++ Hãy đến với nhau bằng tấm lòng trung thực!++

Thứ Tư, 3 tháng 8, 2011

Phạm Viết Đào: Khâu đột phá sinh tử, chiến lược nhất, thì Chính phủ lại tiếp tục né tránh



Liệu các thầy bói mù có làm nên... Chính phủ?




Phạm Viết Đào.


Nghiên cứu kỹ bài viết quan trọng của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vừa được TTXVN công bố hôm qua 31/7/2011: Ba khâu đột phá của Chính phủ nhiệm kỳ 2011-2016, thấy đây là một vấn đề cần được rộng đường dư luận để tham góp với Chính phủ, giúp Chính phủ hoạch định chính sách đúng hướng, không làm lãng phí thêm nữa các nguồn tài lực của nhân dân…


Xin tạm tóm tắt 3 khâu đột phá đã được Thủ tướng đề ra:


“Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 2011-2020 xác định ba khâu đột phá, gồm: (i) Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, trọng tâm là tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng và cải cách hành chính; (ii) Phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, tập trung vào việc đổi mới căn bản nền giáo dục quốc dân, gắn kết chặt chẽ phát triển nguồn nhân lực với phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ; và, (iii) Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, với một số công trình hiện đại, tập trung vào hệ thống giao thông và hạ tầng đô thị lớn…”


Theo người viết bài này, mọi ách tắc trong xã hội hiện nay, mọi tiêu cực, vấn nạn trong xã hội hiện nay xuất phát từ bộ máy công quyền nhà nước; cụ thể hơn đó là guồng máy hành chính của chính phủ…Khi còn sống, Cụ Hồ từng nói: cán bộ quyết định hết thảy…Cán bộ tốt, đủ phẩm chất, năng lực, công việc trôi chảy, hoàn thành; cán bộ hư hỏng dẫn tới làm láo báo cáo hay…


”Muốn có chủ nghĩa xã hội, phải có con người xã hội chủ nghĩa…” câu nói có vẻ ngược, duy tâm: con người, ý thức có trước sự tồn tại của thiết chế xã hội… nếu như chỉ xem xét câu nói này bằng việc căn cứ vào cái vỏ bề ngoài của chữ nghĩa; nhưng nếu nghiên cứu sâu, thấu đáo thì đây là một đúc kết của phương đông: Cán bộ nào phong trào ấy, chính phủ nào chính sách ấy, rau nào sâu ấy; anh hãy chỉ bạn anh là ai, tôi sẽ cho biết anh là loại người nào (ngạn ngữ phương tây)… và đây cũng chính là một định đề quan trọng của Hồ Chí Minh …


Từ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX, khi thông qua chiến lược phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2001 – 2010, Chính phủ cũng đã đề ra ba khâu đột phá: “(i) Xây dựng đồng bộ thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa mà trọng tâm là đổi mới cơ chế, chính sách nhằm giải phóng triệt để lực lượng sản xuất, mở rộng thị trường trong và ngoài nước; (ii) Tạo bước chuyển mạnh về phát triển nguồn nhân lực, trọng tâm là giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ; (iii) Đổi mới tổ chức bộ máy và phương thức hoạt động của hệ thống chính trị, trọng tâm là cải cách hành chính, xây dựng bộ máy nhà nước trong sạch, vững mạnh…”


Mặc dù, đã đưa vào 1 trong 3 mũi đột phá nhưng tình hình kinh tế xã hội tuy có những phát triển nhất định, thế nhưng cũng đã đề lại nhiều tai tiếng nhất, điển hình đó là vụ án Năm Cam, Vụ PMU 18, Vụ Huỳnh Ngọc Sĩ và mới nhất là vụ Vinashin với hàng loạt cán bộ cao cấp hàm thứ trưởng, Bộ trưởng đã bị kỷ luật, vào tù vì dính đến tiêu cực, tệ nạn xã hội…Có vẻ như khi Chính phủ càng hô “đột” không những không “phá” được mà nó càng trở nên dày hơn, to hơn, phát triển vụ sau to hơn vụ trước, nguy hiểm hơn trước…


Đề ra đột phá để củng cố bộ máy hành chính mà còn đến nông nỗi đó; còn Chính phủ của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hiện tại lại lờ cái việc xây dựng bộ máy công quyền trong sạch vững mạnh thì quả là nguy nan rồi…


Dư luận sững sỡ trước số tiền đánh bạc của Bùi Tiến Dũng, nếu không có vụ đánh bạc vô tình vỡ lở thì với bộ máy thanh tra, điều tra hiện có khó lòng đưa được Bùi Tiến Dũng ra vòng móng ngựa…Tưởng sau vụ này, sự quan lý kinh tế xã hội sẽ rút ra được bài học quản lý cán bộ, sẽ bớt sơ hở hơn, sẽ chặt chẽ hơn…Nào ngờ đến vụ Huỳnh Ngọc Sĩ, đến vụ Vinashin thì vụ Bùi Tiến Dũng chỉ còn là những “ con muỗi “ đứng cạnh những con voi…Và với cái đà này ai dám chắc sẽ không có những vụ đổ bể còn to gấp năm, gấp mười vụ Vinashin trong nay mai ???

Nếu xem xét các kỹ Đại hội Đảng, là sinh hoạt chính trị quan trọng nhất của Đảng cầm quyền thì vấn đề chủ yếu, cơ bản nhất vẫn là vấn đề nhân sự, sắp xếp các loại ghế, tức là sắp xếp con người…Tổ chức Đảng chỉ quan tâm mỗi vấn đề phân, chia người của Đảng ra nắm bộ máy nhà nước, nắm các chiếc ghế…Đây có vẻ là điều duy nhất mà Đảng quan tâm: vấn đề con người nắm các bộ máy công quyền; không phải là con người chung chung mà con người cụ thể sẽ được sắp đặt tiếp quản các loại ghế: Ai sẽ là Tổng Bí thư, ai sẽ là Chủ tịch nước, ai sẽ nắm ghế Thủ tướng, ai sẽ làm Chủ tịch Quốc hội, ai sẽ nắm chiếc ghế Bộ trưởng nọ, Ủy ban kia…


Đảng và Chính phủ chỉ quan tâm tới việc sắp đặt, phân chia các loại ghế nhưng lại chưa thiết kế được một thiết chế quản lý giám sát những người ngồi trên những chiếc ghế đó, đảm bảo để cho những người ngồi trên ghế ấy không làm bậy, không vơ vét không biến của nhà nước thành của mình; biến các nguồn tài lực đất nước trở thành cái “sân sau” phục vụ cho nhóm lợi ích của mình ? Câu nói chý lý của ông Nguyễn Văn An: Bộ Chính trị là một ông vua tập thể đã nói lên chính xác bản chất của cái cơ chế: Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ…


Thử hình dung, 4,5 tỷ USD (vụ Vinashin) là thành quả lao động, là mồ hôi nước mắt của hàng triệu con người bỏ ra; bằng 1/20 của tổng thu nhập quốc dân… Thế nhưng ai là kẻ làm cho số tiền này tiêu tan trong vòng vài năm trời? Hiện nay mới chỉ ra được chưa trên dưới chục vị…Chỉ cần vài chục kẻ như vụ Vinashin thì cả cái cơ nghiệp quốc gia này, mồ hôi xương máu của hàng triệu con người sẽ tiêu tan trong phút chốc… Tại sao cả cái dân tộc này, cả bộ máy công quyền đồ sộ như vậy họp lên họp xuống để sắp đặt mà lại để cho một vài chục kẻ có thể thụt két, phá hoại đến khi đổ bể ra mới biết, mới tá hỏa ra, mới ra quyết định điều tra này, điều tra nọ, mở phiên tòa này, phiên tòa nọ cho nó có chứ có hữu ích gì đâu? 


Những phần thủ du thủ du thực ngoài đường có trộm cướp thì thiệt hại cho xã hội không đáng là bao, sự thiệt hại do cán bộ công quyền gây ra, tiếp tay đó mới là điều khủng khiếp nhất. Vinashin là một điển hình. Vụ án kinh tế này đã hủy hoại lòng tin chế độ và bộ máy công quyền bởi do cán bộ trong các tập đoàn kinh tế nhà nước gây ra; nó thật sự đã gây mất lòng tin cái thiết chế: Đảng lãnh đạo, nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ…


Ông chủ biết gì về vụ Vinashin? Nhà nước quản lý gì trong vụ Vinashin ? Đảng lãnh đạo gì trong vụ Vinashin ? Nếu không bạch hóa được cái thiết chế này thông qua một vài trường hợp cụ thể thì đất nước tiếp tục hứng chịu, lãnh đủ nhưng vụ còn to gấp năm, gấp mười Vinashin ???


Nếu Chính phủ muốn làm tốt khâu quản trị kinh tế xã hội thì phải quản cho được bộ máy công quyền do mình bổ nhiệm, sắp đặt…Nếu quản không được thì khác gì một gia đình chồng làm ra của cải nhưng vợ con ở nhà lại máu mê cờ bạc, lại nghiện ngập…


 Chuyện làm ăn là chuyện của xã hội, chuyện xây dựng bộ máy công quyền mới là chuyện của chính phủ…Vậy hiện nay phải chăng do dân lười nhác không chịu lao động dẫn tới của cải bị nghèo đi, hay do của cải, các nguồn tài lực nằm trong tay Chính phủ nhưng đã bị các quan chức chính phủ phung phí, không được quản lý tốt để tái đầu tư, phân bổ hợp lý để nhân nguồn tài lực này lên đưa đất nước vào con đường phát triển bền vững, an sinh xã hội được đảm bảo ?


Để mở được đột phá trong khâu này thì phải minh bạch đời sống thông tin xã hội, minh bạch hóa thể chế và quyền lực quản trị của nhà nước. Dễ trăm lần không dân cũng chịu; Khó vạn lần dân liệu cũng xong…Trước những thử thách cam go, hiểm nghèo do chiến tranh, giặc ngoại xâm uy hiếp thì Đảng và Chính phủ sử dụng thiết chế này; còn giờ đây, trong lao động hòa bình và phân chia lợi ích, nhân dân đã bị đẩy ra ngoài rìa để cho bộ máy nhà nước, chính phủ trở thành những ông vua, bộ máy độc quyền nắm giữ hết thảy mọi thứ quyền lực, lợi ích dẫn tới muốn làm gì thì làm…Chỉ cần một vài chục ông trong bộ máy công quyền rắp tâm phá thì cả cơ đồ đất nước sẽ xuống sông xuống hồ…Vụ Vinashin là một ví dụ điển hình?!


Một định đề đã được đúc kết đối với bộ máy công quyền: Thượng bất chính thì hạ tắc loạn; nếu quả Thủ tướng Chính phủ muốn hoàn thành được trọng trách thì trước hết phải nghiêm, chính với bản thân mình trước; kế đến hãy “đột phá” tới các ông Phó, các ông Bộ trưởng trong nội các, các ông Tống các tập đoàn kinh tế độc.Còn nếu không…


Trong bài viết kỳ này không thấy Thủ tướng nhắc tới từ “quyết liệt“? Phải chăng ông cũng đã bắt đầu cảm thấy bất lực, nhàm chối trước bộ máy công quyền trong tay ông ? Hay bởi các Chính phủ tiền nhiệm đã "đột" mũi này nhưng không "phá" nổi nên ông có quyết… liệt thế chứ quyết… liệt hơn thế nữa nữa thì rồi nó vẫn thế nên đành phải "sống chung với lũ". Vì thế nên ông đánh bài lờ, buông, khoát nước theo mưa cho nhàn thân để sắm vai một kẻ “ sớm vác ô…(tô)  đi tối vác ô…(tô) về “ ?!

                                                        P.V.Đ.


------------------------------------------------

BA KHÂU ĐỘT PHÁ CỦA THỦ TƯỚNG



Huy Đức
  
Không thể nghi ngờ khả năng sắp đặt nhân sự để thâu tóm quyền lực của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Nhưng, nhìn hai trang báo đăng bài “nhậm chức” dày đặc chữ, mới thấy, ông làm Thủ tướng tới nhiệm kỳ thứ hai mà cũng không kiếm được người viết diễn văn biết cách phân biệt sự khác nhau trong ngôn ngữ của một chuyên viên cấp vụ với ngôn ngữ của một chính trị gia ở hàng nguyên thủ.
 Định xếp trang báo lại coi như nó chẳng liên can gì tới mình, nhưng anh bạn café cùng bàn thở dài, “sợ đến cuối nhiệm kỳ, tô phở tăng giá lên mấy trăm”! Nhớ cái Tết 2006, mấy tháng trước khi ông nhậm chức, tô phở 15.000 đồng đã bị báo chí la làng. Bây giờ tô phở cùng loại đã là 50.000 đồng. Khi ông lên, ký thịt gà loại thả vườn cũng chỉ mới 28.000 đồng, ký heo nạc mới 38.000 đồng… Như tôi đã từng phân tích, do những chính sách về tài chính, ngân hàng của ông mà khủng khoảng kinh tế của Việt Nam xảy ra từ tháng 3-2008 trong khi, khủng hoảng kinh tế toàn cầu nếu có ảnh hưởng cũng chỉ có thể lan tới Việt Nam sớm nhất là tháng 12-2008.
 Đầu năm 1998, sau cuộc phỏng vấn một nhà lãnh đạo, biết ông đang vui, tôi hỏi: “Anh vừa đi Yên Tử về có thấy những cục đá xung quanh chùa Đồng đầy những tên tuổi của Trần Văn Chắt, Nguyễn Thị Tèo…?”. Thấy ông chưa thực sự hiểu câu hỏi của mình, tôi tiếp: “Những kẻ, cho dù thuộc hàng chăn trâu cắt cỏ như Chắt, như Tèo, khi đã leo lên tới đỉnh thì cũng cố đánh dấu cái nơi mình đã đặt chân lên. Cái mà một bậc nguyên thủ quốc gia mưu cầu phải là lưu danh chứ không phải là tiền bạc”. Tất nhiên, để được lịch sử ghi nhận công lao thì khó hơn chia phần trăm và nhận bao thơ.
 Trong cái chính thể do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, Nguyễn Tấn Dũng là vị Thủ tướng có nhiều quyền lực nhất. Thời ông Phạm Văn Đồng, danh sách nội các thường chỉ được bên ông Lê Đức Thọ chuyển sang không lâu trước khi ông đọc trước Quốc hội. Ông Đồng là người trọng chữ nghĩa, nên ông thường yêu cầu bên ông Thọ cho ông thời gian để sửa những câu trong tờ trình bị viết sai chính tả, ngữ pháp. Ông Đồng thừa nhận ông Võ Văn Kiệt là vị Thủ tướng làm được nhiều việc nhất.
 Thời ông Kiệt, tuy không có “tam quyền phân lập” nhưng lại có “tam nhân phân quyền”. Ông Kiệt cũng chịu chế ước rất nhiều bởi những người đồng nhiệm như Lê Đức Anh, Đỗ Mười. Khi ông Kiệt đang đẩy nhanh tiến độ công trình đường điện 500 kv, tư lệnh công trình của ông, Bộ trưởng Năng lượng Vũ Ngọc Hải, bị xử tù 3 năm. Năm 1995, ông Kiệt viết thư yêu cầu cải cách chính trị, liền sau đó, ông Nguyễn Trung, trợ lý của ông, người chấp bút “thư gửi Bộ Chính trị” đã bị áp lực tới mức phải ra đi, còn ông Hà Sỹ Phu, người tàng trữ một bản sao bức thư, thì bị bắt.
 Trong tình hình ấy, Chính phủ ông Kiệt vẫn hoàn thành một khối lượng lớn công việc, xây dựng được những bộ luật làm nền tảng pháp lý cho nền kinh tế thị trường vận hành. Và, đặc biệt, dù bị cản trở rất nhiều, vẫn đưa Việt Nam gia nhập ASEAN, thiết lập quan hệ với EU và với những quốc gia một thời bị coi là kẻ thù như Đại Hàn, như Mỹ… Người kế vị ông, ông Phan Văn Khải nói: “Về bản lĩnh chính trị, tôi không thể nào so sánh với đồng chí Võ Văn Kiệt”.
 Khi ông Phan Văn Khải làm Thủ tướng, người ta sốt ruột bởi nhịp độ cải cách chậm đi so với người tiền nhiệm. Nhưng, như ông Kiệt nhận xét: “Thủ tướng Phan Văn Khải là một nhà kinh tế hàng đầu của đất nước”. Ông Khải không có những tuyên bố làm nức lòng dân bởi ông không phải là một nhà chính trị. Nhưng nhờ là một nhà kỹ trị, ngay từ khi làm phó cho ông Kiệt, ông Khải đã tham gia hình thành chính sách như một kiến trúc sư.
 Gần như toàn bộ các thiết chế pháp lý mà nền kinh tế đang vận hành đều được hình thành dưới thời ông Kiệt và được tiếp tục hoàn thiện hơn dưới thời ông Khải. Đặc biệt, chính phủ ông Khải đã có công rất lớn khi ban hành Luật Doanh nghiệp đồng thời bãi bỏ hàng trăm loại giấy phép mẹ, giấy phép con. Chính quyền của Thủ tướng Phan Văn Khải cũng hoàn thành những vòng đàm phán gay go nhất trong tiến trình Việt Nam gia nhập WTO, để lại cho Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng một nền kinh tế đang tăng trưởng trên 8%, lạm phát chỉ hơn 6% và một Việt Nam có vị thế khá cao trên trường quốc tế.
 Thật khó để gạch ra vài đầu dòng để nói về đóng góp của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong nhiệm kỳ đầu nhất là về mặt chính sách. Nhưng, khác với những người tiền nhiệm của mình, Nguyễn Tấn Dũng đang có cả một nhiệm kỳ trước mắt. Đây có thể là cơ hội cuối cùng và cũng có thể là cơ hội bắt đầu để ông tiếp tục nắm quyền với vai trò Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch Nước.
 Chính trị là “nghệ thuật của những điều có thể”. Có rất nhiều điều chúng ta muốn làm cho đất nước nhưng chúng ta không có quyền. Có rất nhiều điều có thể ông Dũng cũng muốn làm, nhưng thế và lực cũng không cho phép. Với năng lực của cá nhân Thủ tướng và đội ngũ cố vấn hiện thời, Chính phủ chưa nên ban hành chính sách gì mới. Việc đầu tiên, trong phạm vi quyền Hiến định của mình, Chính phủ nên sắp xếp lại các cơ quan chính phủ theo hướng tách bạch chức năng hành pháp chính trị và hành chính công vụ.
 Năm 2006, Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, trong một trạng thái tinh thần lãng mạn, đã lập ra một nhóm nghiên cứu giúp ông Nguyễn Thiện Nhân cải cách giáo dục. Khi đó, tôi đề nghị, ông Nhân thay vì đưa ra chính sách, trước hết phải sắp xếp lại bộ máy của Bộ Giáo dục theo hướng: lập các vụ, chỉ tham mưu chính sách cho bộ trưởng; lập các cục, chỉ thi hành hành chính công vụ. Không thể đòi hỏi các vụ của ông giảm bớt các thủ tục và thôi can thiệp vào công việc của các nhà trường khi chính họ là người hưởng lợi từ việc duy trì những thủ tục không cần thiết ấy. Nhưng, thay vì thao tác như một bộ trưởng ông Nhân đã làm phong trào “hai không” như một cán bộ đoàn.Khi đã tách bạch hai chức năng này thì chỉ rất ít bộ còn các cục vì chức năng hành chính công vụ sẽ được giao cho địa phương. Bộ trưởng chỉ làm vai trò chủ yếu là hành pháp chính trị. Mỗi bộ có thể sẽ có một ông thứ trưởng chuyên nghiệp, một nhà kỹ trị đúng nghĩa, trông coi phần hành chánh công vụ thuộc ngành mình và chỉ ra tay khi có một cấp nào đó hiểu sai chính sách và chỉ hướng dẫn lại để các địa phương hiểu đúng về thủ tục và chính sách.
 Tách bạch như vậy, chính phủ chỉ còn quan tâm tới việc hình thành những hành lang pháp lý sao cho người dân dễ thở, kinh tế phát triển: sáp nhập Thủ đô thì không nghĩ đến các dự án đất đai của đàn em; bãi bỏ thi cử thì không sợ mất khoản phần trăm từ việc in ấn đề thi… Những người chạy chức bộ trưởng sẽ không dám bỏ tiền triệu ra vì mai mốt không thể bán giấy phép mà thu hồi vốn. Và, Hà Nội đất chật sẽ không còn tấp nập xe cộ vào những khi lễ, tết vì chẳng ai còn có nhu cầu biếu quà.
 Việc thứ hai, nhân sửa đổi Hiến pháp, nên áp dụng chế độ đa sở hữu đối với đất đai. Đây là một vấn đề mà khi soạn thảo Hiến pháp 1992, Chính phủ Võ Văn Kiệt đã muốn làm nhưng điều kiện chính trị chưa chín muồi như bây giờ. Chế độ đất đai thuộc sở hữu toàn dân chỉ mới được đưa vào Hiến pháp 1980 trong một hoàn cảnh mà ngay chính những người soạn thảo cũng không hiểu hết hệ lụy của nó. Khi trình dự thảo hiến pháp 1980, Chủ tịch Ủy Ban sửa đổi Hiến pháp Trường Chinh đề nghị áp dụng 5 hình thức sở hữu đối với đất đai. Nhưng, khi họp Trung ương, Tổng Bí thư Lê Duẩn có một bài phát biểu riêng về việc lấy tư tưởng “làm chủ tập thể” làm trung tâm. Sau khi phân tích “đạo lý của việc áp dụng phương thức sở hữu toàn dân đối với đất đai”, ông Lê Duẩn cho rằng tinh thần của Hiến pháp 1980 phải dựa trên ba yếu tố: làm chủ tập thể, chuyên chính vô sản và sở hữu toàn dân. Cả chuyên chính vô sản và làm chủ tập thể đã gãy và cái kiềng ba chân ấy chỉ còn cái chân sở hữu toàn dân cà nhắc.
 Không chỉ lỗi thời về mặt lý luận, việc không tách bạch các hình thức sở hữu đất công, đất tư đã dẫn đến sự lúng túng trong việc ban hành các chính sách liên quan đến thuế và thu tiền sử dụng đất. Việc các chính quyền địa phương bị thao túng bởi các doanh nghiệp, tiếp tay cho họ cướp đất, đang là mầm mống của những vụ gây bất ổn về chính trị. Có lẽ chính quyền cũng nên biết xấu hổ khi người dân ở các vùng đất chống Mỹ như Bến Tre, Long An… giờ đây khi bị mất đất thay vì cậy đến chính quyền mà họ đã đổ máu để lập nên đã phải khăn gói đến cầu xin trợ giúp trước các cơ quan ngoại giao của Mỹ.
 Có một việc mà cả Thủ tướng Võ Văn Kiệt và Phan Văn Khải đều chưa làm được là cải cách khu vực kinh tế nhà nước, tiến tới dẹp bỏ kinh tế quốc doanh. Nhu cầu để quốc doanh “chết” xuất hiện từ cuối năm 1989 khi Chính phủ Đỗ Mười chống lạm phát thành công bằng cách áp dụng lãi suất tín dụng theo nguyên tắc kinh tế thị trường và buộc các doanh nghiệp phải tự hạch toán kinh doanh. Chính sách này đã làm cho nền kinh tế mạnh lên nhưng đồng thời đã đặt các doanh nghiệp quốc doanh trước nguy cơ phá sản. Ông Mười bị Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh phê phán đã định quay lại chính sách bao cấp nhưng, trước sự can gián của những nhà cố vấn dũng cảm như Đào Xuân Sâm, Trần Đức Nguyên, Lê Đức Thúy, Nguyễn Văn Nam… ông đã chỉ lùi một bước: ném cái phao tín dụng để cứu quốc doanh. Kinh tế quốc doanh vì thế đã tiếp tục được bú bầu sữa từ độc quyền khai thác tài nguyên, độc quyền các thương quyền, đến được ưu đãi hơn về tín dụng.
 Việt Nam, xét về bản chất, không còn là một quốc gia cộng sản mà chỉ là quốc gia độc đảng. Trong thâm sâu, những người đồng nhiệm của ông Dũng không còn coi ý thức hệ là kim chỉ nam cho dù độc đảng vẫn là lẽ sinh tồn của họ. Nếu ông Dũng đòi xét lại định hướng xã hội chủ nghĩa, ông cũng sẽ bị tiêu diệt. Các đối thủ của ông sẽ chống ông không vì niềm tin mà vì đấy là công cụ tấn công mà không ai dám cãi. Nhưng, với tư cách Thủ tướng, ông Dũng có thể thuyết phục các đồng chí của mình: Giữ định hướng xã hội chủ nghĩa nhưng thay vì lấy quốc doanh là chủ đạo thì phải chọn hiệu quả của nền kinh tế làm chủ đạo.
 Năm 2005, năm trước khi ông Nguyễn Tấn Dũng cầm quyền, khu vực quốc doanh tuy nắm 54,9% tổng số vốn sản xuất kinh doanh, 51% giá trị tài sản cố định và đầu tư tài chính dài hạn nhưng chỉ tạo ra 38,8% doanh thu; Trong khi khu vực tư nhân chỉ chiếm 25% vốn sản xuất kinh doanh, 20,6% giá trị tài sản cố định và đầu tư tài chánh dài hạn nhưng đã tạo ra mức doanh thu chiếm 39,5%. Thế nhưng, năm 2006, thành phần kinh doanh kém hiệu quả này vẫn được ưu tiên, doanh nghiệp nhà nước vẫn nắm giữ 75% tài sản cố định quốc gia, 20% vốn đầu tư xã hội, gần 50% vốn đầu tư của nhà nước và 60% tín dụng ngân hàng trong nước và 70% vốn vay từ nước ngoài. Ngay từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam bắt đầu chấp nhận kinh tế nhiều thành phần, chưa bao giờ khu vực kinh tế quốc doanh được coi là một khu vực kinh doanh hiệu quả. Không thể có cái gọi là chủ nghĩa xã hội như đức tin của một số người nếu những anh nắm nhiều nhất tài nguyên và vốn liếng quốc gia lại làm ra tiền ít nhất.
 Tất nhiên, nếu ông Dũng muốn, việc thực hiện những điều tối thiểu này cũng không phải dễ dàng. Một nội các mà một số thành viên của nó đã phải chi phí rất nhiều để ngồi vào không thể sẵn sàng chia tay với quyền cấp từng tờ giấy phép. Nhưng, cũng như “Trần Văn Chắt, Nguyễn Thị Tèo”, đã lên tới đó thì đừng nghĩ tới mục tiêu kiếm chác. Thủ tướng cũng cần có sự ủng hộ của các thành viên trong gia đình. Đối với một dòng họ có một người ngồi trên ghế Thủ tướng tới hai nhiệm kỳ thì điều đáng tự hào là những gì người đó đã làm chứ không phải là lượng đất đai, cổ phiếu mà các thành viên trong gia đình nắm được.
 Viết đến đây thì nhận được tin tòa y án đối với Cù Huy Hà Vũ. Như vậy, không chỉ những người giúp việc viết diễn văn, các cố vấn chiến lược của Thủ tướng cũng vẫn mang những tư duy cũ. Tiểu khí vẫn bị đánh thức. Thay vì, sau những nỗ lực sinh tử để thâu tóm quyền hành, bậc anh hùng phải bắt đầu nhiệm kỳ bằng cách mở lòng đại xá. Hy vọng, sau khi Quốc hội phê chuẩn nội các, Thủ tướng sẽ có những người giúp việc hiểu được vai trò lịch sử của ông hơn.

H.Đ.
( Nguồn: Blog Quê choa của Bọ Lập )

------------------
*****


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tìm kiếm Blog này