++ Hãy đến với nhau bằng tấm lòng trung thực!++

Thứ Hai, 22 tháng 8, 2011

André Menras Hồ Cương Quyết: Ai sợ nghe tiếng nói của những góa phụ Lý Sơn?

Nguồn: Bauxite Việt Nam

21/08/2011

Ai sợ nghe tiếng nói của những góa phụ Lý Sơn?

André Menras Hồ Cương Quyết

Hôm nay, ngày 17 tháng 8, như mọi ngày, tôi mở trang mạng Bauxite Việt Nam để xem tin tức. Tôi rất ngạc nhiên khi đọc một bài trên báo Dân Việt và báo Đất Việt đăng lại, về sự gắn bó của tôi với những ngư dân ở đảo Lý Sơn. Tôi rất xúc động vì sự quan tâm này của các báo. Tôi càng xúc động hơn khi người phóng viên nói rằng các ngư dân của đảo Lý Sơn và gia đình của họ đã xem tôi như là thành viên của gia đình họ, là người của Lý Sơn. Đây quả là một vinh dự lớn đối với tôi. Và cũng phải thú thật rằng, tôi thấy rất dễ chịu khi được ở cùng với họ, sống cùng với Tiến, Sô, ông Đạt, Thoại, tất cả các góa phụ mà tôi đã gặp và còn nhiều bạn khác nữa…

Tôi chỉ xin được phép có một vài lưu ý về bài báo đã “khá dũng cảm” viết về vấn đề này. Thật ra, tôi biết rành về biển, sức khỏe của tôi còn tốt và tôi cũng chưa già lắm (lão ngư Nguyễn Đảng, mất tích ở Hoàng Sa 9 tháng trước đây lớn tuổi hơn tôi…) để có thể đi ra biển khơi cùng với các bạn ngư dân của tôi.

Lưu ý thứ hai là không phải các anh em Biên phòng tại đảo ngăn cản chuyến ra biển của tôi, mà lệnh được ban ra từ cấp cao hơn nhiều.

Và lưu ý thứ ba của tôi là tôi chưa bao giờ từ bỏ ý định này vì đối với tôi, đó là một ý nguyện nghiêm túc, có suy nghĩ chín chắn và có ích lợi cho các ngư dân cũng như cho Việt Nam và tôi cũng xem đây là một trong các quyền công dân Việt Nam của tôi…

Nếu như quả thật có nguy hiểm thì thiển nghĩ rằng, cuộc sống của tôi cũng không đáng giá hơn cuộc sống của bất cứ ngư dân nào đang hàng ngày liều chính mạng sống của mình tại Hoàng Sa để khẳng định chủ quyền của Việt Nam. Cuộc sống của tôi cũng không đáng giá hơn cuộc sống của người phóng viên Việt Nam đã viết một bài báo tuyệt hay và đã cùng các đồng bào ngư dân của chúng ta đi ra tận Hoàng Sa. Tôi không thể chấp nhận các lập luận đó, dù cho đó là những lời thân ái, để bảo vệ hoặc để bày tỏ tình cảm đối với tôi. Tuy nhiên, sau vài nhận xét thân tình, xin cho phép tôi đi vào vấn đề chính mà báo Dân Việt đã gián tiếp khơi dậy. Đây là một vấn đề vượt rất xa câu chuyện về tình cảm tốt đẹp và không gì ngăn cắt được giữa người đầy tớ trung thành Hồ Cương Quyết của các bạn đối với các ngư dân Quảng Ngãi. Nó quan trọng và đáng lo ngại hơn nhiều.

Điều làm tôi rất vui là báo Dân Việt đã đề cập đến bộ phim tài liệu “Hoàng sa: nỗi đau mất mát” mà tôi đã thực hiện cách đây 3 tháng cùng với một nhóm các bạn của Đài truyền hình TP HCM (hãng phim TFS). Bộ phim dài 59 phút đã giành rất nhiều thời gian cho các ngư dân nạn nhân của các trận giông bão, của những cuộc mất tích bí hiểm, những trận tấn công vẫn đang tiếp diễn của hải quân Trung quốc. Những người vợ góa của các ngư dân mất tích, các ngư dân là nạn nhân của các cuộc tấn công ngoài khơi được quyền phát biểu một cách tự do, chân thật và mạnh mẽ, không hề có dàn dựng. Viết những bài về những người này đã là một điều tốt, rất cần thiết, nhưng mà được nhìn thấy họ trên truyền hình, được nghe những lời nói của chính họ sẽ còn tốt biết bao nhiêu. Tôi may mắn được hỗ trợ để làm điều đó. Theo như các bạn đạo diễn ở Việt Nam nói, chưa bao giờ Đài truyền hình Việt Nam hay của một nước nào khác tạo cho họ cơ hội lên tiếng bằng cách này.

Chính vì vậy, chưa bao giờ họ được cơ hội bày tỏ với đồng bào của mình. Những nhà làm phim chuyên nghiệp đã quay một cách tài tình những hình ảnh đẹp ấy, và nhiều nhà chuyên môn khác trong lĩnh vực điện ảnh mà tên tuổi được trọng vọng tại Việt Nam cũng đã xem toàn bộ phim và đã thừa nhận giá trị tư liệu, giá trị văn hóa và nhân bản của nó. Họ đã nói rõ ý kiến rằng bộ phim phải được chiếu rộng rãi trong cả nước. Báo Thanh Niên đã viết một loạt bài về vấn đề này và đã phát động rất thành công một phong trào giúp đỡ các nạn nhân là độc giả của mình. Tạp chí “Thế giới Điện ảnh” cũng đã lên tiếng thuận lợi cho bộ phim.

Cũng xin nói thêm rằng bộ phim đã được dựng tại Việt Nam, có phiên bản tiếng Việt và tất cả các lời bình của tôi đều được dịch và đọc rất rõ ràng bằng tiếng Việt, sẵn sàng để khởi chiếu từ 3 tháng nay rồi. Hãng phim TFS ở TP HCM cũng đã có phỏng vấn tôi bằng tiếng Việt để giới thiệu bộ phim cho khán giả. Tôi cũng khẳng định rằng bộ phim cũng đã được kiểm duyệt chính thức của Bộ Ngoại giao (giấy phép xuất nhập sản phẩm báo chí số 155 SNV/VHTT/VHP ngày 07 tháng 06 năm 2011) khẳng định rằng phim không hề vi phạm bất cứ điều luật nào của báo chí Việt Nam. Tôi đã từ chối mọi quyền tác giả. Tôi cũng không có một hợp đồng nào với nhà sản xuất. Vậy thì bộ phim có thể được chiếu một cách tự do nếu như ai đó muốn cho nó được chiếu, bao giờ chiếu và chiếu ở đâu.

Quá căng thẳng vì sự chờ đợi lâu dài và có nguy cơ còn kéo dài không biết đến bao giờ nếu như không có gì chuyển động, cuối cùng tôi nghĩ rằng những nguyên nhân của sự chậm trễ này không đơn thuần do quan liêu hay thủ tục hành chánh. Bởi phim là sự bày tỏ một cách sống động và xúc động vô cùng ấy, những khó khăn và nguy hiểm trong cuộc sống thường nhật của họ lẽ nào không có liên quan đến các khán giả Việt Nam? Ai là người có lợi trong việc giữ bộ phim này trong các ngăn tủ đầy bụi bặm của TFS? Tôi nghĩ không ra!

Việc các ngư dân phát biểu trong phim lẽ nào là một mối nguy hại cho an ninh của nhân dân? Hoàn toàn không. Nền an ninh này lẽ nào được xây dựng trên sự im lặng của nạn nhân nạn bạo hành đến từ ngoại xâm? Không thể nào. Có thể nào tuyên bố một cách nghiêm túc rằng các “nhà kiểm duyệt” luôn luôn đứng cạnh và bảo vệ các ngư dân trong khi mặt khác lại ngăn cản việc lên tiếng của họ? Thật khó hiểu!

Cách đây 1 tháng, tôi đã gửi đến ông Đại sứ Việt Nam tại Paris và yêu cầu ông giúp để có thể chiếu bộ phim này tại Trung tâm văn hóa Việt Nam ở Paris. Ông Đại sứ đã nhận được thư của tôi nhưng cho đến nay tôi vẫn đang chờ trả lời của Ông ấy…

Thật may mắn là hiện nay, bộ phim vẫn đang được lưu hành ở Sài Gòn và Hà Nội. Chúng được chuyền tay, gần như bí mật, như chúng tôi đang ở trong thời kỳ kháng chiến, có những hoạt động bất hợp pháp, nguy hại đến Việt Nam… Việc hoàn thành bộ phim đã là kết quả của một cuộc đấu tranh khó khăn chống lại một bức tường im lặng. Giờ đây, tôi hiểu rằng, việc chiếu bộ phim lại đòi hỏi một cuộc đấu tranh mới. Và cũng chống lại chính sự im lặng ấy. Phải chăng, sự im lặng này có cùng một nguồn?

Như tôi đã viết trong một bài báo trước, may mắn là còn có mạng internet. Vậy thì, hãy cho phép tôi nói một cách bình tĩnh rằng: Nếu như trong một thời gian ngắn tới đây mà các nhà chức trách Việt Nam có thẩm quyền trong lĩnh vực thông tin, không cho phép chiếu bộ phim trong các kênh truyền hình đại chúng thì tôi sẽ bắt buộc phải chiếu nó trên internet, chiếu rộng rãi và trên toàn thế giới. Với một lời chú thích đơn giản: “Bộ phim này không được phép chiếu tại Việt Nam”. Hàng chục bạn bè của tôi đã sẵn sàng giúp tôi về mặt kỹ thuật. Nhưng nếu tôi bị đẩy đến mức đó thì đó cũng sẽ là một nỗi buồn sâu sắc của tôi! Sẽ là một nỗi buồn lớn cho dân chúng Việt Nam! Và là một lời tố cáo đối với những người đã khóa thông tin! Tôi vẫn còn hy vọng là lý trí và tinh thần trách nhiệm cuối cùng sẽ chiến thắng và mọi việc sẽ diễn ra êm đẹp vì lợi ích của các ngư dân của chúng ta.

Dù sao và trong bất kỳ hoàn cảnh nào, tôi cũng sẽ giữ lời đã hứa với đồng bào của tôi và với ngư dân của Bình Châu và Lý Sơn: bộ phim này là tiếng nói của họ và họ sẽ được nghe bằng cách này hay cách khác. Tôi vừa viết lời của bài hát: “Nhạc khúc cho Hoàng Sa” theo yêu cầu của một ca sĩ – nhạc sĩ Pháp. Bài hát đã được phối nhạc và bắt đầu lưu hành. Lời ca đang được dịch ra tiếng Việt. Tôi tự biết giới hạn của những khả năng của chính mình. Tôi chỉ là một người giáo viên hưu trí rất bình thường. Tôi không phải là đạo diễn phim, không phải là người chuyên sáng tác lời cho bài hát, không phải là nhà sử học hay phóng viên nhưng tôi sẵn sàng cùng một lúc là tất cả những nhân vật đó trong khung cảnh của một phong trào tập thể đang ngày càng lớn mạnh, để đập vỡ bức tường im lặng này. Và tôi sẽ thực hiện bằng tất cả các phương tiện có được: xã hội, nhân đạo, chính trị, nghệ thuật… Vì một lẽ: sự im lặng làm kéo dài nỗi đau của các nạn nhân, của bè bạn, của đồng bào của tôi. Sự im lặng chỉ làm lợi cho những kẻ xâm lược Trung Quốc bằng cách giúp cho chúng yên ổn tiếp tục những tội ác, những hành động lộng quyền trên biển Đông Nam Á .

Sự im lặng tự nó đã là tội phạm. Góp phần phá tan im lặng chính là góp phần vào tiến bộ cho xã hội!

A.M. H.C.Q.
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.

------------------
*****



1 nhận xét:

Tìm kiếm Blog này