++ Hãy đến với nhau bằng tấm lòng trung thực!++

Thứ Năm, 28 tháng 7, 2011

Chiến lược hai mũi nhọn của hải quân Trung Quốc

Nguồn: Ba Sàm 
 
Robert C. O’Brien
Trung Quốc đang theo đuổi chiến lược hai mũi nhọn với việc xây dựng một lực lượng hải quân hoành tráng. Phương Tây đang phạm sai lầm nếu đánh giá thấp các mưu đồ này.

Trong thập niên vừa qua, trong khi phương Tây hao tâm tổn sức vào cuộc chiến chống Hồi giáo cực đoan ở Trung Đông và Trung Á thì Trung Quốc rốt ráo thực hiện một nỗ lực nhanh chóng và ấn tượng nhằm trở thành một cường quốc hải quân lớn nhất ở đông Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương.

Trong nhiều năm, Trung Quốc chỉ tập trung chi tiền vào Quân đội Giải phóng Nhân dân (PLA), còn Không quân và Hải quân đóng một vai trò phụ trợ. Nhưng với sự ra mắt tàu sân bay đầu tiên của nước này vào tháng tới, phần còn lại của thế giới và đặc biệt là các đồng minh châu Á của Mỹ – đang phải chú ý đến mức độ mọi thứ diễn ra nhanh chóng thế nào. Trung Quốc có những tham vọng hải quân to lớn, và chúng được khích lệ bởi một nỗ lực xây dựng lực lượng hải quân chưa từng thấy sau khi Hoàng đế Wilhelm II quyết định thách thức sức mạnh hải quân Anh bằng cách thành lập Hạm đội High Seas vào bước ngoặt của thế kỷ trước.

Việc xây dựng lực lượng của Trung Quốc được thực hiện theo một chiến lược hai mũi nhọn. Thứ nhất, Trung Quốc muốn Mỹ và các cường quốc hải quân khác không tiếp cận các vùng biển Hoàng Hải, Biển Đông và đông Trung Quốc; bằng cách đó (1) thiết lập sự tương đồng của nước này với cách thức Mỹ nhìn nhận Carribe hồi thế kỷ 20, từ đó, một lực lượng hải quân viễn dương có thể hoạt động khắp toàn cầu; (2) thống trị các nguồn lực tự nhiên và các quần đảo tranh chấp như Hoàng Sa và Trường Sa ở những vùng biển đó; và (3) cho mình khả năng thống nhất Đài Loan với đại lục bằng vũ lực mà không bị Mỹ can thiệp, nếu cần thiết. Sự quyết đoán của Trung Quốc trong việc đe dọa và quấy rối các tàu hải quân và dân sự của Mỹ và của các nước châu Á trong khu vực trong thập niên qua cho thấy mức độ quyết tâm liên tục trên mặt trận này.

Thứ hai, Trung Quốc muốn có được sự kính nể của quốc tế và khả năng phô trương sức mạnh trên các tuyến hàng hải ở Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương bằng cách triển khai nhiều tàu sân bay và các máy bay chiến đấu ném bom tàng hình thế hệ thứ 5. Nền kinh tế đang bùng nổ của Trung Quốc đã trở nên lệ thuộc nhiều hơn vào các khoáng sản và dầu lửa nhập khẩu từ châu Phi và Trung Đông, và việc bảo vệ các tuyến đường biển ở Ấn Độ Dương và Eo biển Malacca là một trách nhiệm mà Trung Quốc không còn muốn phó mặc cho các cường quốc khác nữa.

Ngân sách quân sự được Trung Quốc công bố chính thức cho năm 2011 là 91,5 tỷ SSD, tăng mạnh từ con số 14,6 tỷ USD năm 2000. Trung Quốc thừa nhận rằng một phần ba chi tiêu của nước này giờ đây được dành cho Hải quân, tuy nhiên, con số dù rất khủng đó chắc chắn đã bị nói giảm. Trung Quốc khét tiếng là thiếu minh bạch về các khoản chi tiêu quân sự của mình, và đa số các nhà phân tích đều tin rằng nước này chi cho các lực lượng vũ trang nhiều hơn con số tuyên bố công khai. Hơn nữa, chi phí lao động quân sự của Trung Quốc trả cho các binh sĩ, thủy thủ và phi công là một phần nhỏ so với chi trả của các chính phủ phương Tây, nơi lương, các khoản trợ cấp và lương hưu thường chiếm phần lớn nhất trong các ngân sách quốc phòng. Điều đó cho phép Trung Quốc dành nhiều tiền hơn vào chế tạo các hệ thống vũ khí so với các đối thủ. Không giống như các chính phủ phương Tây vốn đang phải cắt giảm chi tiêu quốc phòng, Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng chi tiêu trong những năm tới.

Mục tiêu chính của chiến lược xây dựng lực lượng hải quân là từ chối tiếp cận. Mặc dù đa hướng nhưng  Trung Quốc đang xây dựng chiến lược từ chối tiếp cận xung quanh hai lĩnh vực cột trụ: Tên lửa đạn đạo chống tàu Đông Phong DF-21D (ASBM), được mô tả là “Sát thủ tàu sân bay”, cùng một hạm đội tàu ngầm tấn công hiện đại và mở rộng. Tư lệnh hạm đội Thái bình Dương của Hải quân Mỹ, đô đốc Robert F. Willard, mô tả DF-21D là đã đạt tới giai đoạn phát triển Khả năng Hoạt động Ban đầu, có nghĩa là nó có thể hoạt động nhưng chưa cần thiết được triển khai. Còn các nguồn tin Đài Loan cho biết, Trung Quốc đã triển khai ít nhất 20 ASBM. Dù được triển khai ngay bây giờ hay trong tương lai gần thì Hải quân Mỹ tin rằng Trung Quốc đã có khả năng do thám, giám sát và tình báo từ trên không, có cấu trúc chỉ huy và kiểm soát cùng các khả năng xử lý trên mặt đất đủ để hỗ trợ triển khai DF-21D. Trung Quốc cũng đã sử dụng một dàn máy cảm biến phi không gian và các tài sản giám sát có khả năng cung cấp thông tin mục tiêu cần thiết để triển khai DF-21D. Với tầm bắn 2.600km như thông tin mới đây, loại tên lửa này sẽ khiến các nhà lập kế hoạch hải quân thực sự lo ngại khi hoạt động ở bất cứ nơi nào gần đại lục.

Chương trình tàu ngầm của Trung Quốc phát triển cực kỳ mạnh mẽ. Trong phần lớn thời Chiến tranh Lạnh, Trung Quốc chỉ vận hành các tàu ngầm ven biển thời Liên Xô lạc hậu. Hồi những năm 1990, Trung Quốc mua các tàu ngầm tấn công chạy điện-diesel hạng Kilo của Nga và trong thập niên qua, mỗi năm nước này hạ thủy hai tàu ngầm tấn công điện-diesel hạng Song tự chế. Ngoài ra, Trung Quốc cũng phát triển và hạ thủy tàu tấn công chạy điện-diesel hạng Yuan công nghệ cao, loại có thể có hệ thống đẩy không lệ thuộc vào không khí. Các nhà phân tích tin rằng Trung Quốc, trong những năm tới, cũng sẽ hạ thủy tàu ngầm tấn công chạy bằng hạt nhân hạng Shang, tăng thêm sức mạnh cho đội tàu ngầm vốn đã rất hùng hậu của nước này. Chắc chắn Trung Quốc cũng nhận thấy khả năng chiến đấu chống tàu ngầm của Mỹ đã bị mài mòn đáng kể từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh.

Tuy nhiên, các khả năng của Hải quân Trung Quốc được đề ra là phải vượt khỏi khả năng từ chối tiếp cận, để phô sức mạnh. Các hệ thống mà thế giới chú ý nhất là các tàu sân bay đã được lên kế hoạch của Trung Quốc và máy bay ném bom chiến đấu thế hệ thứ 5 mới của nước này. Giờ đây, vào mọi lúc, Hải quân của PLA đều có thể khởi đầu các thử nghiệm trên biển đối với tàu sân bay đầu tiên của họ, tàu Varyag cũ của Ukraine được đặt tên lại là Shi Lang. Con tàu từ thời Liên Xô này rộng hơn các tàu sân bay châu Âu nhưng nhỏ hơn 1/3 so với các tàu hạng Nimitz của Mỹ. Không chỉ có thế, Trung Quốc còn công khai xác nhận có một tàu sân bay nữa lớn hơn chạy bằng năng lượng thông thường đang được chế tạo trong nước và nhiều khả năng sẽ được hạ thủy vào năm 2014. Nước này cũng đã lên kế hoạch hoặc đang chế tạo một tàu sân bay chạy bằng năng lượng thông thường thứ 3 trong khi hai tàu khác chạy bằng năng lượng hạt nhân đang nằm trên bản vẽ, dự kiến hoàn thành vào năm 2020.

Quan trọng ngang với tàu chiến là máy bay mà Trung Quốc dự định triển khai trên đó. Máy bay ném bom chiến đấu trong chái hàng không của tàu sân bay Hải quân PLA sẽ là J-15 Flying Shark, ngang ngửa với loại F-14 Tomcat đã về hưu của Hải quân Mỹ cả về kích cỡ lẫn năng lực. Loại phi cơ này có tầm bay hạn chế do trọng tải của nó khi cất cánh từ sàn tàu Shi Lang; tuy nhiên, nhiều người tin rằng những tiến bộ trong ngành hàng không và khoa học điện tử áp dụng trong ngành này của Trung Quốc, cũng như hệ thống máy phóng được lắp trên các tàu sân bay sắp tới, có thể đưa J-15 lên cùng hạng với USN F-18 Super Hornet trong tương lai.

Trung Quốc cũng có thể đã phát triển một máy bay gắn hệ thống cảnh báo và kiểm soát đường không trên tàu ngầm (AWACS). Trong khi đó, một bức ảnh xuất hiện trên Internet hồi giữa tháng 5 cho thấy một góc mô hình của vật rõ ràng là một máy bay AWACS nhỏ được thiết kế dựa trên loại Hawkeye E-2 và Yak-44  thời Liên Xô.

Muốn đánh giá đúng chương trình tàu ngầm của Trung Quốc, cộng với sự về hưu của tàu USS Enterprise trong mùa hè này, Mỹ sẽ chỉ có 10 tàu sân bay để thực hiện các cam kết trên khắp thế giới. Trung Quốc nhiều khả năng sẽ có 5 tàu sân bay dành riêng cho khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Việc xây dựng lực lượng của Trung Quốc đang được báo chí phương Tây đề cập, với mức độ đưa tin rầm rộ về chiến đấu cơ tàng hình 2 động cơ thế hệ thứ 5 của Trung Quốc, chiếc J-20 Black Silk. Máy bay này to hơn chiếc F-22 Raptor của Không lực Mỹ và có thể có năng lực tương đương (mặc dù một số nhà quan sát Mỹ nói rằng nó giống với chiến đấu cơ Mỹ F-35 Joint Strike ít tinh vi hơn).

Nguyên mẫu J-20 cất cánh trong chuyến bay thử nghiệm đầu tiên hồi tháng 1 từ một sân bay ở thành phố Thành Đô, hoạt động khoảng 15 phút vào đúng ngày Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ khi đó, ông Robert Gates, đang có cuộc gặp với Chủ tịch Hồ Cẩm Đào ở Bắc Kinh. Sự kiện này phát đi một thông điệp chính trị mạnh mẽ và đưa chiếc J-20 vào tâm điểm các chương trình thời sự buổi tối trên khắp thế giới.

Trung Quốc được tin là đã nhận được sự trợ giúp rất lớn trong việc chế tạo J-20 bằng cách thu gom những mảnh vỡ từ chiếc F-117 Night Hawk của Mỹ rơi ở Serbia, và từ việc được cho là ăn trộm qua mạng các kế hoạch JSF (máy bay tiêm kích tấn công kết hợp) từ các nhà thầu quốc phòng Mỹ. (Với điều này trong đầu, các nhà lập kế hoạch của Mỹ cũng sẽ cho rằng các kỹ sư Trung Quốc đã tiếp cận phần đuôi cánh quạt của chiếc máy bay tàng hình bị rơi trong cuộc tập kích giết Osama bin Laden ở Pakistan).

Những thành tựu kỹ thuật nhanh chóng và cao cấp đó dường như đã khiến nhiều nhà quan sát phương Tây ngạc nhiên, và có sự nhất trí là phương Tây luôn đánh giá thấp năng lực cũng như quyết tâm mở rộng và hiện đại hóa các lực lượng vũ trang của quân đội Trung Quốc, đặc biệt là Hải quân. Nhưng giờ đây càng rõ là thế giới đang đứng trước một thách thức lớn đối với một trật tự hàng hải mà hải quân Anh-Mỹ chiếm ưu thế trong suốt hơn 200 năm qua. Cách Mỹ phản ứng trước thách thức của Trung Quốc sẽ định rõ cán cân quyền lực ở châu Á – Thái Bình Dương trong phần còn lại của thế kỷ này.

Người dịch: Trúc An
Bản tiếng Việt © Ba Sàm 2011
------------------
*****


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tìm kiếm Blog này