Nguồn: Blog Gocomay
Đăng ngày: 21:58 10-08-2011
Gocomay và Hùng Quýt (nhà quay phim Trần Hùng-phim Truyện) - Cổ Loa năm 1977
Ngày còn học ở Trường Điện ảnh, mình thần tượng nhất khuôn hình của 4 nhà quay phim lão thành là Hồng Sến (phim: Một Ngày Đầu Thu); Khánh Dư (phim: Chị Tư Hậu); Vũ Phạm Truân (phim: Rừng O Thắm) và Kiều Thẩm (phim: Đầu Sóng Ngọn Gió). Thầm ước ao sau này được đi điếu đóm cho các bậc tiền bối đó để học hỏi thì còn gì hạnh phúc bằng!
Lúc ra trường (1976) thì hai người là Vũ Phạm Truân và Kiều Thẩm đã khuất núi. Hồng Sến và Khánh Dư thì bỏ nghề quay phim chuyển sang làm đạo diễn. Khiến kẻ hậu sinh yêu nghề như mình hẫng hụt và tiếc nuối vô cùng.
Là một trong ba người đỗ đầu lớp quay phim, mình cũng nhận được nhiều lời mời gọi rất chí tình! Thầy Cao Thuỵ (dạy môn Lịch sử Điện ảnh thế giới) thì rủ mình về Viện Nghệ thuật - Bộ Văn hóa, nơi ông vừa giữ chức trưởng Ban Điện ảnh. Nhà quay phim lão thành Như Ái thì muốn lôi mình về làm phim Tài liệu-Khoa học. Ông cậu mình, nhà quay phim lão thành Nguyễn Đắc (lúc đó đang làm công tác quản lý không còn làm chuyên môn nữa) thì chỉ nói xa xôi rằng, nếu muốn được làm nghệ thuật thực sự thì chỉ có ở phim truyện mới có nhiều đất để phát triển.
Đang phân vân chưa biết tính sao thì vị Trưởng phòng Tổ chức Cán bộ (TCCB) nhà trường gọi lên khuyên nên về phim Truyện. Ông phi lộ "Chỉ tiêu của phim truyện kỳ này chỉ nhận những người đỗ điểm cao. Không phải ai cũng có cái lợi thế như cậu!... đừng để tuột mất cơ hội may mắn này...". Thế là mình tặc lưỡi ghi danh về phim Truyện.
Ba năm trời đi phụ quay cho 4 phim (Đứa con nuôi; Những đứa con; Phía Bắc Thủ đô và Những người trên mặt sông) mà vẫn không lên nổi được chức Phó quay phim. Trong khi cả hai thằng bạn đồng môn (cùng top đỗ đầu) là Phạm Việt Thanh và Nguyễn Hữu Tuấn thì lên Phó từ ngay lần nhận phim thứ hai rồi. Công bằng mà xét thì muốn tiến thân về nghề ở những nơi lắm anh tài cái thế như phim Truyện, ngoài khả năng về chuyên môn còn cần tới những tích tắc khác nữa. Mình thì lại yếu kém về cái khoản "quan hệ" (tích tắc) này nên lẹt đẹt cũng là lẽ đương nhiên.
Nhớ lại thời kỳ đó mà vẫn cứ rùng mình. Khi chính mình chứng kiến cảnh đạo diễn Bắc Xuyên (chuyên làm phim sân khấu) bất mãn tới mức lao thẳng xe đạp vào xe điện ở ngay cổng xưởng, chết; đạo diễn Nông Ích Đạt nổi tiếng thế mà xin đăng ký gặp Giám đốc (Vũ Năng An) suốt 3 tháng dòng vẫn chưa được tiếp đã phẫn uất tới mức cả hai vợ chồng uống thuốc ngủ tự vẫn. May mà hàng xóm phát hiện và hô hoán... đưa đi bệnh viện cấp cứu kịp thời. Nổi đình đám như diễn viên Tố Uyên (đóng bé Nga trong Con Chim Vành Khuyên) sắc nước hương trời như thế mà dạo đó không biết tội tình gì mà bị kỷ luật không được đóng phim... hàng ngày phải 8 tiếng đi làm lao công quét rác quanh xưởng. Không biết có phải vì cái án kỷ luật (vẩn vơ) từ dạo đó mà mãi tới nay (như lời bà Hồng Ngát) mới sắp sửa được phong danh hiệu NSƯT?
Trường hợp của mình, so với các bậc đi trước kém may mắn kia thật chả thấm tháp gì. Khi tìm hiểu kỹ ra mới vỡ lẽ mình bị sao Thái Bạch (bên trên) chiếu nên đành "đánh bài chuồn" là hơn. Chả là tới phim thứ tư (1978) rồi, khi quay phim chính là Đỗ Mạnh Hùng vừa rời đoàn để đi Vờ Gích (Liên Xô) làm nghiên cứu sinh. Đinh Văn Viện đang làm Phó quay thì được đẩy lên quay chính. Ai cũng nói cơ hội mình lên Phó là chắc như đinh đóng cột. Nào ngờ người ta liền điều tạm một anh Kỹ thuật hình lâu năm (Đinh Thành) về đoàn phim làm Phó quay thay Viện. Như vậy còn nỗi nhục nào hơn thế nữa. Học hành đàng hoàng ra trường đã ngót 3 năm, mình có kém cỏi nỗi gì. Cả Xuân Chân (lúc đó làm đạo diễn); Đỗ Mạnh Hùng và Đinh Văn Viện có phải ù ờ đâu mà không nhận ra điều đó? Bởi vậy, phim vừa xong giai đoạn quay, thanh toán trả hết tất cả những thứ mà mình quản lý (phim nhựa, thùng hòm, túi đen...) mình lên gặp Phòng Tổ chức Cán bộ xin chuyển công tác sang hãng phim Tài liêu-Khoa học (TLKH).
Trên hiện trường phim "Những người trên mặt sông" (lúc cầu Thăng Long đang đổ trụ) - 1978
Nhùng nhằng mấy tháng trời không được giải quyết. Trưởng Phòng TCCB (Hiến) gặp tôi nói, giám đốc (An) chỉ thị rằng "phải thẩm tra xem động cơ vì sao phải xin chuyển công tác?"; rằng: "ngày trước anh Đắc (cậu tôi) phải nói khó với tôi (An) thì tôi mới nhận, nay anh Đắc chuyển công tác khác, cậu này cũng đòi chuyển đi... như vậy có uẩn khúc gì không?"...
Không còn kiên trì được nữa, tôi đánh bài ngửa luôn: "Xin anh Hiến về ngay Trường ĐAVN xem lại cái công văn của các anh ghi "chỉ nhận những người đỗ đầu... chứ các anh có ghi tên đích danh tôi đâu... mà nay lại dựng chuyện như vậy?"; "Lúc về đây tôi làm phụ quay, sau gần 3 năm vẫn phụ quay, lương không được tăng một cắc. Nay tôi tự thấy không còn phù hợp với công việc ở đây nữa. Tôi muốn thử sức mình ở một môi trường mới phù hợp với khả năng của tôi hơn! Chả nhẽ đó lại là động cơ không trong sáng?"
Cũng may là sang năm 1979, tình hình chiến tranh Biên giới phía Bắc xẩy ra, hãng Phim TLKH cũng có nhu cầu bổ sung quay phim, nên đích thân ông Nguyễn Thụ (lúc đó làm Trưởng phòng TCCB Cục ĐA) đã can thiệp để tôi được chuyển sang Hãng TLKH vào tháng 5.1979. Cùng ở phim Truyện chuyển sang phim TLKH còn có Lê Mạnh Thích (sang trước tôi khoảng gần 3 năm); Nghiêm Phú Mỹ (sang sau khoảng 3 năm) nhưng có lẽ chỉ có Lê Mạnh Thích và tôi là phát huy tốt được những gì đã thu luợm được ở cái nơi đầy bon chen (phim truyện) ấy để vươn lên thành đạo diễn và giành được giải nọ giải kia. Chứ nhà quay phim Nghiêm Phú Mỹ (dù tốt nghiệp quay phim ở ĐH Vờ Gích - Liên Xô) cũng cứ lẹt đẹt như biết bao quay phim làng nhàng khác. Thế mới biết trong sáng tạo nghệ thuật, ngoài sự may mắn, yếu tố con người vẫn mang tính quyết định!
Bãi biển Ngũ Hành Sơn - Đà Nẵng năm 1983
Để tri ân cái nơi đã rèn rũa mình một bản lĩnh vững vàng về nghề, đầu năm 2006, về phép tôi có rủ chú em Như Vũ ghé qua thăm "chốn cũ". Tới nơi thật không thể tưởng tượng được cái cảnh tan hoang thảm hại như vậy?! Chỉ có mỗi cái cổng sắt là mới. Dãy nhà của Ban Hoá trang và dãy phòng để máy móc phim nhựa của các đoàn phim (nhà cấp 4) vẫn thế, với tường vôi vàng cũ mốc, đôi chỗ còn trơ mạch vữa với gạch non đỏ choét. Con đường dẫn vào trường quay, xưa "dập dìu yến oanh" (các diễn viên năm nữ) lúc nào cũng đông như trẩy hội. Nay đìu hiu không một bóng người. Cửa trường quay thấy người ta quây rào lưới sắt sập xệ dùng làm nơi tàng chứa bonsai - cây cảnh đủ loại bộn bề. Gian phòng Kỹ thuật hình xưa (thời ông Trần Trung Khuynh - chú ruột Trần Trung Nhàn phụ trách) hoành tráng là vậy mà bây giờ tan hoang chẳng còn tủ giả bàn ghế gì nữa, dưới mấy manh chiếu rách thấy có đám sát phạt tổ tôm và cả đám chầu rià đen đỏ, đốt thuốc khói mù như hun chuột... đang ù chi chi nảy không khác cảnh mô tả của nhà văn Phạm Duy Tốn trong truyện "Sống chết mặc bay" hồi đầu thế kỷ trước. Thấy gương mặt quen quen. Tưởng ai hoá ra thằng Hoa con ông Tiêu nổi tiếng tổ tôm ở xưởng năm xưa. Thằng Hoa làm nghề Kỹ thuật hình mà bỏ việc cho các đệ tử trong (trường quay) kia muốn làm gì thì làm. Còn hắn thì cầm đầu đám tổ tôm y như cảnh bố nó xưa. Mình hỏi:
- Mày nhớ tao không?- A anh Cường! sao lại quên được!- Mày không quên là tốt đấy, vì mày còn nợ tao chầu bia to, đúng không?- Đúng rồi, đúng rồi...- Thế mày theo nghề (tổ tôm) của ông Tiêu từ bao giờ vậy?- Ông Tiêu ngỏm lâu rồi... anh về từ bao giờ?... sáng nay Tuấn Tít (Nguyễn Hữu Tuấn) cũng ở đây, em vừa nhắc tới tên anh xong... thiêng thế...
Nơi tận cùng của tổ quốc - Kiên Giang năm 1987 (lúc hòn Phụ vẫn còn)
Dạo đó đi làm phim đói kém lắm. Thằng Hoa không biết túng bấn gì dám thuổng cả một Cassette (120 m - phim 35 mm ORWO-NP 55) do mình quản lý đem bán ở Gia Lâm, may mà mình phát hiện được, lúc đầu hắn còn chối, chỉ khi mình đã túm được đầy đủ bằng chứng và nhân chứng thì hắn mới chịu nhận... và mình đã tha cho nó... chứ lúc đó mà báo với công an thì dù bố nó có là giám đốc quyền thế cũng không cứu được. Cái thời đó còn nghiêm với chuyện "xâm phạm tài sản XHCN" lắm! Đã có người phải đi tù về chuyện (tham ô - bán phim) như vậy... Nay thấy hắn tóc bạc trắng mà vẫn nhớ cái ơn (cái nợ) cũ như vậy cũng vui rồi!
Vào trường quay thấy đang quay chương trình quảng cáo thuê cho doanh nghiệp nào đó. Cậu Ty phụ động xưa nay lên phụ trách Ban ánh sáng, biết mình từ Đức về Ty vồn vã lắm! Hết khoe về công việc đến khoe anh em quen cũ... nay làm gì, làm gì. Hùng Quýt (Trần Hùng) phụ động tổ quay xưa, thì nay thành cây đa cây đề về quay phim rồi. Thọ Lột (tổ trưởng ánh sáng) nay đã lên Trưởng phòng TCCB. Ở chơi thăm anh em một lát rồi xin số điện thoại của Hùng Quýt và ra về... Ra tới cửa trường quay Ty còn chạy theo, dúi tấm Cardvisit, dặn với nếu có hợp đồng quay quảng cáo thì nhớ giới thiệu... sẽ có phần trăm lạy quả đàng hoàng. Ty nhấn mạnh thế!
Gocomay - Phạm Cường tham dự LHP Quốc tế ở thành phố cổ Krakow Poland tháng 6.1987
Sau bao năm xa cách, thấy những người lao động (ở xưởng phim) dù Tài liệu hay phim Truyện vẫn lam lũ. Nhưng lại hồn hậu cởi mở hơn xưa. Lãnh đạo cũng thế, dù tới đột xuất, chả gặp được ai ở phim Truyện. Nhưng qua câu chuyện với các anh em thì ai cũng khen giới lãnh đạo ngành (Cục ĐA và Hội ĐA) bây giờ không còn quan cách một cách thái qúa nữa. Mừng qúa đi chứ! Nhưng sao đất nước đi lên. Cả xã hội cũng có nhiều biến chuyển tích cực mà điện ảnh nước nhà vẫn cứ tậm tịt? Có điều gì ẩn dấu đàng sau các hiện tượng ấy?
Hôm qua (10.08.2011), thấy trên báo Người Lao Động và trang nhà của nhà văn Phạm Viết Đào (bác Đào trước đây cũng dân cùng ngành Điện ảnh) đăng bài về "Vụ thất thoát 42 tỷ đồng ở Cục Điện ảnh..." và chuyện "Điện ảnh Việt phải "nín thở" chờ... tiền" tài trợ làm phim. Thì tôi thực sự buồn. Sao bây giờ các nghệ sỹ đều xe đẹp, quần lành áo tốt. Tất cả đều thành danh thành đạt với nhiều danh hiệu và giải thưởng cao qúi của nhà nước như vậy mà xưởng phim thì chả khác gì cảnh trong Thăng Long hoài cổ của Bà Huyện Thanh Quan? (*)
Vậy xin mượn một câu thơ của nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo để chế lại cho phù hợp với ngữ cảnh của phim trường bên Hồ Tây thơ mộng, nơi tôi đã một thời gắn bó!Hồ Tây hóa rượu ta đến uốngTa tỉnh phim trường ngả nghiêng say (**)Gocomay___(*) Dấu xưa xe ngựa hồ thu thảo / Nền cũ lâu đài bóng tịch dương(**) Nguyên tác: Sông Hương hóa rượu ta đến uống / Ta tỉnh đền đài ngả nghiêng say
* * *
Vụ thất thoát 42 tỷ đ. ở Cục Điện ảnh có bị chìm xuồng?
Xin gửi ông thư đính kèm đây. (*)
Mong ông sớm cho phóng viên bổn báo điều tra để đáp ứng nhu cầu của đông đảo độc giả, nhất là anh chị em trong giới Điện ảnh nước nhà đang hết sức quan tâm theo dõi vụ tham ô lớn nhất trong lịch sở ngành văn hoá xưa nay.
Xin thông tin thêm là vừa rồi cả cơ quan Cục Điện ảnh đều hết sức sửng sốt trước việc không biết ông Cục trưởng Lại Văn Sinh lấy đâu ra nhiều tiền thế mà vừa chính thức được Q. Cầu Giấy cấp Sổ đỏ cho một căn biệt thự trị giá hàng chục tỷ đồng mới xây tại Khu Trung Hòa - Nhân Chính (Tin trên trang WEB Nhadat.com có đăng). Thêm nữa, hiện con trai, con gái và con rể ông Sinh đều đang du học tại Úc, hàng năm tốn kém không dưới năm chục ngàn đô-la! Bà Trần Kim Phụng, kế toán trưởng của ông Sinh, cũng vừa tậu nhà tại Trung Hòa - Nhân Chính như ông thủ trưởng của mình. Thật là phối hợp tài tình !
Những thông tin trên quý báo không khó để kiểm tra đúng sai. Rất mong quý báo tham gia đánh bọn sâu mọt hại dân, hại nước trên đây , vạch rõ bộ mặt những kẻ bao che tội phạm.
Nguyên Hàn (Cán bộ Hãng Phim truyện VN, 10/8/11)* Ông Nguyễn Hàn gửi cho Phamvietdao.net và các báo đề nghị công bố bức thư này....
___
Điện ảnh Việt “nín thở” chờ… tiền
Tại sao 2 năm qua không kịch bản nào được duyệt làm phim. Có phải Cục Điện ảnh không có tiền tài trợ ?
Mỗi năm, ngân sách Nhà nước chi cho hoạt động điện ảnh, trong đó có tiền tài trợ sản xuất phim cho các hãng phim Nhà nước là không nhỏ, trong lúc các hoạt động của ngành điện ảnh Việt Nam đang rất cần tiền, Cục Điện ảnh vẫn nín thinh.
Không kịch bản nào được duyệt?
Dân trong giới kháo nhau Cục Điện ảnh đã hết tiền. Tiền này đi đâu mà sao 2 năm qua không kịch bản nào được duyệt sản xuất? Số kịch bản cuối cùng được duyệt cách nay cũng hơn 2 năm, thậm chí 3 năm, có kịch bản hiện vẫn chưa được khởi quay: Nếu anh còn được sống (kịch bản: Việt Linh).
Thế rồi, mới đây, bỗng dưng Cục Điện ảnh lại… tổ chức duyệt kịch bản. Ban đầu là duyệt kịch bản phim hoạt hình; tiếp đó là 11 kịch bản phim truyện được đưa ra mổ xẻ. Giới điện ảnh truyền tai nhau có 4 kịch bản sẽ “đấu” giai đoạn cuối để giành “vé” vào sản xuất. Mọi người lại “sôi sùng sục”. Tại sao Cục Điện ảnh lại khắt khe với sản xuất phim, chỉ với lý do thiếu tiền.
Được biết, trong số 4 kịch bản được cho là “vào chung kết”, có kịch bản đã từng xuất hiện trên bàn duyệt cách nay hơn 10 năm. Nói về kịch bản này, phó giám đốc một hãng phim cho rằng: “Kịch bản này cứ âm âm, u u thế nào. Tôi cũng chẳng hiểu hội đồng duyệt thấy nó hay ở đâu” (?).
Lại nói về bộ phim Nếu anh còn được sống. Ban đầu, dự án phim này được giao cho Hãng phim Truyện 1. Sau gần 2 năm nhận dự án nhưng không triển khai, dự án này bị Cục Điện ảnh thu lại giao cho Trung tâm Điện ảnh Chiều thứ bảy trực thuộc Cục Điện ảnh sản xuất. Đạo diễn Lê Ngọc Linh được mời từ Đà Nẵng ra gánh vác dự án trong vai trò đạo diễn.Dự án được khởi động lại, lúc đó
đã có nhiều câu hỏi đặt ra là tại sao Cục Điện ảnh, đơn vị quản lý ngành có trách nhiệm duyệt kịch bản, duyệt phim lại kiêm luôn khâu… sản xuất theo lối “vừa đá bóng vừa thổi còi” như vậy? Băn khoăn thế, nhưng là việc cục đã quyết nên mọi người chỉ “bàn ra, tán vào”. Phim chuẩn bị bấm máy, sau khi đã tiêu kha khá tiền cho giai đoạn chuẩn bị tiền kỳ thì phải ngưng vì thiếu tiền. Hãng phim Truyện Việt Nam được bàn giao sản xuất phim này. Lại mất thêm 2 tháng chờ đợi, đến nay… dự án này vẫn án binh… chờ tiền.
Cần chuyển đổi cơ chế
Những người quan tâm đến điện ảnh nước nhà không khỏi chạnh lòng khi ngay một đơn vị sản xuất được xem là “anh cả đỏ” của điện ảnh Việt – Hãng phim Truyện Việt Nam - đang thiếu trầm trọng đội ngũ trẻ làm phim. Đạo diễn Vũ Xuân Hưng nói: “Nếu không có giải pháp kịp thời, chỉ 5-7 năm nữa, Hãng phim Truyện Việt Nam không còn người để làm phim. Bởi lẽ, người trẻ thì không về, người của hãng thì phần lớn chỉ 5-7 năm nữa là nghỉ hưu”.
Cũng theo ông Hưng, giải pháp để cứu điện ảnh quốc doanh bây giờ là quyết liệt chuyển đổi cơ chế. Nghĩa là thay bằng việc tồn tại ba cơ chế như hiện nay: công ty cổ phần, công ty TNHH một thành viên, sự nghiệp có thu… nên chuyển tất cả sang doanh nghiệp. Cần xây dựng tập đoàn điện ảnh Việt Nam như cách mà Hàn Quốc, Trung Quốc đã làm.
Theo đó, công việc sản xuất phim phải gắn kết với hàng loạt hoạt động có tính chất thương mại khác: phát hành (các cụm rạp), trung tâm văn hóa đa năng, trung tâm thương mại… Điều này từ lâu đã được nhiều người xới lên nhưng đến nay vẫn chỉ là ý tưởng và điện ảnh vẫn tiếp tục hoạt động nửa bao cấp, tụt hậu.
Nếu hỏi tại sao điện ảnh Việt kém phát triển, thường được các nhà chức trách trả lời … thiếu tiền. Chẳng hiểu mỗi năm hàng chục tỉ đồng ngân sách rót cho ngành điện ảnh đi về đâu?
Lấy phim đâu để dự liên hoan ? Hoành tráng như Hãng phim Truyện Việt Nam, năm 2010 cũng chỉ có một phim truyện được sản xuất và đến giờ vẫn chưa hoàn thiện. Số lượng ít, chất lượng cũng chẳng cao nên cứ nghĩ đến cái đích Liên hoan Phim (LHP) Việt Nam 17 tổ chức tại Phú Yên vào cuối năm, nhiều người lại thở dài. Đạo diễn Vũ Xuân Hưng, Phó Giám đốc Hãng phim Truyện Việt Nam, cho rằng: “Với giới làm nghề, LHP là một sinh hoạt nghề nghiệp cần thiết. Tuy nhiên, vì rất nhiều lý do, các LHP trước nay không làm được việc khuyến khích điện ảnh phát triển ở một tầm mới. Vì thế, chỉ những ai có phim dự thi mới hào hứng với LHP”. Sản xuất phim lại èo uột, số lượng phim ít, chất lượng không cao, đầu ra không có… nên nói đến liên hoan chẳng ai thấy vui. |
Nguyễn Văn
------------------
*****
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét