Nguồn: Blog Gocomay
Những cuộc xuống đường (chữ của ông Phạm Quang Nghị) của quần chúng nhân dân ở Hà Nội và TP HCM từ đầu tháng 6.2011 tới nay chứng tỏ giữa dân với đảng chưa có sự đồng thuận trong việc bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ trước những hành động gây hấn ngày càng ra gia tăng trên biển Đông của các thế lực bành trướng bá quyền Đại Hán. Trong lúc nước sôi lửa bỏng này, có hai luồng ý kiến trái ngược nhau từ dưới lên và từ trên xuống. Đối nghịch nhau. Mỗi phía đều có những lý lẽ riêng bảo vệ cho luận điểm của mình.
Phía đảng và nhà nước thì luôn cho rằng, các cuộc “tụ tập đông người“ (hay “xuống đường”) như vậy là làm ảnh hưởng đến tình hữu nghị giữa hai đảng và hai nhà nước Việt-Trung đang ở tầm mức chưa bao giờ “phát triển toàn diện và tốt đẹp” (lời TBT Nguyễn Phú Trọng) như hiện nay.
Phía người dân thì cho rằng đảng và nhà nước chưa công khai minh bạch tất cả các thoả thuận như các hiệp định đã ký kết về phân định biên giới trên bộ và trên biển với Trung quốc suốt từ 1999 tới nay. Đặc biệt những thỏa thuận song phương về biển Đông đã đạt được giữa đôi bên qua cuộc gặp của đặc phái viên cấp cao - Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hồ Xuân Sơn với phía đối tác Trung Quốc vào ngày 25.06.2011 ở Bắc Kinh.
Những cuộc biểu tình (gọi đúng như trong từ điển tiếng Việt) vừa qua phía nhà nước cũng có những mối quan ngại như, biết đâu đứng đàng sau các cuộc xuống đường chả có bàn tay của các thế lực thù địch (như Việt Tân - lời bà Phương Nga khẳng định - tổ chức mà như đảng và nhà nước CSVN cho đó là “tổ chức khủng bố”...)?
Nhưng theo những nguồn tin khả tín, quan điểm của Việt Nam Canh Tân Cách Mạng Đảng - gọi tắt là Việt Tân (VT), tới giờ phút này là chưa bao giờ công nhận sự chính danh của CHXHCN Việt Nam và ĐCSVN. Bằng chứng VT không tán thành bất kể những ai thể hiện “lòng yêu nước” (kể cả biểu tình chống Trung Quốc xâm lấn Hoàng Sa-Trường Sa) mà mang theo cờ đỏ sao vàng - Quốc kỳ của CHXHCN Việt Nam. Nếu biểu tình ở nước ngoài, hễ thấy bóng cờ đỏ là VT dứt khoát không tham gia. Còn ở trong nước, chắc gì VT đã thay đổi lập trường để đứng sau đám dân chúng mang cờ đỏ và ảnh các lãnh tụ của ĐCSVN xuống đường thể hiện lòng yêu nước?
Trước sự đồng thuận giữa truyền thông chính thống của Trung Quốc và người phát ngôn Nguyễn Phương Nga khi cho rằng những người xuống đường vừa qua do bị xúi dục của các thế lực phản động (như VT chẳng hạn), đã bị nhiều ý kiến phản bác, cho rằng đó chính là cách đánh bóng cho VT. Điều mà VT nằm mơ cũng không kiếm đâu ra được những người quảng cáo đắc lực như vậy!
Bài học lịch sử chống ngoại xâm từ ngàn xưa của dân tộc ta cho thấy, chỉ khi nào có sự đồng thuận - đoàn kết triệu người như một thì cuộc kháng chiến cứu quốc mới thành công. Bằng không nước mất nhà tan, trăm họ điêu linh là điều khó tránh! An Dương Vương không giữ được nước Âu Lạc vì sự rạn nứt ngay trong gia tộc Hoàng triều. Như cảnh vua cha, chàng rể và đứa con gái yêu qúi bậc nhất của mình ăn ở hai lòng. Hồ Qúy Ly không giữ được vương triều Đại Ngu (tên nước ta hồi đó) vì “lòng dân không theo”. Tự Đức để mất nước, ngoài việc bế quan toả cảng không chịu canh tân xứ sở. Còn có những yếu tố chia rẽ bên trong thể hiện qua câu ta thán: “Phan-Lâm mãi quốc triều đình khí dân”. Nhà Trần liệu có thể 3 lần đại thắng đội quân bách chiến bách thắng Nguyên-Mông được không nếu Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn không biết gác thù riêng để lo việc nước? Nghiã quân Lam Sơn, 10 năm kháng chiến trường kỳ có thắng giặc Minh được không nếu thiếu yếu tố: “Tướng sỹ một lòng phụ tử/ Hoà nước sông chén rượu ngọt ngào”? Đảng CS của cụ Hồ Chí Minh có “thắng được mấy đế quốc to“ nếu không có sự đồng thuận của toàn dân như câu đúc kết: “rễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”?
Từ thực tế sinh động đó thử soi lại đồng thuận nào đã và đang chi phối cuộc khủng hoảng hiện nay giữa ta và Trung Quốc trong tranh chấp biển Đông? Cứ nhìn cách cư xử với quần chúng xuống đường biểu tình sau chuyến đi của ông Hồ Xuân Sơn với tư cách đặc phái viên của lãnh đạo cấp cao của nước ta thì ai cũng thấy lãnh đạo của xứ ta chỉ muốn đồng thuận với đảng và nhà nước Trung Quốc hơn là đồng thuận với nhân dân mình. Có ý kiến ủng hộ chủ trương đồng thuận với Bắc Kinh thì cho rằng hai nước cùng ý thức hệ, cùng thể chế chính trị, cùng theo kinh tế thị trường định hướng XHCN dưới sự lãnh đạo của hai đảng CS thì không có bất đồng nào là không thể giải quyết được (như dạng ý kiến của ông Đồng Sỹ Nguyên). Nhưng cứ xem khẩu khí giữa hai bên qua cách hiểu chỉ một bức công hàm ngày 14.09.1958 của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng thôi cũng cho thấy, nếu cứ bùng nhùng trong cái mối quan hệ hai đảng CS anh em sự đồng thuận này thì sớm muộn vẫn nổ ra chiến tranh. Vì nhận thức giữa hai đảng còn khá nhiều khác biệt! (*)
Đảng anh nói rằng, đảng em trong qúa khứ (từ 14.08.1058) đã tán thành tuyên bố của đảng anh (vào ngày 4.09.1958) về chủ quyền với hai quần đảo Nam Sa-Tây Sa (Hoàng Sa-Trường Sa). Như vậy theo thuyết “estoppel”, Trung Quốc có chủ quyền không tranh cãi được đối với hai quần đảo này. Đảng em lại nhận thức bức công hàm đó, chỉ có tính ngoại giao hơn là tính pháp lý vì xét về câu chữ không hề có chữ nào tuyên bố từ bỏ chủ quyền đối với 2 quần đảo HS-TS. Hơn nữa, Trung Quốc cũng là một thành viên ký kết hiệp định Genève 1954 về Việt Nam. Theo đúng hiệp định Genève, HS-TS thuộc quyền quản lý của VNCH (nằm ở phía nam vĩ tuyến 17). Như vậy VNDCVH vào năm 1958 không quản lý hai quần đảo đó thì đâu có thể tuyên bố từ bỏ vùng đất mà mình không thực thi chủ quyền? Một người có trình độ trung bình cũng có thể nhận thức được những điều sơ đẳng này huống hồ một ông đặc phái viên cao cấp như ông Thứ trưởng Bộ Ngoại Hồ Xuân Sơn?
Chu Ân lai (mũ phớt đen hàng đầu tiên) trong phái đoàn TQ tại Hội nghị Genève 1954 về Việt Nam - Ảnh TL
Cách đây ngót 3 tuần, trong một entry của tôi nhan đề: “Đằng giang tự cổ huyết do hồng” (http://vn.360plus.yahoo.com/vanph_vanpham/article?mid=7860&prev=7884&next=-1), ở phần comment, có một độc giả lớn tuổi khả kính đang sống ở trong nước đã gửi một cái còm rất sắc xảo khiến ai đọc cũng bái phục!
Xin trích:
“... mở lại những trang sử viết về các sứ thần của dân tộc ta. Họ gánh vác trên vai nhiệm vụ “Đem chuông đi đấm nước người”, không làm nhục mệnh vua, giữ gìn được quốc thể, bảo vệ được lợi ích dân tộc. Vì vậy ở họ đòi hỏi phải có đầy đủ hai chữ:
Chữ Trí, nghĩa là tài năng văn hoá sâu rộng tiêu biểu cho nền văn hiến của quốc gia. Lịch sử còn ghi lại lý lẽ đấu tranh của trạng nguyên Lê Văn Thịnh, tài ứng đối của trung nguyên Mạc Đĩnh Chi, tài biện luận của Nguyễn Trung Ngạn, Phùng Khắc Khoan, Nguyễn Đăng Đạo, Nguyễn Công Hãng, Hồ Phi Tích, Nguyễn Công Nhuận học vấn uyên bác, lịch lãm Lê Quý Đôn, cách ứng xử văn hoá lớn của Ngô Thì Nhậm, Phan Huy Ích, Đoàn Nguyên Tuấn…
Chữ Dũng, nghĩa là dũng khí, can đảm, bất khuất, không sợ chết trước mặt đối phương, không sợ gian khổ khi đi làm nhiệm vụ sứ thần. Lịch sử còn ghi lại biết bao tên tuổi dũng khí: Kiều Văn Ứng vâng lệnh Lý Thường Kiệt sang trại giặc bàn với Quách Quỳ, các sứ thần đời Trần đi sứ quân Nguyên trong 3 lần chiến tranh là coi như đi vào cái chết nhưng tất cả đều vâng mệnh vua. Đỗ Khắc Chung xung phong vào trại Ô Mã Nhi xin hoãn binh...
Nhiều sứ thần bị giam giữ như Đào Tử Kỳ bị giam ở Giang Lăng 1 năm, Trịnh Đình Toàn, Nguyễn Nghĩa Toàn và 34 hành nhân đã bị nhà Nguyên giam giữ. Lâu hơn cả là Lê Quang Bí đi sứ năm 1548, bị giam cầm đến 18 năm mà được tha về. Ngô Tử Can đi sứ Chiêm Thành cũng bị giữ lại. Hơn thế nữa, có sứ thần còn bị giết hại như Nguyễn Nhật Tư và Lê Ngân sang cầu phong cho Trần Quý Khoáng vào năm 1411 đã bị vua Minh giết hại, Nguyễn Biểu đã bị tướng Minh thử thách tinh thần bằng cách dọn cho ăn cỗ là đầu một người Việt Nam đã bị chúng bắt giết rồi sau đó đem trói dưới chân cầu cho nước dâng lên dìm chết…
Ôn cố tri tân: Xưa, với trí dũng song toàn, Lê Quý Đôn đi sứ đã làm cho các quan nhà Thanh phải hết lời khen ngợi, kính phục mà nói rằng nhân tài nước Nam như Lê tiên sinh thì ngay cả Trung Hoa cũng chỉ có đến 1, 2 người.
Nay, với cái mặt “Vừa nghệt vừa vô cảm như một cái máy…” (như hình ảnh trên VTV) của ông Hồ Xuân Sơn, chắc hai quan chức ngoại giao đồng nhiệm của Trung Quốc đã cười ha hả mà nói rằng Thứ trưởng ngoại giao nước Việt như tay này thì đốt đuốc cả nghìn bó ở Trung Hoa cũng không kiếm nổi 1 người!”. (@CáiGiaGia)
Không biết có phải vị xứ thần “qúi hiếm” tới mức “đốt đuốc cả nghìn bó... cũng không kiếm nổi... ” đã thất thố trong công vụ mà cuộc gặp các nhân sỹ trí thức (hôm 12.07) ở trụ sở Bộ Ngoại giao cứ bùng nhùng và bất thành? Phải chăng đã có sự cam kết mờ ám nào đó mà các lực lượng an ninh đã phải mạnh tay với những người biểu tình ở cả Sài gòn lẫn Hà Nội với đỉnh cao là cú đạp vào thẳng mặt một người yêu nước của một đại úy CA mẫn cán vào buổi sáng 17.07.2011 làm chấn động dư luận cả trong và ngoài nước?
Mặc dù đã có nhiều đảng viên và trí thức hàng đầu đã lên tiếng về việc này, gián tiếp có, trực tiếp có... tới những người có trách nhiệm cao nhất của ngành công an cũng như của đảng. Nhưng tới giờ phút này chưa có bất kỳ một phản hồi nào của cá nhân hay tập thể những người có trách nhiệm ấy. Cú đạp vào thẳng mặt người thanh niên đi biểu tình yêu nước đó là “cú đạp lịch sử”; “đạp vào mặt tất cả chúng ta”; “đạp lên mặt Nhân dân-Tổ quốc” như sư6 phẫn nộ của công chúng? Cho dù cú đạp này đã làm nức lòng người đàn anh phương Bắc với đám em út phương Nam đã biết “đồng thuận” và vâng lời nhằm “định hướng...” đúng như mong muốn của Bắc triều. Ngược lại, cú đạp đó chính là đoạn tuyệt về mặt chính trị sự đồng thuận của người dân với chính đảng cầm quyền! “Sự đàn áp này khêu ngòi và kích động các hành động bạo lực, có nguy cơ gây mất ổn định chính trị-xã hội vào đúng lúc, hơn bao giờ hêt, chúng ta cần sự ổn định chính trị và đồng thuận xã hội để bảo vệ và phát triển đât nước trong tình hình nóng bỏng hiện nay”. (ý kiến của GS Chu Hảo)!
Nỗi đau của cú đạp đó có thể không gây thương tật về thể xác cho cá nhân người bị đạp. Nhưng cú đạp ấy đã làm nhục cả một dân tộc. Nó làm đau biết bao con tim còn nặng lòng với non sông đất nước. Nó là sự lên ngôi của cái ác. Hèn với giặc, ác với dân. Nó có cơ đặt dấu chấm hết cho lòng tin vốn đã rất mong manh giữa đám con ong cái kiến với cái nhà nước “của dân, do dân, vì dân” như quảng bá bấy nay.
Nếu cú đạp đó có thể tô thắm cho cái tình hữu nghị tam tương tứ tốt khiến người phương Bắc mủi lòng mà trả những hòn đảo ở Hoàng Sa và Trường sa mà Trung Quốc đã dùng vũ lực đánh chiếm trái phép vào năm 1974 và 1988 của người Việt Nam thì ai dám bất bình và bảo 16 chữ Trung Quốc ban tặng ta không đẹp? Bằng không, nên cắt nghiã cú đạp đó theo định hướng nào?
Những nhận vật được cho là người Trung Quốc có mặt thị sát và thu thập hình ảnh về các cuộc biểu tình của người VN (vào đầu tháng 7.2011) - Nguồn: blog Nguyễn Xuân Diện.
Như có người nhận định “theo Mỹ thì mất đảng, theo Tàu thì mất nước”. Nên đảng em quyết tâm theo đảng anh để duy trì quyền lực. Khiến khả năng mất nước không chỉ dừng lại ở nguy cơ, mà đã tới nhãn tiền. Khi biên giới mềm của kẻ thù dân tộc đã kéo tới tận giữa trái tim mình. Vậy đồng thuận với ai để bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ của cha ông để lại? Vẫn là câu hỏi bức thiết trong lúc này! Nhưng cứ thấy xa vời...
Gocomay
(*) Công hàm 1958 với chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam - http://www.daidoanket.vn/index.aspx?Menu=1501&Chitiet=34740&Style=1
------------------
*****
Bảo vệ chủ quyền tốt nhất là trở thành một tỉnh của Tàu Khựa! Vì như thế thì không chỉ có "Nam Hải", "chúng ta" còn có Hoàng Hải nữa! Có phải thế không những kẻ bán nước mà hay lên tiếng "của dân, do dân, vì dân"? Đúng là nhục nhã!
Trả lờiXóa