++ Hãy đến với nhau bằng tấm lòng trung thực!++

Thứ Ba, 14 tháng 6, 2011

Nguy cơ để Biển Đông vào tay TQ : Thanh niên làng chài bỏ biển...

Nguồn: SGTT.VN
Thanh niên làng chài bỏ biển...

“Xuất khẩu lao động, mỗi tháng tui kiếm được từ 8 – 10 triệu đồng. So với mỗi phiên biển chẳng thấm vào đâu, nhưng cũng đành...”. Ngồi dưới căn nhà cấp 4 đang trên đà... xuống cấp, Nguyễn Văn Linh, 30 tuổi, ở thôn Châu Thuận Biển, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, mới từ Arập Saudi về thăm nhà vài hôm nay, cho biết. Cha, anh trai và anh rể của Linh đã nằm lại dưới đáy đại dương sau một cơn bão biển. Đó cũng là lý do khiến mẹ Linh quyết định cho con trai chuyển sang làm một công việc khác.


Ông Trần Hội (bìa phải), ngư dân ở thôn Định Tân xã Bình Châu, huyện Bình Sơn vừa lo xong thủ tục cho con đi lao động ở Hàn Quốc cùng ba thanh niên địa phương. Ảnh: Phạm Anh

Người em út của Linh cũng vì thấy cảnh “ra biển dễ một đi không trở lại” đã quyết định học lái xe và làm nghề ở thành phố Đà Nẵng.

Ông Phan Hùng Vinh, chủ tịch uỷ ban MTTQ xã An Bình, đảo Bé, huyện Lý Sơn, Quảng Ngãi nói: Dân đảo Lý Sơn có nhiều người đang cho con rời biển để “lên bờ”. Tàu cá ra khơi bây giờ gặp nhiều trở ngại quá. Nếu không gặp bão biển thì cũng gặp tàu Trung Quốc bắt giữ.

Ở xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, từ năm 2006 đến nay đã có hơn 30 ngư dân đã nằm lại biển khơi. Điều đó lý giải vì sao một bộ phận ngư dân muốn đổi nghề. Ông Trần Hội, thôn Định Tân cũng vừa lo tiền để đứa con 23 tuổi xuất khẩu lao động. Ông bảo, nghề biển gian nan quá, khó biết sống chết lúc nào. Mình lỡ chọn nghề biển rồi, còn con cái, cho nó kiếm nghề khác đỡ nguy hiểm hơn.

Khu kinh tế Dung Quất, Quảng Ngãi hiện tiếp nhận rất nhiều công nhân vốn là ngư dân “ngán” nghề đi biển hoặc trắng tay vì mất tàu, chìm tàu... May mắn hơn như trường hợp ông Lê Túc ở Lý Sơn, nhờ “trúng” hải sâm 2,3 tỉ đồng trong phiên biển vừa qua, đã mua đất ở thành phố Quảng Ngãi, đầu tư cho con cái tìm nghề khác.

Hãy giữ chân ngư dân
Ông Trần Ngọc Nguyên, chủ tịch UBND huyện Lý Sơn, Quảng Ngãi, nói, đã là ngư dân, ít người muốn bỏ biển. Thế nhưng, để ngư dân bám biển, trong thời điểm hiện nay, rất cần sự hỗ trợ trực tiếp và kịp thời từ Nhà nước, đặc biệt là vấn đề an ninh trên biển. Nhiều ngư dân khi ra khơi gặp bão biển, bị tàu nước ngoài bắt... mất sạch tài sản, không còn khả năng đi biển nữa. Trong khi đó, sự hỗ trợ của Nhà nước và các ngành, các cấp chỉ giúp cho ngư dân sống qua ngày, không đủ để tiếp tục ra khơi xa hành nghề, tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo. Ở Lý Sơn có không ít “đại gia” nghề biển đã phải đi làm thuê sau khi gặp những bất trắc nêu trên...
Xã Tam Quan Bắc là địa phương có số lượng tàu đánh bắt xa bờ nhiều nhất Bình Định với 410 chiếc. Thế nhưng, hiện nay gần 100 chiếc tàu đánh bắt xa bờ ở Tam Quan Bắc đang rơi vào tình cảnh nằm bờ vì khó khăn nhiều mặt. Ông Ngô Thanh Thoại, chuyên viên thuỷ sản của phòng kinh tế huyện Hoài Nhơn, cho biết hiện nay nhiều gia đình ngư dân đang nợ ngân hàng với số tiền lớn do liên tục bị lỗ nặng khi ngư trường bị thu hẹp hoặc trắng tay vì bị nước ngoài bắt tàu. Ông Đào Duy Hội, chủ tịch UBND xã Tam Quan Bắc, huyện Hoài Nhơn, Bình Định nói với giọng buồn: “Nhiều con cháu ở địa phương đã đi làm ăn xa, chúng bỏ biển nhiều lắm”

Ông Phan Ngọc Dũng, một chủ tàu cá ở thôn Tân Thành 2, xã Tam Quan Bắc, huyện Hoài Nhơn, Bình Định buồn rầu kể: “Tôi mới bán tàu. Cả gia đình chúng tôi phải cân nhắc gần ba tháng mới làm được việc đó vì con tàu như ngôi nhà, như người bạn của mình. Bán nó đi, mình như đứt từng khúc ruột. Nhà tôi ba đời đi biển nhưng hai đứa con trai bây giờ không theo nghề của gia đình nữa. Đứa lớn bỏ vào Sài Gòn làm việc, đứa nhỏ lên Gia Lai làm rẫy. Tôi thì già yếu, không còn đủ sức ra khơi”.

Phạm Anh – Uyên Thu
------------------------------------------------------
Nguồn: SGTT.VN
"Hỗ trợ để ngư dân tham gia bảo vệ chủ quyền biển, đảo"
  • Toàn tỉnh Quảng Ngãi có 115 tàu và 1.302 ngư dân bị nước ngoài bắt giữ; 395 tàu cá bị chìm và 109 người chết do tai nạn trên biển.
SGTT.VN - Chiều ngày 14.6, ông Trương Ngọc Nhi, phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, đã chủ trì cuộc họp với các ban ngành trong tỉnh bàn phương cách thành lập quỹ hỗ trợ ngư dân. Theo ông Nhi, đây là quỹ nhân đạo, từ tiện hỗ trợ cho ngư dân hành nghề trên biển đánh bắt Quảng Ngãi gặp khó khăn do thiên tai gây ra; bị tàu lạ đâm chìm; bị nước ngoài bắt giữ, tịch thu tài sản, phương tiện khi đang hành nghề trên vùng lãnh hải Việt Nam. 

Ở một tỉnh có 4 vạn lao động hoạt động đa dạng ở nhiều vùng biển như Quảng Ngãi thì việc thành lập một quỹ hỗ trợ cho ngư dân là một việc cần thiết. Ảnh: Hải Anh
"Hiện nay toàn tỉnh Quảng Ngãi có 5.600 tàu thuyền, với 4 vạn lao động, hoạt động đa dạng ở nhiều vùng biển. Việc thành lâp quỹ hỗ trợ ngư dân là điều cần thiết hỗ trợ giúp ngư dân sớm phục hồi ngư cụ và tàu thuyền để ngư dân ra khơi đánh bắt hải sản, tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo. Vì vậy, quỹ này mang tên Qũy hỗ trợ ngư dân Quảng Ngãi sẽ ra đời càng sớm càng tốt", ông Nhi nhấn mạnh. 

Ý tưởng thành lập quỹ hỗ trợ ngư dân của tỉnh Quảng Ngãi có từ năm 2009, kể từ khi tàu cá trong tỉnh bị tàu lạ đâm chìm và bị tàu nước ngoài bắt nhiều. 

Tuy nhiên, để thành lập được quỹ này (vốn ban đầu 500 triệu đồng), tỉnh Quảng Ngãi đang gặp khó. Trong đó, khó lớn nhất là quỹ này không lấy từ ngân sách nhà nước, mà hiện nay tỉnh Quảng Ngãi lại chưa có quỹ hỗ trợ ngư dân và không có nguồn tiền để thành lập quỹ. Chính vì thế, để thành lập quỹ này, tỉnh Quảng Ngãi huy động cả cộng đồng đóng góp: các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh; các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế; các cơ sở thu mua, chế biến, xuất khẩu thủy sản; các chủ tàu cá và ngư dân... 

Tỉnh Quảng Ngãi cũng đưa ra dự thảo điều lệ tổ chức hoạt động quỹ hỗ trợ ngư dân, với 17 chương và 25 điều. Thời gian dự kiến thành lập và ra mắt quỹ hỗ trợ ngư dân thì ông Nhi chưa khẳng định là khi nào, nhưng cố gắng có trước mùa bão lũ 2011. 

Theo thống kê của UBND tỉnh Quảng Ngãi, từ năm 2005 đến 2010, toàn tỉnh Quảng Ngãi có 395 tàu cá bị chìm trên biển và 126 tàu cá bị hư hỏng do thiên tai gây ra, 109 người chết, 36 người bị thương. Thời gian này, cũng có 14 tàu cá bị tàu lạ đâm chìm và 2 người chết. 

Cũng theo UBND tỉnh Quảng Ngãi, từ năm 2005 đến nay, tỉnh có 115 tàu thuyền và 1.302 ngư dân bị nước ngoài và vùng lãnh thổ bắt giữ. Tàu thuyền và ngư dân bị nước ngoài bắt giữ chủ yếu ở các xã An Hải, An Vĩnh (đảo Lý Sơn); xã Bình Châu, huyện Bình Sơn; Phổ Vinh, Phổ Thạnh, Phổ Khánh huyện Đức Phổ... Đến nay, toàn tỉnh vẫn còn 21 tàu và 130 ngư dân bị nước ngoài giam giữ.

PHẠM ANH
------------------
*****


1 nhận xét:

  1. TQ làm cho Dân mình sợ bỏ biển họ sẽ nói biển đông là của TQ dân VN thấy đúng nên từ bỏ.

    Trả lờiXóa

Tìm kiếm Blog này