++ Hãy đến với nhau bằng tấm lòng trung thực!++

Thứ Năm, 21 tháng 7, 2011

Ý kiến của đọc giả Nguyễn Việt Thanh về phương pháp giải quyết công hàm của TT Phạm Văn Đồng.

Đôi lời của Quý-Blog: 

Trong bài BIỂU TÌNH NGÀY CHỦ NHẬT 24.07.2011, đăng trên Blog Nguyễn Xuân Diện ngày 21/7/2011, chủ Blog đã thấy có một comment của đọc giả Nguyễn Việt Thanh toàn bộ nội dung như sau, và mong được toàn thể bạn đọc có ý kiến, và đặc biệt là các vị mà đọc giả Nguyễn Việt Thanh đã nhắc các tên dưới đây, chúng ta cùng nghiên cứu để cùng tìm giải pháp.  

Xin phép TS Nguyễn Xuân Diện và đọc giả Nguyễn Việt Thanh xin được đăng tin này.  

Chân thành cám ơn các bạn đã ghé thăm và có ý kiến.




(Trân trọng nhờ TS Diện chuyển tải qua blog)



Kính gửi: ông Nguyễn Nhã, ông Hoàng Việt, ông Đinh Kim Phúc, ông Trần Trường Thủy và các học giả về biển Đông. 

Trung Quốc dựa chính vào 2 tài liệu để đòi chủ quyền đối với Biển Đông của Việt Nam là Tuyên bố của Chu Ân Lai ngày 4/9/1958 và công hàm của Phạm văn Đồng ngày 15/9/1958. Thay vì tranh cãi với TQ về hiệu lực của công hàm của TT Phạm văn Đồng Việt Nam có thể sử dụng cách tiếp cận khác là phủ định chính Tuyên bố của Chu Ân Lai, nếu chứng minh được tuyên bố đó vô hiệu thì đương nhiên chả cần bàn đến công hàm của Phạm văn Đồng nữa. 

Năm 1954 TQ là bên tham gia Hiệp định Geneve nên phải tuân thủ Hiệp định này là tôn trọng chủ quyền của Việt Nam đối với HS, TS. Tuy nhiên, năm 1956 TQ đã đánh chiếm 1 phần HS như vậy là vi phạm hiệp định Geneve. 

Đến năm 1958, TQ lại đơn phương đưa ra tuyên bố của Chu Ân Lai, tiếp tục vi phạm hiệp định Geneve mà TQ đã ký kết, do đó đương nhiên Tuyên bố ngày 4/9/1958 của TQ là vô hiệu. 

Không dừng ở đó, dựa trên tuyên bố đơn phương không có căn cứ pháp lý này TQ đã đánh chiếm HS năm 1974 giết hại hơn 100 thủy thủ VNCH đang thực thi bảo vệ chủ quyền được Hiệp định Geneve qui định. Do đó, có thể nói nếu xét theo "estopel" thì Tuyên bố của Chu Ân Lai bị vô hiệu đầu tiên, sau đó mới đến công hàm của Phạm Văn Đồng. 

Ngoài ra, Việt Nam với tư cách là chủ thể thay thế VNCH có thể khởi kiện TQ ra Tòa án tội phạm chiến tranh vì đã vi phạm luật pháp quốc tế, giết hại quân đội VNCH năm 1974 tại HS và CHXHCNVN năm 1988 tại TS. Hiện nay không thể kiện TQ ra Tòa án về luật biển vì TQ không chịu, nhưng nếu kiện ra Tòa án hình sự quốc tế về tội phạm chiến tranh thì không cần sự đồng ý của TQ. 

Liệu có phải đây là điều TQ sợ nhất không? Nếu Tuyên bố 4/9/1958 của Chu Ân Lai vô hiệu theo Hiệp định Geneve thì toàn bộ yêu sách về biển Đông của TQ bị "sụp đổ". Việt Nam đi theo hướng này có được không? Rất mong các chuyên gia cho ý kiến. 

Nguyễn Việt Thanh

Hà Nội


----------------------------------------------------------
Bài đăng trên SGTT.VN ngày 21/7/2011 
 
Cựu bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm:

“Không ai có thể xuyên tạc chủ quyền của Việt Nam”

SGTT.VN - Cựu bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm rất quan tâm đến tình hình Biển Đông. Ngày 21.7, là khách mời dự thính phiên họp của Quốc hội, trong giờ nghỉ giải lao, ông đã trả lời phóng viên báo Sài Gòn Tiếp thị về quan điểm của ông trong vấn đề Biển Đông; bảo vệ chủ quyền với các quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa trước những hành động xâm phạm mới đây của Trung Quốc. 

Theo ông, tại kỳ họp lần này, Quốc hội nên dành thời gian thích đáng để thảo luận về vấn đề Biển Đông và ra một nghị quyết tuyên bố về bảo vệ chủ quyền của Việt Nam với các quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa ?  
Cựu bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm.

Theo tôi biết, kỳ này Quốc hội cũng sẽ được nghe báo cáo về tình hình Biển Đông. Trong chương trình kỳ họp, tôi thấy có nêu việc này. Tôi tin rằng, Quốc hội sẽ lắng nghe, có thái độ và ý kiến. Vừa qua, tôi thấy đảng, Chính phủ cũng đã nói rõ quan điểm về lẽ phải của ta trong vấn đề chủ quyền với Hoàng Sa, Trường Sa và sự sai trái của nước khác đối với chủ quyền của ta rồi. 

Nhưng theo tôi, vẫn cần phải tiếp tục thông tin, tuyên truyền cho rõ hơn. Vừa rồi, bộ Giáo dục và đào tạo đã đưa nhiều hơn thông tin về vấn đề chủ quyền về Trường Sa, Hoàng Sa vào sách giáo khoa thì tôi thấy cũng rất là cần thiết.

Việc Trung Quốc thông báo chuẩn bị đem dàn khoan hiện đại ra thăm dò, khai thác dầu khí ở biển Đông… chúng ta phải có thái độ với việc này thế nào, thưa ông?

Từ hồi đầu tháng 7.2011 họ có đưa ra (thông tin) này nhưng rồi cũng chùng lại một thời gian. Chưa biết sẽ thế nào nhưng nếu có vấn đề như vậy thì tất nhiên chúng ta cũng phải kiên quyết đấu tranh, nhưng cũng không nên tạo ra sự phức tạp vì nó không chỉ liên quan đến chúng ta và một số nước khác nữa. Chắc chắn là các nước có liên quan cũng không đồng tình (về việc Trung Quốc đưa dàn khoan ra khai thác dầu khí ở Biển Đông - PV). Về vấn đề này, nếu chúng ta có sự trao đổi với các nước thì tôi tin là các nước họ cũng ủng hộ chúng ta. Nên nếu nước nào họ cố tình vi phạm (về chủ quyền của Việt Nam - PV) thì cuối cùng chúng ta cũng sẽ bảo vệ được chủ quyền của mình.

Phía Trung Quốc luôn muốn đàm phán song phương về những vấn đề mà tự họ cố ý gây ra, tạo ra tranh chấp. Theo ông, Việt Nam phải có thái độ, quan điểm thế nào về việc này?
Tàu Trung Quốc trong lần xâm phạm chủ quyền của Việt Nam. Ảnh: Petrotimes

Ở đây có hai chuyện khá rõ. Về vấn đề chủ quyền với quần đảo Hoàng Sa, chủ yếu chỉ có ta và Trung Quốc thì là phải giải quyết 2 bên. Nhưng về vấn đề chủ quyền với quần đảo Trường Sa thì nó liên quan đến nhiều bên, ít nhất là 6 bên. Mà nói đến yêu sách của Trung Quốc, đường chữ U, chín đoạn chiếm tới 80% diện tích Biển Đông thì còn liên quan đến nhiều nước khác nữa về vấn đề tự do lưu thông hàng hải. Do đó, vấn đề chủ quyền ở đây không thể nào đàm phán song phương được mà phải có sự tham gia của nhiều nước liên quan. 

Ở đây nếu như chỉ có hai nước đàm phán với nhau thì các nước khác họ không đồng ý, dù có thống nhất đàm phán được thì kết quả cũng không được chấp nhận.
Cho nên, dù Trung Quốc nói thế nào nhưng tôi tin câu chuyện này cuối cùng Trung Quốc cũng phải chấp nhận một nghị quyết đa phương. Quan điểm của chúng ta cũng rất rõ ràng rồi: cái gì song phương thì giải quyết song phương, cái gì liên quan đến nhiều bên thì đàm phán đa phương. 

Từ khi xảy ra vụ Trung Quốc cắt cáp lần đầu với tàu thăm dò dầu khí của PVN đến nay, dư luận quốc tế đa số ủng hộ Việt Nam và phản đối Trung Quốc về việc xâm lấn cả vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Theo ông, Việt Nam cần làm gì tiếp theo để tranh thủ sự ủng hộ của dư luận quốc tế? 
Tàu cá xa bờ huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) mang theo cờ tổ quốc trong lúc hành nghề trên biển Đông, góp phần khẳng định chủ quyền lãnh hải. Ảnh: M.Đ

Mình cần phải đẩy mạnh tuyên truyền hơn, vì không phải nước nào trên thế giới họ cũng biết rõ câu chuyện này. Lịch sử vấn đề này thế nào, chúng ta có chủ quyền với Hoàng Sa, Trường Sa từ bao giờ, mình có chủ quyền và thực thi chủ quyền từ nhiều thế kỷ nay, ít nhất đã rõ từ thời triều đại nhà Nguyễn rồi thì chúng ta phải làm cho rõ. Họ hiểu rõ thì họ sẽ ủng hộ quan điểm của mình. Vì thực tế có nước họ tuyên bố chủ quyền nhưng họ không có thực thi chủ quyền. Trong thời đại ngày nay, thông tin tuyên truyền là rất cần thiết. Thế giới càng ủng hộ thì không ai có thể thay đổi được chủ quyền mà ta khẳng định được. 

Những gì mình làm vừa qua, theo công ước luật Biển của Liên hợp quốc thì mình đã làm rất đúng về lãnh hải và vùng đặc quyền kinh tế rồi. Khai thác dầu khí ta cũng đã làm trong phạm vi đấy. Cho nên, lâu nay có ai nói gì. Bây giờ tự nhiên (Trung Quốc) nêu ra, đặt lại vấn đề là không đúng. Cho nên, tôi nhấn mạnh là chúng ta vẫn phải thông tin cho thế giới thấy rõ hơn.

Quan điểm của chúng ta là bao giờ cũng phải giải quyết vấn đề một cách hòa bình. Chúng ta phải dựa trên 2 cơ sở quan trọng nhất: đó là luật pháp quốc tế mà cả thế giới người ta thừa nhận; thứ hai là công ước 1982 về luật biển của Liên hiệp quốc. Chúng ta có chủ quyền rất rõ về vùng biển, đảo, vùng đặc quyền kinh tế mà thế giới cũng đã thừa nhận. Chúng ta cần phải tuyên truyền, làm rõ hơn, chứng minh cho thế giới biết là chủ quyền về Hoàng Sa, Trường Sa chúng ta có từ lâu rồi. Không ai có thể xuyên tạc lịch sử, làm trái lẽ phải được. 

Chúng ta làm rõ để nhân dân bảo vệ, thế giới thấy rõ điều đó. Việc đó để các nước họ ủng hộ lập trường của chúng ta trong vấn đề Biển Đông, để dù cho ai cố ý gây hấn, làm phức tạp thì cũng không xóa bỏ được thực tế này.

Phía Trung Quốc tuyên truyền cho dân của họ về chủ quyền vùng biển trong hình chữ U, đường 9 đoạn của họ mà các nước trong đó có Việt Nam xâm phạm thì điều này có hại gì cho ta?

Họ làm như vậy để bảo vệ quan điểm của họ. Nhưng theo tôi, nhiều nước họ cũng hiểu là không ai có thể đòi hỏi chủ quyền một cách vô lý, trên một vùng biển quá rộng lớn như vậy. Cho nên, ta cũng phải đẩy mạnh thông tin ra bên ngoài về vấn đề này, vì có những nước ở châu lục khác họ không biết, không quan tâm đến vùng này. Mình nói ra họ mới hiểu.

Trong việc bảo vệ chủ quyền biển đảo thì theo ông phải tổ chức, hỗ trợ, đào tạo thế nào để ngư dân Việt Nam kiên trì bám biển, yên tâm sinh kế trên vùng biển của mình? 

Vừa rồi mình cũng đã có làm được việc cần thiết là thành lập các tổ, đội sản xuất trên biển. Nhưng theo tôi, ta cũng cần phải làm cho khéo, không cần thiết phải trang bị vũ khí cho các tổ đội này vì mình có lẽ phải của mình, có tập thể rồi thì bảo vệ cho nhau. Nhà nước thì cần có các tàu để bảo vệ các tổ đội, các tàu thuyền ngư dân để tránh việc các tàu thuyền nước ngoài bắt bớ, làm nhục ngư dân mình. Trong phạm vi chủ quyền của mình thì mình cứ đánh bắt, còn họ làm gì sai thì mình phải có quyền bảo vệ người dân của mình, bảo vệ quyền của mình.

Vài tuần qua, vào các ngày chủ nhật tại Hà Nội và TP.HCM xuất hiện các nhóm biểu tình có sự tham gia của một số nhân sĩ, trí thức, sinh viên… phản đổi việc Trung Quốc cố ý gây hấn trên vùng biển Việt Nam, làm phức tạp tình hình ở biển Đông. Ông suy nghĩ gì về sự kiện này?

Người dân họ không đồng tình với việc làm của các tàu Trung Quốc thì họ có quyền bày tỏ ý kiến một cách dân chủ. Họ biểu tình một cách hòa bình thì mình không nên làm gì thái quá…

Mạnh Quân (thực hiện)


------------------
*****


2 nhận xét:

  1. Tôi nghĩ ngay trong nội bộ các cơ quan chức năng của VN ta cũng đã có những mâu thuẫn. Nói rõ hơn cứ nhìn cái cách có những nhân viên an ninh hăng hái đàn áp một cách thái qúa những người dân biểu tình bày tỏ lòng yêu nước (như hôm 12.06,2011 ở TP Hồ Chí Minh và hôm 17.07.2011 vừa rồi ở Hà Nội) đã chứng tỏ đã có một bộ phận lãnh đạo ngành an ninh đã bị Trung Quốc gài người của họ vào (hay mua chuộc). Vì vậy cần phải vạch mặt chỉ tên những tên nội ứng của kẻ thù của dân tộc này!!! Để kiên quyết loại chúng khỏi hàng ngũ dân tộc! Có vậy mới mong xây dựng được khối đoàn kết toàn dân để bảo vệ chủ quyền bất khả xâm phạm của tổ quốc thân yêu!!!

    Trả lờiXóa
  2. Tôi hoàn toàn nhất trí với bác Lê Duy Ánh về điều này. Đáng lẽ Chính phủ phải xem việc biểu tình của người dân là một lợi thế để đàm phán vơi China thì minh lại đàn áp biểu tình.
    Sao thấy mặt thằng công an chỉ đạo cho tay Minh giống người China vậy. Chắc con hoang của China đây!

    Trả lờiXóa

Tìm kiếm Blog này