++ Hãy đến với nhau bằng tấm lòng trung thực!++

Thứ Tư, 15 tháng 6, 2011

Biển Đông: Trung Quốc chuyển sang giai đoạn áp đặt "Đường lưỡi bò"

Nguồn: Vitinfo

Trung Quốc bước vào giai đoạn mới áp đặt “đường lưỡi bò”, Biển Đông quan trọng trên hết, với ba mũi giáp công, phục vụ khai thác dầu khí biển khơi tại Biển Đông.


Trung Quốc đang bước vào giai đoạn mới trong chiến lược lấn chiếm Biển Đông, áp đặt “đường lưỡi bò”. Giai đoạn mới bắt đầu bằng những cuộc cọ sát cục bộ trên biển, đi kèm với những tuyên bố thiện chí, ngoại giao nụ cười, ngoại giao quân sự và ngoại giao tiền bạc ở nơi này nơi kia nên dư luận khó bề nhận dạng.

Mục đích là biến các khu vực không tranh chấp thành có tranh chấp để thực hiện kế hoạch “đường lưỡi bò” trên Biển Đông, độc chiếm khai thác dầu khí tại vùng biển này.

Khai thác dầu khí Biển Đông - chương trình trọng điểm quốc gia của Trung Quốc

Biển Đông là khu vực trọng điểm trong chiến lược dầu khí hải dương của Trung Quốc trong kế hoạch 5 năm lần thứ 12 nhằm đảm bảo an ninh năng lượng cho một nền kinh tế đang tăng trưởng nóng.

Năm 2010 tổng lượng nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc là 239 triệu tấn, tăng 17,5%. Lượng nhập khẩu dầu khí chiếm tỷ lệ trong tổng nhu cầu dầu thô tăng từ 52% (2009) lên 55% (2010), 2 năm liền vượt qua giới hạn đỏ 50%. Theo một số dự báo, đến năm 2020, tỷ lệ dầu khí nhập khẩu của Trung Quốc tăng lên 65%. Nếu không đáp ứng đủ, vấn đề an ninh năng lượng sẽ cản trở kinh tế phát triển.

Biển Đông có tài nguyên dầu khí phong phú. Trữ lượng do phía Trung Quốc ước tính khoảng hơn 50 tỷ tấn dầu thô,  hơn 20.000 tỉ mét khối khí thiên nhiên, gấp 25 lần trữ lượng dầu và tám lần trữ lượng khí đốt hiện có của Trung Quốc. Theo các báo Trung Quốc, tính đến giữa năm 2010, có khoảng 180 mỏ dầu và khí thiên nhiên, 200 cấu tạo dầu khí được tìm thấy ở vùng biển Biển Đông, trong đó phần lớn đều ở độ sâu từ 500 - 2000m.

Trung Quốc vừa chứng tỏ họ có kỹ thuật để khai thác tài nguyên ở khu vực biển sâu. Biển Đông lại là khu vực biển tiếp giáp, nơi Trung Quốc có hạm đội mạnh nhất, thuận lợi cho việc bảo vệ các hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí.

Ngày 23/5/2011, Trung Quốc đã hạ thủy giàn khoan Dầu khí Hải dương 981, là siêu giàn khoan đầu tiên do Trung Quốc tự sản xuất, được gọi là “tàu sân bay dầu khí”. Nó đang hoạt động thử nghiệm tại biển Hoa Đông. Đây là giàn khoan kiểu nửa chìm hoạt động ở độ sâu tối đa 3.000m, độ sâu giếng khoan tối đa 12.000m, thuộc thế hệ thứ sáu trên thế giới.  Nó cho phép Trung Quốc tiến từ độ sâu khai thác 300m gần bờ ra độ sâu 3000m ngoài biển khơi. Giàn khoan này sẽ được kéo tới Biển Đông chậm nhất là mùa thu năm nay. Ngoài ra, theo một nguồn tin Trung  Quốc, giàn khoan 981 có thể được huy động vào mục đích quân sự trong trường hợp cần thiết. Ngoài ra, Trung Quốc có thể tiến hành hợp tác với nước ngoài thăm dò và khai thác hàng loạt khu vực trên Biển Đông.

Bước đầu của giai đoạn mới là dùng cọ sát (hay xung đột) “phi truyền thống” để thực hiện chiến tranh cân não nhằm khuất phục Phillipines và Việt Nam, bước tiếp theo là Malaysia và những bên có tranh chấp khác, áp dụng mô hình “dễ trước khó sau” và “kinh tế chính trị trước quân sự sau”.

Sách lược Bắc Kinh "ba mũi giáp công"

Thứ nhất là trung lập hóa Mỹ để Washington không can dự vào vấn đề Biển Đông. Bài phát biểu của Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton tại Hà Nội vào tháng 7/2010 đánh dấu sự chuyển biến trong thái độ của Mỹ đối với Biển Đông từ “trung lập” sang “can dự”. Những tuyên bố gần đây của phía Mỹ dường như cho thấy Washington có thể đang làm điều ngược lại, tức là  trở lại lập trường “trung lập”.

Theo Liên hợp buổi sáng (Singapore), trong cuộc đối thoại Chiến lược-kinh tế Trung-Mỹ (9-10/5), Trung Quốc bày tỏ hoan nghênh Mỹ tiếp tục phát huy vai trò ở khu vực và quyết định thành lập cơ chế tham vấn Trung-Mỹ về các sự vụ ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Phó đoàn Trung Quốc thậm chí còn gợi ý “Mỹ-Trung cùng nhau thống trị châu Á-Thái Bình Dương”. Tổng tham mưu trưởng Trần Bính Đức thăm Mỹ ngay sau cuộc đối  thoại trên đề xuất cùng Mỹ xây dựng mô hình quan hệ quân sự mới. Về phía Mỹ, chỉ cần bảo đảm vấn đề tự do hàng hải và vai trò của Mỹ ở khu vực không bị thách thức thì Mỹ sẽ không đối chọi với Trung Quốc. “Tự do hàng hải”, về nguyên tắc mà phía Mỹ theo đuổi, là máy bay và tàu thuyền của Mỹ được đi lại và thu thập thông tin tại Biển Đông, kể cả khu vực đặc quyền kinh tế. Ngoài ra, Trung Quốc nhượng bộ Mỹ một số vấn đề kinh tế.

Trong giai đoạn này, Biển Đông quan trọng trên hết, thậm chí trên cả vấn đề Đài Loan.

Thứ hai, khai thác những dị biệt về lợi ích giữa các nước Đông Nam Á, ra sức dùng ngoại giao quân sự và ngoại giao tiền bạc để tập hợp lực lượng nhằm cản trở ASEAN đưa ra lập trường chung trong vấn đề Biển Đông, khống chế vấn đề Biển Đông trong khuôn khổ song phương giữa Trung Quốc với các nước liên quan. Tỷ lệ công khai ủng hộ lập trường của Trung Quốc về Biể Đông trong số các nước thành viên ASEAN hiện nay ít ra đã đạt 50/50%.

Ngoài ra, Trung Quốc tăng cường hợp tác kinh tế thương mại với ASEAN. Các nền kinh tế của phần lớn các nước ASEAN đã không thể tách rời kinh tế Trung Quốc. Trong 4 tháng đầu năm 2011, kim ngạch thương mại Trung Quốc - ASEAN đạt 111 tỷ USD, tăng 26,5%. Dự kiến cả năm sẽ vượt 300 tỷ USD.

Thứ ba, tăng cường biểu dương thực lực quân sự tại Biển Đông. Hạm đội Nam Hải có hơn 260 tàu, trong đó có ít nhất 26 tàu hải giám với trọng lượng nước rẽ từ 1.000 tấn trở lên. Với việc gia tăng trọng tải cùng trang bị vũ khí cho đội tàu hải chính, trang bị vũ khí cho đội tàu ngư chính đủ năng lực đối kháng với hải quân các nước tranh chấp, bảo đảm giải quyết tranh chấp một cách có lợi dưới mọi chiêu thức xung đột “phi truyền thống”. Trong 5 năm tới, theo đó lực lượng giám sát biển sẽ được mở rộng lên 16 trực thăng và 350 tàu, với 45 tàu thuộc loại có trọng lượng nước rẽ trên 1.000 tấn. Các lữ đoàn thủy quân lục chiến của Trung Quốc, từ 10.000-12.000 người, được biên chế  vào hạm đội Nam Hải.

Mùa hè này, tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc sẽ đi vào hoạt động. Ngoài ra, Jinggangshan, một tàu đổ bộ lớn đang được gấp rút hoàn thành, với trọng tải 20.000 tấn, tầm hoạt động 11.000 km, chở 800 quân, mang theo 4 tàu nệm hơi, 20 xe bọc thép, 2 trực thăng Z-8. Tàu dự định được biên chế vào đội tàu sân bay đầu tiên, hoạt động chủ yếu ở Biển Đông.

Với lực lượng như vậy, Trung Quốc chỉ chờ những phản ứng thiếu bình tĩnh của các nước liên quan gây xung đột vũ trang, một cái cớ "súng cướp cò", hoặc tự tạo nên một "Sự kiện Vịnh Bắc Bộ", để thực hiện hành động quân sự, như với Ấn Độ trong cuộc chiến tranh biên giới Trung-Ấn năm 1962. Ấn Độ đã chịu những tổn thất lớn về đất đai và quân lực trong cuộc chiến chớp nhoáng này.

Chính sách thô bạo của Trung Quốc về Biển Đông liệu có hiệu quả?

Đó là câu hỏi Thời báo châu Á mới đây nêu ra. Việc công khai phô bày chính sách pháo hạm tại Biển Đông còn nhằm chứng tỏ sự kém hiệu quả của Mỹ trong khu vực. Chính sách này của Bắc Kinh có thể gây hiệu quả ngược lại. Mỹ sẽ đứng ngoài cuộc bao lâu?

Tổ chức ASEAN có thể nhượng bộ Trung Quốc đến mức nào qua việc hy sinh sự đoàn kết của toàn khối và các cam kết xây dựng Cộng đồng, trong đó có Cộng đồng an ninh, vì những lợi ích cục bộ trước mắt?

Trung Quốc sẽ bị thiệt hại đáng kể nếu gây ra cuộc xung đột quân sự làm tổn hại các quan hệ chính trị, ngoại giao ở Đông Nam Á. Hình ảnh Trung Quốc như một cường quốc có trách nhiệm sẽ bị sứt mẻ. Dư luận thế giới sẽ khẳng định “mối đe dọa Trung Quốc”; lập luận “trỗi dậy hòa bình” của Trung Quốc sẽ bị suy yếu.


 
Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Mao Trạch Đông, Bắc Kinh, 1960

Về phía Việt Nam, xung đột vũ trang chưa phải là một lựa chọn nếu Trung Quốc không gây chiến trước. Bình tĩnh cũng là một thứ vũ khí. Đối phó với loại xung đột "phi truyền thống" lại càng cần phải có mưu lược.

Chúng ta phải nói cho thiên hạ rõ: Việt Nam không tranh chấp với Trung Quốc trên Biển Đông, Việt Nam chỉ thực thi quyền lợi của mình trong các vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam. Đó là đòi hỏi chính đáng và là ngọn cờ chính nghĩa để tập hợp lực lượng quốc tế. Nhưng chính nghĩa không tự nó tỏa sáng mà phải thông qua cuộc đấu tranh kiên trì sáng tạo trên mặt trận chính trị, ngoại giao. Mặt khác, tình hình Biển Đông hiện tại vẫn có cửa cho đàm phán thương lượng dựa trên những nguyên tắc chỉ đạo quan hệ Việt-Trung mà lãnh đạo hai nước đã thiết lập hơn một thập kỷ qua.

Về phía mình, người Việt Nam ta cần chuyển biến chủ nghĩa yêu nước từ lãng mạn sang hiện thực. Phải đổi mới tư duy không ngừng trước sự biến chuyển mau lẹ của tình hình thế giới và khu vực. Trong đó có một vấn đề mấu chốt, mà Thủ tướng Malaysia Najib Nazad đã nêu với cử tọa tham dự Đối thoại Shangrila vừa qua: Người Đông Nam Á cần hành xử như thế nào với một nước Trung Quốc thực lực tăng cường, có thể trở thành nền kinh tế dẫn đầu thế giới trong ít chục năm tới?

Chúng ta cần thấm nhuần tư tưởng ngoại giao cốt lõi của cha ông ta trong quan hệ với Trung Quốc, gói trong hai chữ “hòa hiếu”. Lại phải vận dụng sáng tạo tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh coi trọng quan hệ với các nước láng giềng và các nước lớn, trước hết và trên hết là với Trung Quốc./.


Theo Toquoc
Tin đăng lại
Nguồn tin: Toquoc
http://www.toquoc.gov.vn/Thongtin/Y-Kien-Binh-Luan/Chien-Luoc-Sach-Luoc-Moi-Cua-Trung-Quoc-Tai-Bien-Dong.html
Từ khóa: Sự kiện Biển Đông  

------------------
*****


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tìm kiếm Blog này