++ Hãy đến với nhau bằng tấm lòng trung thực!++

Thứ Bảy, 25 tháng 6, 2011

Tô Văn Trường: Trí thức và nhà báo đứng trước vận mệnh của đất nước


Tô Văn Trường

Đất nước  đang đứng trước những thử thách cam go: lạm phát, giá cả tăng cao, chủ quyền biển đảo bị xâm phạm nghiêm trọng. Có lẽ chưa bao giờ vai trò của trí  thức và nhà báo lại được nhắc đến nhiều như bây giờ và thực sự giới trí thức và nhà báo Việt Nam đã và đang cố gắng thể hiện lòng yêu nước, ý thức trách nhiệm của mình trước vận mệnh của đất nước. 

          Nhìn chung, nhân dân ta chưa được tiếp cận đầy đủ với các nguồn thông tin để  đánh giá phân tích có được thái độ rõ ràng, do đó vai trò trách nhiệm của người trí thức và  nhà báo càng nặng nề hơn vì họ có học vấn và điều kiện tiếp cận với thông tin trên toàn cầu và những vấn đề thời sự nóng hổi của đất nước. Trí thức và nhà báo phải làm gương đi đầu trong việc yêu nước, đoàn kết, rèn luyện kỹ năng để góp phần đắc lực trong việc kiến giải các vấn đề của đất nước. 

Nhiệm vụ hàng đầu của trí thức và nhà báo Việt Nam là tiên phong trong việc "cắt lưỡi bò" của Trung cộng
 
         Nổi cộm nhất hiện nay là mối quan hệ với nước Trung Quốc khổng lồ đã có rất nhiều điều phải nghĩ, phải nói như mưu mô hành động ở biển Đông, dọc tuyến biên giới  đường bộ 1500 km, khai thác tài nguyên nước sông Hồng, sông Mekong, nhà thầu Trung Quốc ồ ạt vào Việt Nam, tràn ngập hàng hóa, công nghệ thấp, thuê đất rừng 50 năm, thọc sâu, chia rẽ tác động đến chủ trương chính sách và nhân sự của Việt Nam vv…

Trí thức và nhà báo cần phải phân tích vạch trần thủ đoạn về biển Đông âm mưu và hành động nguy hiểm nhất, ngang ngược nhất, trái thực tế, lẽ phải và pháp lý nhất, xâm phạm đến lợi ích của nhiều quốc gia dân tộc nhất, đồng thời thiết cốt nhất đối với thủ phạm, và vì thế là chỗ yếu kém nhất của thủ phạm, đó là cái lưỡi bò, chứ không phải sự giành giật chủ quyền hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.  Ba lần biểu tình, tuần hành của dân ta ngày 5 tháng 6, ngày 12 tháng 6, ngày 19 tháng 6 vừa qua đều là tự nguyện, thể hiện lòng yêu nước của người dân, đó là hồng phúc của đất nước. Tuy nhiên,  chúng ta chưa thật tập trung vào lưỡi bò, còn nêu nhiều quá những khẩu hiệu đòi toàn bộ chủ quyển hai quần đảo. Khi tôi đang viết đến đây, nhận được thông tin và hình ảnh hàng trăm đồng bào ta ở Paris (Pháp) tham gia biểu tình, phát truyền đơn, gửi thư đến đại sứ Trung Quốc ở Pháp để chuyển về cho chính phủ Trung Quốc nói rõ 2 dân tộc Việt Nam và Trung Quốc đều mong ước hòa bình và tố cáo các hành động gây hấn có tính bành trướng của Trung Quốc ở biển Đông. Tham gia biểu tình còn có trẻ em, từ em bé còn nằm nôi cho tới những em lớn hơn cầm cờ cùng đoàn người biểu tình,  gợi nhớ lại hình ảnh truyền thống  bất khuất của dân tộc Việt Nam nếu “giặc đến nhà, đàn bà và trẻ em cũng đánh”!

Vừa qua, trên BBC có 2 bài báo đặc biệt của GS Minxin Pei gây ra ngộ nhận cho công chúng chưa có điều kiện tìm hiểu về luật quốc tế và luật biển. Rất tiếc phía chúng ta  cũng chưa có bài báo nào phản hồi về vấn đề này. Theo chúng tôi hiểu cách đơn giản tại biển Đông có hai loại tranh chấp chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và tranh chấp phân định biên. Thông thường khi chủ quyền đã xác định đảo nào thuộc ai thì sẽ mới bàn đến vấn đề phân định biên theo công ước luật biển quốc tế 1982. Việc xác định chủ quyền và phân định biển là theo nguyên tắc và án lệ của luật quốc tế chứ không phải Công ước luật biển. Lâu nay, rất nhiều người phát biểu còn lẫn lộn về khái niệm nêu trên, nhất là giới báo chí, làm cho công chúng hiểu lầm. 

Nếu không có hai quần đảo thì áp dụng Công ước Luật biển, Philippines, Malaysia và Brunei có quyền yêu sách 200 hải lý quy chế vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa. Vùng yêu sách này sẽ chồng lấn lên một phần vùng biển Spratlys bây giờ, gồm cả đảo mà Trung Quốc yêu sách và nếu không có đảo thì Trung Quốc và Việt Nam không có tư cách pháp lý để đòi chủ quyền ở khu vực quá xa đất liền của mình như vậy. Tuy nhiên, Trung Quốc yêu sách đảo chỉ vì những đảo này nằm trong yêu sách biển nằm trong đường chữ U của họ. Đây là điều không có tiền lệ và không được Công ước Luật biển công nhận. Yêu sách này của Trung Quốc đã xâm phạm vào quy chế vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, Philippines và các nước khác. Một số nước ở Đông Nam Á cho rằng Việt Nam cũng yêu sách toàn bộ các đảo ở Trường Sa cũng đưa đến sự kiện chồng lấn vào vùng đặc quyền kinh tế của Philippines. Về phía Việt Nam cần tiếp tục củng cố bằng chứng pháp lý-lịch sử làm rõ quan điểm của mình chiếm hữu hai quần đảo từ lâu đời. Trung Quốc cũng dựa vào danh nghĩa lịch sử. Còn Philippines bị giới hạn trong phạm vi Hiệp ước 1898 Mỹ-Phi, không bao gồm quần đảo Trường Sa. Brunei thì vùng chồng lấn quá nhỏ. Do vấn đề chủ quyền chưa được giải quyết nên các bên đều tìm mọi cách mở rộng vùng yêu sách của mình. Philippines từ thuyết kế cận địa lý và an ninh còn Malaysia cho rằng họ có thềm lục địa và một vài đảo thuộc Trường Sa nằm trên thềm lục địa từ bờ biển của họ nên thuộc về họ. Việt Nam và Trung Quốc đều đòi hỏi các đảo thuộc Trường Sa có vùng  đặc quyền kinh tế và thềm lục địa riêng. Xin lưu ý, theo Công ước Luật biển, các đảo đá không thích hợp cho con người đến ở hoặc không đời sống kinh tế riêng sẽ không có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa, cho hầu hết nếu không nói là tất cả các đảo ở Trường Sa đều không được hưởng quyền có EEZ. Vả lại, nếu có, tỷ lệ được chủ quyền sẽ nhỏ hơn so với vùng đất liền của các nước ở kế cận theo như án lệ của Tòa án Công lý quốc tế. 

Chính vấn đề đường lưỡi bò của Trung Quốc mới thực sự phi lý, thâm hiểm, mục đích chiếm toàn bộ biển Đông, nhốt nước ta và một số nước Đông Nam Á vào một cái rọ. Bởi thế, Việt Nam cần chủ động, khôn ngoan xây dựng chiến lược và sách lược phù hợp, phối hợp chặt chẽ với các nước Đông Nam Á có cùng chung trách nhiệm và quyền lợi đấu tranh một cách bài bản, hiệu quả với Trung Quốc cả trước mắt lẫn lâu dài.   

          Đến nay, chúng ta đã tìm thấy bằng chứng rằng cách đây 30 năm, Trung Quốc đã âm thầm và có âm mưu chiếm biển Đông, đưa ra cả yêu sách "Đường đứt đoạn 9 khúc" vào các bài báo khoa học, có nghĩa là họ đã đi trước nhiều bước hơn chúng ta tưởng. Qua các bài báo xuất bản ra thế giới chúng ta thấy rằng các tác giả Trung Quốc đã sử dụng bản đồ nước họ với đường lưỡi bò vô lý, ngay cả khi tính minh họa cho nghiên cứu không liên quan, ví dụ như khu vực nghiên cứu chỉ là các thành phố lục địa. Nhiều nhà khoa học Trung Quốc đã lập bản đồ quốc gia với "đường lưỡi bò" chiếm hầu hết biển Đông và công bố trên các tạp chí quốc tế từ cách đây 30 năm. Mặc dù trong các công bố khoa học này, họ chỉ đưa "hình lưỡi bò" một cách  "lập lờ", không đưa bất cứ chú thích cụ thể nào về U-line trong bản đồ là đường gì, nhưng ảnh hưởng của nó đến cộng đồng quốc tế vẫn rất lớn vì được đăng trên các các tạp chí khoa học uy tín trên thế giới. Trong khi đó, các bài báo của các nhà khoa học Việt Nam được công bố trên các tạp chí khoa học trên thế giới đã vừa ít, thậm chí lại vừa sai vì có những bài đăng bản đồ Việt Nam không có các đảo Trường Sa và Hoàng Sa!? 

Có ý kiến cho rằng nếu chúng ta cứ ngồi yên, và bị cảm giác cũng như thói quen cũ chi phối, chúng ta sẽ cảm thấy không có đe dọa (hoặc đe dọa quá nhỏ) thì đến một lúc nào đó sẽ vô cùng thiệt thòi, trở tay không kịp, sẽ lại phải chấp nhận những việc mà trước đó nhiều năm chúng ta không thể chấp nhận. 

Nhiều người còn nhớ phương Tây có câu chuyện ngụ ngôn “con ếch chịu nóng”. Nếu thả con ếch vào chậu nước sôi thì nó nhảy ra ngay, còn nếu thả nó vào chậu nước lạnh rồi đun nóng từ từ thì nó sẽ không nhảy ra mà chịu nóng cho đến khi bị luộc chín. Điều đó có nghĩa là sự mất cảnh giác, ngộ nhận, tự ru ngủ, quen dần với mọi đe dọa thật là nguy hiểm, nó dẫn người ta tới chỗ bị bất ngờ và tất nhiên là thất bại trước sự leo thang của kẻ thù. Có người còn vạch rõ tư duy về biển Đông của Trung Quốc giống như hình ảnh của con cá mập khi đã xác định được con mồi của nó quyết đuổi đến cùng để thỏa mãn cơn đói. 

            Sau khi nhận được hàng chục phản ứng của các nhà khoa học Việt Nam ở trong và ngoài nước về việc các bài báo của các nhà khoa học Trung Quốc có cả hình “lưỡi bò” phi lý, không theo luật quốc tế, ban biên tập tạp chí khoa học quản lý chất thải ở Ý hứa sẽ cho chỉnh sửa lại trong số xuất  bản sắp đến. Tuy nhiên, có tạp chí khoa học quốc tế như “Biến đổi khí hậu” cho biết GS Xuemei Shao Viện hàn lâm khoa học Trung Quốc là tác giả bài báo có hình lưỡi bò phản hồi là sẽ không chỉnh sửa vì đó là do yêu cầu của chính phủ Trung Quốc!? Qua đó, càng thấy rõ chính phủ Trung Quốc đã yêu cầu các nhà khoa học Trung Quốc sửa bản đồ, và chèn đường lưỡi bò vào trong bản đồ, bóp méo sự thật, đánh lừa dư luận thế giới để thực hiện âm mưu chiếm toàn bộ biển Đông. 

Về Việt Nam: Trí thức và nhà báo nước ta cần kịp thời thông tin chính xác đến dân ta, kết thành một khối toàn dân tộc, và góp phần trên tinh thần xây dựng để những người đang cầm quyền gắn bó với dân tộc, chung sức, chung lòng cùng với mọi tầng lớp khác trong dân tộc. Việc làm này đòi hỏi nhiều tâm huyết và bản lĩnh, về nội dung và về cách làm.

          Về Trung Quốc: Đừng gộp hoàn toàn thành một cục dân Trung Quốc và nhà cầm quyền Trung Quốc. Nên nói về lợi ích chung chính đáng (hòa bình, ổn định, hữu nghị, thịnh vượng) của dân Việt Nam và dân Trung Quốc. Nhiều nhà phân tích đã vạch rõ rằng hành động chiếm lưỡi bò là một thất bại nặng, tổn hại đến bước đường phát triển và uy tín quốc tế của Trung Quốc, hại trước mắt và lâu dài cho dân Trung Quốc.

         Về quốc tế : Trí thức và nhà báo nước ta cần viết, nói và làm trong quan hệ hợp tác với các nước  ASEAN, và cần kịp thời thông tin chính xác ra thế giới, tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ quốc tế sâu rộng đối với dân tộc ta. Chúng ta cần thông tin đầy đủ và rộng rãi hơn tới cộng đồng khoa học Việt Nam cả trong và ngoài nứớc và bạn bè ở các nước, đặc biệt là các nước Đông Nam Á về việc nhiều Tạp chí khoa học quốc tế đã vô tình đăng bài của các tác giả Trung Quốc có hình vẽ đường lưỡi bò ở biển Đông. Động viên cộng đồng khoa học Việt Nam gửi ý kiến tới Ban biên tập các Tạp chi khoa học có sai sót yêu cầu sửa chữa, hiệu đính, như đã làm có kết qủa với Tap chí của Hội địa lý Hoa Kỳ và Tạp chí khoa học Quản lý chất thải rắn của Ý.  

Cuộc sống thay đổi từng ngày, thế giới phẳng thay đổi từng giờ, trí thức và nhà báo là những người được học nhiều, biết rộng, biết vượt lên chính mình để không bị rơi vào trường hợp mà Shakespeare đã từng trách khéo: “càng thông minh hiểu biết nhiều càng hèn nhát”! 

Thời gian vừa qua, VNN, Tuan VN.Net  và Bee.net VN  kịp thời đưa các thông tin phản ánh về vai trò của cộng đồng trí thức Việt Nam ở trong và ngoài nước đã rất tích cực bám sát, phát hiện, phản ứng nhanh, hiệu quả trước việc một số Tạp chí khoa học quốc tế đưa thông tin sai lệch về vấn đề chủ quyền ở biển Đông. Trí thức và nhà báo Việt Nam chắc chắn cũng thấy rõ hơn bao giờ hết sứ mạng cao cả của mình, để tiếp nối ý nguyện của nhà thơ - nhà báo liệt sỹ Lê Anh Xuân là góp phần tạo nên một "Dáng đứng Việt Nam" trường tồn vững chắc bên biển Đông đầy sóng gió. 

(bản gốc của tác giả)
------------------
*****


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tìm kiếm Blog này