++ Hãy đến với nhau bằng tấm lòng trung thực!++

Thứ Tư, 29 tháng 6, 2011

Tin vui: “Sói biển” trở lại ngư trường Hoàng Sa

“Sói biển” trở lại ngư trường Hoàng Sa


Thứ Tư, 29/06/2011 00:06

“Sói biển” Mai Phụng Lưu (ở huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) được vay 300 triệu đồng để đóng mới tàu cá, tiếp tục ra khơi khai thác ở vùng biển Hoàng Sa.


Chung tay hỗ trợ ngư dân, những người vừa mưu sinh trên biển vừa góp phần giữ gìn lãnh hải của Tổ quốc là mục tiêu của đêm hội “Đồng hành cùng ngư dân bám biển”, diễn ra tại TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định tối 28-6. Chương trình “Đồng hành cùng ngư dân bám biển” do Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao tổ chức trước mắt sẽ triển khai hỗ trợ cho ngư dân 4 tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên hoạt động trên vùng biển Hoàng Sa và Trường Sa.
Phải Hoàng Sa chứ không đâu khác!
Trong đêm hội, Ngân hàng Đông Á công bố quỹ tín dụng 20 tỉ đồng cho ngư dân vay với lãi suất ưu đãi 14%/năm nhằm giúp họ cải hoán tàu thuyền, trang bị ngư lưới cụ để bám biển, giữ ngư trường.
“Chúng tôi hướng đến mục tiêu hỗ trợ bền vững cho ngư dân có thêm những nguồn lực để có thể ổn định và phát triển việc làm ăn của mình trên biển vừa bám biển bảo vệ đất nước’’ - ông Lê Trí Thông, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Đông Á, cho biết.
Quỹ tín dụng để ngư dân vay ưu đãi trước mắt sẽ cho ngư dân Quảng Ngãi và Bình Định vay mỗi tỉnh 6,5 tỉ đồng.
Ông Trần Phương Bình, Tổng Giám đốc Ngân hàng Đông Á (bìa trái), trao khoản vay ưu đãi 300 triệu đồng cho “sói biển” Mai Phụng Lưu
Với nguồn quỹ này, “sói biển” Mai Phụng Lưu (ở huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) là khách hàng đầu tiên được vay 300 triệu đồng để đóng mới tàu cá, tiếp tục ra khơi khai thác ở vùng biển Hoàng Sa.
Ông Lưu cho biết kể từ khi chiếc tàu cá của ông bị hải quân Trung Quốc phá hư khi đang đánh bắt trên vùng biển Hoàng Sa, ông cùng 3 người con làm thuê cho các tàu cá ở Lý Sơn.
Đến nay, gia đình ông dành dụm được 250 triệu đồng. Nghe tin mình được vay ưu đãi 300 triệu đồng, “sói biển” trở nên hứng khởi: “Được vay ưu đãi, tôi sẽ đóng ngay chiếc tàu trên dưới 200 CV. Chỉ 2 tháng sau, cha con tôi lại được đạp sóng ra Hoàng Sa khai thác rồi. Phải là Hoàng Sa chứ không đâu khác. Không cớ gì mình lại từ bỏ ngư trường do cha ông để lại. Sau này, khi tôi già, các con tôi cũng phải ra đó đánh bắt. Hoàng Sa là biển mình mà”.
Mơ ước vươn xa
Không riêng “sói biển” Mai Phụng Lưu, ngư dân đảo Lý Sơn đang rất cần nguồn vốn vay ưu đãi, cải hoán tàu có công suất lớn để ra khơi xa, khai thác hiệu quả hơn. Gia đình ông Nguyễn Văn Ái (62 tuổi, ở thôn Xuân Bình, xã Mỹ An, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định) hiện có 4 tàu đánh bắt công suất lớn. Trong đó, chiếc lớn nhất có công suất đến 900 CV là tàu cá tư nhân lớn nhất Việt Nam hiện nay.

Ngư dân cần nhiều thứ nhưng thời gian qua, chính sách hỗ trợ của Nhà nước chưa đáp ứng kịp. Ngoài tài chính, Nhà nước cần hỗ trợ trong việc đào tạo, tập huấn giúp ngư dân ứng phó với thiên tai cũng như những bất trắc xảy ra trên biển.
Ông Nguyễn Hữu Hào (Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bình Định)
Ông Ái dự định, nếu được vay ưu đãi, ông sẽ bán chiếc công suất 450 CV để gom tiền đóng tàu có công suất lớn hơn. “Nếu được vay ưu đãi khoảng 1,5 tỉ đồng để đóng tàu trên 1.000 CV thì hay quá. Chỉ 3 năm sau, tôi trả hết gốc lẫn lãi thôi. Bây giờ, mình phải đóng tàu lớn mới ra xa được, vừa khai thác hiệu quả vừa giữ được biển của mình” - ông Ái bộc bạch.
Bà Mai Kim Thi, Chi cục trưởng Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản Bình Định, cho biết: “Nhìn chung, thiết bị liên lạc của đội tàu cá Bình Định hiện vẫn còn lạc hậu. Nếu được vay ưu đãi để nâng cấp tàu thuyền, ngư dân sẽ rất mừng”.
Đẩy mạnh đào tạo
Ông Văn Công Việt (ở tổ 27, khu vực 5, phường Hải Cảng, TP Quy Nhơn), hành nghề câu cá ngừ đại dương ở vùng biển Trường Sa, cho biết: “Thế hệ tôi trở về trước đi biển phần lớn là ít học, trong khi các nước tiên tiến, những người đi biển đều được đào tạo bài bản. Thế hệ con cháu chúng ta phải khác đi chứ, phải nắm chắc luật về biển để mình không bị bắt nạt”.
Ông Việt rất vui khi biết trong chương trình “Đồng hành cùng ngư dân bám biển” có một nội dung rất quan trọng là đào tạo, nâng cao trình độ cho con em ngư dân tiếp tục nối nghiệp cha ông bám biển. Theo đó, trước mắt, Quỹ Hỗ trợ phát triển giáo dục (EDF) tham gia chương trình bằng việc hỗ trợ 300 triệu đồng đầu tư phát triển giáo dục ở huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi), 400 triệu đồng để phát triển giáo dục các xã ven biển tỉnh Bình Định.
Việc đầu tư phát triển giáo dục ở các địa phương ven biển được cụ thể hóa bằng việc dạy nghề biển cho con em ngư dân, trao học bổng cho học sinh nghèo là con em ngư dân, đầu tư cơ sở vật chất trường lớp và xây dựng chương trình về dinh dưỡng cho con em ngư dân…
Ngoài ra, Ngân hàng Đông Á sẽ hỗ trợ 500 triệu đồng giúp con em ngư dân được học hành để có thể tiếp tục phát triển nghề biển lâu dài - ông Lê Trí Thông cho biết thêm.

Bài và ảnh: Hồng Ánh
----------------------------------------------
Nôn nao ngày trở lại biển khơi

SGTT.VN - Đó là chia sẻ của ngư dân Mai Phụng Lưu với phóng viên báo Sài Gòn Tiếp Thị sau khi nhận khoản tài trợ tín dụng 300 triệu đồng với mức lãi suất ưu đãi từ quỹ tín dụng do ngân hàng Đông Á tài trợ trong chương trình Cùng ngư dân bám biển.
Mai Phụng Lưu. Ảnh: Minh Đức
Sau những biến cố trên biển, cuộc sống của ông hiện nay ra sao?

Tôi và ba con trai bị Trung Quốc bắt giữ, thu tàu nên tài sản gần như mất trắng. Hiện nay bốn cha con tôi đi bạn (làm thuê – PV) cho tàu khác, may mà cũng đủ sống. Nhưng mỗi lần ngồi trên bờ nhìn ghe tàu của đảo Lý Sơn ra khơi mà lòng nôn nao. Tôi mường tượng những chuyến ra khơi “ăn sóng nằm gió” trên biển của dòng họ mình qua bao đời. Dù biết đi biển cực khổ lắm nhưng cha con tôi vẫn ao ước được ra khơi trên chiếc tàu của mình như hồi trước.

Gặp bao khó khăn như vậy mà vẫn quyết tâm bám biển, điều gì đã thôi thúc ông?

Tôi thường dạy con mình vùng Biển Đông với đảo Hoàng Sa và Trường Sa là của tổ quốc mình. Cha con tôi không muốn bỏ biển. Không ai có quyền bắt bàn tay chai sạn của chúng tôi rời bỏ mảnh lưới, dây câu… Bao đời nay gia đình tôi sống với biển, giờ cha con tôi cũng tiếp tục theo nghề của tổ tiên, sống với biển. Cuộc đời của chúng tôi là biển khơi, bỏ biển chúng tôi không làm gì khác được. Mình ra biển cũng là để cho những ai bạo liệt, cấm đoán biết rằng không thể cấm ngư dân mình được vì biển đó là của Việt Nam.

Là ngư dân đầu tiên được tài trợ tín dụng với lãi suất ưu đãi từ chương trình Cùng ngư dân bám biển, ông dự định chừng nào trở lại biển khơi?

Tui vui lắm. Trước nay muốn được đi biển trở lại nhưng không có tiền mua tàu, sắm ngư cụ, chưa tính giá cả dầu, nước đá đều lên mà lãi suất vay vốn cũng tăng. Tui chạy vạy được gần 300 triệu đồng, số tiền này đủ mua một nửa chiếc ghe cũ. Với số tiền được tài trợ này, tui đủ tiền rồi. Tui sẽ mua ghe liền và sắm sửa thêm thiết bị liên lạc, máy móc, tuyển mộ bạn ghe… Nếu suôn sẻ thì chỉ sau hai tháng nữa là tui có thể ra biển rồi. Mừng quá! Tui chỉ mong sẽ có thêm nhiều chương trình như vậy để nhiều ngư dân như tui lại được bám biển mưu sinh và thông qua việc kiếm sống hàng ngày trên biển, góp phần giữ biển cho quê mình.

Bảo Trung Thanh (thực hiện)
------------------
*****


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tìm kiếm Blog này