Nguồn: VNN
Thời gian cứ lặng lẽ trôi đi và chữa chạy mọi thứ điên rồ, lầm lạc của con người. Bất cứ con đường nào trên thế gian này cuối cùng cũng đi về "khu vườn" của bình yên. Những người lính nhà văn của một cuộc chiến tranh tàn khốc đã tìm đến với nhau sớm hơn tất cả.
Khi tôi đang ở Mỹ thì vấn đề biển Đông nóng lên từng ngày. Có những người Mỹ lo lắng về một cuộc chiến tranh có thể xảy ra với Việt Nam tuy rằng họ đang sống trong yên bình. Lúc đó đang mùa hạ, cây lá phủ một màu xanh bất tận. Mọi khu vườn của các gia đình Mỹ rộn ràng tiếng chim và náo động bởi những bầy sóc, chồn và thỏ đi kiếm ăn.
Những ngày giữa tháng Sáu, tôi sống ở Oberrlin trong ngôi nhà của nhà thơ cựu binh Mỹ - Bruce Weigl, một ngôi nhà cách xa Việt Nam hàng ngàn dặm chìm trong hoa lá, một ngôi nhà có cảm giác không một hạt bụi hay sự phiền muộn nào lọt vào.
Có lẽ rất nhiều người Việt Nam biết đến ông, đặc biệt gần đây với hai tập sách của ông được dịch và xuất bản ở Việt Nam: Vòng tròn của Hạnh (hồi ký) và Sau mưa thôi nã đạn (thơ). Trong tập thơ của ông do Phan Quế Mai dịch, có một bài viết về một bà mẹ nông dân Việt Nam. Và tôi thấy đó là một trong những bài thơ viết hay nhất về người mẹ Việt Nam mà tôi đã đọc được. Bruce tự nhận là Đại sứ nước mắm của Việt Nam. Gọi là Đại sứ nước mắm vì ông quá mê nước mắm và vì quá yêu nước Việt.
Cho đến bây giờ, với những gì tôi đã đọc được về nước mắm thì bài viết của Bruce vô cùng ấn tượng. Mấy tháng trước, ông trở lại Việt Nam thực hiện một số công việc dịch thuật. Trong chuyến đi đó, ông được công ty nước mắm Thanh Hà mời ra thăm đảo Phú Quốc. Ở đó, ông đã chứng kiến công nghệ làm nước mắm của Việt Nam. Cũng trong chuyến đi này, Bruce và nhà thơ, dịch giả Phan Thị Quế Mai đã trao học bổng cho năm em học sinh có hoàn cảnh khó khăn của tỉnh Hòa Bình. Ông cũng quyết định lập một quỹ nhỏ để tài trợ hàng năm cho một số học sinh khó khăn.
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều trong khu vườn của nhà thơ Bruce Weigl tại Mỹ. |
Khi thấy chúng tôi bàn luận về vấn đề biển Đông, Bruce nói một câu bằng tiếng Việt "không sợ". Rồi Bruce cười và nói: "Lính Trung Trung Đỉnh đã thắng lính Bruce thì sẽ thắng tất cả những lính khác". Vì sao lại có câu nói đó? Câu chuyện liên quan đến câu nói đó được kể trong khu vườn bình yên của gia đình Bruce ở Oberlin.
Bruce gặp người lính, nhà văn Trung Trung Đỉnh nhiều lần ở Hà Nội. Nhưng cho đến chuyến đi gần đây nhất đến Hà Nội, Bruce mới ngồi uống trà với nhà văn Trung Trung Đỉnh. Họ nói về những năm tháng chiến tranh, về đời sống thường nhật và về văn học. Lúc đó, Bruce mới biết rằng Bruce và Trung Trung Đình đã từng chiến đấu trong cùng một mặt trận ở An Khê.
Cuộc đời thật lạ lùng và luôn luôn đi những bước đi bí ẩn và bất ngờ. Lúc đó, hai người có thể đã từng tìm cách phát hiện nhau, lẩn trốn nhau và săn lùng nhau. Tôi cứ nghĩ nếu một trong hai người lộ ra sẽ bị người kia tiêu diệt. Hoặc nếu hai người bất ngờ đứng trước nhau trong khi tay lăm lăm súng thì họ sẽ làm gì ? Tôi cược 90% là họ sẽ bóp cò súng....Chiến tranh là thế.
Nhưng Bruce nói chỉ Trung Trung Đỉnh mới có thể tiêu diệt được Bruce còn Bruce không thể tiêu diệt được Trung Trung Đỉnh vì mỗi khi phải bắn là Bruce chúi đầu xuống, chĩa súng lên trời và bóp cò. Hơn nữa, Trung Trung Đỉnh có lý do để tiêu diệt Bruce. Bruce nói ông không có lý do để bắn vào bất cứ mục tiêu nào trên xứ sở mà quân đội của đất nước ông chiếm đóng.
Nhưng rồi thời gian cứ lặng lẽ trôi đi và chữa chạy mọi thứ điên rồ, lầm lạc của con người. Bất cứ con đường nào trên thế gian này cuối cùng cũng đi về "khu vườn" của bình yên. Những người lính nhà văn của một cuộc chiến tranh tàn khốc đã tìm đến với nhau sớm hơn tất cả.
Nhà thơ - Cựu binh Mỹ Bruce Weigl |
Khi câu chuyện kể xong thì bóng tối đã lan tỏa khắp khu vườn. Chỉ còn tiếng gió lùa trên những vòm lá và tiếng chim về tổ kêu da diết. Bruce đứng dậy bước vào nhà. Ông mang ra một cái hộp bằng da rất đẹp. Đến trước tôi, ông nói ông được thưởng huân chương đồng của Chính phủ Mỹ sau khi mãn hạn quân dịch ở chiến trường Việt Nam về. Ông đã để tấm huân chương này trong một góc phòng suốt mấy chục năm nay và chưa một lần mở ra. Ông chẳng thấy tự hào gì về tấm huân chương ấy.
Còn bây giờ, ông muốn trao tấm huân chương cho người lính, nhà văn Trung Trung Đỉnh. Ông nghĩ rằng: Huân chương là phần thưởng cho những người lính chân chính và dũng cảm. Với ông, chỉ có Trung Trung Đỉnh và đồng đội của ông mới là những người lính chân chính và dũng cảm. Họ mới là người xứng đáng nhận phần thưởng đó chứ không phải ông và những lính Mỹ khác. Rồi Bruce nhờ tôi mang tấm huân chương về Việt Nam để tặng lại cho Trung Trung Đỉnh. Và ông nói đây không phải là huân chương của Chính phủ Mỹ mà là huân chương của một người lính với lòng kính phục kẻ thù cũ của mình.
Một buổi chiều, nhà văn George Kovach, Tổng biên tập Tạp chí Comsequence ở Boston mời chúng tôi đến nhà ăn tối. Tháng sáu năm 2010, ông đã đến Hà Nội dự Hội thảo 35 năm và con đường văn học Việt Nam đến Mỹ. Chuyến đi đó đã để lại trong lòng ông những kỷ niệm lạ lùng và không thể nào quên.
Khi gặp tôi, vợ ông đã nói với tôi rằng bà cám ơn chúng tôi đã tổ chức chuyến đi đó cho chồng bà. George Kovach là một cựu binh tham chiến ở Việt Nam. Ông đã mắc chứng bệnh tâm thần một thời gian vì hội chứng chiến tranh Việt Nam. Cuối cùng ông đã tìm đến văn chương để chữa bệnh sau khi đã tìm đến rất nhiều bác sỹ.
Bây giờ, ông có thể cất giữ những ám ảnh chiến tranh vào quá khứ sau hơn 40 năm từ chiến trường Việt Nam trở về. Bữa tối đó có một số nhà văn, nhà thơ Mỹ tên tuổi từng đoạt giải Pulitzer và giải sách quốc gia Mỹ. Và cho dù bữa tối trong khu vườn bình yên đến tưởng như làm cho thân xác nặng nề của chúng tôi cũng khẽ khàng bay lên và trôi trong sự bình yên ấy thì cuối cùng chúng tôi vẫn lại nói về vấn đề biển Đông, nói về nguy cơ của một cuộc chiến tranh và nói về cái giá của hòa bình. Có thể bởi sự hiện diện của những người Việt Nam ở đó, có thể bởi một sự trắng trợn nào đó của một quốc gia đối với một quốc gia và cũng có thể những cựu binh kia đang bị hai từ chiến tranh kéo trở lại quá khứ, một quá khứ mà họ đã phải đấu tranh quá khó khăn để chạy thoát như trường hợp George Kovach.
Và trong bóng tối đang phủ xuống khu vườn bỗng vang lên lời của một ai đó "Hãy ủng hộ Trường Sa". Ngay sau đó, Bruce liền mở ví đưa cho chúng tôi 100 đô la để ủng hộ Trường Sa. Bruce cũng lấy thêm 100 đô la nữa đưa cho chúng tôi và nói: "Đây là 100 đô của Kevin". Tôi hỏi: "Liệu Kevin có đồng ý không?". "Đồng ý hai tay", Bruce quả quyết. Cùng với Bruce là một số những thanh niên nam nữ cũng bắt tay và đưa tiền dù chỉ 10 hay 20 đô la ủng hộ Trường Sa.
Tôi hỏi Bruce liệu Kevin có ủng hộ không là đùa vậy thôi chứ tôi biết một trong những người yêu dân tộc chúng ta nhất chính là Kevin, cựu binh, nhà thơ và là giáo sư văn chương Đại học Massachusetts.
Tháng 3 năm 2011, Kevin cùng gia đình đã vào Việt Nam để nhận giải thưởng Văn hóa Phan Châu Trinh vì đóng góp của ông trong việc truyền bá văn học và văn hóa Việt Nam vào nước Mỹ và những đấu tranh bền bỉ của ông để phá bỏ hàng rào cấm vận của Mỹ với Việt Nam và tiến tới bình thường hóa quan hệ hai nước.
Trong chuyến đi đó, Kevin ra mắt tập thơ Khúc hát Thành Cổ Loa do NXB Hội Nhà văn ấn hành. Trong tập thơ này có bài Thành Cổ Loa. Bài thơ ông viết về lịch sử Thành Cổ Loa. Bài thơ kết với ý: những người Việt Nam có một cái lẫy nỏ thần còn những người như ông chẳng bao giờ có được. Ông quá hiểu lịch sử giữ nước của người Việt Nam, quá hiểu câu chuyện Thành Cổ Loa và quá hiểu sức mạnh của dân tộc này khi có ngoại bang. Và ông hiểu cái lẫy nỏ thần ấy là biểu tượng của sức mạnh yêu nước của người Việt Nam ngàn đời nay.
Trước khi tiễn chúng tôi ra về, George Kovach ôm lấy tôi và nói trong hơi thở: "Sẽ không có chuyện gì tồi tệ xảy ra đâu". Tôi hiểu George. Ông muốn nói với tôi rằng sẽ không có một cuộc chiến tranh nào cả. Nhưng tôi biết họ cảm nhận được một nguy cơ nào đó vẫn đeo bám họ cho dù thật mơ hồ.
Tôi nhớ năm 2003 trong chuyến đi đến Mỹ, tôi đã tham dự một buổi đàm đạo về chiến tranh. Tôi đã nói với những người nghe rằng: Nếu bây giờ nước Mỹ lại tiến hành cuộc chiến tranh với đất nước chúng tôi một lần nữa thì tôi biết rằng Myles, cậu con trai của nhà thơ Kevin, một cậu bé mơ trở thành siêu sao bóng rổ Mỹ phải cầm súng đến Việt Nam. Và tôi sẽ không còn cách nào khác là để con trai tôi, một cậu bé mơ trở thành chuyên gia số một về vật lý lý thuyết cầm súng ra chiến trường để bảo vệ tổ quốc tôi. Nhưng tôi biết, ý nghĩ về một cuộc chiến tranh khủng khiếp như thế sẽ chẳng bao giờ xảy ra. Nhưng nói như vậy là tôi muốn gửi đi một thông điệp rằng: Người Việt Nam không bao giờ khuất phục trước bất cứ một đội quân xâm lược nào.
------------------
*****
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét