++ Hãy đến với nhau bằng tấm lòng trung thực!++

Thứ Hai, 6 tháng 6, 2011

Xin đừng buôn lậu lịch sử

Nguyễn Hữu Quý:


Đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng tại Hoa Lư, Ninh Bình
Đền thờ vua Lê Đại Hành tại Hoa Lư, Ninh Bình
Trong bài “Trực tiếp: Phỏng vấn nhà sử học Lê Văn Lan” đăng trên Blog Nguyễn Xuân Diện vào lúc 7giờ 54 phút; tính đến 14 giờ cùng ngày đã có 32 nhận xét, rất mong được các người có trách nhiệm, nhân danh Bộ VH-TT-DL vào đọc để xem ý kiến của các đọc giả.

Thôi thì đủ cả, và có lẽ chỉ những cái đầu toàn là bã đậu, cám lợn (heo) thì mới có thể đưa ra những quyết định trình chiếu bộ phim này; mà như Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh nhận định trong một bài viết trên Blog Nguyễn Xuân Diện ngay sau đó, rằng, "Đường tới thành Thăng Long" là một bộ phim phản dân tộc, phản văn hóa.

Trong các nhận xét trên, tôi chú ý một Nặc danh:

Nặc danh nói...
Với một bộ phim như thế, nếu công chiếu ở sân đình trong thời "bao cấp” thì liệu có bao nhiêu người xem và bao nhiêu người ném đá?
Xin đừng rắc muối lên vết thương vừa bị chém trên biển. Xin đừng nhục mạ niềm tự hào dân tộc. Xin đừng bán rẻ linh hồn đất nước. Xin đừng buôn lậu lịch sử. Xin đừng...

Xin mượn câu “Xin đừng buôn lậu lịch sử” trong nội dung nhận xét nói trên để viết đôi lời cho sự kiện có thể gọi là “mạt vận” này.

Nội dung trên làm tôi lại nhớ đến đã đọc được ở đâu đó câu “Nhà nhà đánh quả, người người đánh quả”; phải chăng khi tài nguyên thiên nhiên đã cạn kiệt, không còn mấy hy vọng để “đánh quả” tài nguyên nữa, cho nên những người nhân danh Bộ VH-TT-DL đã nghĩ đến đánh quả, buôn lậu bằng chính lịch sử dân tộc mình với bọn phương Bắc?

Thiết nghĩ, các vị có trách nhiệm trong sự việc này, chí ít có tuổi đời khoảng từ U50-U60, nghĩa là sinh ra trong một giai đoạn cũng còn được gọi là tử tế, chưa đến mức “mất gốc hoàn toàn”, hoặc chưa đến mức gọi là “vong bản tuyệt đối”; nhưng than ôi, các vị không những “bán rẻ linh hồn” của mình mà còn giám cả gan “bán rẻ linh hồn đất nước” như đoạn trích dẫn nói trên.

Cũng như người viết bài này, nghĩa là chưa có ai là được xem bộ phim “Đường tới thành Thăng Long”, nhưng thử mang vài đoạn mà nhà sử học Lê Văn Lan trả lời phỏng vấn, và theo nhà sử học Lê Văn Lan nhận xét:

… Nói chung, tinh thần và những cuộc kháng chiến chống ngoại xâm của dân tộc ta oanh liệt là thế, nhưng phim này thể hiện rất mờ nhạt, còn thì đấu đá nội bộ, thậm chí chém giết, sát phạt nội bộ và được tô đậm bằng những trường đoạn rất rùng rợn, thậm chí có nhân vật Hạng Lang sau khi đánh nhau với anh ruột là Long Đĩnh, thì đã chết với những mũi chông cắm xuyên từ gáy sang bên mặt, rất rùng rợn.

Xin trích dẫn thêm:

… Tóm lại, những nhân vật lịch sử trong phim đều bị bóp méo làm cho sai lệch đi. Điều này rất nguy hiểm, không chỉ vì nó là một sự xuyên tạc lịch sử trong một tác phẩm nghệ thuật mà hơn thế qua đây thì việc giáo dục về truyền thống anh hùng của dân tộc đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Có lẽ cũng chẳng nên nhiều lời; xin được trích nội dung nhận xét sau của một người đọc là KTS:

Kts Đỗ Anh nói...
1. Tôi kính trọng bác Lan và tin hoàn toàn bác là nhà sử học trân chính.
2. Tôi phản đối kịch liệt VTV và Bộ Văn hóa cấu kết với thằng doanh nhân thân Tàu này chiếu bộ phim trên.
3. Tôi kiến nghị những diễn viên trong phim có lòng tự trọng hãy trả lại tiền "cát sê" phim cho thằng sản xuất phim và phản đối chiếu phim.
4. Tôi mong rằng Bộ Văn Hóa (người hưởng những đồng lương do tôi và nhân dân tôi đổ mồ hôi xương máu nộp ngân sách) hãy đừng ăn cháo đá bát nữa.

Riêng mình, tôi như có linh cảm rằng, văn hóa Việt và cả dân tộc Việt, đã và đang trên đường đồi bại, đích đến sẽ là sự diệt vong!

Thương thay cho các bậc tiền nhân, đang được một đám con cháu mất gốc, vong bản tuyệt đối… đem ra làm trò cười cho lũ giặc phương Bắc mà các vị không tiếc công sức, hy sinh để đánh đuổi một thời, tạo dựng nên giang sơn này!

Cũng thương thay cho những kẻ nhân danh văn hóa, nhưng ăn phải thứ gì mà đã đến mức bại não, để rồi mang những điều thiêng liêng nhất của dân tộc ra đùa giỡn, mua vui cho lũ giặc phương Bắc vô đạo kia!

Thương thay và tiếc thay!

04.6.2011
------------------------------------------------------------------
TRỰC TIẾP: PHỎNG VẤN NHÀ SỬ HỌC LÊ VĂN LAN

Nguồn: Blog Nguyễn Xuân Diện


Thưa chư vị,

Hôm qua, khi chúng tôi đăng tải ý kiến của GS. Lê Văn Lan kịch liệt phản đối chiều bộ phim "Đường tới thành Thăng Long" trên sóng của Đài truyền hình quốc gia, đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận.

GS. Lê Văn Lan đang đi làm phim về Hoa Lư với đoàn phim Niu-Di -Lân ở Ninh Bình, đã về Hà Nội ngay trong đêm qua và đã dành cho Nguyễn Xuân Diện-Blog cuộc gặp và phỏng vấn sáng nay.

Dưới đây là cuộc phỏng vấn, được thực hiện tại Hà Nội:

Nguyễn Xuân Diện (NXD): Thưa GS Lê Văn Lan, vì sao ông lại phản đối kịch liệt việc chiếu bộ phim này trên sóng Đài TH quốc gia trong thời điểm này?

Nhà sử học Lê Văn Lan (LVL): Không chỉ trong thời điểm này. Nhưng càng trong thời điểm này, thì càng rõ ra một vấn đề cơ bản qua các thời điểm là: Không như công văn của Bộ Văn hóa - Thể thao Du lịch gửi Đài TH Việt Nam ngày 15 tháng 3 năm 2011, rằng phim này muốn chuyển tải cho người xem biết và tự hào về một giai đoạn lịch sử của nước ta. 

Qua tất cả các thời điểm, tôi đều không thể tự hào về cách người ta đưa giai đoạn lịch sử của nước ta lên phim như thế này.

NXD: Thưa nhà sử học Lê Văn Lan, được biết là nhóm làm phim này đã đưa tên của ông vào danh sách những người cố vấn cho phim mà chưa được phép của ông. Việc đó có đúng vậy không?

LVL: Ở lần xem phim thứ nhất, khi thấy tên tôi trên gie-ne-ríc phim, đề là cố vấn lịch sử, tôi đã trực tiếp phản đối với ông Trịnh Thanh Sơn, GĐ Hãng Trường Thành, đồng thời đã viết 2 bài báo để nói rõ chuyện đó, là: Tôi có được biết phim làm vào lúc nào đâu và làm ở đâu để mà nhận việc cố vấn. 

NXD: Thưa, vậy thì đến nay, tên của Giáo sư đã không còn trên gie-ne-ric của phim? 

LVL: Họ vẫn đề tên tôi với danh hiệu là Người tu chỉnh kịch bản. Nhưng đáng tiếc thay là những điều tôi đề nghị tu chỉnh họ đã không tiếp thu, và họ cứ làm theo ý của họ. 

NXD: Xin Giáo sư cho biết vắn tắt rằng vì sao lại không thể chiếu bộ phim này? Nó sai lầm về trang phục, đạo cụ, bối cảnh, hay là những xuyên tạc lịch sử, bạo lực, tình ái, hạ thấp tinh thần của người Việt Nam?

LVL: Thứ nhất, không như công văn của Bộ VH - TT - DL đã nói: "Về cơ bản, tinh thần lịch sử trong phim được tôn trọng". Xin nêu một ví dụ: Về cuộc kháng chiến của dân tộc ta chống quân Tống xâm lược lần thứ nhất (980 - 981) đây là niềm tự hào của tất cả những người Việt Nam chân chính. Nhưng phim này lại chỉ nói về cuộc kháng chiến này dưới dạng một trận đánh ở một ngọn núi ất ơ nào đó (tên là núi Chu Tước). Ở lần xem phim thứ nhất, thì tại trận (núi Chu Tước ất ơ này - lời GS Lan) diễn rõ cảnh Thiền sư Vạn Hạnh khuyên và trao cẩm nang cho Anh hùng dân tộc Lê Hoàn, nói rằng: Không cần đánh! Giặc sẽ tự tan. Và trên thực tế của phim, vai diễn Lê Hoàn còn ra lệnh: Kẻ nào bàn đánh. Chém!.


Đến  lần xem phim thứ hai và thứ ba (tức là lần duyệt cuối), sau ý kiến phản kháng kịch liệt của tôi, họ đã sửa lại nhưng vẫn kéo toàn bộ cuộc kháng chiến oanh liệt của dân tộc ta thời đó vẫn vào trận núi Chu Tước ất ơ ấy. Và lại còn cho ông Vạn Hạnh đón đường hành quân ra trận của ông Lê Hoàn và lại khuyên: "Chớ sát sinh nhiều". Và vai diễn Lê Hoàn đã thực sự thể hiện sự băn khoăn về lời khuyên trận mạc này.

Nói chung, tinh thần và những cuộc kháng chiến chống ngoại xâm của dân tộc ta oanh liệt là thế, nhưng phim này thể hiện rất mờ nhạt, còn thì đấu đá nội bộ, thậm chí chém giết, sát phạt nội bộ và được tô đậm bằng những trường đoạn rất rùng rợn, thậm chí có nhân vật Hạng Lang sau khi đánh nhau với anh ruột là Long Đĩnh, thì đã chết với những mũi chông cắm xuyên từ gáy sang bên mặt, rất rùng rợn.

NXD: Còn nhân vật Lê Hoàn là nhân vật lịch sử chính của giai đoạn này thì đã được thể hiện như thế nào trong phim, thưa giáo sư?

LVL: Tất cả mọi người Việt Nam chân chính đều hiểu và tôn vinh Lê Hoàn là anh hùng dân tộc. Hơn nữa, đây là một nhà thủy lợi đầu tiên với việc đào Kênh Nhà Lê, bây giờ còn sử dụng. Nhưng trong phim này, Lê Hoàn lại hiện ra như một ông vua xa xỉ, chỉ biết bắt dân xây dựng cái gọi là "vườn ngự uyển", không cần biết đến những lời can gián, thậm chí còn trừng phạt cả Lý Công Uẩn vì đã dám ngăn vua xây dựng những công trình phục vụ cho việc ăn chơi xa hoa.

Lê Hoàn còn hiện ra như một ông vua nhu nhược, đi kinh lý thì lại để cho giặc cỏ nó bắt được. Rồi lại sa thải các trung thần. Tóm lại là một ông vua không đúng như lịch sử đã ghi chép và các nhà sử học xưa nay đã nhận định và tôn vinh.

NXD: Thế còn những nhân vật lịch sử khác thì hiện ra trong phim như thế nào? Như là Thái hậu Dương Vân Nga chẳng hạn?

LVL: Tôi và một số nhà nghiên cứu khác đang được dòng tộc họ Dương mời làm một hội thảo khoa học về các nhân vật họ Dương trong lịch sử. Tôi rất sợ rằng dòng tộc họ Dương sẽ có thái độ phản kháng dữ dội khi phim này được chiếu trên sóng truyền hình quốc gia với hình tượng một Dương Vân Nga ủy mị, sướt mướt, thậm chí đã treo cổ tự tử khi được Lê Hoàn tỏ tình. Trong khi chính sử chép rõ bà là người thông tuệ, sắc sảo, và quyết đoán là thế trong những tình huống cam go của lịch sử.

Ah, còn về Chi hậu Đào Cam Mộc nữa chứ. Đào Cam Mộc hiện lên trong phim, từ đầu chí cuối là một ông tướng võ biền, là cha của một ông tướng trẻ khác, cũng chỉ suốt ngày đòi thách đấu với Lý Công Uẩn. Còn khi được giao việc hộ vệ Lê Đại Hành tuần du thì lại ngơ ngẩn, sơ xuất, để cho vua của mình bị giặc cỏ bắt sống. Trong khi đó, mọi người đều biết Đào Cam Mộc là quan Chi hậu, tức là người quản mọi việc trong nội cung, và là quan văn.

Tóm lại, những nhân vật lịch sử trong phim đều bị bóp méo làm cho sai lệch đi. Điều này rất nguy hiểm, không chỉ vì nó là một sự xuyên tạc lịch sử trong một tác phẩm nghệ thuật mà hơn thế qua đây thì việc giáo dục về truyền thống anh hùng của dân tộc đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

NXD: Thưa giáo sư, thế còn các sự kiện lịch sử quan trọng trong giai đoạn này đã lên phim như thế nào?

LVL: Một sự kiện quan trọng bậc nhất là việc Thái tổ Lý Công Uẩn lên ngôi. Phim này không chỉ gọi "lên ngôi" là "đăng cơ"(Tàu hoàn toàn - LVL) mà rành rành lịch sử viết Lý Công Uẩn lên ngôi ở Hoa Lư, được triều đình đồng thuận, nhưng trên phim thì Lý Công Uẩn lại lên ngôi ở ...một ngôi chùa...Tàu.

NXD: Ồ! Thế ạ? Chao ôi! Kinh khủng quá! Thế trang phục của Đức vua Lý Công Uẩn thì sao?

LVL: Không chỉ trang phục của nhà vua, mà của văn võ bá quan và trăm họ đều rất ...Tàu. Rồi thì lại cả cảnh chùa chiền, cung điện, nhà cửa, ngựa xe, binh khí...cũng đều là rất Tàu.

NXD: Thưa giáo sư, đấy là cảnh trên phim, ở lần duyệt cuối cùng phải không? Và những cảnh đó sẽ được chiếu trên Đài truyền hình quốc gia phải không?

LVL: Vâng! Đúng thế. Và chính vì thế tôi mới kiên quyết phản đối việc chiếu bộ phim này ở các rạp và trên sóng Đài Truyền hình quốc gia cũng như các Đài truyền hình địa phương. Tôi tin chắc rằng đồng bào tôi cũng như tôi, không thể "tự hào" về mình, và tổ tiên của mình, ở một giai đoạn lịch sử quan trọng lại Tàu như thế này!

Và tôi nghĩ rằng, sẽ có nhiều người kêu gọi tẩy chay bộ phim này.


NXD: Xin chân thành cảm ơn giáo sư Lê Văn Lan đã dành cho Nguyễn Xuân Diện-Blog cuộc phỏng vấn này! Kính chúc Giáo sư dồi dào sức khỏe.

07h54 - 9h00

9 nhận xét:

  1. biểu tình trên mạng phản đối phim này!

    Trả lờiXóa
  2. Mấy hôm đi tìm nhà bác, chừ mới thấy. Chúc mừng nhà mới của đại huynh!

    Trả lờiXóa
  3. th nào chịu trách nhiệm về văn hóa ở ta

    Trả lờiXóa
  4. Cám ơn Bác Hữu Quý! Chúc mừng bác lại đồng hành cùng mọi người!

    Trả lờiXóa
  5. Cảm ớn TS Diện đã ghé thăm; bài phỏng vấn là dịp để nhân dân cả nước sẽ tẩy chay phim này.

    Trả lờiXóa
  6. Rất tiếc quyền lực không nằm trong tay những con người như Nguyễn Xuân Diện, Lê Văn Lang. Nếu có thì cái phim khốn nạn như vậy đâu có được làm ra, tiêu mất 1 đống tiền. Khốn thay cho số phận nước Nam!!!!!

    Trả lờiXóa
  7. Có ai đó đã nói; "ở Việt Nam chỉ trừ làm người chết sống lại, mọi thứ đều mua được bằng tiền"

    Hy vọng,...

    Trả lờiXóa
  8. Bán cả những giá trị phi vật thể
    của dân tộc ...thật quá đáng!

    CẢM ƠN ANH LAN, XUÂN DIỆN VÀ HỮU QUÝ.

    Trả lờiXóa

Tìm kiếm Blog này