Nguồn: Blog Nguyễn Xuân Diện
Thanh niên Hà Nội biểu tình phản đối nhà cầm quyền TQ. Ngày 3.7.2011. Ảnh: Hoàng Xuân Phú |
Quốc Toản
Vậy là đã 5 chủ nhật liên tiếp, các công dân Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh đủ mọi thành phần lứa tuổi, không phân biệt giai cấp, địa vị, sang hèn, giàu nghèo... đồng tâm thể hiện lòng yêu nước, sát cánh bên nhau, xuống đường biểu tình phản đối Trung Quốc gây hấn ở biển Đông.
Việt Nam có câu: “Tức nước vỡ bờ”. Nhân dân Việt Nam không thể im lặng chịu nhục để Bắc Kinh muốn làm gì thì làm. Không thể để Trung Quốc coi biển Đông là “ao nhà” của họ. Dân Việt trong và ngoài nước đã xuống đường. Các cuộc biểu tình của người dân có tác động không nhỏ đối với Bắc Kinh. Chẳng thế mà họ yêu cầu phía Việt Nam cần phải “định hướng dư luận”.
Trung Quốc và Việt Nam từ xưa đến nay vẫn được coi là hai nước láng giềng “núi liền núi, sông liền sông” đều là “anh em, đều là “đồng chí” của nhau. Họ còn có 16 chữ vàng và 4 tốt. Họ lại còn định xây dựng Cung văn hoá hữu nghị Việt – Trung tại Hà Nội để tỏ ra hữu hảo, đoàn kết. Vậy mà, Bắc Kinh lúc nào cũng chỉ muốn “dạy cho Việt Nam một bài học”. Hàng ngàn năm nay, họ không từ bỏ dã tâm xâm lược, thôn tính Việt Nam.
Lãnh đạo cao nhất của nhà nước Việt Nam không thể nhẫn nhịn hơn được nữa, đã lên tiếng phản kháng: “Chúng ta không tham lam của ai, nhưng một tấc đất của ông cha cũng không chịu nhân nhượng”. Còn nhân dân Việt Nam thì đồng lòng xuống đường biểu tình. Đó cũng là cách mà người dân ủng hộ Chính phủ. Nước lấy dân làm gốc!
Chưa bao giờ đất nước “dầu sôi lửa bỏng” như lúc này.
Chưa bao giờ lòng dân Việt Nam sôi sục như lúc này.
Dĩ nhiên, vẫn có một số người đang còn ngu ngơ, mù mờ, lạnh lùng trước vận mệnh dân tộc. Họ mắc bệnh vô cảm hoặc sợ hãi. Họ đi nhẹ, nói khẽ, họ tránh né, lựa lời. Nhưng Tổ quốc trên hết, tất cả muôn dân đều quyết tâm bảo vệ chủ quyền, biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Nhìn lại hàng ngàn năm qua, sau mỗi triều đại đánh thắng quân xâm lược phương Bắc. Cha ông ta lại cử sứ thần sang Trung Quốc để “hoà hiếu” và nhận chỉ dụ, sắc phong. Các phái bộ đi mấy tháng trời mới đến được Bắc Kinh để tiếp kiến Thiên triều. Vì là nước nhỏ nên các cụ cứ phải giữ hoà khí, có vậy mới giữ yên được bờ cõi. Nhưng không vì thế mà các Sứ thần tỏ ra khúm núm, sợ sệt. Câu chuyện về Sứ thần Giang Văn Minh còn mãi đến hôm nay. Ông được mệnh danh là vị sứ thần “Bất nhục quân mệnh” (Không để nhục mệnh vua) vì đã đối đáp thẳng thắn trước triều đình Nhà Minh và bị vua Minh Tư Tông hành hình vào năm 1638, thọ 65 tuổi.
Chuyện kể rằng: Vào thời điểm ông đi sứ, mặc dù nhà Mạc đã bỏ chạy ra Cao Bằng, nhưng nhà Minh vẫn áp dụng chính sách ngoại giao hai mặt (với cả nhà Hậu Lê và nhà Mạc) với mục đích để cuộc chiến tranh Lê-Mạc kéo dài. Đoàn sứ bộ của Giang Văn Minh đến Yên Kinh (nay là Bắc Kinh) vào năm 1638.
Đến khi triều kiến, Minh Tư Tông Chu Do Kiểm (tức hoàng đế Sùng Trinh) lấy lý do “Vì lệ cũ không có những quy định cụ thể cho việc sắc phong, do đó trong khi còn chờ tra cứu chỉ ban sắc thư để tưởng lệ” để ngăn trở việc công nhận sự chính thống của nhà Hậu Lê và bãi bỏ công nhận ngoại giao với nhà Mạc.
Đồng thời, Chu Do Kiểm còn ngạo mạn ra cho sứ bộ một vế đối như sau:
“Đồng trụ chí kim đài dĩ lục”"
Nghĩa là:
Cột đồng đến nay rêu đã xanh
Câu này có hàm ý nhắc tới việc Mã Viện từng đàn áp cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, sau đó cho chôn một chiếc cột đồng với lời nguyền: "Đồng trụ chiết, Giao Chỉ diệt" (Cột đồng gãy thì Giao Chỉ - tức Đại Việt - bị diệt vong).
Trước sự ngạo mạn đó, Giang Văn Minh đã hiên ngang đối lại bằng câu:
"Đằng Giang tự cổ huyết do hồng"
Nghĩa là:
Sông Đằng từ xưa máu còn đỏ
Vế đối này vừa chỉnh, vừa có ý nhắc lại việc người Việt đã ba lần đánh tan quân xâm lược phương Bắc trên sông Bạch Đằng.
Vào thời bấy giờ, câu đối này được xem là cái tát thẳng vào mặt hoàng đế nhà Minh trước đông đảo văn võ bá quan. Vua Minh bừng bừng lửa giận quên mất thể diện thiên triều, bất chấp luật lệ bang giao, đã trả thù rất dã man bằng cách trám đường vào miệng và mắt ông, rồi cho người mổ bụng xem “bọn sứ thần An Nam to gan lớn mật đến đâu”. Sự việc này xảy ra vào ngày mùng 2 tháng 6 năm Kỷ Mão (1639). Nhưng Minh Tư Tông vẫn kính trọng ông còn cho ướp xác ông bằng bột thủy ngân và đưa thi hài ông về nước. Khi thi hài của ông về đến kinh thành Thăng Long, vua Lê Thần Tông và chúa Trịnh Tráng bái kiến linh cữu ông và truy tặng chức Công bộ Tả thị lang, tước Vinh quận công, ban tặng câu “Sứ bất nhục quân mệnh, khả vi thiên cổ anh hùng”(tức là Sứ thần không làm nhục mệnh vua, xứng đáng là anh hùng thiên cổ).
Sứ thần Giang Văn Minh được chôn cất tại Đồng Dưa, thuộc xứ Gò Đõng, xã Đường Lâm, Sơn Tây, Hà Nội.
Đó là chuyện ứng xử, luôn coi Trung Quốc là Thiên triều của người Việt. Còn nước Nhật cũng kề cận với Trung Quốc, nhưng họ ứng xử khác hơn.
Theo tác giả Nguyễn Lương Hải Khôi thì Nhật không coi Trung Quốc là Thiên Triều. Trung Quốc không may mắn có cái vị trí ấy. Trong suốt lịch sử trung đại, không có bất kỳ một Nhật hoàng nào cử sứ giả sang Trung Quốc xin tước phong. Ngay trong bức thư đầu tiên gửi Tùy Dạng Đế để thiết lập quan hệ ngoại giao, thái tử Shotoku đã mở đầu: "Thư này là thư của thiên tử xứ mặt trời mọc gửi thiên tử xứ mặt trời lặn". Trung Quốc dĩ nhiên là tức giận, nhưng phải chấp nhận. Rồi dần dần thành quen, và... chấp nhận vĩnh viễn.
Với chúng ta, chỉ khi nào bán nước như Lê Chiêu Thống thì mới bị nguyền rủa, còn "nộp cống xưng thần" là chuyện nhỏ, ngay cả với Lê Thái Tổ hay Quang Trung. Ở Nhật Bản, Ashikaga Yoshimitsu (cuối thế kỷ 14), là vị Shogun (tức "tướng quân", dưới quyền Nhật hoàng) duy nhất trong lịch sử Nhật nhận tước phong của Trung Quốc. Và chỉ có thế, cái tên của ông này đã bị lịch sử Nhật Bản muôn đời nguyền rủa như một vết nhơ khó rửa của dân tộc.
Như vậy, ngay cả khi không hề có chiến tranh, nước Nhật vẫn thiết định một tư thế bình đẳng trong ngoại giao.
Thiết nghĩ, cách ứng xử của cha ông ta trước kia vẫn biết là để giữ hoà khi, để đất nước thái bình. Nhưng thời nay không thể như vậy. Thế giới đã đổi thay. Trung Quốc không thể muốn gì thì làm, họ không thể bất chấp dư luận và cộng đồng quốc tế.
Nhà nước Việt Nam cần phải có cách nhìn khác, cần phải tỏ thái độ rõ ràng trong quan hệ ngoại giao. Không thể mỗi khi có “việc lớn” là chúng ta lại cử sứ thần sang “tiếp kiến”. Gần đây báo chí chính thống cũng vậy, cứ tránh né đủ đường, dùng từ khó chấp nhận. Tàu TQ hẳn hoi lại gọi là “tàu lạ”. Biểu tình hẳn hoi lại gọi là “tụ tập đông người”. Sang Trung Quốc “tiếp kiến”, về đưa tin không đầy đủ, thiếu chính xác để Bắc Kinh đưa tin có lợi cho họ, làm cho dân ta hoang mang, hoài nghi về đường lối đối ngoại của Việt Nam.
Hiện nay, có những vụ việc cần phải làm sáng tỏ như: “Số lao động TQ bất hợp pháp”, việc công ty Becamex IJC Bình Dương thực hiện dự án lớn “Đông đô Đại phố” dành cho người Hoa ở ngay trung tâm hành chính trong tương lai của Bình Dương. Đây là câu chuyện cần phải bàn, vì hiện nay nhiều tỉnh, nhiều công ty chỉ nghĩ lợi ích kinh tế trước mắt mà không nghĩ đến hậu quả lâu dài đối với vệnh mệnh đất nước và dân tộc.
Lúc này cần lắm một sự thật, cần lắm những thông tin công khai minh bạch từ phía Chính phủ. Ngoại giao với TQ phải thiết định một tư thế bình đẳng.
Phải thay đổi cách ứng xử với Trung Quốc.
Làm được như vậy thì lòng dân mới yên.
Q.T
*Bài do tác giả Quốc Toản gửi trực tiếp cho NXD-Blog.
Xin chân thành cảm ơn tác giả!
------------------
*****
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét