++ Hãy đến với nhau bằng tấm lòng trung thực!++

Thứ Ba, 28 tháng 6, 2011

Thượng viện Mỹ ra nghị quyết chê trách hành động của Trung Quốc ở biển Đông


----------------------------------------
nguồn: SGTTVN
Thượng viện Mỹ ủng hộ giải quyết tranh chấp biển đông bằng đa phương
SGTT.VN - Chiều 27.6.2011 (giờ Washington), Thượng viện Mỹ đã nhất trí thông qua nghị quyết S.Res.217 lên án việc sử dụng vũ lực gần đây của các tàu Trung Quốc trong các tranh chấp lãnh thổ tại Biển Đông với Việt Nam và Philippines.

Thượng nghị sĩ Jim Webb: “Ngày càng nhiều nước Đông Nam Á lên tiếng bày tỏ quan ngại về 'khuôn mẫu của sự đe dọa' từ Trung Quốc”.
Nghị quyết này do 4 thượng nghị sĩ trình lên Thượng viện Mỹ hôm 13.6, gồm thượng nghị sĩ Jim Webb (đảng Dân chủ, bang Virginia), chủ tịch Tiểu ban các vấn đề Đông Á - Thái Bình Dương thuộc ủy ban đối ngoại Thượng viện Mỹ; thượng nghị sĩ James Inhofe (đảng Cộng hoà, bang Oklahoma), thượng nghị sĩ Joseph Lieberman (đảng Dân chủ, bang Connecticut) và thượng nghị sĩ Daniel Inouye (đảng Dân chủ, bang Hawaii).

Phát biểu trong cuộc họp báo sau khi Thượng viện Mỹ thông qua nghị quyết này, thượng nghị sĩ Jim Webb nói: “Ngày càng nhiều nước Đông Nam Á lên tiếng bày tỏ quan ngại về "khuôn mẫu của sự đe dọa" từ Trung Quốc”. Ông cho biết Mỹ có lợi ích chiến lược trong việc thúc đẩy đàm phán đa phương để giải quyết các tranh chấp này.

Trước đó, ngày 10.6, văn phòng thượng nghị sĩ Jim Webb đã ra thông cáo báo chí bày tỏ mối quan ngại sâu sắc về việc Trung Quốc liên tiếp sử dụng vũ lực nhằm khẳng định tuyên bố chủ quyền biển tại Biển Đông.

Theo Nghị quyết S.Res.217, ngày 9.6.2011, 3 tàu Trung Quốc, trong đó có 1 tàu cá và 2 tàu hải giám, đã cắt cáp của tàu thăm dò địa chấn Việt Nam, chiếc Viking 2. Việc này xảy ra trong phạm vi khu đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam.

Trước đó, ngày 26.5.2011, một tàu hải giám của Trung Quốc đã cắt cáp của tàu thăm dò Bình Minh của Việt Nam trong vùng biển gần vịnh Cam Ranh. 

Trong khi đó, tháng 3.2011, Chính phủ Philippines đã báo cáo rằng tàu tuần tra Trung Quốc đã quấy nhiễu 1 của tàu giám sát của Philippines.

Trung Quốc, Việt Nam, Philippines, Đài Loan, Malaysia, và Brunei có tranh chấp chủ quyền lãnh thổ đối với quần đảo Trường Sa, và Trung Quốc và Việt Nam có những tuyên bố gây tranh cãi đối với quần đảo Hoàng Sa. Trung Quốc còn tuyên bố chủ quyền đối với hầu hết diện tích biển Đông, khoảng 648.000 dặm vuông (1,7 triệu km2), nhiều hơn bất kỳ quốc gia khác liên quan đến tranh chấp trên biển Đông.

Năm 2002, Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN) và Trung Quốc đã ký Tuyên bố về quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC).

Trong khi đó, mặc dù không phải một bên trong những tranh chấp này, Mỹ có quyền lợi kinh tế quốc gia và an ninh trong việc bảo đảm không bên nào dùng vũ lực đơn phương để khẳng định các tuyên bố chủ quyền lãnh thổ biển ở Đông Á.

Thượng viện Mỹ đã nhất trí thông qua nghị quyết S.Res.217.
Chính phủ Mỹ bày tỏ ủng hộ tuyên bố của ASEAN và Trung Quốc năm 2002 về quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông, và hỗ trợ một quá trình hợp tác ngoại giao của tất cả các bên tranh chấp để giải quyết những khác biệt trong tranh chấp lãnh thổ mà không dùng đến vũ lực.

Do đó, Thượng viện Mỹ tái khẳng định sự ủng hộ mạnh mẽ của Mỹ đối với việc giải quyết hòa bình các tranh chấp lãnh thổ hàng hải ở Biển Đông, và cam kết tiếp tục nỗ lực để tạo điều kiện cho một tiến trình hoà bình và đa phương để giải quyết các tranh chấp này. Thượng viện Mỹ lên án việc sử dụng các lực lượng an ninh của các tàu hải quân và hải giám của Trung Quốc trên biển Đông; kêu gọi tất cả các bên tranh chấp lãnh thổ kiềm chế không đe dọa vũ lực hoặc sử dụng vũ lực để khẳng định chủ quyền lãnh thổ; và ủng hộ việc tiếp tục các hoạt động của quân đội Mỹ nhằm hỗ trợ quyền tự do hàng hải trong vùng biển quốc tế và không phận trên Biển Đông.

Trước đó, trong cuộc tham vấn Mỹ – Trung về các vấn đề ở châu Á – Thái Bình Dương tại Hawaii cuối tuần qua (25.6), phía Mỹ đã nêu rõ quan điểm muốn giảm căng thẳng hiện tại ở Biển Đông, đưa khu vực này trở lại trạng thái ổn định.

Trung Quốc trong thời gian qua đã bác bỏ việc hội đàm đa phương giải quyết các tranh chấp trên Biển Đông, thay vào đó họ muốn tiếp xúc song phương.

Theo nhận xét của hãng tin AP, tuy chính quyền Obama ủng hộ đàm phán đa phương về vấn đề này nhưng lại ít muốn đối đầu với Trung Quốc về vấn đề này.

H.S (tổng hợp)
------------------
*****


4 nhận xét:

  1. Cờ ngoài bài trong.Người ta muốn đa phương,còn ta thì muốn song phương.Có điều gì bất ổn ở đây?

    Trả lờiXóa
  2. Bất ổn vì có 16 chữ vàng và quan hệ 4 tốt với TQ

    Trả lờiXóa
  3. không phải là 16 chữ vàng mà chỉ là 16 chữ thôi.

    Trả lờiXóa
  4. không phải là 16 chữ vàng mà chỉ là 16 chữ thôi. Nói cho đúng hơn là là 16 chữ "vàng" phải bịt mũi bạn ạ.

    Trả lờiXóa

Tìm kiếm Blog này