++ Hãy đến với nhau bằng tấm lòng trung thực!++

Thứ Bảy, 13 tháng 8, 2011

Lạm bàn: Hàng không mẫu hạm của Trung Quốc có đáng sợ?

Nguyễn Hữu Quý

Đôi lời thưa với bạn đọc:

Cách đây 3 hôm, tức là ngày 10/8; Trung cộng chạy thử tàu sân bay (hay ta còn gọi là hàng không mẫu hạ - HKMH); tôi lại muốn trở lại vấn đề này trong góc nhìn của một người Việt.

Mấy hôm nay các tin tức khi nói về sự kiện này của Trung cộng, đều cho rằng HKMH như là một át chủ bài của Trung cộng nhằm tìm kiếm lợi thế trong tranh chấp trên biển Đông Việt Nam, thậm chí báo Trung cộng còn cao giọng "Dùng tàu sân bay để giải quyết tranh chấp biển" v.v…

Tôi thì không nghĩ như vậy, trong những lần xâm lược Đại Việt trước đây, Trung Hoa luôn mạnh hơn Đại Việt hàng chục đến hàng trăm lần; nhưng tất cả đều ôm đầu máu mà chạy về, hoặc được Đại Việt tha cho tội chết.

Chẳng thế mà, trong tác phẩm bất hủ Bình Ngô Đại cáo, Đại thi hào dân tộc Nguyễn Trãi, viết:

Mã Kỳ, Phương Chính, cấp cho năm trăm chiếc thuyền, ra đến biển mà vẫn hồn bay phách lạc,
Vương Thông, Mã Anh, phát cho vài nghìn cỗ ngựa, về đến nước mà vẫn tim đập chân run.

Lịch sử dân tộc Việt Nam ta được viết nên bằng những chiến thắng chống giặc ngoại xâm để tồn tại; mà trong đó, yếu tố “lòng dân” luôn luôn là yếu tố quyết định; mất dân là mất tất cả.

Trong lịch sử hiện đại, bên cạnh yếu tố là “lòng dân”, còn là sự chính nghĩa; Việt Nam thắng Pháp và sau đó là thắng Mỹ, với lực lượng chênh lệch hàng trăm, thậm chí là hàng nghìn lần, chính là sự kết hợp cả hai yếu tố này, thực tiễn và lịch sử đã chứng minh như vậy. Chính từ sự kết hợp tuyệt vời ấy, mà ta còn gọi là “kết hợp giữa sức mạnh của dân tộc với sức mạnh của thời đại”

Hôm nay, lòng dân thì vẫn còn đây, chính nghĩa của Việt Nam vẫn còn đó; vấn đề là có “kết hợp” được hay không mà thôi; điều này hoàn toàn phụ thuộc vào ý chí của lãnh đạo, mà cụ thể ở đây là “tứ trụ triều đình”.

Chẳng cần phải đến khi thiên tài xuất hiện, trong giai đoạn lịch sử này, chỉ cần ở lãnh đạo có cái tâm sáng, có thực sự vì dân vì nước hay không mà thôi!

Nếu vì một lý do nào đó mà khiếp nhược trước Trung cộng, hoăc giả vờ để rồi khiếp nhược trước Trung cộng…, thì chỉ cần mấy thằng nhãi ranh mang dòng máu Hán đang đi theo các dự án trọng điểm rải rác trên khắp cả nước, cũng đã đủ để Việt Nam mất nước rồi.

Ngược lại, một khi các vị có cái tâm sáng, bỏ đi kiểu “nói một đàng, làm một nẻo”, thậm chí là đổi trắng thay đen, như đối với sự kiện “cú đạp lịch sử”… thì một HKMH chứ có đến 10 HKMH của Trung cộng cũng chả là cái gì đối với người Việt Nam.

Một khi người Mỹ đã lên tiếng “Biển Đông không phải là ao nhà của Bắc Kinh”, hoặc đồng minh giữa Mỹ với các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippines… vẫn còn đó, thí chính nó là một sự đảm bảo để buộc Trung cộng phải im lặng; một lần nữa lại đặt ra câu hỏi; rằng, lãnh đạo Việt Nam có cái tâm trong sáng thực sự vì dân, vì nước để nắm bắt cơ hội hay không mà thôi!

Cho dù những diễn biến tới đây có như thế nào đi chăng nữa, nhưng tôi luôn tin rằng, nhân dân Việt Nam lại tự tìm cho mình một con đường phù hợp để thoát khỏi những thời khắc hiểm nghèo và tìm cơ hội phát triển; vì ông cha ta đã làm được như vậy, thì hôm nay nhân dân ta cũng sẽ làm được như vậy.

Xin trân trọng giới thiệu lại bài viết cách đây tròn 4 tháng, tức là ngày 15/4.

13.8.2011
---------------------------------------------

Đường "lưỡi bò" đầy tham vọng của Trung cộng trên Biển Đông

Tàu sân bay Shi Lang của Trung cộng

Mấy hôm nay các báo và trang mạng đưa tin, ngày 06/04/2011, Tân Hoa Xã chính thức phô trương hình ảnh của chiếc hàng không mẫu hạm đầu tiên của Trung Quốc được cho là sẽ được hạ thủy ngay trong năm nay.

Liên quan đến sự kiện này; ngày 13/4/2011, mạng Bauxite Việt Nam đăng bài “Tàu sân bay sắp hạ thủy: Ngón đòn hù dọa Đông Nam Á của Trung Quốc, của tác giả Trọng Nghĩa; đăng kèm theo bài này là bài phỏng vấn của tác giả với Giáo sư Ngô Vĩnh Long, Đại Học Maine (Hoa Kỳ); Trong phần trả lời, Giáo sư Ngô Vĩnh Long nhận định (đại ý):

- Mục tiều đầu tiên là Trung Quốc nhắm tới hù hoạ các nước Đông Nam Á, và:

- Một mục tiêu thứ hai là Trung Quốc muốn tuyên truyền đối nội.

Rõ ràng là, bên cạnh sự trỗi dậy mạnh mẽ về kinh tế, nay đã vượt Nhật Bản và chỉ đứng thứ hai sau Hoa Kỳ; sức mạnh quân sự của TQ trong những năm gần đây là không thể xem thường; Tuy nhiên để có được những Hàng không mẫu hạm (HKMH) và làm chủ hoàn toàn Biển Đông, và có ý định biến Biển Đông như là một cái ao nhà… là cả một vấn đề rất xa vời đối với TQ; vì thế, người viết bài này đồng ý với nhận định trên đây của GS Ngô Vĩnh Long, và các phân tích chi tiết như trong bài mà GS đã đề cập đến.

Mặc dù vậy, là người Việt Nam (VN), theo truyền thống và lịch sử của dân tộc, nhân dân ta chưa bao giờ khuất phục trước bất kỳ kẻ thù nào; mà trong đó lại chủ yếu là đối với người phương Bắc; vì vậy, một lần nữa, chúng ta phải khẳng định rằng, cho dù có cả một đội 30-40 chiến hạm khác hỗ trợ và bảo vệ các HKMH đi chăng nữa thì TQ không bao giờ làm chủ được Biển Đông, một khi người VN còn quyết chiến để bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của mình.

Như vậy có nghĩa là, yếu tố QUYẾT CHÍ & QUYẾT CHIẾN để bảo vệ chủ quyền trên Biển Đông của người VN là điều kiện tiên quyết, trước khi đặt ra câu hỏi và đi tìm lời đáp đối với câu hỏi: HKMH của Trung Quốc có đáng sợ?

Thật vậy, như người lính ra trận; trước khi bước vào một trận đánh mà đã mà đã thủ sẵn cờ trắng, chỉ đợi gặp đối phương là tung cờ thì xem như là đã xin hàng trước khi ra trận; ngược lại, một khi đã quyết chí sống mái với kẻ thù thì hoàn toàn có thể tin vào khả năng chiến thắng của mình. Chính sự quyết tâm của mình, đã làm cho kẻ thù nhụt chí… thậm chí có thể đảo ngược tình thế. Trong lịch sử, ông cha ta đã từng “Lấy yếu chống mạnh, lấy ít địch nhiều” đó sao!

Trong một góc nhìn cá nhân, người viết bài nhìn thấy những lợi thế và sự bất lợi từ phía VN, trong so sánh tương đối như sau:

Những lợi thế của VN:

Cơ sở để khẳng định, rằng TQ không bao giờ làm chủ được Biển Đông, một khi người VN đã quyết chí bảo vệ, được nhìn nhận dựa trên các cơ sở sau:

- VN với lãnh thổ chạy dài theo hướng Bắc Nam và khoảng cách từ đất liền đến khu vực xa nhất của quần đảo Trường Sa (TS) là khoảng 800-1000 km; trong khi từ Đảo Hải Nam đến các vị trí tương ứng là gấp đôi; vậy lợi thế luôn luôn thuộc về VN.

- Giả sử rằng TQ xây dựng và sử dụng căn cứ ở Hoàng Sa (HS) để rút ngắn khoảng cách…, và nếu cuộc chiến TQ-VN xẩy ra, thì việc tiêu diệt và làm tê liệt sân bay của TQ ở HS không phải là bài toán khó đối với VN.

- Với công nghệ tên lửa được phóng từ máy bay và có thể đi xa hàng trăm Km như hiện tại và trong tương lai còn được cải tiến xa hơn nữa; cùng với việc bố trí liên hoàn nhiều theo chiều dài đất nước là các sân bay và hệ thống tên lửa phòng không… thì lợi thế về thế trận luôn luôn thuộc về VN.

(những lợi thế trên đây chỉ thuần tuý so sánh giữa VN và TQ, mà chưa xét đến các yếu tố bên ngoài liên quan đến quyền lợi của Mỹ ở khu vực; và đặc biệt là các mối liên hệ song phương lẫn đa phương giữa các nước gồm: Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, Ấn Độ…); các nước không phải ngồi yên nhìn TQ tự do phát triển và hành động…

Những bất cập của VN:

Rõ ràng là, với tham vọng của TQ, một cuộc chiến trên Biển Đông trong vòng 10-15 năm nữa là hoàn toàn có thể xẩy ra (trong trường hợp Đảng CSTQ vẫn tồn tại; vì sự hiếu chiến của TQ trong chế độ CS là hung hăng hơn trong trường hợp TQ chuyển sang chế độ dân chủ; vì khi đó nhân dân TQ dần hiểu được sự thật hơn; việc phát động một chiến tranh trong một chế độ dân chủ là khó khăn hơn…; nhân dân  TQ không bị lừa bịp như hiện nay dưới thời đảng CS).

Nếu như không có một tầm nhìn sáng suốt để phát huy sức mạnh dân tộc ngay từ bây giờ; đặc biệt ưu tiên sử dụng nhân tài trên mọi lĩnh vực… thì trong vòng 10-15 năm tới; VN ta vẫn nghèo như hiện nay mà thôi; vì khi đó, tài nguyên cũng đã gần cạn kiệt, do lối khai thác và xuất khẩu thô như trong suốt những năm qua. Theo đó, tiềm lực quốc phòng sẽ không đáp ứng được tình hình…

Việc TQ đang từng bước “thôn tính” nước Lào (phần nào nữa là CPC) và tham vọng của dự án ĐSCT qua lãnh thổ Lào xuống CPC của TQ (kể cả việc đầu tư để làm chủ trên CPC), như là một kế hoạch để “tập kích” VN từ hướng Tây; do đó, những sân bay và các căn cứ quân sự bố phòng dọc theo chiều dài đất nước đã nói trên đây sẽ bị vô hiệu hoá (?!); và như vậy, lợi thế về thế trận như đã nói trên là không còn; thậm chí còn bị hậu quả ngược lại.

Nhìn nhận như vậy để thấy rằng, việc để cho TQ có mặt ở địa bàn Tây Nguyên qua dự án bô xít; cũng như đang có ý đồ về “Xa lộ song hành xuyên Đông Dương” là cả một việc làm ngây thơ đến khó hiểu của lãnh đạo VN trong những năm qua (?!). Làm cho lợi thế về thế trận không những bị mất, mà còn phải chuẩn bị một lực lượng để đối phó với TQ từ hướng này (mà chủ yếu là lực lượng bộ binh, trong khi, nói về người thì TQ đang… thừa (?!).

Kết luận:

Như ngay từ đầu người viết đã đặt ra vấn đề: rằng, nếu như người VN còn quyết chí và quyết chiến để bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của mình, thì rõ ràng, VN phải điều chỉnh lại tư duy chiến lược ngay từ bây giờ.

Ngược lại, khiếp nhược trước sự lớn mạnh và hung hăng của TQ, đồng thời để cho TQ thâm nhập sâu vào kinh tế, chính trị của nước ta như đã và đang diễn ra…, thì việc mất Biển Đông theo như ý đồ và tham vọng mà đường lưỡi bò TQ đã vạch ra, xem như đã được báo trước.

Như vậy, việc xem HKMH của TQ là “đồ hàng mã” hay là con “ngáo ộp” trên Biển Đông, là do người VN tự nhìn nhận và tìm ra giải pháp đối phó mà thôi.

Nối tiếp truyền thống lịch sử hay là khiếp nhược trước phương Bắc đang là thử thách của người Việt trong giai đoạn lịch sử rất đặc biệt này.

15.4.2011



------------------
*****



2 nhận xét:

  1. Rất cám ơn với bài viết súc tích đầy đủ, lập luận vững chắc.

    Trả lờiXóa
  2. Thông Thương Binhlúc 08:21 14 tháng 8, 2011

    Việt nam đã từng đối đầu với Hàng không mẫu hạm tiên tiến gấp nhiều lần so với Hàng không mẫu hạm "rác" của Trung quốc, và đã chiến thắng nó. Không nên lép vế quá trước một con hổ giấy.

    Trả lờiXóa

Tìm kiếm Blog này