Nguồn: nld.com.vn
Thứ Ba, 07/06/2011 22:50
VN hoàn toàn có cơ sở pháp lý vững chắc để đưa vụ tàu hải giám Trung Quốc (TQ) cắt cáp tàu Bình Mình 02 ra cơ quan tài phán quốc tế
Từ căn cứ pháp lý, trước hết phải khẳng định tàu hải giám TQ thực hiện hành vi cắt cáp, cản trở hoạt động thăm dò khai thác dầu khí của tàu Bình Minh 02 (PVN) tại vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa VN là vi phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán của VN, được thiết lập phù hợp với quy định tại các điều 56, 58, 76 và 77 Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982.
Áp dụng thủ tục bắt buộc của UNCLOS
Căn cứ vào tình hình vụ việc và cơ sở pháp lý quốc tế hiện nay, một khả năng mà VN có thể xem xét là sử dụng cơ chế giải quyết tranh chấp của UNCLOS năm 1982 (phần XV). Trong đó, điều 280 của công ước quy định: Các quốc gia có quyền thỏa thuận, lựa chọn các biện pháp hòa bình để giải quyết tranh chấp.
UNCLOS đồng thời quy định một số trường hợp ngoại lệ, cho phép các quốc gia không áp dụng thủ tục bắt buộc nói trên. Ngày 25-8-2006, TQ đưa ra tuyên bố về các ngoại lệ, với nội dung cụ thể như sau: “TQ không chấp nhận bất kỳ thủ tục nào quy định tại mục 2, phần XV của công ước liên quan đến các tranh chấp được nêu tại khoản 1 (a) (b) (c), điều 298 của công ước”.
Cán bộ, công nhân trên giàn công nghệ trung tâm số 3, mỏ Bạch Hổ tham gia bầu cử
Quốc hội khóa XIII và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011-2016. Ảnh: TTXVNTuy nhiên, trong vụ tàu Bình Minh 02, tranh chấp giữa VN và TQ không thuộc các trường hợp ngoại lệ mà liên quan đến việc thực hiện quyền chủ quyền của quốc gia ven biển trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa, cụ thể liên quan đến việc giải thích và áp dụng các điều 56, 58, 76 và 77 của UNCLOS năm 1982.
Vì vậy, VN có quyền áp dụng thủ tục bắt buộc của công ước này. Trên thực tế, VN và TQ đều không có tuyên bố lựa chọn cơ quan tài phán theo quy định tại khoản 1, điều 287. Do vậy, VN có thể khởi kiện TQ tại tòa án trọng tài thành lập theo phụ lục VII của UNCLOS.
Trung Quốc tự mâu thuẫn
Lập luận pháp lý vững chắc của VN phù hợp với các quy định của UNCLOS năm 1982. VN đã xác định vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa rộng 200 hải lý tính từ đường cơ sở, là đường nối các điểm được lựa chọn tại ngấn nước thủy triều thấp nhất dọc bờ biển và các đảo gần bờ, bao gồm 10 đoạn nối 11 điểm từ A0 (nằm trong vùng nước lịch sử VN - Campuchia) đến A11 (trong vịnh Bắc Bộ), trong đó điểm A8 nằm trên mũi Đại Lãnh (Phú Yên) (UNCLOS năm 1982, điều 57, 76).
Trong vụ việc nêu trên, tọa độ tàu Bình Minh 02 bị tàu hải giám TQ phá hoại cáp thăm dò là ở vị trí 12o48’25’’ Bắc và 111o26’48’’ Đông, cách mũi Đại Lãnh (Phú Yên) khoảng 120 hải lý. Như vậy, khu vực hoạt động của tàu Bình Minh 02 nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của VN.
Tại những vùng biển này, VN có thẩm quyền riêng biệt (quyền chủ quyền) trong việc thăm dò, khai thác nguồn tài nguyên, bao gồm tài nguyên sinh vật và tài nguyên phi sinh vật, ở vùng nước bên trên đáy biển, ở đáy biển cũng như lòng đất dưới đáy biển. TQ có quyền qua lại nhưng đồng thời có nghĩa vụ tôn trọng các quyền của VN và không được cản trở những hoạt động thực hiện quyền chủ quyền của VN (UNCLOS năm 1982, điều 56, 58, 77).
Là thành viên của UNCLOS năm 1982, TQ có nghĩa vụ tận tâm, thiện chí thực hiện các quy định của công ước (nguyên tắc Pacta Sunt Servanda). Hành động của TQ đã vi phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán của VN tại vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa VN, vi phạm nguyên tắc Pacta Sunt Servanda và các quy định của UNCLOS năm 1982.
Thế nhưng, trong tuyên bố liên quan đến việc các tàu hải giám TQ cắt cáp thăm dò tàu Bình Minh 02 của VN, Bộ Ngoại giao TQ cho rằng TQ thực hiện “các hoạt động giám sát và thực thi luật pháp hoàn toàn bình thường ở khu vực biển thuộc thẩm quyền tài phán của TQ”.
Song trên thực tế, vị trí mà 3 tàu hải giám TQ phá hoại cáp thăm dò của tàu Bình Minh 02 chỉ cách mũi Đại Lãnh (Phú Yên) khoảng 120 hải lý, nằm hoàn toàn ở phía bờ biển VN và cách bờ biển TQ (đảo Hải Nam) khoảng 340 hải lý. Rõ ràng, khu vực tàu Bình Minh 02 tiến hành thăm dò khai thác dầu khí nằm ngoài vùng đặc quyền kinh tế của TQ.
Phần đáy biển nơi tàu Bình Minh 02 hoạt động không thuộc phần kéo dài tự nhiên của thềm lục địa TQ mà ngược lại, nằm trên thềm lục địa VN. Vì vậy, tuyên bố của Bộ Ngoại giao TQ hoàn toàn thiếu cơ sở pháp lý, không phù hợp với các quy định của UNCLOS năm 1982 mà TQ là thành viên.
Mặt khác, TQ cũng đã tự mâu thuẫn khi vừa tuyên bố vùng biển nằm bên trong “đường lưỡi bò” thuộc chủ quyền và quyền tài phán vừa xác định các vùng biển đối với đất liền, đồng thời yêu sách thiết lập lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa đối với các quần đảo (Hoàng Sa, Trường Sa) nằm trong biển Đông.
Nhưng căn cứ theo luật pháp và quy định quốc tế, không thể tồn tại một vùng biển vừa có quy chế pháp lý của nội thủy vừa có quy chế của lãnh hải, đồng thời là vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa thuộc quyền chủ quyền quốc gia.
Tóm lại, VN hoàn toàn có cơ sở pháp lý vững chắc để đưa vụ việc ra trước cơ quan tài phán quốc tế.
MTTQ VN tọa đàm về vấn đề biển Đông Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ VN ngày 7-6 đã tổ chức tọa đàm với các thành viên Hội đồng Tư vấn về Dân chủ và Pháp luật, Hội đồng Tư vấn về Đối ngoại và Kiều bào và một số ban, ngành liên quan về các sự kiện diễn ra trên biển Đông trong thời gian gần đây. Tại cuộc tọa đàm, các đại biểu cho rằng trong bối cảnh phức tạp như hiện nay, phía TQ cần tôn trọng UNCLOS và Tuyên bố ứng xử của các bên về vấn đề biển Đông (DOC) cũng như cam kết mà phía TQ đã đưa ra trong thời gian gần đây. Theo các đại biểu, tranh chấp trên biển Đông sẽ không thể giải quyết trong một thời gian ngắn và cần kiên trì giải quyết bằng đối thoại và biện pháp hòa bình, trên cơ sở vì lợi ích của mỗi bên và dựa vào luật pháp quốc tế. B.T |
Tiến sĩ luật quốc tế Nguyễn Toàn Thắng (Giảng viên Khoa Luật Quốc tế Trường ĐH Luật Hà Nội)
------------------
*****
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét