Nguồn: Blog Nguyễn Xuân Diện
NHÂN SĨ TRÍ THỨC VÀ TRÁCH NHIỆM PHẢN BIỆN XÃ HỘI
BÙI CÔNG TỰ
Ngày trước, kể cũng chưa xa lắm, trong sinh hoạt tại các cơ quan đoàn thể, chúng ta hay nói câu “đoàn kết có đấu tranh”. Tức là không nên đoàn kết xuôi chiều, dĩ hòa vi quý mà phải thực hiện “phê bình và tự phê bình” để giúp đỡ nhau cùng tiến bộ.
Ngày ấy nhiệt tình cách mạng rất cao nhưng hiểu biết còn ấu trĩ. Do đó trong công tác có nhiều sai lầm khuyết điểm, có khi trầm trọng là không tránh khỏi. Nhờ thực hiện “phê bình và tự phê bình” mà ý thức chính trị tư tưởng, tư cách đạo đức được nâng cao, tác phong sinh hoạt được tiến bộ. Cán bộ Đảng viên, đội viên nhận ra thiếu sót, sai lầm của mình mà tự giác sửa chữa dưới sự giám sát của tập thể, của bạn bè, đồng chí và của nhân dân. Ngày ấy cũng ít có chuyện vì phê bình thủ trưởng mà bị trù úm. Ở cơ quan tôi có chuyện đồng chí vợ đem đồng chí chồng ra phê bình kịch liệt trước chi bộ. Khuyết điểm của hai đồng chí này được chi bộ mổ xẻ, phân tích có tình có lý. Nhờ thế mâu thuẫn nội bộ gia đình đó được giải quyết sau cuộc cọ xát nảy lửa.
Tuy nhiên việc “phê bình và tự phê bình” thường mới ở mức người này phê bình người kia, tập thể phê bình cá nhân hoặc cá nhân tự phê bình, chứ ít khi có chuyện một người dám lên tiếng phê phán cơ quan, đơn vị, cấp chính quyền. Càng chưa có chuyện phê phán các chủ trương chính sách vì chủ trương chính sách là luôn luôn đúng.
Tuy nhiên việc “phê bình và tự phê bình” thường mới ở mức người này phê bình người kia, tập thể phê bình cá nhân hoặc cá nhân tự phê bình, chứ ít khi có chuyện một người dám lên tiếng phê phán cơ quan, đơn vị, cấp chính quyền. Càng chưa có chuyện phê phán các chủ trương chính sách vì chủ trương chính sách là luôn luôn đúng.
Chủ tịch Hồ Chí Minh rất coi trọng phê bình và tự phê bình. Người đã viết nhiều bài báo với nội dung trên, nổi tiếng nhất là tác phẩm “sửa đổi lối làm việc”(ký tên XYZ).
Nhưng rồi dần dà việc phê bình và tự phê bình đã không còn được coi trọng nữa. Nhất là thủ trưởng các cấp từ trên xuống dưới không ai muốn bị phê bình, càng không muốn tự phê bình. Có chăng thì phê bình theo kiểu như anh chánh văn phòng nọ kịch liệt phê bình thủ trưởng mắc khuyết điểm nghiêm trọng là làm việc quá nhiều, vì việc chung mà quên ăn quên ngủ đến phạc phờ ngọc thể.
Tình hình diễn biến xấu theo chiều hướng hễ ai có ý kiến phê bình cơ quan, đơn vị hay cá nhân lãnh đạo là liền bị chụp cho cái mũ ghen ăn tức ở, chọc ngoáy, quá khích, có âm mưu thủ đoạn này nọ hoặc thậm chí bị quy là phản động. Không ít người vì phê bình lãnh đạo, phản ánh trung thực một hiện tượng tiêu cực hoặc góp ý cho một chủ trương nào đó mà bị cô lập, bị kỷ luật hoặc bị trả thù. Có khi vướng vòng lao lý. Thật là một thực tế đáng buồn!
Tuy nhiên cuộc sống luôn tiếp diễn. Những lực lượng tiến bộ của xã hội đã không thể ngoảnh mặt làm ngơ trước những sai lầm có thể phương hại cho đất nước. Một phong trào phản biện đã xuất hiện mấy năm qua như các bạn đã thấy.
Phản biện là phê bình phát triển lên trình độ cao. Đối tượng của phản biện thường là các chủ trương chính sách được đề ra bởi các cơ quan nhà nước các cấp hoặc của các tổ chức chính trị, chính trị - xã hội mà xã hội thấy có vấn đề. Vì thế khác với phê bình, không phải ai cũng có thể phản biện. Người phản biện phải là người có khả năng trình bày lập luận, có trình độ cao trong một lĩnh vực chuyên môn, nắm được lý luận và thực tiễn, có nhiều hiểu biết về dân tộc và thế giới. Tất nhiên phải có bầu máu nóng dành cho đất nước và nhân dân, cũng như phải có gan phản biện.
Cũng có khi đối tượng của phản biện là những quan điểm, cách hành xử của các cá nhân nhưng có liên quan đến quốc gia và cuộc sống của nhân dân. Hiển nhiên những cá nhân đó không thể là anh Tèo hay cô Kếu.
Nhà nước phong kiến khi xưa có chức “gián quan” chuyên làm bổn phận can gián nhà vua. Nhà nước ta ngày nay không cơ cấu chức gián quan thì ai sẽ đảm nhiệm việc can gián nhà nước trước nguy cơ có thể mắc sai lầm?
Xin thưa, xã hội giao phó việc “can gián quốc gia” tức là việc phản biện cho tầng lớp trí thức.
Tôi xin có đôi câu về tầng lớp này. Theo quan niệm chính thống cứng nhắc thì tất cả những ai có học vấn cao đẳng trở lên đều gọi là trí thức. Nhưng tôi tán thành quan điểm của GS Chu Hảo: “Trí thức là tầng lớp tinh hoa của dân tộc và phải có hai phẩm chất quan trọng: độc lập tư duy và có năng lực phản biện xã hội, dám chịu trách nhiệm về phản biện của mình”.
Quan niệm như vậy thì những loại trí thức như trí thức trục lợi, trí thức nô lệ, trí thức robot, trí thức giả cầy (từ của Đông A) … đều không được coi là trí thức.
Còn nhân sĩ trí thức là ai ?
Theo tôi cụm từ “nhân sĩ trí thức” dành cho những người tiêu biểu nhất trong giới trí thức theo định nghĩa bên trên của GS Chu Hảo. Tôi muốn nhấn mạnh thêm đó còn là những vị có uy tín xã hội cao và dám dấn thân.
Ở nước ta hiện nay có một số vị nhân sĩ trí thức tham gia trong Mặt trận Tổ quốc, còn trong Quốc hội và các cơ quan nhà nước thì rất ít. Nhưng trong quá khứ những tên tuổi như Huỳnh Thúc Kháng, Bùi Bằng Đoàn, Phan Kế Toại, Trần Huy Liệu, Nguyễn Văn Huyên, Hoàng Minh Giám, Đặng Thai Mai, Cù Huy Cận, Phạm Ngọc Thạch, Lưu Hữu Phước, Nguyễn Hữu Thọ, Nguyễn Văn Hiếu, Huỳnh Tấn Phát, Dương Bạch Mai, … và rất nhiều tên tuổi nổi tiếng khác đã từng là những yếu nhân của quốc gia có đóng góp to lớn cho dân tộc và đất nước, mặc dù nhiều vị không phải là Đảng viên.
Tôi mong các bạn trẻ hãy tìm đọc tiểu sử của các vị nhân sĩ trí thức nói trên. Tôi tin rằng các bạn sẽ được khích lệ rất nhiều trong bước đầu đồng hành cùng dân tộc.
Tôi mong các bạn trẻ hãy tìm đọc tiểu sử của các vị nhân sĩ trí thức nói trên. Tôi tin rằng các bạn sẽ được khích lệ rất nhiều trong bước đầu đồng hành cùng dân tộc.
Xin trở lại nội dung phản biện đã đề cập ở trên.
Ở nước ta hiện nay, các nhà lãnh đạo chủ yếu là “con nhà nòi” về chính trị chứ không phải “con nhà nòi” về các lĩnh vực chuyên môn như luật pháp, kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật. Đó là thực tế. Bộ máy tham mưu lại gồm toàn những người tuy đầy mình bằng cấp, học vị nhưng không thích phản biện hoặc không có khả năng phản biện. Trong khi đó biết bao nhiêu việc “quốc gia đại sự” cần phân tích rõ đúng, sai, cần nhiều ý kiến đóng góp để đi đến chân lý. Tức là cần phản biện.
Do đó các nhân sĩ trí thức đã tự nguyện lãnh trách nhiệm phản biện xã hội. Họ không làm thì không có ai làm. Họ làm vì lợi ích của đất nước, của dân tộc chứ không phải vì bản thân họ hay gia đình họ.
Trong tình hình nước ta hiện nay, phản biện xã hội còn là một sự dấn thân, có khi còn là nguy hiểm nữa.
Nhưng đất nước ta đúng là “tuy mạnh yếu có lúc khác nhau/ song hào kiệt đời nào cũng có”. Chúng ta đã được biết những bài phản biện của các học giả thật sự là những công trình nghiên cứu lớn như về chính trị của nhà nghiên cứu Nguyễn Trung, GS Nguyễn Huệ Chi; về giáo dục của GS Hoàng Tụy, GS Nguyễn Đăng Hưng, nhà giáo Phạm Toàn; về văn hóa của nhà văn Nguyên Ngọc, GS Ngô Đức Thịnh, GS Nguyễn Văn Huy; về kinh tế của TS Lê Đăng Doanh, TS Nguyễn Quang A, chuyên gia Phạm Chi Lan và rất nhiều người khác; về điện hạt nhân của GS Phùng Liên Đoàn (Việt kiều) và nhiều người khác; về bauxit của TS Nguyễn Thanh Sơn và nhiều người khác; về đô thị của KTS Trần Thanh Vân, GS Phạm Ngọc Đăng…
Tham gia phản biện cùng các nhân sĩ trí thức còn có các vị nguyên là lãnh đạo nhà nước hoặc cán bộ cao cấp như Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An, nguyên Bộ trưởng Tư pháp Nguyễn Đình Lộc, GS Chu Hảo, GS Nguyễn Minh Thuyết, …
Có những vị chỉ phát biểu ý kiến phản biện của mình trong vài dòng ngắn gọn nhưng sâu sắc, xác đáng nên được nhân dân ca ngợi tán đồng. Đặc biệt có nhiều học giả Việt kiều ở nhiều châu lục đã gửi bài về nước đóng góp phản biện nhiều ý kiến rất giá trị như GS Trần Văn Thọ (Nhật), GS Nguyễn Đăng Hưng (Bỉ), GS Phùng Liên Đoàn (Mỹ), TS Vũ Minh Khương, TS Giáp Văn Dương (Singapore), GS Nguyễn Văn Tuấn (Úc), …
Hoạt động phản biện của giới nhân sĩ trí thức mấy năm qua đã trở thành phong trào. Những nhà lãnh đạo quốc gia dù muốn hay không cũng không thể không quan tâm. Đặc biệt các đại biểu Quốc hội nhiều vị cho biết đã đọc các bài phản biện trên mạng internet. Kết quả rõ rệt nhât là Quốc hội đã không thông qua dự án đường sắt cao tốc. Dự án bauxit phải cam kết có sự điều chỉnh, cam kết bảo đảm an toàn hồ chứa bùn đỏ và môi trường. Thành phố Hà Nội phải hủy bỏ việc xây khách sạn trong công viên Thống Nhất, xây trung tâm thương mại trong khu di tích “chợ âm phủ”, … Tuy nhiên còn nhiều ý kiến phản biện của giới nhân sĩ trí thức bị các cơ quan nhà nước bỏ ngoài tai. Nhiều bản kiến nghị tâm huyết không được trả lời. Thậm chí VTV còn gọi trang bauxitvn là phản động. Việc làm đó đã hạ bậc tín nhiệm của giới nhân sĩ trí thức với đài truyền hình quốc gia xuống nhiều bậc.
Tôi nghĩ nếu các vị học giả cứ phản biện theo kiểu “kính mong” (chữ của GS Nguyễn Lân Dũng) thì chắc sự lạnh nhạt không đến nỗi băng giá. Nhưng nhân sĩ trí thức hơn ai hết là người trọng danh dự và không biết sợ hãi. Những nhân sĩ trí thức phản biện là những người đứng ở hàng đầu nguyên khí quốc gia.
TP Hồ Chí Minh, 16/08/2011.
*Bài do BCT gửi trực tiếp cho NXD-Blog.
Xin chân thành cảm ơn tác giả!
------------------
*****
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét