++ Hãy đến với nhau bằng tấm lòng trung thực!++

Thứ Tư, 20 tháng 7, 2011

Một góc nhìn về Công hàm của TT Phạm Văn Đồng

Nguyễn Hữu Quý (*)

Hiến pháp là rường cột, là luật gốc của Quốc gia; mọi tuyên bố liên quan đến chủ quyền quốc gia, không được Quốc Hội thông qua là không có giá trị pháp lý

Đôi lời thưa với bạn đọc:

Tôi viết bài này vào tối ngày 15 sang ngày 16/6/2011, sau khi đọc bài của tác giả Đinh Kim Phúc trên Blog Nguyễn Xuân Diện; hôm nay 20/6/2011, nhân đọc bài Vì sao Công hàm năm 1958 của Phạm Văn Đồng không có giá trị? , của GS Nguyễn Tiến Dũng, tôi thấy rằng nhận định của tôi về khía cạnh pháp lý, tức là Quốc hội đúng với góc nhìn của GS Nguyễn Tiến Dũng; vậy xin đăng bài này để bạn đọc tham khảo.


Đọc bàiCông hàm của Thủ tướng Phạm Văn Đồng và quan hệ Việt – Trungcủa tác giả Đinh Kim Phúc đăng trên Blog Nguyễn Xuân Diện ngày 15/6/2011, tôi thấy cần trao đổi một vài nội dung, với tư cách là một người đọc, như sau:

Xin trích lại nguyên văn Công hàm mà TT Phạm Văn Đồng, đăng kèm bài viết của tác giả Đinh Kim Phúc:

“Thưa đồng chí Tổng lý

Chúng tôi xin trân trọng báo tin để đồng chí Tổng lý rõ: Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ghi nhận và tán thành bản tuyên bố ngày 4-9-1958 của Chính phủ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa quyết định về hải phận của Trung Quốc.

Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tôn trọng quyết định ấy và sẽ chỉ thị cho các cơ quan Nhà nước có trách nhiệm triệt để tôn trọng hải phận 12 hải lý của Trung Quốc trong mọi quan hệ với nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa trên mặt biển.

Chúng tôi xin gửi đồng chí Tổng lý lời chào trân trọng”.(3)

Tôi có nhận xét như sau:

Xét hoàn cảnh lịch sử tại thời điểm đó và nội dung Công hàm trả lời TT Phạm Văn Đồng, thì đây là một văn bản khôn ngoan của TT Phạm Văn Đồng và Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa.

Thật vậy, việc công nhận chủ quyền trong hải phận 12 hải lý của một quốc gia có biển là đương nhiên theo luật pháp quốc tế; do đó, việc công nhận ghi trong công hàm nói trên cũng chỉ là hành động “tát nước theo mưa” theo ý nghĩa ngoại giao mà thôi.

Sự khôn ngoan thể hiện ở chỗ: Công hàm không nêu đích danh hải phận 12 hải lý là gồm các đảo nào; và không có bản đồ đính kèm (dẫu rằng trong công bố của Chính phủ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa có ghi đầy đủ).

Chính vì thế, trong một đoạn tiếp theo của bài viết, Tiến sĩ Balazs Szalontai đã phân tích rõ hơn:

[…] Dẫu vậy, ông ấy có vẻ đủ thận trọng để đưa ra một tuyên bố ủng hộ nguyên tắc rằng Trung Quốc có chủ quyền đối với hải phận 12 hải lý dọc lãnh thổ của họ, nhưng tránh đưa ra định nghĩa về lãnh thổ này. Mặc dù tuyên bố trước đó của Trung Quốc rất cụ thể, nhắc đến toàn bộ các đảo bao gồm Trường Sa và Hoàng Sa mà Bắc Kinh nói họ có chủ quyền, thì tuyên bố của Bắc Việt không nói chữ nào về lãnh hải cụ thể được áp dụng với quy tắc này.

Ngoài ra, cần phải xét thêm hai vấn đề sau:

a. Hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa lúc đó là thuộc quyền quản lý của Việt Nam Cộng hòa; vì vậy, việc tuyên bố của Việt Nam dân chủ cộng hòa (nếu có) có liên quan đến 2 quần đảo này là không có giá trị pháp lý. Vì một pháp nhân không thể tuyên bố về một vấn đề nào đó khi mà bản thân pháp nhân không thực sự sở hữu nó. Trong khi Chính phủ Việt Nam cộng hòa cực lực phản đối Trung Cộng.

b. Mọi vấn đề có liên quan đến chủ quyền quốc gia thường phải được Quốc hội phê chuẩn; việc thống nhất biên giới, lãnh thổ giữa hai quốc gia chí ít phải là sự thỏa thuận bằng một nghị định thư hay một tuyên bố chung sau khi được Quốc hội ở mỗi quốc gia phê chuẩn. Trong trường hợp này, đây chỉ là một công hàm, được hiểu như một văn bản ngoại giao, vì vậy không mang tính ràng buộc pháp lý.

Từ các nội dung trên, đặc biệt là hai nội dung (a) và (b), mong rằng, các nhà thương thuyết của Việt Nam, với nghiệp vụ chuyên môn của mình, có thể phân tích sâu hơn để phục vụ cho công việc đấu tranh pháp lý về chủ quyền của nước ta đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Trong một diễn biến khác; bài phát biểu của TT Nguyễn Tấn Dũng tại buổi mit-tinh quốc gia bế mạc Tuần lễ Biển và hải đảo Việt Nam năm 2011 tại thành phố biển Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa tối 8.6.2011, TT Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh:

“Tiếp tục khẳng định chủ quyền không thể tranh cải của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa”.

“Nhân dân Việt Nam, đất nước Việt Nam có đủ ý chí quyết tâm và sức mạnh tổng hợp của cả dân tộc để giữ gìn, bảo vệ các vùng biển và hải đảo của mình”.

Như vậy, trong suốt chiều dài lịch sử từ trước đến nay, chưa có lúc nào Việt Nam từ bỏ chủ quyền đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

16.6.2011
----------------------------------------------------------
Bài này chủ Blog viết hôm 16/6 và đăng vào ngày 20/6; Hôm nay (20/7) đọc bài trên báo Đại đoàn kết thấy có nhận định của mình tương đối giống với quan điểm trong bài viết trên báo Đại đoàn kết nên xin đăng lại để bạn đọc có thêm một góc nhìn.

Baì trên báo Đại đoàn kết:

Công hàm 1958 với chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam (20/07/2011)

------------------
*****

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tìm kiếm Blog này