++ Hãy đến với nhau bằng tấm lòng trung thực!++

Thứ Tư, 13 tháng 7, 2011

Danh hiệu cao qúi hay tấm bia mộ... cho ai? (*)

Nguồn: Blog Gocomay
Đăng ngày: 20:04 11-07-2011
P1060302.JPG
Gocomay và hai anh em Nguyễn Thước (trái); Nguyễn Văn Thọ (phải) - Quán Vọng Ba Lâu, Hồ Tây -HN
Mùa xét danh hiệu nghệ sỹ và các giải thưởng về văn học nghệ thuật đợt này xem ra sóng gió tợn. Mà từ trước tới giờ mỗi dịp như vậy có bao giờ xuôi chèo mát mái đâu cơ chứ?
Nghĩ cũng tội cho anh em nghệ sỹ bên nhà. Nếu không có mấy vụ danh hiệu và giải thưởng này, chắc gì đã phải kiện cáo, thậm chí có trường hợp còn không muốn nhìn mặt nhau.
Ở cơ quan cũ của tôi đang có trường hợp hai nhà biên kịch đồng ký đơn kiện một đạo diễn vì cho rằng, ông đạo dìễn này đã “đem những tác phẩm chung ra xin giải thưởng riêng khiến tôi phải phì cười. Đó là trường hợp của đạo diễn Nguyễn Thước, được đề cử giải thưởng nhà nước cho 3 bộ phim được giải trong các LHP quốc gia là các phim: Sự nhọc nhằn của cát, Những công dân @ và Chất xám.
Khoan hãy nói Nguyễn Thước có xứng đáng hay không. Nhưng là người từng ở trong chăn, tôi thấy cả hai nhà biên kịch đều sai khi lập luận rằng: Nguyễn Thước xin xét tặng Giải thưởng Nhà nước cho các bộ phim trên với tư cách tác giả là không đúng, vì tác giả kịch bản và lời bình mới thật sự là tác giả sáng tác của lĩnh vực văn học nghệ thuật là hoàn toàn không có sức thuyết phục. Người viết những dòng này cũng từng là nạn nhân của mấy tay biên kịch không biết điều này, nên rất thông cảm với Nguyễn Thước. Những ai đã từng kinh qua làm phim tài liệu thì đều biết, một kịch bản được gọi là hay (để được lên bục nhận giải biên kịch) nếu không nhờ bàn tay lao lực của người đạo diễn thì tới mùa quýt mới toả sáng. Bởi nhiều khi cái gọi là kịch bản văn học ấy chỉ là cái đề cương sơ sài nằm chỏng chơ trong tủ của phòng biên tập không ai muốn nhận. Có khi kịch bản đó chỉ được duyệt một khi có người đạo diễn có đủ uy tín nghề nghiệp nhận.
Một bộ phim làng nhàng thì không nói. Những phim được đánh giá cao, công lao của cả tập thể từ người biên kịch cho tới anh lái xe là có. Nhưng công của người đạo diễn là không thể tính hết được. Bởi vậy, ở lĩnh vực Điện ảnh (nhất là phim Tài liệu), tác giả chính vẫn là đạo diễn chứ không phải biên kịch. Đó là một thực tế chứ không có gì mập mờ phải tranh cãi nữa. Lấy ví dụ như phim Hà Nội Trong Mắt Ai là của đạo diễn Trần Văn Thủy chứ không phải của nhà biên kịch Đào Trọng Khánh. Mặc dù trên phim, tên của Đào Trọng Khánh được để ở trên cùng, trên cả tên của Trần Văn Thủy. Từ đề cương kịch bản của “Hà Nội 5 cửa ô (tên ban đầu) cho tới Hà Nội Trong Mắt Ai là cả một qúa trình thay đổi. Thậm chí có những nhận thức lại toàn bộ tinh thần (chủ đề) của phim, chỉ có đề tài (về Hà Nội) là còn giữ nguyên, kể cả phim không bị đánh (bị vùi dập) thì Khánh cũng không thể tranh công của Thuỷ được. Đó là chân lý!
Dẫn chứng khác, phim Làng Tranh Đông Hồ (LTĐH) của tôi làm năm 1986. Vốn chỉ là cái đề cương lăn lóc không ai muốn nhận từ thời ông Lê Quốc sang thời ông Lương Đức làm quản lý. Nếu đó là một tác phẩm hoàn chỉnh và ngon ăn thì chả bao giờ đến lượt một kẻ đang bị Chef đì như tôi. Nhớ lại dạo đó, cố thuyết phục được tôi nhận kịch bản phim, anh lùn lõi đời đa mưu này đã tính nát nước, kể cả khi phim đổ, ông ta vẫn ngư ông đắc lợi. Tác giả kịch bản phim này là Trịnh Đình Khôi (đang làm thư ký cho Hà Xuân Trường ở Ban văn hoá tư tưởng TW, nơi Lương Đức hay bất kỳ ai ở điạ vị đó đều cần tranh thủ). Nếu nói dại, phim không phát hành được, cũng không ai đi đòi lại tiền mà tác giả kịch bản đã lĩnh tạm ứng khi đề cương được đưa vào sản xuất. Thời điểm đó tôi đã làm đạo diễn (kiêm quay) thành công tới 2 phim rồi. Mà Lương Đức chỉ thích tôi làm quay phim (cho chàng và bồ của chàng) không thôi, chứ không khuyến khích tôi làm đạo diễn. Với lập luận, tay máy của tôi đang ở đỉnh cao, sao lại phí phạn để đi làm đạo diễn một cách phí phạn như vậy? Bài tính của Lương Đức đã có ẩn số phụ treo lơ lửng trên đầu tôi, nếu LTĐH thất bại thì chàng sẽ truất quyền thi đấu (quyền làm đạo diễn) của tôi vĩnh viễn. Còn phim thành công thì chàng được tiếng là quản lý sáng tác tốt. Đó là lý do ông Chef lùn quỷ quyết đã gây ra bao khó khăn cho tôi trong qúa trình làm phim cả về nhân sự lẫn kỹ thuật. Khi mang tiếng một đoàn làm phim mà chỉ có mình tôi với một cô học trò yếu kém (học lớp quay phim ở ĐH Sân Khấu ĐA) đi phụ quay. Máy quay phim thì bị thay đổi tới 5, 6 lần. Mỗi lần đổi (cho các đoàn đi xa), tôi lại phải quay thử lại rất vất vả. Đi quay chả có ô tô hay chủ nhiệm gì sất. Mượn dân được cái xe ba gác chở máy móc, chân máy, thùng phim đi lang thăng khắp các làng ở Song Hồ, Đình Tổ cho tới phà Hồ và bờ đê sông Đuống... trông bệ rạc kinh khủng. Nhưng cảm thông với tấm gương lao động miệt mài đó, bà con dân lành quanh vùng làng tranh Đông Hồ thương. Họ sẵn sàng nhường gian nhà thoáng mát cho ở, nấu cơm cho ăn, giáp tết còn í ới gọi nhau cả xóm xóm xúm vào người góp nắm gianh, người vài cây tre, bó lạt người góp vài nải chuối, niêu đất, bu gà, đàn lợn con, gạo nếp gạo tẻ, lá dong... cho tới bồ tranh tết... dựng lên được cả một khung cảnh chợ quê (như thời xưa) sinh động vô cùng. Nghĩ lại những ngày tháng làm phim cực nhọc đó, tôi cũng chả hiểu tại sao, dạo đó mới 32 tuổi đầu mà tôi lại có sức khoẻ và nghị lực phi thường đến vậy. Năm sau, khi phim thành công, được lọt vào mắt xanh của hai LHP lớn của quốc tề như Krakow (Ba Lan) và Leipzig (CHDC Đức) vào tháng 6 và tháng 11 năm 1987 thì lúc đó mới thấy tác giả kịch bản Trịnh Đình Khôi nhảy vào tranh giành tác quyền chính của phim. Kết qủa, dù tôi có giấy mời đích danh mà LHP ở Ba Lan thì trôi chảy, nhưng tới LHP ngắn Leipzig thì không có tác giả nào của phim được tham dự, dù phim đã được gửi đi.
Dài dòng nhắc lại chuyện không vui này để thấy, sao cái kiếp má đào (kiếp làm nghệ thuật ĐA Tài liệu) ở xứ ta sao mà thê thảm thế. Lúc khó khăn thì chả thấy ai, lúc có chút “đỉnh chung” thì tranh giành, bôi bác nhau... nghĩ mà tội nghiệp. Chả thế sự nghiệp phim Tài liệu ở xứ mình cứ lụn bại, không ngóc đầu lên được. Giận đồng nghiệp thì ít mà căm những kẻ làm cái việc “quẳng xương... ” thì nhiều. Không biết có phải đó chính là lề lối quản lý văn nghệ đã đạt tới mức “trí tuệ đỉnh cao” ở xứ ta? Nếu không tại sao các qui định về các danh hiệu và giải thưởng ngót 30 chục năm nay cứ thay đổi xoành xoạch tới chóng mặt như vậy? Mỗi đợt thay đổi là một đợt kiện cáo gây mất đoàn kết trong giới sáng tác kinh khủng. Có đợt do tranh giành kiện tụng nhau dữ qúa, khiến việc công bố đã phải lui lại cả năm mà vẫn không giải toả được điều ong tiếng ve.
nguyen-thuoc-02.jpg
Đạo diễn phim Tài liệu Nguyễn Thước - Ảnh: ST - //vnexpress.net/
Trở lại chuyện của Nguyễn Thước. Tôi khi trước không thân thiết lắm với Thước, chỉ biết anh ta dạo đó (vẫn ngoài biên chế của xưởng) hay đi quay cho 2 đạo diễn Sỹ Chung và Vũ Phách (xưởng Thanh thiếu niên). Thấy phải là người có tâm với nghề (phim tài liệu) nhiều lắm thì người ta mới kiên trì được như vậy. Khởi nghiệp, Thước đã từng phải đi làm phụ động (hợp đồng khuân vác) ở các đoàn làm phim truyện. Cuối năm 1972 nộp đơn thi vào lớp quay phim Khoá 6 bị trượt. Không nản, tiếp tục phấn đấu để thi vào quay phim khóa 1 ở ĐH SKĐA. Tốt nghiệp ĐH quay phim không xin được việc làm (vì không có biên chế) vẫn bám các đoàn làm phim để được làm nghề. Tháng 5.1992, Thước đi quay phim “Hà Nội Có Cầu Long Biên” do tôi vừa là tác giả kịch bản vừa đạo diễn chính. Lúc đầu nhìn anh quay phim gầy tong teo Nguyễn Thước cầm chiếc máy quay phim nhựa nặng di chuyển trên các thanh rầm cầu Long Biên bạt gió, tôi chỉ lo gió thổi bay cả người lẫn máy xuống sông. Nhưng khi nhận những mẻ nháp đầu tiên với những khuôn hình chững chạc với những cú lia rất chắc chắn tôi mới yên lòng với người quay phim có tâm với nghề này. Không những tôi đã tin mà các chuyên gia ĐA Pháp (trong chương trình hợp tác Văn hóa Pháp-Việt) cũng tin tưởng mà tiếp tục nhờ Thước quay tiếp sau khi phim của tôi đã chấm dứt.
Năm 2006, về phép gặp lại nhau (sau mười mấy năm bặt vô âm tín), Thước vẫn cư xử đúng mực, đã để lại trong tôi những ấn tượng đẹp. Thước hứa sẽ  sang cho tôi một DVD phim Hà Nội Có Cầu Long Biên để tôi giữ làm kỷ niệm. Tưởng đó chỉ là lời bốc đồng lúc trà dư tửu hậu, không ngờ, Thước gửi anh Thọ (nhà văn Nguyễn Văn Thọ, anh trai Thước) mang sang Đức tặng cho tôi, thật xúc động. Hôm thấy tôi post bài trí thức VN của Phạm Thị Hoài lên Gocomay blog, Thước khuyên tôi rút xuống, tôi vẫn để... nên Thước giận tôi, mà không lai vãng cũng không liên hệ gì như mười mấy năm trước (?). Mặc dù vậy, tôi vẫn qúi Thước, cho dù quan điểm về nghệ thuật giữa hai bên chưa hẳn hợp nhau. Tôi vẫn thầm ước muốn, những người có tâm với nghề (phim ảnh) như Thước sẽ được ghi nhận và vinh danh một cách xứng đáng.
Mong sao các nghệ sỹ ĐA Tài liệu có thể sống một cách đàng hoàng bằng nghề (như giới ca sỹ đắt xô), mà không cần phải tranh giành nhau trong mỗi dịp xét danh hiệu và giải thưởng như đã và đang diễn ra. Bởi nếu đúng như bà Hồng Ngát (có chân trong Hội đồng xét duyệt cấp Bộ) rằng: những nghệ sĩ từng nhiều lần bị loại khỏi danh sách các đợt trước như Tố Uyên (vợ đầu của Lưu Quang Vũ, diễn viên chính trong Con chim vành khuyên), Đức Lưu (vai Thị Nở trong Làng Vũ Đại ngày ấy) hay đạo diễn Trần Vịnh là những người nhiều khả năng được danh hiệu NSƯT đợt này.
Nếu đúng như Thông tư của Bộ Văn hoá ngày 27.05.2010 (**), thì kẻ tha hương khốn khổ như May, hiện mang hai quốc tịch (vừa là người Việt Nam vừa người nước ngoài-Đức) cũng thừa sức đạt danh hiệu NSƯT và có khi còn đủ tiêu chuẩn cả giải thưởng nhà nước nữa. Đang tự sướng với mình như thế, chính ủy trong nhà (bà xã từng làm nhân viên phòng tuyên huấn ở ĐHTL Hà Nội) tương cho một câu xanh rờn: “đừng giàu chí tưởng thật, tuy các yếu tố chính trị không hề nhắc tới ở đây nhưng chả nhà quản lý văn nghệ nào bỏ phiếu thuận cho ông, nếu ông đã không còn trong vòng cương toả của họ”. Mình liền cãi ngay “thế nghị quyết 36 đang kêu gọi Việt Kiều hướng về xây dựng tổ quốc chỉ là nói cho vui hay sao?”. Bà ta liền tương luôn một tràng: “Thế ông Sinh, ông Hải và ông Văn (Lại Văn sinh, Đặng Xuân Hải và Trịnh Lê Văn) đều là Chủ tịch và Phó chủ tịch Hội ĐA VN; ông Sinh còn đương kim Cục trưởng Cục ĐA nữa... cả 3 có phải bạn đồng môn (lớp đạo diễn) của ông không? Ông Sinh từng đeo ác qui (biên tập kiêm phụ quay) cho ông mấy phim liền không biết những dấu ấn cả một cụm phim được giải của ông như Dịch Hạch; Làng Tranh Đông Hồ; Tranh Sơn Mài; Cá Trôi Ấn (1983; 1984; 1985; 1986)... cho tới phim Mặt Gương Hồ Tây và Hà nội Có cầu Long Biên (1992) mà  ông làm cả đạo diễn; quay phim và biên kịch hay sao? Rồi cả vụ ông đã cứu sinh vụ phim tốt nghiệp lớp đạo diễn (1990) khi cậu quay phim quay chính của Sinh quay hỏng gần như toàn bộ nữa chứ. Họ không có mù đâu, nhưng ai dám đề cử ông? để ảnh hưởng tới niêu cơm ngon đang ăn của họ? ”...
Thấy chính ủy phân tích thế qúa đúng, tôi đành phải công nhận, giữa lý thuyết và thực tế là cả một khoảng cách xa vời. Đành phải ngửa bài ra với chính ủy, thưa rằng mấy cái vụ “phong thánh” này tôi đâu có khoái, như bà thấy đấy, Chef Tréc-lơ-mo (Lương Đức) còn cướp cả cơm chim của mình như ở hai phim Tranh Sơn Mài và Cá Trôi Ấn (tôi quay chính mà không có tên trong phim và cả tiền nhuận bút cũng như tiền giải thưởng Bông Sen Vàng và Bạc cũng không nốt) mà tôi có thèm kiện cáo một câu nào đâu. Chứ hồi đó tôi kiện, chắc gì Chef lùn đã nuốt trôi công sức lao động rất hiệu qủa của tôi trong các phim đó như thế? Việc này đương kim Cục trưởng Lại Văn Sinh là nhân chứng hùng hồn. Chả nhẽ lại dám chối bỏ sự thật? (xem ảnh)
P1030505.JPG
Gocomay, Lại Văn Sinh và Lương Đức đang quay tại hiện trường (Từ Sơn Bắc Ninh tháng 3.1985 - phim Cá Trôi Ấn)
Tóm lại, theo quan điểm của tôi, bao giờ xứ ta bỏ hẳn được mấy cái vụ “bốc xôi làng“ (trong việc bày đặt ra các danh hiệu và giải thưởng lớn nhỏ) như ngót 30 chục năm qua. Dành số tiền tốn kém đó đầu tư phát triển văn học nghệ thuật nói chung, điện ảnh nói riêng... nhằm trừng bước gây dựng đào tạo ra được một đội ngũ văn nghệ sỹ cũng như cơ sở vật chất kỹ thuật vừa đủ. Để có thể tự túc được việc làm phim lịch sử mà không cần phụ thuộc vào ngoại nhân và ngoại bang (như vụ phim Lý Công Uẩn-Đường tới thành Thăng Long), khiến cả cụ Lý và bao thế hệ con cháu cụ phải ngậm ngùi, tủi cực.
Có thể có người không hiểu được thông điệp mà tôi đưa ra ở đây, sẽ cho rằng tôi dè bửu hay chê bơi các danh hiệu nghệ sỹ và các giải thưởng cao qúi của họ. Nếu có ai nghi ngờ đều đó, tôi cũng không bận tâm. Để kết cho entry này, tôi xin mạn phép cố nhà văn Nguyễn Khải, chép lại đây một câu rất thật lòng của ông:
“năm ấy tôi được trao giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật đợt 2. Mừng thì rất mừng nhưng tôi nhận ra ngay đây là tấm bia mộ sang trọng cắm lên một đời văn đã tới hồi phải  kết thúc”.
Thương lắm thay!
Gocomay.
____
(*) Một ý trong hồi ký “Đi tìm cái tôi đã mất“ của nhà văn Nguyễn Khải - http://vanchuong.vnweblogs.com/post/2192/68918
(**Thông tư Quy định chi tiết về tiêu chuẩn, quy trình, thủ tục, hồ sơ xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật (ra ngày 27/5/2010)
- trích:
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
Thông tư này quy định chi tiết về tiêu chuẩn, quy trình, thủ tục và hồ sơ xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật cho các đối tượng:
1. Tác giả là người Việt Nam có tác phẩm, cụm tác phẩm; công trình, cụm công trình văn học, nghệ thuật được công bố, sử dụng kể từ ngày thành lập Nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, nay là Nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
2. Tác giả là người nước ngoài có tác phẩm, cụm tác phẩm; công trình, cụm công trình nghiên cứu văn học, nghệ thuật về Việt Nam.
___
P/S:
------------------
*****


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tìm kiếm Blog này