++ Hãy đến với nhau bằng tấm lòng trung thực!++

Thứ Ba, 21 tháng 6, 2011

Truyền thông xông trận bảo vệ biển, đảo

 
Công chúng luôn cần được thông tin kịp thời, công khai cho mục đích lớn là đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo.
Từ “tàu lạ” đến chỉ đích danh 

Thời kỳ đầu báo chí hầu như im lặng hoặc chỉ đưa tin “tàu lạ”, “tàu nước ngoài” vi phạm chủ quyền, bắt bớ và hành hung ngư dân ta trên biển ta. Giờ đây truyền thông đã kịp thời công khai hóa các vụ gây hấn có hệ thống của đủ các loại tàu vũ trang trá hình của Trung Quốc ở biển Đông, từ tàu cá, ngư chính đến hải tuần, hải giám… Ngay từ đầu năm 2010, nhiều tờ báo điện tử và báo viết đã sớm khuyến nghị Nhà nước hãy công khai hóa mọi âm mưu/hành động của Trung Quốc. Bên cạnh song phương, cần đẩy mạnh đa phương hóa vấn đề bảo vệ chủ quyền ở Hoàng Sa và Trường Sa.

Hậu trường ngoại giao không còn là nơi “kín cổng cao tường”. Nhiều tờ báo từ lâu đã đề xuất các chủ trương lúc đầu có thể nghe hơi “nghịch nhĩ” nhưng những ngày này mới thấy hết tính cấp bách của việc giải thích và vận động dư luận thế giới. Không thể có sự ủng hộ của dư luận quốc tế nếu chính bản thân quốc gia bị xâm hại, có chính nghĩa lại không chủ động phản ứng thích đáng, kịp thời. Sự chủ động của truyền thông trong nước vì vậy có ý nghĩa vô cùng quan trọng. 

Và hạt giống đầu mùa đã cho vụ gặt. Cả thế giới những ngày qua đã theo dõi và bước đầu có phản ứng. Chính giới và các nhà hoạch định chính sách bày tỏ quan điểm, công luận cũng lên tiếng: Trung Quốc hãy xử sự như một nước lớn có trách nhiệm (báo chí Nhật)! Mỹ phản ứng quá yếu ớt trước các hành động gây hấn của Trung Quốc đối với Việt Nam (dư luận Mỹ)! Từ các nhật báo lớn như Le Monde, New York Times, Financial Times, Independent, Japan Times đến các báo tại Hàn Quốc, Pakistan, Dubai… đều loan tin, rồi tường thuật về các vụ Trung Quốc xâm phạm thềm lục địa của ta và lên án hành động Trung Quốc “bắt nạt” Việt Nam!...


Những bài báo thông tin về đấu tranh chủ quyền biển đảo trong thời gian qua. Ảnh: HTD

Không rơi vào bẫy khiêu khích
Nhân dân Việt Nam, đất nước Việt Nam có đủ ý chí quyết tâm và sức mạnh tổng hợp của cả dân tộc để giữ gìn, bảo vệ các vùng biển và hải đảo của mình.
Thủ tướng NGUYỄN TẤN DŨNG
Chúng ta cũng sẵn sàng hiến dâng tất cả để bảo vệ quê hương, bảo vệ chủ quyền biển, đảo.
Chủ tịch nước NGUYỄN MINH TRIẾT
Sau khi Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định quyết tâm của Nhà nước và nhân dân Việt Nam trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo, các cơ quan ngôn luận trong nước cũng lần lượt lên tiếng. 

Do tính chất phức tạp và nhạy cảm của bang giao Việt-Trung, cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo sẽ còn tiếp tục quyết liệt, lâu dài. Tiến hành đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao năng lực cho các lực lượng, trong đó có truyền thông, là vấn đề rất hệ trọng. Báo chí Việt Nam quyết không mắc lỡm Trung Quốc trong đấu tranh khẳng định chủ quyền đối với Hoàng Sa và Trường Sa, không để cho Trung Quốc thực hiện chính sách “tằm ăn dâu” ở biển Đông. Mặt khác, chúng ta cũng nhất quyết không rơi vào bẫy khiêu khích.

Hãy phát huy mạnh mẽ hơn nữa, kịp thời hơn nữa tiếng nói của nhân dân! Đó là một lợi khí sắc bén trong kỷ nguyên thông tin toàn cầu!

Nhà nghiên cứuNGUYỄN ĐÌNH ĐẦU: 
Xây dựng nhận thức đúng về chủ quyền biển, đảo
Báo chí cần góp phần tích cực hơn nữa trong vấn đề đấu tranh giữ vững chủ quyền của quốc gia. Trong đó, báo chí cần chú trọng đến việc tuyên truyền để nâng cao hơn nữa nhận thức của người dân đối với chủ quyền biển, đảo, tạo nên những mối gắn kết chắc chắn, sâu xa trong toàn bộ tầng lớp, bộ phận (trong cũng như ngoài nước) của dân tộc Việt Nam, hình thành nên thứ kháng thể vững chắc - tinh thần đại đoàn kết! Làm được điều ấy là đã dựng lên bức tường thành vững chãi, thứ sức mạnh to lớn giúp chúng ta đứng vững trong bất kỳ tình huống nào.

Trong thời gian qua, lượng thông tin của báo chí về biển, đảo đã nhiều hơn, kịp thời hơn. Tuy nhiên, việc tuyên truyền vẫn chưa thực sự đi vào chiều sâu. “Chiều sâu” ở đây chính là thông tin để xây dựng nhận thức, xây dựng niềm tin cho dân tộc trong việc bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Phải thông tin để người dân, nhất là giới trẻ biết nhiều hơn về lịch sử, biết rõ ràng hơn về sự thực chủ quyền những vùng biển, đảo không thể tranh cãi của Việt Nam trên biển Đông. Phải nói nhiều hơn nữa về quá trình ông cha ta đã đấu tranh gian khổ thế nào để tồn tại trên những vùng biển của chúng ta; cha anh của chúng ta đã đổ xương máu như thế nào để giữ cho được những phần biển, đảo thiêng liêng ấy. Phải xây dựng được một nhận thức trong toàn dân: Chủ quyền quốc gia là tối thượng!
M.CƯỜNG ghi
TS ĐINH HOÀNG THẮNG
Nguồn: Pháp luật Tp HCM.

Nguyễn Xuân Diện xin có mấy lời:

Đọc bài viết của TS Đinh Hoàng Thắng, tôi thấy TS đã đề cập đến bước chuyển biến quan trọng của báo chí ta trong cuộc đấu tranh bản vệ chủ quyền biển đảo của ta. Tuy nhiên, trong bối cảnh Trung Quốc đã công khai tuyên bố sẽ đặt giàn khoan khổng lồ vào biển Đông  tháng 7 tới, thì trận đấu trên mặt trận tuyên truyền này chắc chắn còn nhiều gian truân. Nhất là trong bối cảnh nước sôi lửa bỏng mà tôi thấy báo chí chính thống của ta lên tiếng rất muộn và rất yếu (so với các báo của cơ quan đoàn thể).

Phải nói dư luận khá bức xúc vì sự im lặng của các diễn đàn chính thức này trong một thời gian dài. Vẫn biết, “thuốc súng cần luôn luôn được giữ khô”(Một ngạn ngữ của châu Âu từng nói thế!). Vả lại, sức mạnh của xã hội dân sự chính là ở chỗ: các báo đảng/nhà nước không nhất thiết phải xuất hiện ở mọi nơi và mọi lúc. Nhưng trong khi bản tiếng Anh của Nhân dân Nhật báo (báo Đảng của TQ), báo Quân Giải phóng TQ đều có các bài theo kiểu "vừa ăn cướp vừa la làng" và vu khống VN một cách tệ hại, mà báo ND và QĐND của ta chưa có những đáp trả xứng đáng, đủ mạnh thì "thật là lạ trước bọn Tầu quen"! 

Phải để cho dư luận trong nước và quốc tế thấy hết tính nghiêm trọng khi Trung Quốc đang đi lại nước cờ cũ như hồi họ đánh chiếm Hoàng Sa trước đây, đặt VN và thế giới trước chuyện đã rồi! Phải vạch rõ tham vọng của TQ muốn thu tóm toàn bộ biền Đông và khoá cửa ra biển của Việt Nam cùng các nước trong vùng Đông Nam Á. Việc Trung Quốc không cần che dấu mưu đồ, không ngừng leo thang lấn biển đó đang khiến cho an ninh khu vực và trật tự thế giới biến động khó lường.


------------------
*****


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tìm kiếm Blog này