++ Hãy đến với nhau bằng tấm lòng trung thực!++

Thứ Tư, 29 tháng 6, 2011

Nhà văn Phạm Viết Đào: Góp bàn với Bộ trưởng 4T về 3 điều kiện để xuất bản báo tư nhân tại Việt Nam

Bịt tai, bịt miệng, bịt mắt... mãi đâu có được, cũng phải nhìn ra thế giới mà học hỏi cho khôn người ra; đi nhiều mà chả học được một sàng khôn nào, thì chỉ có là kẻ ngu, chỉ phí tiền đóng thuế của nhân dân, hề hề!!!

GÓP BÀN VỚI BỘ TRƯỞNG LÊ DOÃN HỢP VỀ 3 ĐIỀU KIỆN ĐỂ XUẤT BẢN BÁO TƯ NHÂN TẠI VIỆT NAM 

Phạm Viết Đào. 

Nếu Việt Nam đồng ý cho phép xuất bản báo tư nhân thì thật sự đây là một hành động “cởi trói vĩ đại”, mang dấu ấn cách mạng đối với đời sống thông tin báo chí tại Việt Nam… Sự cởi trói này sẽ tạo điều kiện cho nền báo chí Việt Nam hòa nhập được với cộng đồng báo chí thế giới… 

 

Đài BBC vừa đưa tin về cuộc phỏng vấn của báo Việt Weekly và Phố Bolsa TV với  Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Lê Doãn Hợp về chủ đề về tự do thông tin. Cuộc phỏng vấn kéo dài hơn 1 tiếng đồng hồ với nhiều vấn đề liên quan tới hoạt động báo chí tại Việt Nam. Tôi đặc biệt chú ý tới ý kiến của BT Lê Doãn Hợp về 3 điều kiện để có thể xuất bản báo tư nhân tại Việt Nam. Sau đây xin trích đưa lại ý kiến này và xin được góp bàn thêm về các điều kiện mà BT Lê Doãn Hợp đã nêu.

Theo BT Lê Doãn Hợp, để xuất bản được báo tư nhân tại Việt Nam, cần phải có các điều kiện sau: 

"Báo chí tư nhân để cho ra đời thì Việt Nam phải có một lộ trình và phải giải quyết căn cơ ba vấn đề. Ba vấn đề này giải quyết tốt thì báo chí Việt Nam mới có thể tiến kịp thời đại và thế giới được. 

- Thứ nhất là luật lệ. Luật lệ Việt Nam nói thật chúng tôi mới vào cuộc mấy chục năm Đổi Mới nên luật lệ phải sửa liên tục và nó không theo kịp cái vận động cuộc sống và hội nhập thế giới.

Cái luật hiện nay còn quá lỏng và các chế tài xử lý không nghiêm...

- Cái thứ hai, mà tôi cho là rất quan trọng, là tính chuyên nghiệp của những người làm báo. Chúng tôi hiện có 17.000 phóng viên nhưng mà tính chuyên nghiệp chưa cao...

- Và cái thứ ba là dân trí.

Chúng ta phải nâng dân trí lên để dân có thể coi là lực lượng giám sát báo chí cao nhất, tối thượng nhất.

Dân trí Việt Nam còn thấp," ông Hợp nói…”


Trước hết với tư cách là một nhà báo và là một nhà văn, tôi hết sức hoan nghênh ý kiến nêu trên của Bộ trưởng Bộ Thông tin-Truyền thông Lê Doãn Hợp. Ý kiến này rõ ràng là một bước tiến dài của Chính phủ Việt Nam trong vấn đề nhìn nhận và cũng như quan điểm về quản lý, tạo điều kiện môi trường pháp lý cho báo chí phát triển đúng chức năng của mình. 
Hiện nay tại Việt Nam chỉ cho phép báo của các cơ quan nhà nước cấp Bộ, Tập đoàn kinh tế, các hội chính trị xã hội ra báo; các điều kiện này đã làm cho cái sân báo chí bị gò bó… Cái cơ chế xuất bản báo chí không giống ai này đã hạn chế vai trò của báo chí, nhà báo trong việc cung cấp thông tin để góp phần thúc đẩy, quản trị, điều chỉnh, lành mạnh hóa xã hội; trong khi đó thì đời sống thông tin báo chí thế giới đang phát triển như vũ bão và ngày càng trở nên sống động…
Nếu so sánh với ý kiến của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong một lần phỏng vấn phóng viên báo nước ngoài cách đây vài năm về vấn đề xuất bản báo tư nhân tại Việt Nam, ông Nguyễn Tấn Dũng đã cho biết ( đại ý ): Tại Việt Nam luật pháp không cho phép báo tư nhân…Lần này ý kiến của BT Lê Doãn Hợp không “khóa trái” cánh cửa báo tư nhân mà chỉ nêu ra “ lộ trình” và “ điều kiện “ để có thể xuất bản báo tư nhân tại Việt Nam…
Nếu Việt Nam đồng ý cho phép xuất bản báo tư nhân thì thật sự đây là một hành động “cởi trói vĩ đại ” mang dấu ấn cách mạng đối với đời sống thông tin báo chí tại Việt Nam…Sự cởi trói này sẽ tạo điều kiện cho nền báo chí Việt Nam hòa nhập được với cộng đồng báo chí thế giới…
Còn 3 điều kiện mà ông BT Lê Doãn Hợp đặt ra theo cá nhân tôi không có gì khác thường; trong hoàn cảnh và điều kiện của Việt Nam, không lâu nữa chúng ta có thể đáp ứng đầy đủ các điều kiện để cho giới báo chí Việt Nam được tự do, bình đẳng như các chủ thể, pháp nhân, các thành phần kinh tế khác trong xã hội…
Vậy tôi xin được đóng góp một số ý kiến để cho cái “lộ trình” mà ông BT Lê Doãn Hợp nêu sớm trở thành thực tế, 3 điều kiện mà BT Lê Doãn Hợp được sớm hoàn thiện, hoàn chỉnh:
-Về điều kiện thứ nhất đó là luật pháp
Theo tôi đây là vấn đề không mới và không khó cả với thế giới và đối với Việt Nam. Thế giới có nhiều nước có báo tư nhân, vậy thì người ta quản lý thế nào để báo chí phát huy được chức năng thông tin, đóng góp vào việc quản trị, lành mạnh xã hội thì ta tiếp thu, học hỏi, kế thừa và phát triển…Chúng ta đã giao lưu, học hỏi, kế thừa và phát triển nhiều thứ từ các kho “ dữ liệu “, “ nguyên liệu “ của thế giới; chả nhẽ hoạt động báo chí chúng ta lại không làm được ?
Thứ hai, Việt Nam cần phải có những cải cách trong việc kiến thiết, xây dựng hệ thống luật pháp. Với cách đầu tư xây dựng luật pháp như hiện nay cho thấy bộc lộ quá nhiều bất cập. Luật ngành nào giao cho ngành đó soạn; ngành đó soạn thì trước tiên người ta phải nghĩ là có lợi cho mình, dễ cho mình…Tại sao chúng ta không tiến hành “ đấu thầu “ xây dựng luật pháp như các nước vẫn làm, như đấu thầu các công trình của khoa học xã hội nhân văn khác…
Tư nhân, các nhóm tác giả, các trung tâm, các viện nghiên cứu do các doanh nghiệp, tư nhân tự thành lập có thể tự tổ chức sáng tạo ra các công trình khoa học-kỹ thuật, văn học-nghệ thuật mà độ tinh hoa về trí tuệ không thể nói là kém hơn các công trình luật pháp…Tại sao chúng ta không xã hội hóa vấn đề xây dựng các công trình luật pháp mà lại giao độc quyền cho các cơ quan nằm trong các bức tường hành chính, quan liêu, già nua và tham nhũng…
Nếu chúng ta mở ra theo hướng này, nhất định đời sống luật pháp kể cả xây dựng và áp dụng luật pháp sẽ có thay đổi đột biến…
Người Việt Nam so với mặt bằng chung của thế giới về mặt trí tuệ, kiến thức hiểu biết và vận dụng khoa học-kỹ thuật-luật pháp không thể xếp vào diện thấp kém được…
Do đó, để soạn ra được một hệ thống luật pháp tạo điều kiện cho báo chí tư nhân ra đời, chắc chắn đây không phải là điều kiện quá khó mà người Việt Nam không thể không làm được, không thể không vượt qua, không thể không đồng thuận với nhau được…
- Điều kiện thứ 2, theo ý kiến của BT Lê Doãn Hợp đó là tính chuyên nghiệp của những người làm báo chưa cao ?
Tôi không tán thành ý kiến này của BT Lê Doãn Hợp. Không chỉ báo chí mà nhiều lĩnh vực khác còn cao cấp hơn báo chí, phức tạp hơn báo chí, trừu tượng hơn báo chí mà người Việt Nam vẫn trở nên chuyên nghiệp được, thậm chí trở thành tinh hoa của thế giới như trường hợp Ngô Bảo Châu và rất nhiều nhà khoa học đủ các ngành nghề đã chứng minh. Theo tôi, các nhà báo “quốc doanh” hiện nay có những mặt hạn chế này nọ về nghiệp vụ báo chí, về bản lĩnh nghề nghiệp là do cái “cơ chế”…quản lý báo chí hiện nay đẻ ra…
Việt Nam từ chỗ thiếu gạo trở thành quốc gia có gạo xuất khẩu hàng đầu thế giới, điều này do cơ chế chứ đâu phải do nông dân Việt Nam trước đây không chuyên nghiệp, tay nghề kém…
- Còn điều kiện thứ 3 như ông BT Lê Doãn Hợp nói đó là vấn đề dân trí ?
Về điều kiện thứ 3 này, tôi lại càng không đồng ý với ông; với điều kiện dân trí như hiện nay tại Việt Nam, theo tôi chúng ta có đủ điều kiện để xuất bản báo tư nhân; thậm chí người đọc hiện nay còn khao khát có báo tư nhân để đọc…Ông thử vào kiểm tra các trang mạng tư nhân, các blog cá nhân mà xem, ông có thể tưởng tượng có những blog cá nhân hàng ngày có tới hàng vạn người vào truy cập, mặc dù những blog cá nhân này hoạt động hết sức hạn chế bởi sự ngặt nghèo của các điều kiện: từ thời gian, kỹ thuật đến kinh phí…Thử cấp phép cho họ hoạt động như một tờ báo tư nhân xem, họ có trở nên những tơ báo đứng đắn, có sức thu hút bạn đọc và góp phần vào việc làm lành mạnh xã hội không…
Hiện nay nhiều nước dân trí còn thua xa Việt Nam thế mà họ lại có báo tư nhân, vậy thì Việt Nam lẽ nào ???
Tóm lại qua các điều kiện mà BT Lê Doãn Hợp nêu tôi thấy điều kiện để xuất bản báo tư nhân tại Việt Nam đã chín muồi; quả bóng hiện nằm trong chân của các nhà quản lý? Chúng ta có chịu hòa đống với thế giới trong các chính sách chung phát triển kinh tế-xã hội-văn hóa-giáo dục-thông tin không? Hay chúng ta cứ khư khư một mình một chợ, một kiểu quán lý, một kiểu sống, một kiểu làm việc không giống ai ? Tự thiết kế cho mình một mô hình riêng, tự tách biệt để đứng bên lề của cộng đồng văn minh thế giới…
Dẫu sao thì tôi hết sức hoan nghênh và ủng hộ ý kiến mang tính cách mạng, đột phá của BT Lê Doãn Hợp.
Chừng mực nào đó, tôi thấy cần phải cảm ơn ông BT Lê Doãn Hợp về ý kiến mà ông đã nêu; theo tôi ý kiến đó là rất xác đáng và rất phù hợp với tâm nguyện của những người hoạt động trong giới báo chí Việt Nam, phù hợp với xu thế của thế giới, phù hợp với quyền lợi của độc giả Việt Nam; Ý kiến của ông theo tôi là rất hữu ích đối với nhà nước Việt Nam…
 
P.V.Đ

------------------
*****


1 nhận xét:

  1. Hoan ho y kien cua Ong Le Doan Hop, nhung toi nhac Ong la noi duoc thi phai lam duoc day nhe.Dung de nhan dan noi la "dung nghe nhung gi cong san noi, ma hay nhin ky nhung gi cong san lam". Toi nghi Ong nen noi guong D/C Nguyen Van Linh; "Noi Va Lam". Hoan ho va ung ho y kien rat hay va sau sac cua Ong nha van Pham Viet Dao
    Tap soan Vinasin

    Trả lờiXóa

Tìm kiếm Blog này