++ Hãy đến với nhau bằng tấm lòng trung thực!++

Chủ Nhật, 3 tháng 7, 2011

Hai bài thơ của nhà thơ Trần Mạnh Hảo: trích trong trường ca "ĐẤT NƯỚC HÌNH TIA CHỚP"

Mẹ sinh nhiều con trai

Trích chương 10 trường ca
“ĐẤT NƯỚC HÌNH TIA CHỚP” của Trần Mạnh Hảo
*


(Vài lời phi lộ của Tác giả: sau ngày thống nhất đất nước, cảm thấy cuộc chiến tranh với bọn kẻ thù phương Bắc gần kề, tác giả đã viết trường ca ĐẤT NƯỚC HÌNH TIA CHỚP này… Năm 1978, Đài Tiếng nói Việt Nam đã phát đi đoạn “ Mẹ sinh nhiều con trai” bằng giọng đọc của nghệ sĩ Hoàng Long trên nền piano của nghệ sĩ Hoàng Mãnh. Những ngày giặc đánh nước ta dọc tuyến biên giới phía Bắc năm 1979, tác giả cũng có mặt cùng chiến hào với các chiến sĩ đánh giặc Tầu…Trong những ngày máu lửa đó, không chỉ buổi tiếng  thơ mà các buổi phát thanh quân đội, thanh niên, phụ nữ, các tin điểm tình hình chiến sự…Đài Tiếng Nói Việt Nam đều phát đoạn thơ này. Nay, tác giả xin mạn phép gửi tới bạn đọc trích đoạn “ Mẹ sinh nhiều con trai” trong trường ca “Đất nước hình tia chớp” để góp phần thổi lên hào khí một thời đánh giặc phương Bắc của cha ông…)

*
Có phải mẹ Âu Cơ đã đi vòng trái đất
Để làm chỗ khai sinh con Lạc cháu Hồng
Mẹ đã tìm ra dải đất hình tia chớp
Chọn vùng tâm bão để sinh con
*
Cái dải đất sông hoá rồng chín khúc
Hai đầu xoè những mũi đất - mũi lao
Núi mang dáng ngựa phi voi phục
Bảo ngủ rừng sâu đợi giặc vào
*
Cái dải đất giống như nàng Tiên múa
Lại có hình ngọn lửa lúc cuồng phong
Lịch sử thành văn trên mình ngựa
Con trẻ mà mang áo giáp đồng
*
Dân tộc lạ lùng lần đầu chiến đấu
Lại cử chú bé vừa sinh cưỡi ngựa sắt xông ra
Lại cử hai người đàn bà cưỡi voi cầm giáo
Tráng sĩ mà sao phải giữ nhà?
*
Không mẹ ơi những người trai khí phách
Giặc giết rồi mẹ chưa kịp sinh đâu
Mẹ chưa kịp dựng đền đài thành quách
Chưa đủ bình yên ăn hết miếng trầu
*
Mẹ ơi suốt chiều dài lịch sử
Mẹ vẫn sinh nhiều những đứa con trai
Mỗi bận chiến trường tin báo tử
Mẹ lại hoài thai bằng nỗi đau dài
*
Con thương mẹ, con thương đất nước
Áo vá vai như ruộng vá chân đồi
Mẹ mất ngủ suốt thời trận mạc
Đất nước là trán mẹ đẫm mồ hôi
*
Con thương mẹ con thương nhánh lúa
Mảnh vô cùng không đỡ nổi chân chim
Rễ lúa nhỏ đau ngầm trong rễ cỏ
Cây lúa vì con mẹ phải đi tìm
*
Con thương mẹ con thương bếp lửa
Tro trấu mà nướng chín củ khoai
Con chim khách sao mày kêu trước cửa
Có ai vào mang tin đứa con trai
*
Con thương mẹ con thương lưỡi cuốc
Suốt cả đời chưa được ngó đầu lên
Những nhát cuốc như mỏ gà bới đất
Cánh đồng sâu chân mẹ quánh phèn
*
Con thương mẹ con thương phên cửa liếp
Hở then cài đêm lọt gió mùa đông
Có chiếc ổ rơm con trâu vừa ăn hết
Những đêm dài mẹ thiếu tấm chăn bông
*
Con thương mẹ con thương chiếc guốc
Truyền bao đời chiếc guốc gộc tre
Tiếng guốc mẹ giống tiếng kêu con cuốc
Suốt năm canh kêu xác cả mùa hè
*
Con thương mẹ, con thương bàn tay mẹ
Cả đời con không đi hết hoa tay
Chắc mẹ rửa tay con bằng mồ hôi từ bé
Mà bàn tay khoẻ tựa lưỡi cày
*
Con thương mẹ thương cả đời đưa tiễn
Hết giặc này lại đến giặc kia
Mẹ cưu mang hết mọi thời kháng chiến
Những đứa con đi dầu biết không về
*
Con thương mẹ con thương đất nước
Từ ngàn xưa cho đến hôm nay
Những tên giặc phương xa vừa phải cút
Khói Cam Tuyền ải Bắc đã vờn mây
*
Chưa bao giờ mẹ sinh nhiều con trai đến thế
Chúng con đi mạnh khoẻ vô cùng
Những binh đoàn ào lên bão bể
Toả nhánh về biên giới vòng cung
*
Tất cả núi đều đổ ra biên giới
Tất cả rừng đều cuộn tới chở che
Giặc phương Bắc mà liều mình lao tới
Những đỉnh núi kia sẽ đổ xuống đè
*
Cau nhà ta không đủ mo để gói
Những nắm cơm của mẹ chật ba lô
Những chân trời cháy lên tiếng gọi
Biển cả reo một tiếng rung bờ
*
Con thương mẹ chưa nghỉ gồng nghỉ gánh
Dãy Trường Sơn vẫn trĩu đôi vai
Chúng con chẳng sợ gì bao trận đánh
Rặng tre ngà đã phủ suốt vành đai
*
Con thương mẹ còng lưng cấy lúa
Cây lúa vừa cắm xuống như chông
Những ngọn núi sẵn sàng phun lửa
Những dòng sông trữ thác ở trong lòng
*
Con thương mẹ con thương biển cả
Giấu tâm hồn nhân hậu dưới phong ba
Nếu giặc đến biển sẽ thành chảo lửa
Sao biển vẫn ngoan như chiếc ao nhà
*
Thế hệ chúng con chưa kịp tròn mười tám
Như đất nước nghìn năm chưa một kỷ nguyên già
Những quả đồi nằm theo dáng đấm
Sông Thương buồn có giặc cũng lao ra
*
Thế hệ chúng con đi như gió thổi
Quân phục xanh đồng sắc với chân trời
Chưa kịp yêu một người con gái
Lúc ngã vào lòng đất vẫn con trai
*
Thế hệ chúng con ồn ào, dày dạn
Sống thì đi mà chết thì nằm
Giọt lệ phần mình, nụ cười dành bạn
Đất nước là một cuộc hành quân
*
Mẹ ơi, có mẹ rồi chúng con vững bước
Chúng con lam làm, chúng con sống chúng con yêu
Chọn tâm bão mẹ sinh thành dân tộc
Sóng có nghiêng đê con vẫn bắc cầu Kiều
*
Mẹ ơi, bất kỳ từ điểm nào trên trái đất
Ai cũng thấy mẹ sinh nhiều con trai
Khi đất nước Việt Nam mang dáng hình tia chớp
Rạch chân trời một lối đến tương lai.
*

Trần Mạnh Hảo
( Trường ca này khởi viết từ năm 1976-1977, sửa chữa và in trên Văn Nghệ Quân Đội năm 1978, sau mới xuất bản thành sách)


TRẦN MẠNH HẢO
.
Trái thị vàng mặt trăng con ăn
Cô Tấm đó hay là mẹ đó?
Trái đất này hay trái thị ngày xưa?
*
Tấm lòng qua mấy nắng mưa
Hoa bao nhiêu kiếp mới vừa gặp nhau
Để mình cô Tấm chịu đau
Để mình mẹ gánh cơ cầu trên vai
*
Chết rồi hoài thai
Thành chim?
Thành măng mai?
Thôi hoá thành trái thị
Nhờ chiếc bị bà Tiên
Đất nước lại dịu hiền
Hiện hình thành côTấm
Cô Tấm ơi cô Tấm đừng đi
Cô Tấm ở nhà với mẹ
Cô Tấm hoá thân thành nàng Kiều
Hoá thân thành Nguyệt Nga, Tô Thị?
*
Cô Tấm hoá thành Mỵ Châu
Nước Âu Lạc đến mai sau vững bền
Nỏ thần bắn được nghìn tên
Cố Loa thành ấy đừng quên Triệu Đà
Một chàng Trọng Thủy hiện ra
Mỵ Châu ơi có phải là tình yêu
*
Áo kia lông ngỗng dẫu nhiều
Đường lui chẳng rắc nổi điều dặn nhau
Mẹ không trách Mỵ Châu đâu
Nào ai trách mối tình đầu của em
Một dân tộc sống hồn nhiên
Ở bên một kẻ đảo điên dối lừa
Nỏ thần lấy lại được chưa
Mà Mỵ Châu đến bây giờ còn oan?

*
Dân tộc nhiều gian nan
Dân tộc nhiều lưu lạc
Cây cầu bằng nước mắt
Bắc ngang sông Tiền Đường
Nếu mẹ không dìu dắt
Nàng Kiều làm sao qua?
*
Từ trong giọt lệ đi ra
Mà đau thương tưởng chẳng là đau thương
Gánh trên vai mọi tai ương
Mười lăm năm biết đoạn đường phải qua
*
Cô Tấm ơi cô Tấm ở nhà
Mùa thu nào thị nước mình cũng chín
Mùa thu nào cũng có bà Tiên
Gót giặc phương Bắc đè nghìn năm
Gót giặc phương Tây xéo trăm năm
Dòng sông nào cũng pha màu máu
Ngọn núi nào như cũng trộn xương
Mái nhà nào như cũng bén lửa
Thiếu phụ nào như cũng một lần goá bụa
Con cuốc nào cũng kêu
Con cuốc kêu đất nước

*
Mặt trời cũng chít khăn tang
Vầng trăng như chiếc đầu người tráng sĩ giặc treo trước làng
Không có vì sao nào không khóc
Mây trên trời tan hoang
Ôi dáng hình đất nước
Sao giống như hình con giun bị xéo quằn?
*
Lịch sử căm giận nghìn năm, căm giận trăm năm
Đất nước mang hình con rồng con phượng con lân
Con rồng đã quẫy
Con rồng đã bay
Con ngựa sắt thét ra lửa
Trẻ con lập tức ăn ba vạc cơm
Ngựa sắt hí lên đòi ăn cỏ
Con rùa tìm thanh kiếm dưới hồ sâu
Rừng lau thành rừng đuốc
Cho trẻ con tập trận trên mình trâu
Tất cả ao hồ hoá thành trống trận
Mọi dòng sông
Đều uốn theo hình đất nước
Uốn theo hình mũi bát xà mâu
Bao ngon núi lửa Tây Nguyên
Đều biến thành lò rèn, rèn kiếm
Mặt trăng thành đá mài
Cho Nguyễn Huệ mài đại đao
Chừng như muôn vạn vì sao
Xuống mọc trên áo long bào Quang Trung
*
Có bao nhiêu ngọn núi
Đều uốn theo hình mũi giáo
Uốn theo hình đất nước lao lên
Mặt trời mọc trên yên ngựa
Tất cả sừng trên đầu hươu nai
Đều chuốt theo hình đất nước

*
Lá lúa vừa nhú lên
Đã uốn thành câu liềm
Cho người đi giết giặc
Gỗ trên rừng tìm lòng sông mà mọc
Cọc gỗ nào cũng giống mũi Cà Mau
Voi trên rừng rủ nhau ra trận mạc
Đất nước hình vòi voi
Theo bà Triệu Thị Trinh đuổi giặc
Áo long bào Quang Trung
Cháy một chân trời hoả hổ
Đất nước mang hình cơn bão cơn giông
Đất nước manh hình cây cung
Giương lên phương Bắc, giương ra biển Đông
Mẹ ơi lịch sử thời nào cũng sẵn ống đồng
Cho giặc chạy khi nào bại trận
Núi chạy về phương Nam
Giục mũi Cà Mau xé sóng
*
Lịch sử trong trái thị
Lịch sử chín mỗi ngày
Trái thị con cầm trên tay
Có giống trái đất này dài rộng?
*
Mẹ ơi qua nghìn biến động
Mẹ lại về trồng lúa trồng dâu
Đất nước của con mang hình dây bí dây bầu

TRẦN MẠNH HẢO

Bài do tác giả gửi cho Quý-Blog, xin chân thành cảm ơn nhà thơ Trần Mạnh Hảo.
------------------
*****

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tìm kiếm Blog này