++ Hãy đến với nhau bằng tấm lòng trung thực!++

Thứ Ba, 19 tháng 7, 2011

Bàn thêm về chữ "nguyên"


Bác cựu chiến binh Phạm Xuân Phương mới có cuộc chuyện trò trên điện thoại với tôi khá lâu về chữ “Nguyên” mà mới đây được đề cập trên blog của nhà văn Thăng Sắc:
http://vn.360plus.yahoo.com/nguyenvinh-nguyenvinh/article?mid=1788&prev=1786&next=1785

Sau buổi điện đàm chưa nói hết ý tứ của mình, bác Phương gửi qua email cho tôi một bài viết từ khá lâu của bác - đầu năm nay 2011 - nhưng ý nghĩa của nó vẫn giữ nguyên giá trị. Bác cựu binh thời chống Pháp, "nguyên" Đại tá còn nhắn thêm tôi rằng, công luận lúc này hình như chưa thể tất lắm, chưa có cái nhìn cảm thông với những con người mà về hưu mới cất tiếng nói thật. Bác Phương bảo rằng, có biết bao nhiêu lý do khiến cho trái tim và khối óc của những người đảng viên yêu nước yêu dân kia khi tại chức chưa giãi bầy ra được. Khi vì nhận thức, chỗ đứng; khi là gánh nặng gia đình miếng cơm manh áo; và trong đại đa số trường hợp là ngần ngại và nỗi sợ vẩn vơ luôn treo trên đầu... Đến nỗi có người sau này khái quát rất đúng là một chữ hèn, chả có "hồi ký một thằng hèn" nào kia là gì...

Đúng là câu chuyện chữ "nguyên" không ít phức tạp, nhiều cách hiểu cách giải thích. Dù thế nào thì đây cũng đã là một hiện tượng khá phố biến trong xã hội. Vậy đã đến lúc chưa, là nên xem lại cái cơ chế, cái khuôn khổ mà những con người có chức có quyền hoạt động khi đang thực thi công việc chung, nó va chạm vướng mắc trở lực gì mà các thành viên của nó cứ phải sống, phải hành động xem ra là xuôi chiều được việc cả, nhưng chỉ đến khi về hưu mới lên tiếng, bộc bạch ra được?

Blog tôi xin đăng dưới đây hai bài viết, một của bác cựu binh Phạm Xuân Phương đã nói; và một bài viết trước đó của nhà văn Đình Kính.

Nguyễn Vĩnh
-----------------

Chữ “nguyên” kia cũng có năm bảy đường

(Trao đổi về bài viết LUẬN VỀ CHỮ "NGUYÊN" đăng trên báo Văn Nghệ ngày 11/12/2010 của nhà văn Đình Kính)

PHẠM XUÂN PHƯƠNG

Trước hiện tượng đã và đang diễn ra trong thời gian qua về nhiều ý kiến vừa rất tâm huyết, vừa rất "thật" góp ý với Đảng của một số tác giả và trước chức danh của họcó chữ "nguyên" (nguyên chức vụ này, nguyên tước vị kia, nhiều vị nguyên rất to), tác giả của bài viết trên, Đình Kính vừa kính nể họ, nhưng sao cứ thấy "buồn và băn khoăn", !!!

Bản thân chúng tôi khi đọc bài, ngẫm nghĩ kỹ cũng hoàn toàn thông cảm với tác giả và xin thử góp một tiếng nói để cùng xem xét và đánh giá hiện tượng này.

Nếu chịu khó đi sâu tìm hiểu phân tích sự việc nêu lên, chúng tôi cho rằng:

1. Nhiều người chúng ta đều hiểu và đều thừa nhận nguyên lý "Nhận thức là cả một quá trình", thông qua học tập và nghiên cứu và nhất là thông qua sự trải nghiệm của bản thân trong quá trình trưởng thành, không có gì phải bàn thêm; trong đó có 3 điểm đáng chú ý: a) - Nhận thức bao giờ cũng là hệ quả của một nền giáo dục của một nhà nước nhất định và một xã hội nhất định, đồng thời cũng là hệ quả của một quá trình con người tự học, tự giáo dục lâu dài; b) -Nhận thức luôn luôn lạc hậu với sự phát triển của cuộc sống muôn màu, muôn vẻ của xã hội; c) - Nhận thức thường mang tính thủ cựu, rất khó thay đổi khi đã bám rễ, ăn sâu thành những vết hằn trên vỏ đại não, điều mà kết quả nghiên cứu sinh học đã chứng minh.

2. Chúng ta đều đang và đã chứng kiến sự phát triển vũ bão của công nghệ thông tin thế kỷ XX đã dẫn đến sự bùng nổ thông tin trên thế giới ngày nay đang tác động mạnh mẽ, công phá dữ dội vào thành trì kiên cố của toàn bộ nhận thức tự nhiên và xã hội trước đây. Kết quả cuối cùng của nó phụ thuộc vào môi trường, hoàn cảnh cho phép và khả năng tiếp nhận những thông tin mới lạ đó của từng con người cụ thể bằng nhiều con đường khác nhau.

3. Sự thay đổi của quá trình nhận thức còn phụ thuộc vào thái độ chính trị và động cơ của từng lớp người và từng con người.

- Như lớp người tự cho mình là kẻ sĩ thời phong kiến xưa, do ngộ nhận "đạo lý làm người", trước sau chỉ biết "trung quân", mà "trung quân" một cách mù quáng, không cần biết vị quân vương đó có xứng đáng là bậc minh quân suốt đời phải thờ phụng hay không?

- Có nhiều người qua quá trình vật lộn vất vả giữa cái cũ và cái mới, cũng đã ngộra được điều này, điều khác nhưng còn bị nhiều "vòng kim cô" trói buộc quá lâu, quá chặt, sinh ra lười biếng trong suy nghĩ, đành để "nước chảy bèo trôi" rồi "buông xuôi" mong cầu cho mình cái "yên thân" trong cuộc sống!

- Có một số người nhất là trong chốn quan trường sinh ra thói say mê quyền chức, lại chịu quá nhiều "ơn vua lộc nước", khăng khăng bảo vệ những thứ cũ đã lỗi thời nên rất khó "ngộ" được ra điều gì mới, không cần phân biệt phải trái, đúng sai, cam tâm làm "tù binh", phụ họa cho những nhận thức cũ kỹ, lạc hậu trước sau chỉ lo sao cho được "vinh thân phì gia".

- Lại còn lớp người mà bây giờ ta gọi là "cơ hội chủ nghĩa" chỉ biết "gió chiều nào che chiều nấy", trước sau chỉ lo giữ cho được cái ghế của mình, "nhắm mắt bỏ qua" mọi chuyện.

- Cuối cùng, có những người, kể cả trong lớp người đã hưởng nhiều "ơn vua lộc nước", không chỉ ngộ ra được nhiều điều mà với một trách nhiệm chính trị cao, một tư duy độc lập đã dám tự vượt lên chính mình, không chỉ trong tưduy mà bằng nhiều hành động cụ thể như công khai phát biểu, công khai tranh luận, công khai đề xuất… đấu tranh với những nhận thức cũ kỹ, lạc hậu, mong góp phần xây dựng cải tạo xã hội.

Đem câu chuyện này ra trao đổi, xin ý kiến bác Thiếu tướng Đoàn Quang Thìn - 96 tuổi - lão thành cách mạng với hơn 70 tuổi Đảng (cũng có một chữ"nguyên" khá to, nguyên là Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát ND tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát Quân sự), Bác chỉ cười mà nói: Chữ "nguyên" kia cũng có năm bảy đường! Mình vẫn tâm đắc với lời anh VĂN (Đại tướng Võ Nguyên Giáp) đã nói đại thể như sau trong một buổi họp truyền thống với cán bộ đã nghỉ hưu của Trường sĩ quan Lục quân "… cán bộ chúng ta ở mọi cấp chức, trước sau đều được nghỉ hưu theo chế độ của Nhà nước, nhưng đã là đảng viên thì phải luôn luôn ghi nhớ là đảng viên không bao giờ được nghỉ hưu!".

Tôi nghĩ lời dạy về cái "đạo" làm người đảng viên trên đây của bậc Anh cả của quân đội chúng ta là lời dạy cho mọi đảng viên, cả người không có và cả người được mang ít nhiều chữ "nguyên" trước chức danh cũ, vì tất cả họ đều đã "nguyện suốt đời phấn đấu cho sự nghiệp của Đảng".



Chúng tôi cho rằng càng mang nhiều chữ "nguyên" trước chức danh bao nhiêu, người đảng viên càng phải dũng cảm tự xem xét lại chính mình, tự chuyển đổi chính mình, tự vượt lên chính mình với một trách nhiệm chính trị cao nhất của một người đảng viên chân chính, mà cụ thể là lúc này là: Suốt đời sẽ đóng góp ý kiến xây dựng Đảng một cách chân thành, trung thực, có tính xây dựng; tất cả vì lợi ích của dân tộc và đất nước, không nề hà tuổi cao sức yếu, không nề hà đã mang ít nhiều chữ "nguyên".

Mong được tác giả Đình Kính cùng bạn đọc gần xa góp thêm ý kiến.

2/1/2011
P.X.P.
Địa chỉ: Phạm Xuân Phương
312- C7, Nghĩa Tân, Cầu Giấy, Hà Nội
ĐT: (04) 38361687 – 0988287349

-------

Bài của nhà văn Đình Kính:

Luận về chữ "nguyên"

Đình Kính (Nhà văn)
         
Đọc trên báo viết, đặc biệt là đọc trên các báo mạng, thấy một số góp ý với Đảng nhân đại hội XI tới, rất thẳng thắn, có lý luận, sát thực tiễn, lại cũng rất có tình và xây dựng, phù hợp với tiến trình phát triển của đất nước trong thời kỳ hội nhập. Tiếc rằng hầu hết các ý kiến rất thật ấy, đều là của các tác giả mà chức danh của họ là chữ "nguyên", nguyên chức vụ này, nguyên tước vị nọ, nhiều "nguyên" rất to… Kính nể kiến thức sâu rộng cùng sự hiểu biết nơi họ,nhưng sao cứ thấy buồn và băn khoăn. Buồn và băn khoăn vì khi đang đảm nhận công việc, nghĩa là đang đương chức, đương quyền, khi mà tiếng nói của họ có trọng lượng, có sức nặng, họ lại không lên tiếng, không trung thực với nhận thức của mình, mà chờ đến khi "nguyên" mới dám bộc lộ quan điểm?

Có hai vấn đề đáng bàn ở đây:

Một là: Trong các tổ chức Đảng và tổ chức chính quyền chưa có dân chủ thật sự, chưa tạo nên thói quen biết lắng nghe những ý kiến trái chiều. Người có ý kiến khác với "trên" chẳng những không được tôn trọng đã đành mà còn quy chụp. Đã không ít những bài học như vậy.

Hai là: Vì quyền lợi cá nhân, sợ mất chức; đi kèm mất chức là mất quyền, mất lợi, không những thế có thể kéo theo nhiều hệ lụy khác nên người ta hoặc im lặng, không dám trung thực với nhận thức của mình. Tới đây, lại chợt nhớ tới câu chuyện "Bộ quần áo của Hoàng đế". Thấy vua cởi truồng nhưng không dám nói, thậm chí còn vô liêm xỉ a dua hét lên, khen vua có bộ quần áo đẹp. Hoặc có nói nhưng nói theo kiểu hiểu thế nào cũng được.

Muốn phát triển, cần phản biện, đó là quy luật của sự đồng thuận khoa học. Phản biện chỉ có hiệu quả trên cơ sở mỗi một người cần trung thực với nhận thức của mình và ĐƯỢC trung thực với nhận thức của mình.

Hãy nhìn vào các kỳ họp Quốc hội xem những ai dám nói thẳng, nói thật? Phần lớn họ là các nhân sỹ và trí thức hoặc các cán bộ sắp "nguyên". Còn phần lớn những người đang có chức trong bộ máy hành pháp rất ít lên tiếng, có lên tiếng cũng là chung chung, ba phải. Bởi sao? Bởi sợ va chạm, sợ cái ghế mình ngồi nơi cơ quan công quyền có thể lung lay.

Chưa có cơ chế để mỗi một thành viên trong xã hội chỉ đóng một vai duy nhất thì việc khi họ"nguyên", nghĩa là khi họ đã về với đời thường, đã là một "thảo dân" mới thật sự trung thực bộc lộ nhận thức của mình, vẫn xảy ra.

Và như vậy, xã hội vô cùng thiệt thòi!

 Đ.K
------------------
*****


1 nhận xét:

  1. Ý kiến ghi nhanh

    Thưa Trang chủ và quý vị,
    Đề tài này dễ hơn, nhưng không xa “Chia tay ý thức hệ”; Cả hai đều thuộc “nhân thức luận” với 2 khài niệm “tri” và “hành”. Tôi rất vui khi Trang nhà nêu đề tài này lên để bàn thảo, vì tuy thuộc loại “đề tài muôn thuở” nhưng trong tình hình hiện nay lại rất cần thiết vì những yêu cầu bức thiết cho hành động phục vụ công cuộc “bảo vệ và phát triển Tổ quốc Việt Nam”.
    Hy vọng được học hỏi nhiều thêm.

    Trân trọng.

    Trả lờiXóa

Tìm kiếm Blog này