Nguồn: SGTT.VN
SGTT.VN - Ngày 11.6, Philippines chính thức sử dụng cụm từ “biển Tây Philippines” thay cụm từ “biển Nam Trung Hoa” hay Biển Đông. Còn lãnh thổ Đài Loan lập đội phản ứng nhanh theo dõi tình hình tại biển Đông.
Ngày 11.6.2011, tàu sân bay hạt nhân George Washington của Mỹ rời Yokosuka tiến về Tây Thái Bình Dương để tham gia tuần tra chung với một số nước. Ảnh: navsource.org |
Ngoài ra, ngày chủ nhật 12.6, tàu sân bay hạt nhân George Washington của Mỹ đã rời căn cứ Yokosuka của Nhật để tham gia tuần tiễu cùng các nước tại biển Tây Thái Bình Dương, trong đó có biển Đông.
Đài Loan lập đội phản ứng nhanh theo dõi tình hình biển Đông
Ngày 11.6, cơ quan quốc phòng lãnh thổ Đài Loan (MND) đã thành lập đội đặc nhiệm chuyên theo dõi biển Đông trước tình hình căng thẳng đang gia tăng tại khu vực này. Phát ngôn viên của MND cũng cho biết ông không bình luận gì về các sự kiện căng thẳng diễn ra mới đây tại biển Đông. Đài Loan hiện nắm quyền kiểm soát đảo Đông Sa (Pratas Islands) lớn nhất ở biển Đông và đảo Ba Bình thuộc quần đảo Trường Sa.
Cũng trong ngày 11.6, người phát ngôn bộ Ngoại giao của lãnh thổ Đài Loan, James Chang nói rằng các nước liên quan ở biển Đông nên tránh dùng bất kỳ các hành động đơn phương làm mất ổn định, hòa bình khu vực và nên giải quyết các tranh chấp chủ quyền một cách hòa bình theo tinh thần và nguyên tắc của luật pháp quốc tế.
Philippines: “biển Tây Philippines” thay biển Nam Trung Hoa
Lần đầu tiên Philippines sử dụng cụm từ “biển Tây Philippines” thay cho cụm từ biển Nam Trung Hoa (tên tiếng Anh của khu vực biển mà Việt Nam gọi là biển Đông).
Ngày 11.6, ông Graciano Yumul, cố vấn của Cơ quan khí quyển, địa vật lý và thiên văn, dịch vụ hành chính Philippines (PAGASA) tuyên bố: "Xin được thông báo rằng từ bây giờ, chúng tôi sẽ sử dụng biển Tây Philippines trên các văn bản khuyến cáo thời tiết để nói đến khu vực chúng ta thường gọi là biển Nam Trung Hoa".
"Gần đây, chính phủ đã sử dụng tên này, đặc biệt là với vấn đề Trường Sa. Vì vậy, để tránh nhầm lẫn, chúng tôi cũng sẽ sử dụng tên biển Tây Philippines", ông Yumul cho biết.
Hôm 11.6, chính phủ Philippines sử dụng cụm từ "biển Tây Philippines" lần đầu tiên trong một tuyên bố phản ứng với cảnh báo của Trung Quốc vào ngày 9.6 rằng các nước trong khu vực biển Đông phải ngừng tìm kiếm dầu khí tại khu vực tranh chấp mà không được phép từ Trung Quốc.
"Cộng hoà Philippines đã tuyên bố vị trí của mình về các vấn đề lãnh thổ ở biển Tây Philippines. Chúng tôi cam kết đối thoại với các nước có tranh chấp", phát ngôn viên tổng thống, ông Edwin Lacierda nói tại một cuộc họp báo. "Chúng tôi kêu gọi tất cả các bên kiềm chế không đưa ra các phát ngôn có tính khiêu khích sẽ làm cho tình hình khó khăn hơn để đạt được một giải pháp tốt," ông Lacierda nói.
Trước đó bộ Ngoại giao Philippines đã sử dụng cụm từ này trong các văn kiện trao đổi với phía Trung Quốc về phản ứng của Philippines đối với việc Trung Quốc gia tăng các vụ gây hấn tại các khu vực mà Philippines tuyên bố chủ quyền trên biển Đông.
Đưa ra gợi ý về giải quyết tranh chấp
Bộ ngoại giao Philippines cũng đưa ra gợi ý giải quyết các tranh chấp trên biển Đông, qua việc xây dựng một khung pháp lý biến khu vực tranh chấp thành khu vực hoà bình, tự do, hữu nghị và hợp tác (gọi tắt là ZoPFF/C), bằng cách phân biệt các khu vực tranh chấp với các khu vực không có tranh chấp tại vùng biển này phù hợp với Công ước Liên hiệp quốc năm 1982 về Luật biển (UNCLOS).
Tổng thống Philippines, ông Benigno Aquino đã giải thích về ZoPFF/C rằng "những gì của chúng tôi là của chúng tôi, và với những gì đang có tranh chấp, chúng ta có thể làm việc theo hướng hợp tác chung".
Chủ tịch Thượng viện Jinggoy Estrada cũng kêu gọi chính phủ giải quyết vấn đề tranh chấp trên quần đảo Trường Sa thông qua biện pháp ngoại giao, trong đó có việc Philippines cùng các nước liên quan tham gia giải quyết, gồm Việt Nam, Indonesia, Malaysia và Trung Quốc.
Tàu sân bay Mỹ tuần tra Tây Thái Bình Dương Ngày 12.6, tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân hiện đại nhất của Mỹ, chiếc George Washington (CVN 73) đã rời căn cứ Yokosuka, tỉnh Kanagawa (Nhật) để tham gia vào một cuộc tuần tra đa quốc gia tại khu vực Tây Thái Bình Dương. Nhiệm vụ này của tàu dự kiến kéo dài vài tháng, bao gồm việc phối hợp với các nước khác trong việc tuần tra các vùng biển, bao gồm cả vùng biển Đông, giữa lúc có quan ngại về sự hiện diện gia tăng của tàu hải quân Trung Quốc trong khu vực. Theo phát biểu của ông David Lausman, hạm trưởng tàu sân bay George Washington trước khi tàu xuất bến, đây là hoạt động chung của Mỹ với các đồng minh trong khu vực Thái Bình Dương nhằm làm ổn định toàn bộ khu vực, tuy nhiên ông không nêu tên quốc gia nào sẽ tham gia tuần tra chung. Trước đó, tàu Chung Hoon của Mỹ đã lên đường tuần tra khu vực Tây Thái Bình Dương, trong đó có biển Đông và dự kiến tham gia tập trận với hải quân Philippines. (Theo Kyodo) |
H.S (theo Taipei Times, Inquirer.net, Kyodo)
------------------
*****
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét