++ Hãy đến với nhau bằng tấm lòng trung thực!++

Thứ Bảy, 16 tháng 7, 2011

Loạt bài: Vụ Thiên An Môn năm 1989

Nguồn: Petro Times

Trong ngày 16/5, có hàng chục vạn người tới chi viện cho những sinh viên tuyệt thực trên Quảng trường Thiên An Môn. Đã có hơn 600 sinh viên phải đưa tới bệnh viện cấp cứu.

Bí mật Trung Nam Hải (Kỳ cuối): Vụ Thiên An Môn năm 1989

Xuân hè năm 1989 ở Trung Quốc đã xảy ra những vụ mất ổn định về chính trị – xã hội nghiêm trọng, bắt đầu từ ngày 16/4 dẫn đến cuộc trấn áp ngày 4/6, trên Quảng trường Thiên An Môn.

Ngày 15/4, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc đã ra cáo phó: “Đồng chí Hồ Diệu Bang – người chiến sĩ cộng sản trung thành dày dạn kinh nghiệm, nhà cách mạng, nhà chính trị vô sản vĩ đại, cán bộ chính trị kiệt xuất của quân đội ta, nhà lãnh đạo lỗi lạc đã từng giữ nhiều chức vụ lãnh đạo quan trọng của Đảng – trong khi dự Hội nghị Bộ Chính trị ngày 8/4/1989, đã bị một cơn đau tim đột ngột, mặc dù được tận tình cứu chữa nhưng không qua được, đồng chí đã tạ thế vào hồi 7 giờ 53 phút sáng ngày 15/4/1989, thọ 73 tuổi”.

Tin đồng chí Hồ Diệu Bang qua đời đã gây xúc động mạnh trong quần chúng nhân dân, nhất là trong thanh niên, học sinh Trung Quốc. Trong hai ngày 16 và 17/4, có hàng vạn người dân thủ đô đến dâng hoa viếng đồng chí Hồ Diệu Bang tại Đài kỷ niệm Anh hùng nhân dân trên Quảng trường Thiên An Môn. Tại các trường đại học, trong Lễ truy điệu đồng chí Hồ Diệu Bang đã xuất hiện một số biểu ngữ, khẩu hiệu, đại tự báo. Ngày 18/4, sinh viên một số trường đại học đã nổ ra nhiều cuộc biểu tình. Các cuộc biểu tình đã diễn ra mấy ngày liền, xảy ra nhiều vụ xô xát và sau đó đã dẫn đến tình trạng những người biểu tình chiếm Quảng trường Thiên An Môn. Đồng thời, ở một số thành phố khác như Tây An, Trường Sa, Thành Đô… cũng xảy ra những vụ lộn xộn.
Sinh viên gây rối bị trấn áp.

Ngày 22/4, Lễ truy điệu Hồ Diệu Bang đã được cử hành tại Đại lễ đường nhân dân (nhà Quốc hội), có hơn 4.000 người tham dự. Đặng Tiểu Bình đã đến dự. Triệu Tử Dương đọc điếu văn. Trong khi đó, nhiều sinh viên và quần chúng vẫn tập trung ngoài hội trường. Tình hình rất căng thẳng.

Chiều 24/4, Thường vụ Thành ủy Bắc Kinh họp đề nghị Trung ương có thái độ và biện pháp kiên quyết với những người biểu tình gây rối. Tối hôm đó, Lý Bằng đã chủ trì cuộc hội ý của Thường vụ Bộ Chính trị (khi đó Tổng bí thư Triệu Tử Dương đang thăm Triều Tiên). Thường vụ Bộ Chính trị đã nhất trí với quan điểm của Thường vụ Thành ủy Bắc Kinh, đồng thời yêu cầu Thành ủy Bắc Kinh và UBND Bắc Kinh phát động quần chúng, tranh thủ đa số, cô lập thiểu số, nhanh chóng dẹp cuộc bạo động, ổn định tình hình. Sáng ngày 25/4, Đặng Tiểu Bình phát biểu đồng tình và ủng hộ quyết định của Thường vụ Bộ Chính trị và cho rằng: “Đây không phải là phong trào học sinh bình thường, mà là một cuộc bạo loạn chính trị nhằm phủ nhận sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, phủ nhận chế độ xã hội chủ nghĩa”.

Theo tinh thần Nghị quyết của Bộ Chính trị và bài nói chuyện của Đặng Tiểu Bình, ngày 26/4 Nhân dân nhật báo đăng xã luận: “Phải có thái độ rõ ràng chống bạo loạn”. Xã luận viết: “Sau Lễ truy điệu, một số ít người có dã tâm, tiếp tục lợi dụng tình cảm của thanh niên, học sinh thương tiếc đồng chí Hồ Diệu Bang, bịa đặt tin đồn nhảm, mê hoặc lòng người, lợi dụng báo chữ to, báo chữ nhỏ, để bôi nhọ, lăng mạ, công kích các nhà lãnh đạo Đảng và nhà nước; công khai vi phạm luật pháp, kêu gào chống lại sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản và chế độ xã hội chủ nghĩa, có kẻ thậm chí còn chiếm phòng phát thanh nhà trường; ở một số trường đại học còn kích động học sinh bãi khóa, thầy giáo nghỉ dạy, thậm chí ngăn cản học sinh lên lớp; lạm dụng danh nghĩa tổ chức của công nhân, phát tán truyền đơn phản động; còn tổ chức những cuộc tuần hành, âm mưu làm cho tình hình nghiêm trọng hơn.

Tình hình trên chứng tỏ, hành động của một số ít người không phải là hoạt động tưởng nhớ đồng chí Hồ Diệu Bang, không phải là để xúc tiến tiến trình chính trị dân chủ xã hội chủ nghĩa, cũng không phải là phản ứng của những người bất mãn. Bọn chúng giương ngọn cờ dân chủ để phá hoại pháp chế dân chủ, mục đích là để ly tán nhân dân, làm loạn cả nước, phá hoại cục diện đoàn kết ổn định. Đó là một âm mưu có kế hoạch, là một cuộc bạo loạn, thực chất là nhằm hoàn toàn phủ nhận sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, phủ nhận chế độ xã hội chủ nghĩa. Tình hình đó đặt toàn Đảng và nhân dân các dân tộc trong cả nước trước một cuộc đấu tranh chính trị nghiêm trọng”.

Bài xã luận đã kết thúc bằng khẩu hiệu hô hào “Tổ chức Đảng các cấp của Đảng Cộng sản Trung Quốc, đông đảo đảng viên cộng sản, đoàn viên thanh niên cộng sản, các đảng phái dân chủ và nhân dân cả nước, phải nhận rõ đúng sai, tích cực hành động đấu tranh để nhanh chóng chặn đứng cuộc bạo loạn đó”.

Ngày 27/4, hàng vạn sinh viên Bắc Kinh xuống đường biểu tình tuần hành, công an, cảnh sát ngăn chặn không nổi, một số nơi giao thông tắc nghẽn trong nhiều giờ liền.

Ngày 29/4, Thủ tướng Lý Bằng ủy nhiệm người phát ngôn của Chính phủ là Viên Mộc tọa đàm đối thoại với 46 sinh viên của 16 trường đại học ở Bắc Kinh (tại phòng họp của Trung ương Đoàn), nhưng không đi tới sự đồng thuận về quan điểm. Ngày 2/5, mấy chục sinh viên đại học Bắc Kinh đã gửi tờ thỉnh nguyện tới Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và Trung ương Đảng, đưa ra 12 yêu cầu đối thoại. Ngày 4/5, mấy vạn sinh viên biểu tình mít tinh tại Thiên An Môn. Ngày hôm đó, Tổng bí thư Triệu Tử Dương đã phát biểu trong một buổi tiếp khách quốc tế rằng tình hình sẽ dịu dần, ở Trung Quốc sẽ không xuất hiện bạo loạn lớn… những người biểu tình phần lớn là sinh viên… “họ không phải là chống lại chế độ chúng tôi, mà là đòi hỏi chúng tôi phải khắc phục những biểu hiện xấu trong công tác của chúng tôi. Hiện nay, điều sinh viên bất mãn nhất là tình trạng tham nhũng…”. Triệu Tử Dương nói rằng, điều quan trọng nhất hiện nay là phải bình tĩnh, sáng suốt, kiềm chế, trật tự, giải quyết vấn đề trong khuôn khổ dân chủ và luật pháp. Sau đó đã có những cuộc tiếp xúc đối thoại giữa Tổng bí thư Triệu Tử Dương với học sinh, sinh viên Bắc Kinh, Lý Bằng tọa đàm đối thoại với công nhân Xí nghiệp Gang thép Thủ Đô.

Ngày 13/5, mấy trăm sinh viên Bắc Kinh tuyệt thực thỉnh nguyện trên Quảng trường Thiên An Môn, ra “Tuyên ngôn tuyệt thực”. Ngày 15/5, phái đoàn Đảng và Nhà nước Liên Xô do Goocbachốp dẫn đầu sang thăm Trung Quốc, theo kế hoạch đã định. Sáng ngày 16, khi tiếp Goocbachốp, Đặng Tiểu Bình đề nghị nhân dịp này tuyên bố bình thường hóa quan hệ Trung – Xô, với tinh thần “khép lại quá khứ, mở ra tương lai”.

Trong ngày 16/5, có hàng chục vạn người tới chi viện cho những sinh viên tuyệt thực trên Quảng trường Thiên An Môn. Đã có hơn 600 sinh viên phải đưa tới bệnh viện cấp cứu. Ngày 17/5, Tổng bí thư Triệu Tử Dương đã thay mặt Bộ Chính trị phát biểu bằng văn bản kêu gọi sinh viên đình chỉ tuyệt thực, giữ gìn sức khỏe. Ngày hôm ấy, có đến hơn triệu người dân Bắc Kinh, đủ các thành phần xã hội, xuống đường biểu tình, ủng hộ sinh viên tuyệt thực thỉnh nguyện. Sinh viên các thành phố khác trong cả nước cũng tổ chức míttinh biểu tình, chi viện cuộc tuyệt thực thỉnh nguyện của sinh viên thủ đô.

Tối ngày 19/5, Trung ương Đảng và Chính phủ họp với cán bộ đảng, chính quyền, quân đội của Bắc Kinh, kêu gọi hành động kiên quyết ngăn chặn cuộc bạo loạn, khôi phục trật tự ở thủ đô. Ngày 20/5, Thủ tướng Lý Bằng ký lệnh giới nghiêm một số khu vực của Bắc Kinh bắt đầu từ 10 giờ ngày 20/5. Ngày 3/6, Bộ Chỉ huy Quân đội giới nghiêm ra thông báo khẩn cấp, ra lệnh cho các đơn vị Quân giải phóng nhân dân đóng tại khu vực giới nghiêm ở Bắc Kinh phải kiên quyết chặn đứng bạo loạn, khôi phục an ninh trật tự ở thủ đô. Bản thông báo cho biết, tại một số nơi đã xảy ra xô xát giữa quân đội với thường dân, thậm chí có trường hợp ngăn chặn xe quân sự, cướp vũ khí… Bản thông cáo kêu gọi Công an và Bộ đội vũ trang “áp dụng mọi thủ đoạn” kiên quyết trấn áp bạo loạn, “mọi hậu quả, những người tổ chức, những người gây sự sẽ phải chịu trách nhiệm”.

4 giờ 30 phút rạng sáng ngày 4/6/1989, các đơn vị bộ đội giới nghiêm, cảnh sát vũ trang đã tiến vào Quảng trường Thiên An Môn kiên quyết trấn áp những người tham gia bạo loạn.

Ngày 5/6, Trung ương Đảng và Chính phủ công bố “Thư gửi toàn thể đảng viên cộng sản và nhân dân cả nước”, nói rõ: “…hơn một tháng nay một số ít người có dã tâm đã cố ý gây bạo loạn, cuối cùng đã phát động bạo loạn phản cách mạng… Trước tình hình đó, đơn vị bộ đội giới nghiêm của Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc đã buộc phải thi hành biện pháp kiên quyết trấn áp cuộc bạo loạn đó”.

Ngày 9/6, tại Hoài Nhân Đường trong Trung Nam Hải, Đặng Tiểu Bình đã tiếp cán bộ từ cấp quân đoàn trở lên của Bộ đội giới nghiêm thủ đô. Trong bài phát biểu tại buổi tiếp, Đặng Tiểu Bình cho rằng: “Cơn giông tố đó sớm muộn cũng sẽ tới… khẩu hiệu căn bản của bọn chúng một là lật đổ Đảng Cộng sản, hai là xóa bỏ chế độ xã hội chủ nghĩa. Mục đích của bọn chúng là thiết lập một nước cộng hòa tư sản hoàn toàn phụ thuộc vào phương Tây…”.

Trong lần phát biểu khác, Đặng Tiểu Bình cho rằng: “Lần này xảy ra tình hình hỗn loạn như vậy, có một nguyên nhân là tình trạng tham nhũng tràn lan, làm cho một bộ phận quần chúng mất lòng tin đối với Đảng và Chính phủ… Sự kiện đó thực sự đã làm bộc lộ hoàn toàn sai lầm của chúng ta”. Ngày 10/1/1990, Thủ tướng Lý Bằng đã ký lệnh hủy bỏ tình trạng giới nghiêm tại một số khu vực ở Bắc Kinh.

Từ ngày 23 đến 24/6/1989, Đảng Cộng sản Trung Quốc họp Hội nghị Trung ương lần thứ tư, khóa XIII. Hội nghị đã thông qua “Báo cáo về sai lầm của đồng chí Triệu Tử Dương trong vụ bạo loạn chống Đảng, chống chủ nghĩa xã hội” do Lý Bằng thay mặt Bộ Chính trị đề xuất. Bản báo cáo cho rằng đồng chí Triệu Tử Dương đã phạm sai lầm “ủng hộ bọn bạo loạn” và “chia rẽ Đảng”, phải chịu trách nhiệm về cuộc bạo loạn, tính chất sai lầm và hậu quả dẫn tới là “rất nghiêm trọng”. Hội nghị đã quyết định cách chức Tổng bí thư, Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương, Phó chủ tịch thứ nhất Quân ủy Trung ương của Triệu Tử Dương và tiếp tục thẩm tra về vấn đề phạm sai lầm của Triệu Tử Dương. Hội nghị còn bãi miễn chức vụ Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Ban Chấp hành Trung ương của Hồ Khải Lập và xử lý kỷ luật một số cán bộ khác có liên quan.

Hội nghị đã đề cử đồng chí Giang Trạch Dân giữ chức Tổng bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
Theo Năng lượng Mới
------------------
*****


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tìm kiếm Blog này