++ Hãy đến với nhau bằng tấm lòng trung thực!++

Thứ Tư, 20 tháng 7, 2011

Nghị sĩ Mỹ cảnh báo Trung Quốc về Biển Đông, & Thư của Thượng Nghị sĩ John McCain và John Kerry gửi ông Đới Bỉnh Quốc

Nguồn: VNE

Hai nghị sĩ kỳ cựu của Mỹ cảnh báo Bắc Kinh rằng những vụ xung đột với các nước láng giềng ở Biển Đông có thể làm tổn hại lợi ích của Mỹ tại khu vực. Nhận xét này chắc chắn không làm Bắc Kinh hài lòng.

“Chúng tôi lo ngại rằng một loạt vụ việc trên biển trong những tháng qua đã khiến căng thẳng trong khu vực leo thang”, John Kerry thuộc đảng Dân chủ - Chủ tịch ủy ban đối ngoại Thượng viện Mỹ cùng John McCain - cựu ứng viên tổng thống đảng Cộng hòa, tuyên bố. “Nếu không có biện pháp thích hợp nào được thực hiện để xoa dịu tình hình, những vụ việc tiếp theo có thể còn nghiêm trọng hơn nữa và làm tổn hại tới lợi ích quốc gia sống còn của Mỹ”.

Hai nghị sĩ nói trên đã đưa ra lời lẽ trên trong thư gửi cho ông Đới Bỉnh Quốc - quan chức cấp cao về đối ngoại của Đảng Cộng sản Trung Quốc, trước khi cuộc họp giữa các ngoại trưởng ASEAN cùng các nước đối tác diễn ra trong tuần này, tờ Financial Times cho hay.

Trung Quốc có thể coi tuyên bố này như một đòn khiêu khích bởi nó phản ánh lại nhận xét của Ngoại trưởng Mỹ Hilary Clinton vào năm ngoái. Phát biểu tại Diễn đàn khu vực ASEAN ở Hà Nội tháng 7 năm ngoái, Hilary Clinton đã khiến Bắc Kinh tức giận khi nói rằng Mỹ “có lợi ích quốc gia trong việc đảm bảo tự do hàng hải ở Biển Đông”.

Bà Clinton cũng sẽ có một bài phát biểu tại diễn đàn này ở Bali, Indonesia, vào cuối tuần, khi mà căng thẳng ở biển Đông đang tăng cao so với năm ngoái.

Trong những tuần gần đây, Trung Quốc đã nhiều lần yêu cầu Mỹ không can dự vào các tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông, sau khi các nghị sĩ Mỹ nhiều lần ra nghị quyết về vấn đề này. Tại hội nghị tham vấn an ninh Mỹ - Trung tháng trước, thứ trưởng ngoại giao Trung Quốc Thôi Thiên Khải thậm chí còn cảnh báo rằng "một số nước đang đùa với lửa, và (tôi) hy vọng lửa đó không cuốn vào nước Mỹ". 

Biển Đông chứa những tuyến đường biển quan trọng cho hoạt động nhập khẩu dầu ở Đông Bắc Á và các giao dịch khác với châu Âu, Trung Đông, châu Phi, Ấn Độ và Đông Nam Á. Trung Quốc, Việt Nam, Philippines, Malaysia và Brunei đều tuyên bố chủ quyền với một số vùng trong khu vực, nhưng Trung Quốc đòi quyền sở hữu rộng lớn nhất.

Cảnh báo của hai nghị sĩ Mỹ được đưa ra sau khi chính quyền Obama đã giảm bớt chỉ trích đối với hành động gây hấn của Trung Quốc tại biển Đông.

Trong đối thoại Shangri-La tại Singapore vào tháng 6, Robert Gates - Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ lúc bấy giờ - đã khiến một số quan chức các nước Đông Nam Á thất vọng khi nói với Trung Quốc bằng một giọng khá ôn hòa, một dấu hiệu cho thấy không muốn làm tổn hại tới quan hệ quân sự giữa hai nước. Tuy nhiên, ông Gates vẫn cam kết với các đồng minh trong khu vực rằng Washington sẽ duy trì “sự hiện diện quân sự mạnh mẽ trong khu vực”.

Trong một diễn biến khác có thể làm gia tăng căng thẳng ở Biển Đông, ngày mai 5 nghị sĩ Philippines có kế hoạch đến đảo Thị Tứ thuộc quần đảo Trường Sa. Hòn đảo này đã được Việt Nam khẳng định chủ quyền từ lâu. Trung Quốc cũng đòi chủ quyền với đảo Thị Tứ, và vì vậy phát ngôn viên ngoại giao Trung Quốc hôm nay đã lên tiếng phản đối kế hoạch đi ra đảo của các nghị sĩ Philippines.

Hôm qua, giới chức Đài Loan được báo chí dẫn lời cho biết một đoàn học giả của Đài Loan đã tới đảo Ba Bình thuộc quần đảo Trường Sa. Ba Bình, đảo lớn nhất trong số các đảo ở Trường Sa, thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Song Minh
------------------------------------------------- 

Thư của Thượng Nghị sĩ John McCain và John Kerry gửi ông Đới Bỉnh Quốc

Nguồn: Ba Sàm

THƯỢNG VIỆN MỸ
UỶ BAN ĐỐI NGOẠI
Washington, DC 20510-6225
14-07-2011
Ngài Đới Bỉnh Quốc, Ủy viên Quốc vụ viện
Đồng kính gửi Đại sứ Zhang Yesui
Đại sứ quán nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa
3505 International Place, N.W.
Washington, D.C. 20008

Thưa Ngài:
Rất cảm ơn ngài về lá thư ngày 3 tháng 6 năm 2011, nhắc lại cam kết của ngài về việc xây dựng mối quan hệ đối tác Mỹ-Trung dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau và đôi bên cùng có lợi. Chúng tôi chia sẻ mục tiêu đi sâu và mở rộng của ngài với các lĩnh vực hợp tác của chúng tôi, và coi trọng khả năng của chúng tôi để có các cuộc thảo luận chuyên sâu và thẳng thắn với ngài về các vấn đề cùng quan tâm.

Chúng tôi viết thư để tiếp tục cuộc trò chuyện của chúng ta hồi tháng Năm vừa qua và bày tỏ những mối quan ngại của chúng tôi về những diễn biến gần đây trong vùng biển Nam Trung Hoa (Biển Đông). Như ngài đã biết, Hoa Kỳ không có quan điểm về các tuyên bố chủ quyền lãnh thổ chồng lấn trong khu vực này, nhưng chúng tôi giữ mối quan tâm sâu sắc và không thay đổi trong việc bảo đảm quyền tự do hàng hải, thương mại, và khai thác kinh tế, duy trì cam kết của Mỹ với các đồng minh và đối tác của chúng tôi và hỗ trợ hòa bình và an ninh trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Vì lý do này, chúng tôi lo ngại rằng một loạt các sự cố hải quân trong những tháng gần đây đã gia tăng căng thẳng trong khu vực. Nếu không có những bước đi thích hợp để làm dịu tình hình, các sự cố trong tương lai có thể leo thang, gây nguy hiểm đến lợi ích quốc gia quan trọng của Hoa Kỳ.


Chúng tôi đánh giá cao các tuyên bố công khai của Trung Quốc trong việc hỗ trợ hòa bình, ổn định và thiết lập luật pháp quốc tế, và chính chúng tôi cam kết sâu sắc thực hiện các mục tiêu và nguyên tắc này. Tuy nhiên, các phương pháp quyết đoán mà Trung Quốc thực hiện đối với tàu thuyền nước ngoài trong vùng biển Nam Trung Hoa, cùng với tuyên bố mở rộng “chủ quyền không thể tranh cãi” trên các vùng biển này dường như mâu thuẫn với ưu tiên đã được Trung Quốc thể hiện rõ ràng về một giải pháp hòa bình, đàm phán về các tranh chấp trên biển Nam Trung Hoa.

Trong những tháng tới, chúng tôi hy vọng Trung Quốc sẽ tìm thấy cơ hội để đảm nhận vai trò lãnh đạo trong việc giúp giảm căng thẳng và tăng cường đối thoại và hợp tác về các vấn đề an ninh trong khu vực. Các biện pháp cẩn thận, chẳng hạn như làm rõ điều mà Trung Quốc tuyên bố ở biển Nam Trung Hoa tại các cuộc họp sắp tới trong khu vực và tăng cường hơn nữa các nỗ lực trong nhóm làm việc chung Trung Quốc-ASEAN để thi hành Tuyên bố Ứng xử giữa Các bên trên Biển Đông năm 2002, sẽ giúp trấn an các nước láng giềng của Trung Quốc và xây dựng lòng tin và sự tự tin. Các nước ASEAN có thể tham khảo ý kiến ​​một cách tự do với nhau, với Trung Quốc và với các nước khác.

Về phần chúng tôi, chúng tôi sẽ tiếp tục khuyến khích tất cả các bên quan tâm, thực hiện quyết định tốt và kiềm chế và theo đuổi một giải pháp hòa bình về tất cả các tuyên bố thông qua các đàm phán đa phương.

Cảm ơn sự cân nhắc nhanh chóng của ngài về vấn đề này. Chúng tôi mong được tiếp tục đối thoại với ngài về vấn đề này và các vấn đề khác mà hai bên cùng quan tâm.

Trân trọng,  
(Đã ký)                                                                                                              (Đã ký)
John McCain                                                                                                    John F. Kerry
Thượng Nghị sĩ Mỹ                                                                                            Chủ tịch

Đồng kính gửi: ông Zhang Yesui, Đại sứ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa tại Hoa Kỳ

Ngọc Thu dịch từ Financial Times.
------------------
*****


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tìm kiếm Blog này