++ Hãy đến với nhau bằng tấm lòng trung thực!++

Thứ Ba, 2 tháng 8, 2011

Về bài báo đường lưỡi bò trên China Daily

Nguồn: VNN
 
Những học giả Trung Quốc chân chính cũng phải thừa nhận "trong vấn đề Biển Đông, bản thân Trung Quốc không có lập trường rõ ràng, tiền hậu bất nhất, gây tổn hại nghiêm trọng tới uy tín quốc tế của Trung Quốc

LTS: Ngày 31/7/2011 Tuần Việt Nam đã đăng bài "Trung Quốc ngụy biện về đường lưỡi bò" giới thiệu bài báo của ông Lý Quốc Cường, một nhà nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu về Biên giới Lịch sử và Địa lý Trung Quốc, thuộc Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc trên báo China Daily. Mặc dù đã có khá nhiều bài viết phân tích về tính vô lý của đường lưỡi bò, việc chỉ ra những luận điểm chủ quan của tác giả bài viết trên là một việc nên làm trao đổi khoa học thẳng thắn.

Đường lưỡi bò của Trung Quốc được thế giới biết đến chính thức vào ngày 7/5/2009 qua Công hàm của Phái đoàn Ngoại giao Trung Quốc tại Liên hợp quốc phản đối hồ sơ chung ranh giới ngoài thềm lục địa Việt Nam-Malaysia và hồ sơ Việt Nam về ranh giới thềm lục địa thực hiện nghĩa vụ của các quốc gia thành viên Công ước luật biển năm 1982. Trước đó, con đường này có tồn tại một cách dấm dúi trong đầu óc của những kẻ ôm mộng Đại Hán, được thay đổi một cách tùy tiện phục vụ cho mưu đồ độc chiếm biển. Tác giả cho rằng đường chữ U là "Biên giới hàng hải của Trung Quốc ở Biển Đông là kết quả của tiến trình lịch sử, và đây là quốc gia duy nhất để phát triển khu vực liên tục trong suốt quá trình lịch sử. Bởi thế, người Trung Quốc có quyền chính yếu với các đảo ở Biển Đông".  Ngược lại ông cho rằng "Việt Nam, Malaysia và Philippines hầu như không biết bất kỳ điều gì về các đảo ở Biển Đông trước triều nhà Thanh (1644-1911), cũng như không có bằng chứng chứng tỏ các hoạt động của tổ tiên họ ở Biển Đông, dù chỉ là để lại một cái tên với bất kỳ hòn đảo nào".

9 điểm phi lý của đường lưỡi bò

Về sự mơ hồ của đường lưỡi bò, đã có nhiều bài viết phân tích.[1] ở đây chỉ xin nhắc lại ít nhất 9 điểm phi lý.

Trước hết, thời điểm xuất hiện của đường lưỡi bò còn chưa được các tác giả Trung Quốc thống nhất, lúc thì nói là năm 1948, có lúc lại đẩy lên những năm 1930s.
Thứ hai, nguồn gốc đường này chỉ là một dạng xuất bản tư nhân.
"Đường lưỡi bò" phi lý do Trung Quốc tự vẽ, bị nhiều nước phản đối. Ảnh: BBC
Thứ ba, một đường lúc thì 11 đoạn, lúc thì 9 đoạn, vẽ tùy tiện, không tọa độ, không rõ ràng sao có khả năng thể hiện một đường yêu sách biên giới rõ ràng theo đúng các quy định của luật quốc tế để các quốc gia khác phải bận tâm.

Thứ tư, vào thời điểm đường lưỡi bò đang được Bộ Nội vụ Trung Hoa in trên bản đồ, Pháp đã đưa tàu và quân ra đóng giữ đảo Hoàng Sa, Trường Sa, tiếp tục duy trì danh nghĩa chủ quyền kế thừa từ Nhà nước phong kiến An Nam và hoạt động chiếm hữu theo luật quốc tế của Pháp năm 1933. Hoạt động thực tiễn này chẳng phải là sự phản đối hùng hồn ý định yêu sách hai quần đảo bằng cách vẽ đường chữ U từ phía nước láng giềng phương Bắc đó sao.

Thứ năm, Hiệp ước hòa bình San Francisco 1951 không đả động chút gì tới đường lưỡi bò. Ngay cả Tuyên bố của Thủ tướng Chu Ân Lai năm 1951 về Dự thảo Hiệp ước San Francisco cũng đâu có nhắc gì đến đường chữ U. Cuộc bỏ phiếu giao Hoàng Sa, Trường Sa cho Trung Quốc tại Hội nghị San Francissco theo đề nghị của Bộ trưởng Ngoại giao Xô viết Gromuko đã bị đa số bác bỏ (46 chống, 3 ủng hộ, 1 trắng). Vì vậy, không thể nói đã có sự công nhận quốc tế về chủ quyền Trung Quốc trên các đảo trong Biển Đông chứ đừng nói gì đến đường chữ U hay toàn bộ vùng biển trong đường chữ U.

Thứ sáu, thực tế tranh chấp giữa Việt Nam và Trung Quốc về chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cũng như đòi hỏi của Philippines, Malaysia đối với hầu như toàn bộ hoặc một bộ phận của quần đảo Trường Sa cho thấy không thể nói đường chữ U trên Biển Đông mà Trung Quốc vạch ra đã được các nước khác công nhận.

Thứ bảy, ngay cả những nước không liên quan gì đến tranh chấp cũng thể hiện quan điểm không đồng tình. Mỹ không công nhận bất kỳ vùng biển nào không gắn với đất liền và đảo. Indonexia cho lưu chuyển tại Liên hợp quốc ngày 8/7/2010 Công hàm không chấp nhận đường lưỡi bò của Trung Quốc.

Thứ tám, đường chữ U yêu sách cái gì, nội hàm của nó yêu sách đảo, vùng biển hay cả hai, hay gì gì đi nữa là câu hỏi mà các tác giả Trung Quốc cũng chưa bao giờ thống nhất. Ngay trong bài viết trên China Daily cũng đầy mâu thuẫn khi tác giả của nó biện minh "biên giới biển của Trung Quốc ở Biển Đông là kết quả của tiến trình lịch sử" rồi lại nói "Trung Quốc sở hữu danh nghĩa lịch sử với các đảo, bãi đá ngầm, bãi cạn trong phạm vi đường chín đoạn, mặc dù điều đó không có nghĩa là toàn bộ vùng biển trong đường này thuộc về vùng nội thủy của Trung Quốc". Ai cũng biết biên giới biển là để chia đường phân định biển giữa các quốc gia chứ không phải là đường phân chia đảo hay chủ quyền trên đảo. Đã nói đến biên giới biển tức vùng nước bên trong nó phải được đặt dưới chế độ nội thủy và lãnh hải vì biên giới đánh dấu sự kết thúc chủ quyền của một quốc gia.

Thứ chín, tác giả bài báo trên China Daily đã cố tình diễn giải sai Công ước luật biển 1982 để biện minh cho đường lưỡi bò dưới dạng một danh nghĩa lịch sử. Toàn văn điều 15 là : "Khi hai quốc gia có bờ biển kề nhau hoặc đối diện nhau, không quốc gia nào được quyền mở rộng lãnh hải ra quá đường trung tuyến mà mọi điểm nằm trên đó cách đều các điểm gần nhất của các đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải của mỗi quốc gia, trừ khi có sự thỏa thuận ngược lại. Tuy nhiên, quy định này không áp dụng trong trường hợp do có những danh nghĩa lịch sử hoặc có các hoàn cảnh đặc biệt khác cần phải hoạch định ranh giới lãnh hải của hai quốc gia một cách khác". Không có bất kỳ một quy định nào viện dẫn danh nghĩa lịch sử cho vùng biển rộng hơn 12 hải lý chứ đừng nói cách bờ vài trăm hải lý như đường lưỡi bò. Cho nên không thể nói Công ước luật biển công nhận và bảo vệ cho danh nghĩa lịch sử của Trung Quốc. Lập luận đường lưỡi bò là đường vùng nước lịch sử đã không thể thuyết phục được cộng đồng quốc tế vì ngay cả trong Tài liệu chuẩn bị cho Hội nghị của Liên hợp quốc về luật biển năm 1958 trong danh sách các vùng nước lịch sử của thế giới không có tên một vùng nước nào trong Biển Đông. Công ước luật biển năm 1982 đâu có chấp nhận một vùng nước lịch sử nào trong Biển Đông.
 
Chính học giả TQ thừa nhận lập trường "tiền hậu bất nhất"

Sự mơ hồ và quá ư phi lý của đường lưỡi bò buộc các học giả nước ngoài phải lên tiếng yêu cầu Trung Quốc giải thích. Tại bất kỳ cuộc Hội thảo quốc tế nào về Biển Đông, các học giả Trung Quốc đều bị chất vấn về đường lưỡi bò. Tại hội thảo Vấn đề An ninh ở Biển Đông tổ chức ở Washington tháng 6/2011 gần đây khi bị chất vấn, học giả Trung Quốc đã có những phát biểu quanh co, làm những người dự hội nghị cảm thấy "quá khiên cưỡng", gây ấn tượng "không trung thực", mơ hồ. Họ buộc phải thừa nhận "chuẩn bị chưa đầy đủ" nhưng với cử tọa đó là biểu hiện của sự đuối lý.[2]

Stein Tonnesson, Giám đốc Viện Hòa bình Quốc tế có trụ sở ở Ôxlô (Na uy), cho rằng căng thẳng Biển Đông chủ yếu tập trung ở đường chữ U, và để giảm bớt căng thẳng , Trung Quốc cần làm rõ lập trường về đường chữ U đối với cộng đồng quốc tế cũng như dư luận trong nước đang bấy lâu "lầm tưởng" về yêu sách mà Bắc Kinh tuyên bố.[3]

Những học giả Trung Quốc chân chính cũng phải thừa nhận "trong vấn đề Biển Đông, bản thân Trung Quốc không có lập trường rõ ràng, tiền hậu bất nhất, gây tổn hại nghiêm trọng tới uy tín quốc tế của Trung Quốc".[4]

Trần Phả trong Tạp chí "Khai Phóng" số tháng 7/2011 của Hồng Kông bình luận: "câu hỏi đặt ra là liệu việc Trung Quốc vẽ đường phạm vi chủ quyền Biển Đông (đường chữ U) tới "cửa nhà" của các nước như Việt Nam, Philíppin, Malaixia và Brunây có hợp tới tình hình khách quan hay không? Đối chiếu với các quy định bằng văn bản rõ ràng liên quan tới việc "các nước có vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý" trong Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển mà Trung Quốc ký từ năm 1982, Trung Quốc càng khó có thể bào chữa cho kiểu hoạch định này của mình. Trên thực tế, từ việc tự vạch (đường chữ U) cho tới cách nói về "lợi ích cốt lõi" đều là chuyện "mua dây buộc mình" của Trung Quốc". Người đọc cũng tự hỏi liệu Trung Quốc có chấp nhận có nước viện dẫn câu nói "Mặt trời không bao giờ lặn trên đất nước Anh" để đòi hỏi các vùng nước lịch sử trước cửa ngõ của Bắc Kinh?

Chủ quyền phải được xác lập bằng hành động chiếm hữu thực tế của Nhà nước

Quaa trở lại hai lập luận trên mà tác giả bài báo viện dẫn. Nếu nói chỉ có Trung Quốc là quốc gia duy nhất phát triển khu vực trong lịch sử, người Trung Quốc đã phát hiện, đã quản lý các quần đảo ở Biển Đông từ thời Nhà Hán, Nhà Tấn (hơn 200 năm trước CN), liên tục qua các đời Minh, Thanh thì tác giả nên đọc lại các tác phẩm và văn kiện của Trung Quốc trong lịch sử.

Các sách Nam châu dị vật chí của Dương Phù và Phù Nam truyện của Khang Thái, viết vào thời Tam quốc (220-265), Vũ kinh tổng yếu của Tăng Công Lượng (998-1078) và Đinh Độ (990-1053) biên soạn thời Tống, Đảo di chí lược do Vương Đại Uyên soạn dưới thời nhà Nguyên (1206 - 1368), Đông Tây dương khảo của Trương Nhiếp viết thời nhà Minh (1368 - 1644), Độc sử phương dư kỷ yếu của Cố Tổ Vũ đầu nhà Thanh, Hải Quốc văn kiến lục của Trần Luân Quýnh năm 1730,  Dương phòng tập yếu của Nghiêm Như Dục viết, Trương Bằng Phi khắc năm 1828,...nếu có nói đến nhận biết các đảo trên Biển Đông đều là nằm ngoài cương vực Trung Quốc, thuộc các nước "man di". Các sách chính thống như Quỳnh Châu phủ chí (1731), Hoàng Triều di tông tâm lĩnh (1894), Đại Thanh di đồ(1905), Trung Quốc Địa lý Giáo khoa thư, Thương Vụ ấn Thư Quán,Thượng Hải năm 1906 xuất bản đều xác định rõ điểm mút phía Nam của lãnh thổ Trung Quốc nằm ở Nhai Châu, Hải Nam, vĩ độ 18013' Nam.

Suốt cả giai đoạn 2000 năm lịch sử, sách trắng Bộ Ngoại giao Trung Quốc năm 1980 cũng chỉ đưa ra được 4 đoạn cắt xén, lắp ghép có chủ ý trong Tổng Sử, Minh Sử, Nguyên Sử với những địa danh như Thất Châu dương chẳng liên quan gì đến Hoàng Sa, Trường Sa để nói là có quản lý. Chưa nói đến tính chất ngụy biện, 4 sự việc trong 2000 năm sao có thể nói là liên tục. Trong vụ đắm tàu Đức "Bellona" tại Đá Bắc và tàu Nhật "Imegi Maru" tại cụm An Vĩnh thuộc Hoàng Sa những năm 1895 - 1896, chính các quan Trung Quốc đã từ chối cứu hộ vì cho rằng các đảo Paracels không thuộc Trung Quốc.

Ngay cả đến năm 1932, khi tranh chấp với Pháp về quần đảo Hoàng Sa, Phái đoàn Trung Quốc tại Paris còn có công hàm yêu sách: cực Nam của lãnh thổ Trung Quốc là quần đảo Tây Sa". Cái chính mà tác giả cố tình lờ đi đó là theo luật quốc tế chủ quyền chỉ có thể được xác lập bằng hành động chiếm hữu thực tế của Nhà nước chứ không phải của ngư dân, của người đi biển, của phát hiện, của nhận biết hay ngộ nhận.

Không bàn tới tính chất ngạo mạn khi nhận xét người Việt Nam, Malaysia, Philippin không biết gì về các đảo trong Biển Đông, chỉ cần giở lại chính những gì sử Trung Quốc viết. Hải ngoại ký sự của Thích Đại Sán (người Trung Quốc) năm 1696 chép: "Bởi vì có những cồn cát nằm thẳng bờ biển, chạy dài từ Đông Bắc qua Tây Nam; động cao dựng đứng như vách tường, bãi thấp cũng ngang mặt nước biển ; mặt cắt khô rắn như sắt, rủi thuyền chạm phải ắt tan tành ; bãi cát rộng cả trăm dặm, chiều dài thăm thẳm chẳng biết bao nhiêu mà kể, gọi là " Vạn lý Trường Sa", mù tít chẳng thấy cỏ cây nhà cửa; nếu thuyền bị trái gió trái nước tấp vào dầu không tan nát cũng không gạo, không nước, trở thành ma đói mà thôi. Quãng ấy cách Đại Việt bảy ngày đường, chừng bảy trăm dặm. Các Quốc vương thời trước, hàng năm sai thuyền đi đánh cá đi dọc theo bãi cát, lượm vàng bạc khí cụ của các tàu thuyền hư hỏng dạt vào".

Hải Lục của Vương Bính Nam năm 1842 chép: "Vạn lý Trường Sa là đất nổi giữa biển, dài vài ngàn dặm, là phên dậu cuả An Nam". Thậm chí người Trung Quốc còn giúp đỡ các đội viên Đội Hoàng Sa của Việt Nam bị bão trôi giạt vào bờ biển Hải Nam. Đại Nam thực lục tiền biên (1600 - 1775) quyển 10 viết: "Tháng 7, mùa thu, năm Giáp Tuất (1774), dân đội Hoàng Sa gặp gió to, giạt vào hải phận Quỳnh Châu, thuộc nhà Thanh. Quan Tổng đốc nhà Thanh chu cấp cho đầy đủ rồi sai đưa về. Chúa sai viết thư gửi qua cảm ơn".  Rõ ràng người Trung Quốc biết các đảo này thuộc quyền quản lý của các Quốc vương An Nam và đã vui vẻ giúp đỡ cho các thần dân gặp nạn của họ.

Cuối cùng, tác giả bài báo răn dạy: "Tất cả các nước ký UNCLOS nên hiểu rằng, công ước chỉ là một trong các luật pháp về biển của quốc tế (vốn không chỉ có một) và vì thế nên ngừng nghi ngờ về tính hợp pháp về đường chín đoạn của Trung Quốc". Liệu có thể hiểu rằng, theo ý tác giả, Trung Quốc nước ký Công ước Luật biển có quyền muốn áp dụng hay không áp dụng Công ước luật biển một cách tùy thích trong khi Công ước là một biện pháp cả gói (package deal) không có bảo lưu?

Để cộng đồng thế giới ngừng nghi ngờ về tính hợp pháp về đường chín đoạn của Trung Quốc, trước hết người Trung Quốc nên nói rõ họ đòi hỏi cái gì ở Biển Đông, dựa trên những bằng chứng pháp lý nào chứ không phải những bằng cứ lịch sử mơ hồ. Nếu Trung Quốc tự tin vào đường chín đoạn của mình, hãy sẵn sàng bàn thảo đa phương với các nước liên quan cũng như lời kêu gọi của Philippin về một thủ tục trọng tài.[5]


[1] Để hiểu thêm về đường lưỡi bò trước khi đọc bài này xin tham khảo Việt Long, "Đường lưỡi bò trong Biển Đông - sự hoang tưởng thách thức luật pháp" http://hoangsa.org/diendan/timhieuluatbienquocte
[5] "Philippines đề xuất tòa án LHQ xử vụ Biển Đông", Vietnam + Online 11/7/2011.
------------------
*****


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tìm kiếm Blog này