấp) 

NXD: Thế đời Lê Trịnh không đội mũ bình thiên thì các cụ vua chúa đội mũ gì ạ? 

TQV: Đời Lê Trịnh, vua và chúa đội mũ Xung thiên. Đây là ảnh mũ Xung Thiên (cho xem ảnh).



Trong sách Trang phục triều Lê Trịnh của Trịnh Quang Vũ.


Thời Lê, cả vua lẫn chúa đều đội mũ Xung thiên (có hai cái cánh chống thẳng lên trời). Vua chúa đều đội cùng loại mũ. Nhưng áo thì khác màu. Vua Lê mặc màu vàng đỏ. Chúa Trịnh mặc áo màu tía.

NXD: Thưa ông, đoạn phim chúng ta vừa xem, ở những giây phút đầu của đoạn phim quảng cáo, phải chăng là diễn viên đội mũ bình thiên
và rồi sau đó, có một hình ông vua Lý cũng đội mũ bình thiên nữa. Hai mũ này khác nhau, mũ ông trước chỉ có 4 tua ở 4 góc (phải chăng diễn viên đội ngược mũ). Mũ của ông sau thì có 9 tua. Ý kiến của ông thế nào?

TQV: Mũ bình thiên, về nguyên tắc phải có 12 tua, gọi là miễn lưu, là chuỗi xâu ngọc và san hô. Tua phải ở trước mặt và đằng sau, chứ không phải ở hai bên. Mười hai tua tượng trưng cho 12 tháng nông nghiệp (Cái này là theo Lịch triều hiến chương loại chí của cụ Phan Huy Chú - ông Vũ nói).

NXD: Còn cảnh đám ma trong phim, ông có ý kiến gì không?

TQV: Người Việt cổ tóc dài, xõa tóc. Trong đám tang thì phải xõa tóc.

NXD: Thưa ông, các nhà làm phim có mời ông tham gia làm phim này với tư cách là cố vấn trang phục không?

TQV: Họ có mời tôi. Và họ đưa đến đây kịch bản văn học và 1 tập tài liệu giới thiệu chung về phim (đạo cụ, hình ảnh, trang phục...). Người mang đến cho tôi là Ông Trịnh Văn Sơn, giám đốc Công ty cổ phần truyền thông Trường Thành và Ông Phạm Xuân Hải, Trưởng phòng Thiết kế của công ty đó.








Sau buổi đó, họ hẹn một buổi để làm việc chính thức tại nhà tôi, thì tôi có điện lại cho họ là tôi bận. Vì thế không có buổi tiếp xúc sau đó. Từ đó họ cũng không liên hệ gì nữa.   

NXD: Thưa, ông có trả lời PV của báo Pháp Luật Tp Hồ Chí Minh rằng ông đã từ chối tham gia tư vấn phục trang cho bộ phim vì hai lý do: Thứ nhất, phim lịch sử của Việt Nam thì không thể quay ở Tàu được, mình phải có phim trường đã rồi hãy làm phim lịch sử. Thứ hai, kịch bản có quá nhiều chi tiết sai và thời gian để thực hiện bộ phim là quá ngắn.  


TQV: Đúng vậy. Sau khi xem tài liệu, thì tôi mới nghĩ rằng mình không nên tham gia phim này. Vì vậy, tôi hủy cuộc gặp lần thứ hai với lý do là bận.  


NXD: Xin hỏi ông câu hỏi cuối, như vậy để làm một phim về đề tài lịch sử, từ góc độ một họa sĩ, một nhà nghiên cứu về lịch sử trang phục, thì theo ông vấn đề cốt lõi đáng lưu ý nhất là gì ạ? 


TQV: Về mặt văn hóa, VN có ảnh hưởng văn hóa TQ. Đó là điều không ai có thể phủ nhận. Về tổ chức quan chế, tuy là các triều đại VN dựa theo mẫu hình TQ, nhưng vẫn có nhiều khác biệt. Văn hóa VN là văn hóa Đông Nam Á (xăm mình, xõa tóc, ăn trầu, răng đen...), đặc biệt là giao thoa với văn hóa Chăm-pa, thì trang phục, họa tiết, hoa văn làm nên sự khác biệt với Trung Quốc. Hãy xem các hiện vật đào được ở hoàng thành Thăng Long. Rất Đại Việt, rất khác TQ. Làm phim về đề tài lịch sử là một công việc vô cùng khó khăn, phức tạp. Nhưng nhiệm vụ của người đạo diễn và họa sĩ thiết kế mỹ thuật trong sáng tác tạo hình cho phim lịch sử (bao gồm kiến trúc, trang phục, màu sắc, họa tiết, phong cách...) là phải nghiên cứu kỹ càng, dựa trên các tư liệu cổ chắc chắn và có căn cứ, làm cho người xem cảm nhận được 1 cách rõ ràng những nét đặc trưng khác biệt của người Việt Nam chúng ta! Tóm lại, tác phẩm điện ảnh về đề tài lịch sử Việt Nam (dù nhà nước hay tư nhân làm, dù làm ở VN hay ở bất cứ đâu) sẽ phải làm cho người xem cảm nhận được linh hồn, truyền thống và tinh thần Việt Nam.  


NXD: Xin cảm ơn Ông!




Trịnh Quang Vũ - Nguyễn Xuân Diện

------------------
*****


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tìm kiếm Blog này