++ Hãy đến với nhau bằng tấm lòng trung thực!++

Thứ Năm, 30 tháng 6, 2011

Ba lý do khiến tranh chấp ở Biển Đông khó được giải quyết

Báo "Bưu điện Giacácta" số ra gần đây đăng bài viết với tiêu đề "Insight: Calming the South China Sea is imperative" của tác giả Rizal Sukma - Giám đốc điều hành Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) - đề cập tới tình hình căng thẳng có xu hướng leo thang ở Biển Đông, đe dọa hòa bình, an ninh và ổn định trong khu vực.
Theo bài viết này, tất cả các bên liên quan cần phải kiềm chế để hướng tới một giải pháp thông qua đàm phán, điều không chỉ Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) mà cả các nước khác - trong đó có Mỹ - mong muốn. Tuy nhiên, tác giả Rizal Sukma cho rằng một giải pháp như trên sẽ phải đối mặt với rất nhiều khó khăn vì ba lý do sau: 
Thứ nhất, mọi tranh chấp lãnh thổ như ở Biển Đông đều khó giải quyết bởi bản chất của nó là tranh chấp chủ quyền. Tại châu Á, chủ quyền vẫn là chuẩn mực được bảo vệ nhất, các nước đều không dễ dàng thỏa hiệp. Ngay cả khi những nước có tuyên bố chồng chéo về chủ quyền sẵn sàng bước vào đàm phán thì cũng sẽ phải mất nhiều năm, thậm chí hàng thập kỷ, mới đạt được một thỏa thuận thích hợp. Vì vậy, thực tế là không thể hy vọng vấn đề tranh chấp chủ quyền sẽ được giải quyết trong tương lai gần.
Thứ hai, vấn đề ở Biển Đông thậm chí còn phức tạp hơn nhiều do giá trị chiến lược của vùng biển này. Đây được coi là khu vực giàu tài nguyên, đặc biệt là về dầu khí. Hơn nữa, Biển Đông là một tuyến đường biển quan trọng đối với giao thông và thương mại thế giới. Do sự cạnh tranh về năng lượng gia tăng nên sẽ rất khó chờ đợi bất cứ ai trong cuộc từ bỏ cuộc chơi liên quan đến quyền lợi của mình.
Thứ ba, Trung Quốc là một cường quốc đang nổi lên. Việc kiểm soát Biển Đông thông qua sự hiện diện quân sự tại khu vực này sẽ củng cố ưu thế chiến lược của Trung Quốc. Trung Quốc hiện là quốc gia mạnh nhất ở Đông Á, cả về kinh tế và quân sự. Hơn nữa, do chủ nghĩa dân tộc gia tăng ở Trung Quốc, nước này có nguy cơ phải đối mặt với những phản ứng dữ dội trong nước nếu từ bỏ tuyên bố tranh chấp chủ quyền của mình. Trong bối cảnh như vậy, sẽ là vô ích để hy vọng sớm giải quyết được vấn đề chủ quyền ở Biển Đông.
Tuy nhiên, tác giả Rizal Sukma nhấn mạnh rằng sẽ rất nguy hiểm nếu các bên liên quan không làm gì. Căng thẳng ở Biển Đông cần phải được làm dịu. Các bên cần quay trở lại với "Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) mà ASEAN và Trung Quốc đã ký năm 2002. Về vấn đề này, ASEAN cần yêu cầu Trung Quốc cân nhắc ngay "Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông" (COC). COC không nhằm giải quyết vấn đề chủ quyền, nhưng sẽ cung cấp thỏa thuận khung làm thế nào để tránh căng thẳng trong khu vực, chẳng hạn trong đó có các nguyên tắc, thủ tục giải quyết các sự cố trên biển, cơ chế ngăn ngừa sự cố do tình trạng quấy rối của một bên tranh chấp gây ra và cơ chế giải quyết chấp...
Tác giả Rizal Sukma cho rằng In-đô-nê-xi-a cần giữ vai trò dẫn đầu trong vấn đề đó. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất đối với ASEAN - đặc biệt là với bốn nước gồm Philíppin, Việt Nam, Brunây và Ma-la-ixi-a - là phải ngồi vào bàn đàm phán. Trong khi chờ đợi sự sẵn sàng từ phía Trung Quốc, ASEAN cần thống nhất với nhau về một COC cụ thể để đưa ra cho Trung Quốc tham chiếu. Nếu Trung Quốc không hài lòng với cách tiếp cận này, đây sẽ là một cơ hội tuyệt vời để ASEAN đánh giá ý đồ lâu dài của Trung Quốc trong khu vực. Trung Quốc có được tôn trọng như một quyền lực lớn hay không sẽ phụ thuộc vào phản ứng của nước này.
  Theo Jakarta Post
 Hương Trà (gt)

------------------
*****


1 nhận xét:

  1. Tiên sinh thức khuya dậy sớm thế.Đúng là...may mắn cho nước nhà...hihi

    Trả lờiXóa

Tìm kiếm Blog này