Nguồn: giaoduc.net.vn
|
Thứ sáu, 17 Tháng 6 2011 08:46 | ||||||||||||||||
(GDVN) - Đất nước là gốc rễ, là một phần máu thịt thiêng liêng trong mỗi con người. Nhưng yêu nước không chỉ là lòng dũng cảm, tinh thần hy sinh để bảo vệ non sông mỗi khi có họa xâm lăng. Lòng yêu nước còn là tự hào về giang sơn gấm vóc, về nỗi tha thiết đóng góp để xóa đi nỗi đau nghèo hèn, cháy bỏng khát khao xây dựng đất nước giàu mạnh.
Ba tuần đặc biệt vừa qua đã thêm một lần minh chứng, mỗi khi đất nước gặp khó khăn, lòng yêu nước của nhân dân ta lại "kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn" như lời Hồ Chủ tịch từng đúc kết. Dù bận rất nhiều công việc của quốc hội bởi đang trong thời kỳ biên soạn tài liệu nhưng Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết vẫn dành thời gian để đến cuộc giao lưu. Ông tâm sự: "Một đề tài hay và nóng hổi của một tờ báo nóng hổi như thế này thì kiểu gì tôi cũng phải đến dự". Dù đang phải chống chọi với bệnh tim trong một giai đoạn chuyển biến phức tạp, được bác sĩ khuyên nhập viện điều trị, nhưng Trung tướng Phạm Hồng Cư vẫn nhận lời mời đến tham dự buổi Giao lưu trực tuyến: "Cần làm gì cho Tổ quốc". Bước sang tuổi 85, nhưng Trung tướng Nguyễn Quốc Thước vẫn không một ngày ngưng nghỉ làm việc. 8H30 sáng ông có mặt tại tòa soạn Báo Giáo dục Việt Nam. Ông chia sẻ: "Nhận lời mời của báo, tôi đã thức hai đêm tìm tòi tài liệu để chất lượng thông tin cuộc giao lưu được tốt hơn". Trong những ngày này, khi mà tinh thần yêu nước, đoàn kết và tự hào dân tộc của người Việt đang dâng lên rất cao và cần được kích cầu hơn nữa, thì bài thơ “Tổ quốc nhìn từ biển” của nhà thơ, nhà báo Nguyễn Việt Chiến (Báo Thanh niên) đã gây nên một tiếng vang lớn trong dư luận. Thể hiện một cách mãnh liệt và da diết nhất tình yêu tổ quốc; quyết tâm không chuyển dời đối với chủ quyền lãnh thổ, dưới bút pháp của một tâm hồn tài hoa, bài thơ đã nói hộ tiếng lòng của triệu triệu con dân Việt. Do một số lý do đặc biệt về nhiệm vụ, Đại tá Dương Đề Dũng không thể có mặt tại buổi giao lưu trực tuyến. Ông hẹn trả lời các vấn đề độc giả quan tâm vào một dịp khác. Dù cố gắng trả lời suốt 2 giờ liên tục, các vị khách mời cũng chỉ đáp ứng được phần nào mong muốn của độc giả. Báo Giáo dục Việt Nam trân trọng giới thiệu toàn bộ nội dung cuộc giao lưu. Thưa nhà thơ – nhà báo Nguyễn Việt Chiến: Trong chiến tranh, người ta biết tới sức mạnh của ngòi bút: “Mỗi vần thơ bom đạn phá cường quyền”, theo anh, trong thời bình, điều này có còn đúng không? Và nếu đúng, với tư cách là nhà thơ, nhà báo, anh có lời nhắn nhủ gì đối với tầng lớp nghệ sĩ – tri thứctrong xã hội hiện nay? Họ cần làm gì cho Tổ quốc? - (hongdiep_neh@gmail.com). - Nhà thơ - nhà báo Nguyễn Việt Chiến: Một câu hỏi khá thú vị. Theo tôi, trong chiến tranh giải phóng đất nước và chiến tranh giữ nước, sức mạnh của ngòi bút : “Mỗi vần thơ bom đạn phá cường quyền” đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử của nó đối với dân tộc và đất nước ở thời điểm ấy. Cách đây gần bốn chục năm (những năm 70 của thế kỷ trước), thế hệ trẻ thời kỳ ấy hành quân ra chiến trường và trong hành trang tinh thần của chúng tôi lúc ấy chỉ có dăm bài thơ yêu nước. Đến thời điểm này, đất nước ta đã có khoảng ba chục năm sống trong hòa bình, không còn thấy bom rơi, đạn nổ nhưng có lẽ, Tổ quốc và dân tộc ta cũng còn rất cần đến những bài thơ có thể đánh thức tinh thần yêu nước của thế hệ trẻ hôm nay. Chính vì vậy, khi viết bài thơ “Tổ quốc nhìn từ biển” vào những tháng năm này, tôi cũng mong những câu thơ của mình sẽ có mặt trong hành trang tinh thần của thế hệ trẻ hôm nay, để đánh thức tình yêu Tổ quốc đang được nuôi dưỡng trong tâm hồn mỗi con người Việt Nam qua nhiều thăng trầm lại như được khơi dậy trong những tháng năm này. Tôi nghĩ rằng mỗi một người trí thức- nghệ sĩ, mỗi một người cầm bút chân chính cần phải nói lên tiếng nói của nỗi đau và khát vọng dân tộc mình, phải thở hơi thở đời sống của nhân dân mình trong những năm tháng đất nước gian lao. Thưa nhà thơ Nguyễn Việt Chiến, anh đã viết bao nhiêu bài thơ có tinh thần như “Tổ quốc nhìn từ biển”? Anh có thể đọc cho chúng em nghe một vài câu trong số đó? - (Trần Đăng Khoa, Mỹ Thuận, Bình Lục, Nam Định) - Nhà thơ - nhà báo Nguyễn Việt Chiến: Trong mấy chục năm sáng tác thi ca tôi đã viết khá nhiều bài thơ có tinh thần như “Tổ quốc nhìn từ biển”, có thể kể tên như các bài thơ: “Đất nước” in trên báo Văn Nghệ năm 1992; “Quê Hương” in trên báo Văn Nghệ năm 1993; “Thời đất nước gian lao” in trên Tạp chí Văn nghệ Quân đội năm 2008; “Thăng Long sử thi” in trên báo Văn Nghệ năm 2010. Tôi xin dẫn chứng một số câu thơ có tinh thần tráng ca như thế: Ngàn năm cũ rùa thiêng còn giữ nỏ Trời Cổ Loa mây lông ngỗng sững sờ Khi giặc đến trên mỗi vòng thành ốc Vạn tên đồng sáng quắc giáo gươm khua Còn vang bóng suốt ngàn năm quật khởi Bản tuyên ngôn trên chiến lũy sông Cầu Lý Thường Kiệt ngâm bài thơ đuổi giặc Núi sông này có chủ đã từ lâu Thủa giặc đến Thăng Long thành chiến địa Đông Bộ Đầu khói lửa ngút trời mây Tiếng Sát Thát giục hùng binh xung trận Hưng Đạo Vương truyền hịch giữa đêm dày Thăng Long hỡi khi ba lần giặc đến Hàm Tử Quan dậy sóng rửa máu thù Đánh cho khiếp trống đồng rung bạc tóc Bạch Đằng Giang cuồn cuộn đến tận giờ Thủa Lê Lợi dấy binh đòi lại nước Trúc Lam Sơn cũng nhọn hoắt tên đồng Nhìn vó ngựa giặc tràn lên Ải Bắc Núi non mình đâu cũng thấy Chi Lăng Thăng Long gọi mùa hoa đào chiến trận Tết Quang Trung hỏa hổ đốt Ngọc Hồi Bầy voi chiến cùng mở đường xung trận Vạn giặc thù tan tác phía hoa rơi Đêm Hà Nội xẻ mình làm chiến lũy Cả trung đoàn quyết tử giữ Thủ đô Thắng giặc Pháp, các anh về trở lại Một rừng cờ xòe năm phía cửa ô Đêm một chạp dưới mưa bom rải thảm Đất Rồng bay nổi lửa quét giặc thù Hà Nội đánh pháo đài bay tan xác Sóng sông Hồng lại cuộn đỏ trong thơ Ngàn năm trước cha ông đi mở nước Dựng Hoàng thành dựng hùng khí Thăng Long Ngàn năm sau cháu con đi giữ nước Vẫn còn nguyên hùng khí thủa Tiên- Rồng Thưa các khách mời, thế hệ các ông, tinh thần yêu nước đã được truyền bá, bồi dưỡng theo những cách thức như thế nào khi mà thông tin và hệ thống giáo dục vẫn chưa phát triển? (Phạm Hoàng Nam, 28 tuổi, Hoàn Kiếm, Hà Nội) - Trung tướng Nguyễn Quốc Thước: Đã là người Việt Nam, con lạc cháu Hồng, cùng sinh ra chung một bọc (đồng bào) thì bất cứ thời đại nào, dù lúc thịnh hay lúc suy vẫn mãi mãi là dòng máu 4.000 năm đương đầu với bao nhiêu cuộc xâm lăng từ phương Bắc từ Châu Âu (Pháp), từ Châu Mỹ nhưng có bao giờ khuất phục được đâu, sức mạnh đó là sức mạnh của dòng máu đỏ Lạc Hồng, sức mạnh của nền văn hóa lạc hồng tích lũy đến ngàn năm mà không phải bất kỳ dân tộc nào cũng có được. Chúng ta thắng được những cuộc tấn công xâm lược của các tập đoàn hùng mạnh nhất thế giới qua các thời đại, vấn đề quyết định là từ đó: Nền văn hóa Lạc Hồng, ý chí Việt Nam mà từ đó tạo được sức mạnh của các dân tộc, sức mạnh chính trị, sức mạnh kinh tế, quân sự với một nền nghệ thuật độc đáo rất Việt Nam, biết có cách đánh phù hợp với mọi kẻ thù, mọi thời đại, biết tạo sức mạnh từ thế và lực hỗ trợ cho nhau, tạo nên sức mạnh tổng hợp tạo nên chiến thắng.
Từ sức mạnh của ta biết vận dụng sức mạnh của bạn bè, nghệ thuật thêm bạn bớt thù làm suy yếu địch làm tăng sức mạnh cho ta. - GS.Nguyễn Minh Thuyết: Tinh thần yêu nước là một tình cảm tự nhiên của con người. Không nói là thời chúng tôi còn trẻ mà ngay từ thời tổ tiên, cha ông ta đánh giặc, phương tiện truyền thông còn thô sơ hơn nhiều, nhưng điều đó không hề hạn chế tinh thần yêu nước của người dân. Thế hệ chúng tôi sinh ra trong chiến tranh chống Pháp, lớn lên trong chiến tranh chống Mỹ, lòng yêu nước, ý thức sẵn sàng bảo vệ độc lập tự do của tổ quốc, bảo vệ nhân phẩm của dân tộc là ý thức thường trực. Lòng yêu nước bắt đầu từ sự giáo dục của gia đình, của nhà trường và từ những hoạt động rất sôi nổi của thanh niên thời đó. Đặc biệt là thế hệ tôi có may mắn được trực tiếp gặp Bác Hồ nhiều lần, hình ảnh Bác là sự động viên hết sức to lớn đối với chúng tôi. - Nhà thơ - nhà báo Nguyễn Việt Chiến: Thế hệ trẻ cách đây gần 40 năm được bồi dưỡng tinh thần yêu nước chủ yếu qua những tác phẩm văn thơ, lịch sử, nghệ thuật được truyền bá trên ghế nhà trường phổ thông. Thời điểm ấy, trong hành trang tinh thần của thế hệ trẻ ra chiến trường chỉ có dăm bài thơ và bài hát yêu nước nhưng cũng đã tiếp cho họ sức mạnh tinh thần rất lớn để vượt qua những khó khăn gian khổ và mất mát trên những nẻo đường chiến tranh giải phóng đất nước. - Trung Tướng Phạm Hồng Cư: Thế hệ của tôi là thế hệ thanh niên Cách mạng Tháng 8, lúc đó tôi 20 tuổi thế hệ của tôi đã biết thế nào là thời nô lệ và đã theo lời kêu gọi của Mặt trận Việt Minh và của toàn dân đứng lên tiến hành cuộc khởi nghĩa tháng 8. Thế hệ của tôi là thế hệ của một lời thề đó là lời thề “Độc lập”. Chúng tôi đã giơ tay thề ngày 2/9 khi Bác Hồ đọc Tuyên ngôn độc lập. Theo lời kêu gọi của Bác Hồ, chúng tôi đã bước vào hai cuộc kháng chiến trường kỳ. Đến ngày 30/4, giải hết lời thề độc lập. Lòng yêu nước của thế hệ chúng tôi được hun đúc trong lời thề ấy và theo lời kêu gọi của bác Hồ làm tròn nhiệm vụ lịch sử của thế hệ mình cùng với toàn dân xóa nhục mất nước dành độc lập thống nhất cho Tổ quốc. Suốt chiều dài lịch sử, lòng yêu nước của người Việt Nam là rất lớn. Bây giờ, điều kiện kinh tế - xã hội - quốc tế có nhiều thay đổi, ông có lo ngại gì không về tinh thần yêu nước ngày hôm nay? (Nguyễn Hải Bình Minh (du học sinh tại Mỹ) GS.Nguyễn Minh Thuyết: Bác Hồ đã từng nói: Tinh thần yêu nước là một truyền thống cực kỳ quý báu của dân ta. Có những lúc, nó kín đáo như được giấu trong rương, trong hòm. Mỗi khi có giặc ngoại xâm thì tinh thần yêu nước ấy lại kết thành một làn sóng vô cùng to lớn và mạnh mẽ, quét sạch bè lũ cướp nước và bán nước. Cho nên, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, tôi vẫn tin tưởng một cách sâu sắc vào lòng yêu nước của tuyệt đại bộ phận đồng bào ta ở trong nước cũng như nước ngoài.
Tinh thần đó sẽ lôi cuốn những ai còn bàng quan, thậm chí cả những người đi ngược lại với lợi ích của dân tộc. Nếu họ không hòa mình vào cùng với dòng thác yêu nước của dân tộc, họ sẽ bị lịch sử đào thải. - Trung tướng Nguyễn Quốc Thước: Tinh thần yêu nước của người dân Việt Nam trải qua 4.000 năm đã thấm vào sâu trong máu, trong tim gan và trong khối óc, nó được thể hiện trong suốt quá trình xây dựng đất nước, và khi Tổ quốc lâm nguy, thì nó được bùng cháy lên với một sức mạnh không gì có thể cản được để thắng mọi kẻ thù, dù hung bạo tới đâu, lịch sử đã chứng minh điều đó và tôi tin rằng, nếu sau này đất nước có sự cố, trong hoàn cảnh thuận lợi hơn nhiều, chắc chắn rằng tinh thần yêu nước đó sẽ tạo nên sức mạnh gấp bội lần, để bảo vệ đất nước, bảo vệ chế độ, bảo vệ sự thống nhất toàn vẹn lãnh thổ, lãnh hải của đất nước. Chúng ta hãy tin thế hệ hôm nay sẽ làm tốt hơn các thế hệ cha ông. Đó là quy luật tất yếu của sự tồn vong của đất nước Việt. Bác Hồ đã từng dạy, thà hi sinh tất cả quyết dành và giữ cho được nền độc lập, khẩu hiệu đó chắc chắn 84 triệu dân Việt không ai không đồng tình. Trung Tướng Phạm Hồng Cư: Lòng yêu nước là điều cốt lõi của nền văn hóa Việt Nam, dân tộc Việt Nam từ ngàn xưa đã có một nền văn hóa dân tộc mà điều cốt lõi là lòng yêu nước. Chính vì sức mạnh của nền văn hóa ấy mà 1000 năm bắc thuộc dân tộc ta đã không bị đồng hóa và cuối cùng đã vùng lên dành lại độc lập với chiến thắng của người anh hùng dân tộc Ngô Quyền trên sông Bạch Đằng thì 1000 năm độc lập được mở ra. Nhưng lại phải tiếp tục chống ngoại xâm hết Tống, Nguyên, Minh, Thanh, tiếp đó đến gần 100 năm bị thực dân Pháp đô hộ nhưng cuối cùng đã đánh thắng Pháp và thắng Mỹ dành lại độc lập thống nhất cho tổ quốc. Có thể nói, nền văn hóa dân tộc của Việt Nam có sức mạnh của lòng yêu nước với sức mạnh ấy không có kẻ thù nào xâm lược được đất nước. Đến thời đại ngày nay, thế hệ trẻ Việt Nam sẽ tiếp tục phát huy truyền thống của cha ông, xây dựng và bảo vệ đất nước. Lòng yêu nước sẽ tiếp tục phát huy trong thời đại mới. Trong vài năm qua, thông qua hàng loạt sự kiện đăng cai những diễn đàn Quốc tế lớn, những bước đi ngoại giao song phương, đa phương không mệt mỏi, hình ảnh Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng chững chạc. Tuy nhiên, để vượt qua một cách ngoạn mục những thách thức mọi mặt về kinh tế - xã hội – quân sự - ngoại giao trong thời kỳ mới, còn cần tập trung trí và lực của toàn dân tộc tạo một sức bật lớn hơn nữa. Xin hỏi các vị khách: anh Chiến: Văn nghệ cần sức bật gì để văn thơ gần đời sống và kéo nhiều triệu người thành một khối? Xin hỏi GS Thuyết: Nhà nước cần làm gì để cả dân tộc chung một ý chí, sức mạnh xây dựng và bảo vệ Tổ quốc? Xin hỏi hai vị Trung tướng: Quân đội cần làm gì để đủ sức bảo vệ tổ quốc và xây dựng thế trận lòng dân? (Thuonggia2006bn@gmail.com) -GS.Nguyễn Minh Thuyết: Nhà nước của ta là nhà nước do nhân dân làm chủ. Nếu nhận thức đúng và hành động đúng nguyên lý này thì chắc chắn tập hợp được lực lượng đông đảo của nhân dân. Nói một cách cụ thể, Nhà nước cần tạo điều kiện để dân biết, dân bàn, dân làm chủ. Những người chủ thực sự của đất nước phải được thông tin một cách đầy đủ, được nói lên ý kiến của mình về đường lối phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng – an ninh, và được quyết định những biện pháp thực hiện những đường lối đó. Trung Tướng Phạm Hồng Cư: QĐND VN lớn lên và trưởng thành trong hai cuộc kháng chiến được dân yêu mến gọi là bộ đội cụ Hồ, và quân đội ấy đã có một truyền thống “trung với Đảng, hiếu với dân” và luôn nắm vững hai ngọn cờ độc lập tự do của Tổ Quốc và chủ nghĩa xã hội. Có một chủ nghĩa anh hùng cách mạng, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng trong giai đoạn cách mạng mới, điều quan trọng bậc nhất đối với quân đội là tiếp tục phát huy bản chất truyền thống Bộ độ cụ Hồ.
Cùng với toàn dân xây dựng nền quốc phòng toàn dân, xây dựng quân đội cách mạng chính quy, từng bước hiện đại và sẵn sàng hoàn thành mọi nhiệm vụ mà tổ quốc giao cho. Đối với thế hệ trẻ thì nhiệm vụ lịch sử làm chủ đất nước trong giai đoạn cách mạng mới. Cùng với toàn dân quét sạch cái nhục nghèo nàn và lạc hậu. Xây dựng và bảo vệ tổ quốc ngày càng giàu mạnh sánh vai với các cường quốc năm châu như bác Hồ hằng mong muốn. Tôi tin tưởng rằng thế hệ trẻ sẽ hoàn thành nhiệm vụ lịch sử mà tổ quốc giao cho. - Trung tướng Nguyễn Quốc Thước: Hiện nay, nhiệm vụ trung tâm của đất nước tập trung xây dựng phát triển nền kinh tế để không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân, dân giàu thì nước mới mạnh, nói đến đây là nói đến 84 triệu dân không phải chỉ một nhóm người đó là yếu tố đầu tiên để tăng cường sức mạnh quốc phòng, xây dựng quân đội hùng mạnh làm nòng cốt cho nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Một điểm nữa là trong khi tập trung làm nhiệm vụ kinh tế thì không bao giờ được quên nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Đất nước ta đang đứng trước nhiều thách thức từ bên ngoài và ngay cả từ bên trong, phải xây dựng sự cố kết toàn dân tộc xung quanh Đảng để tạo nên sức mạnh tổng hợp bảo vệ vững chắc Tổ quốc. Quân đội với nhiệm vụ thường xuyên sẵn sàng chiến đấu nhưng phải luôn gắn bó mật thiết với dân, theo khẩu hiệu “quân với dân như cá với nước”. Cá ra khỏi nước, cá sẽ không còn. Quân đội sống và chiến đấu trong thế trận lòng dân, chắc chắn sẽ chiến thắng bất kỳ mọi kẻ thù xâm lược nào. - Nhà thơ - nhà báo Nguyễn Việt Chiến: Có thể nói trong một thời gian khá dài, thơ mỗi ngày một ít người đọc. Nhiều lúc tôi đã tự hỏi, phải chăng nhà thơ đã không nói lên tiếng nói của nỗi đau và mơ ước của nhân dân mình. Tôi nghĩ, mỗi nhà văn phải thở hơi thở đời sống của dân tộc mình, trái tim nhà văn phải đập cùng nhịp với những khổ đau, khát vọng của nhân dân mình. Có thế, những tác phẩm văn học nghệ thuật của họ mới đến được với trái tim người đọc, đến được với cộng đồng.
Mới đây, ngày 29/5/2011, khi bài thơ “Tổ quốc nhìn từ biển” của tôi được in trên báo Thanh Niên vào đúng thời điểm Trung Quốc gây hấn trên biển Đông đã được rất nhiều trang báo điện tử trong và ngoài nước đưa lại, bài thơ này đã được hàng vạn blog đăng tải. Đến ngày 17/6, khi gõ Google từ khóa “Tổ quốc nhìn từ biển” có thể tìm thấy 8.090.000 kết quả trong 0, 19 giây. Theo nhận xét của một số nhà thơ đồng nghiệp với tôi, có lẽ đã rất lâu mới có một bài thơ gây được sức cộng hưởng, lan tỏa nhanh chóng và rộng rãi trong cộng đồng những người Việt Nam yêu nước ở cả trong nước và nước ngoài. Điều này nói lên sức ảnh hưởng của thi ca yêu nước đối với đời sống dân tộc, đặc biệt là với giới trẻ. Sau khi bài phỏng vấn và bài thơ của tôi được đăng tải trên báo VnExpress, trong rất nhiều comment khá xúc động từ phía những bạn trẻ ở trong và ngoài nước, tôi để ý đến một nhận xét “chắc nhà thơ Nguyễn Việt Chiến đã viết bài thơ này bằng máu và nước mắt của mình”. Có thể nói, nhận xét này rất chính xác vì tôi đã viết bài thơ này bằng chính những trải nghiệm khi đi qua chiến tranh cách đây gần 40 năm và bằng chính những nỗi đau của mình trong đời sống mà tôi phải trải qua. Nhưng ở thời điểm viết bài thơ này, tôi đã vượt lên nỗi đau đời thường của chính mình để nghĩ về Tổ quốc, để xúc động theo cách một nhà thơ đang cảm nhận tự do trong mỗi ngày đang sống và nhìn nhận những nguy cơ, những hiểm họa đang đến gần trên vùng biển đảo của Tổ quốc thân yêu. Và chính từ cảm xúc lớn lao và đau đớn ấy, tôi đã viết bài thơ “Tổ quốc nhìn từ biển” như viết từ chính bằng máu và nước mắt của mình. Nhà thơ chỉ có thể gắn bó với đời sống tinh thần của dân tộc mình khi những bài thơ của họ nhận được sự cộng hưởng, sự tri âm từ những con người yêu nước chân chính vào những thời điểm đất nước gian lao. Chào anh Chiến. Em mê thơ anh từ hồi còn học Đại học. Đọc xong bài “Tổ quốc nhìn từ biển” của anh, em đã rùng mình vì dư âm của nó. Anh viết bài này như thế nào ? Xin hỏi thêm là anh ấn tượng với những bài thơ nào của người Việt Nam từ trước đến giờ nói về chủ quyền lãnh thổ và lòng yêu nước - (Phuongthisi_diamon@gmail.com). - Nhà thơ - nhà báo Nguyễn Việt Chiến: “Tổ quốc nhìn từ biển” là bài thơ đầu tiên tôi viết sau chuỗi ngày hoạn nạn. Ba tháng sau khi trở về tiếp tục nghề báo tại Báo Thanh Niên, tháng 4/2009, tôi được mời đi dự trại sáng tác văn học của Quân đội Nhân dân Việt Nam tại Hạ Long. Trại sáng tác do Tạp chí Văn nghệ Quân đội phối hợp với Cục chính trị quân chủng Hải quân tổ chức với đề tài sáng tác "Biển, đảo và người chiến sĩ hải quân” với sự tham gia của đông đảo các cây bút sung sức trong và ngoài quân đội. Hôm khai mạc trại sáng tác, một sĩ quan cao cấp của quân chủng hải quân đã nói chuyện cả một buổi sáng với các nhà văn về tình hình biển - đảo của chúng ta hiện nay. Có lẽ đã rất lâu, tôi và một số nhà văn mới tiếp cận được những thông tin có thể gọi là khá nhạy cảm và nóng bỏng từ nhiều phía về đề tài này. Tôi nghĩ, đối với những người cầm bút hôm nay, vượt lên trên tất cả vấn đề thời sự nhạy cảm ấy là tình yêu Tổ quốc. Và tôi đã viết bài thơ “Tổ quốc nhìn từ biển” trong sự thao thức, bồn chồn trước những hiểm họa đang đến gần trên các vùng biển đảo của Tổ quốc thân yêu với những cảm xúc đã thao thức trong tôi suốt một ngày dài ở trại sáng tác văn học Hạ Long khi hoàn thành bài thơ “Tổ quốc nhìn từ biển”. Từ trước đến nay, bài thơ ấn tượng nhất đối với tôi khi nói về chủ quyền lãnh thổ và lòng yêu nước chính là “Bình Ngô Đại Cáo” của Đại thi hào Anh hùng Dân tộc Nguyễn Trãi. Trong dịp kỷ niệm 50 năm ngày chiến thắng Điện Biên Phủ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã dặn dò: Thời đại ngày nay, chúng ta cũng cần làm nên những chiến thắng Điện Biên Phủ lớn nhỏ trên mọi mặt trận. Theo các vị khách, giai đoạn hiện nay, chúng ta nên tập trung ưu tiên cho mặt trận nào để đất nước vững mạnh? - GS.Nguyễn Minh Thuyết: Theo tôi, trong giai đoạn hiện nay có 4 vấn đề cần được tập trung chỉ đạo, đầu tư thực hiện. Đó là: bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền lãnh thổ; tăng cường dân chủ; phát triển kinh tế nhanh và bền vững; giáo dục đào tạo thế hệ trẻ để đáp ứng được yêu cầu phát triển lâu dài của đất nước. Đạt được những thắng lợi có tính chất quyết định trong các lĩnh vực ấy, đất nước chúng ta sẽ phát triển mạnh mẽ. -Trung tướng Nguyễn Quốc Thước: Lời dặn dò của Đại tướng nhiệm vụ lúc này là phải tập trung phát triển kinh tế đưa lại đời sống ấm no, hạnh phúc cho toàn dân, làm được như vậy, khi có sự biến cố, nhân dân sẽ đoàn kết một lòng xung quanh Đảng và Nhà nước, để vượt qua mọi hiểm nguy. Trung Tướng Phạm Hồng Cư: Trong giai đoạn cách mạng mới, có hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng và bảo vệ tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, nhân dân Việt Nam đã và đang dành được những thành tựu mới và nắm nhiệm vụ trung tâm là xây dựng kinh tế, đồng thời với nhiệm vụ dựng nước thì phải tiếp tục giữ nước như bác Hồ đã căn dặn. - Nhà thơ - nhà báo Nguyễn Việt Chiến: Theo tôi, trước tiên đất nước cần phải quan tâm đến vấn đề phát triển kinh tế theo chiều hướng không để phụ thuộc vào những nước lớn ở gần chúng ta, và điều quan trọng đặc biệt phải quan tâm tới đời sống dân sinh không để xảy ra những bất ổn về mặt kinh tế và xã hội. Song song với đó phải củng cố quốc phòng và đặc biệt phải giáo dục truyền thống lịch sử và tinh thần yêu nước cho thế hệ trẻ. Gần đây, một số người cố tình đặt lòng yêu nước bên cạnh một số bất cập mà chúng ta đã và vẫn tìm cách giải quyết trong xã hội như tệ nạn tham nhũng, hối lộ để lý giải cho sự lo lắng cho đất nước. Ông nghĩ gì về điều này? (hailuubien..@gmail.com) -GS.Nguyễn Minh Thuyết: Quả thực là chúng ta chưa đạt được những kết quả căn bản trong cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, quan liêu. Những hạn chế này trong chừng mực nhất định có ảnh hưởng đến nhiệt tình của những công dân yêu nước và nếu để kéo dài thì mức độ ảnh hưởng sẽ lớn hơn. Đây là một điều mà các cấp lãnh đạo phải nhận thức được một cách sâu sắc và có những biện pháp quyết liệt để khắc phục. Sức mạnh của một đất nước, của một chế độ là lòng dân. Cố kết được lòng dân thì không có gì mà chúng ta không làm được. Còn về phía người dân, tôi tin rằng ai cũng nhận thức được trách nhiệm xây dựng và bảo vệ tổ quốc là trách nhiệm thiêng liêng trước tổ tiên và con cháu mai sau. So với trách nhiệm to lớn này, những bất bình trong cuộc sống hàng ngày là rất nhỏ. Trung Tướng Phạm Hồng Cư: Trong bất kỳ nhiệm vụ nào cũng như trong bất kỳ một giai đoạn cách mạng nào bên cạnh những thành tựu đã đạt được luôn luôn tồn tại những thiếu xót, khuyết điểm và cả những sai lầm. Ví dụ: bên cạnh thành tựu vĩ đại là giải phóng tổ quốc và thống nhất đất nước Đảng ta cũng đã từng phạm những sai lầm như trong cải cách ruộng đất, trong cải tạo công thương nghiệp, trong việc áp dụng mô hình kinh tế tập trung quan liêu bao cấp…. Hiện nay, bên cạnh những thành tựu đã đạt được trong công cuộc đổi mới thì nền kinh tế đất nước còn những điểm yếu như phát triển chưa bền vững, sự phân hóa xã hội, những tiêu cực trong bộ máy chính quyền như quan liêu tham nhũng, xa dân, đó là những khuyết điểm mà toàn dân, toàn Đảng phải khắc phục. - Trung tướng Nguyễn Quốc Thước: Đây là một vấn đề mà luôn luôn day dứt trong đầu óc tôi và tôi đã từng đấu tranh trên các nghị trường. Thực sự, tham nhũng, lãng phí, quan liêu đang là nguy cơ của mọi nguy cơ nếu không có bàn tay sắt với hành động quyết liệt để ngăn chặn thì không biết tình hình sẽ như thế nào. Thưa tướng Thước và tướng Cư, vừa qua, nhiều chuyên gia quân sự của Việt Nam khi đặt Việt Nam bên cạnh Trung Quốc đã nói rằng nước nhỏ không có nghĩa là yếu. Vậy chúng ta mạnh ở điểm gì thưa ông, mong ông phân tích thật chi tiết? (Nguyễn Việt Dũng, phóng viên, TP Hồ Chí Minh) - Trung tướng Nguyễn Quốc Thước: Tôi không muốn so sánh sức mạnh giữa Ta và TQ. Sức mạnh tổng hợp của chúng ta là để bảo vệ lãnh thổ, lãnh hải của chúng ta, chúng ta không bao giờ đi xâm lược ai, dân tộc Việt Nam là một dân tộc hòa hiếu, yêu chuộng hòa bình. Nhưng nếu bất kỳ ai xâm phạm đất nước ta thì 84 triệu dân dưới ngọn cờ của Đảng và Bác Hồ sẽ đứng lên bảo vệ đất nước. Sức mạnh của ta là sức mạnh toàn dân đã được thể nghiệm trong suốt chiều dài 4.000 năm lịch sử với tất cả các tập đoàn xâm lược. Thời đại này nó được thể hiện trong khẩu hiệu của Bác Hồ: “Chúng ta thà hi sinh tất cả chứ nhất định không chịu làm nô lệ, dù có phải đốt cháy dãy Trường Sơn cũng phải giữ cho được độc lập”. Trung Tướng Phạm Hồng Cư: Trong lịch sử dân tộc Việt Nam đã từng lấy nhỏ thắng lớn, lấy yếu thắng mạnh, lấy ít địch nhiều, lấy trí nhân thắng cường bạo, lấy chính nghĩa thắng hung tàn, đó là lời của Nguyễn Trãi trong Bình ngô đại cáo đến thời thế kỷ XX, dân tộc Việt Nam là một dân tộc nhỏ mà đánh thắng hai đế quốc to, đi đầu trong phong trào giải phóng dân tộc toàn thế giới. Điều đó chứng tỏ, sức mạnh của dân tộc Việt Nam là sức mạnh của lòng yêu nước, cùng với một học thuyết quân sự, một nghệ thuật đánh giặc độc đáo đã chiến thắng tất cả những kẻ xâm lược lớn mạnh hơn mình gấp nhiều lần. Ví dụ: Trong thế kỷ XIII, dân tộc ta đã 3 lần đánh thắng giặc Nguyên Mông là đội quân xâm lược mạnh nhất thế giới thời bấy giờ đã từng xâm chiếm nhiều nước từ Á sang Âu, đã từng làm chủ cả nước Trung Hoa, vậy mà ba lần sang đánh Việt Nam là ba lần thất bại. Trong thế kỷ XX, dân tộc Việt Nam đã đánh thắng những cường quốc như thực dân Pháp và đế Quốc Mỹ là đế quốc mạnh nhất thế giới thế kỷ XX. Bởi vậy, nói đến tương quan lực lượng là phải nhìn toàn diện chứ không phải chỉ nhìn ở số lượng. Có một thực tế là, giới trẻ ngày nay lao vào các hoạt động kinh doanh, làm giàu và dường như ít quan tâm đến chính trị. Theo nhà báo, có phải lòng yêu nước ở các bạn trẻ hiện nay sụt giảm? Quan điểm của anh về vấn đề này ra sao? - (Lê Quốc Bảo, quận Phú Nhuận, TP.HCM). - Nhà thơ - nhà báo Nguyễn Việt Chiến: Theo tôi không hẳn như vậy, vì giới trẻ hôm nay mang tài năng của mình ra kinh doanh, làm giầu thì có lẽ đấy cũng là một biểu hiện của lòng yêu nước vì “dân có giàu thì nước mới mạnh”. Nhưng sự vô cảm của số người nào đó trước những mối quan tâm lớn của cộng đồng đối với đất nước, với số phận dân tộc ở thời điểm này thì đấy là điều đáng lo ngại. Điều quan trọng từ trong những năm hòa bình vừa qua, nền văn học-nghệ thuật của chúng ta có rất ít những tác phẩm thi ca và âm nhạc thật xúc động và đặc sắc để đánh thức tinh thần yêu nước trong mỗi con người. Vì thế, chúng ta cần phải đánh thức lòng yêu nước trong những con người ấy và tôi tin rằng số người vô cảm đối với cộng đồng, với chính số phận dân tộc mình sẽ ngày một ít đi. - Nhân dân TQ cũng đã giúp đỡ chúng ta rất nhiều trong hai cuộc kháng chiến. Nhưng trong rất nhiều giai đoạn, Trung Quốc vẫn có ý đồ và hành động khiến chúng ta phiền lòng. Các ông nhìn nhận thế nào về việc này? (Linh, Cần Thơ, 21 tuổi) - Trung tướng Nguyễn Quốc Thước: Chúng ta không phủ nhận sự giúp đỡ của nhân dân TQ đối với nhân dân ta trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Là một dân tộc hiếu nghĩa, chúng ta không bao giờ quên ơn đó. Tuy nhiên, qua các thời kỳ, chính phủ TQ nhiều lần đã gây cho chúng ta vô vàn khó khăn, có những lúc chúng ta phải đổ bao xương máu để giữ vững nền độc lập của nước ta. Đó là một sự đau thương cho cả hai dân tộc.
Gần đây, nhà chức trách TQ lại có những hành động xâm phạm chủ quyền lãnh hải của chúng ta, gây thiệt hại về người và của cho Việt Nam là một việc không thể chấp nhận. 84 triệu nhân dân kịch liệt phản đối hành động đó. Mong rằng chính phủ TQ nhận thức đúng quan hệ bang giao giữa hai nước làm trọng để giữ sự hòa hiếu giữa hai dân tộc để cùng nhau xây dựng đất nước với một tinh thần hữu nghị thực sự, với tinh thần “nói phải đi đôi với làm”, không được nói một đường, làm một nẻo. Nhân dân Việt Nam cũng như bạn bè trên Thế giới không thể chấp nhận. GS.Nguyễn Minh Thuyết: Lịch sử quan hệ Việt Nam – Trung Quốc có rất nhiều khúc quanh, lúc thăng, lúc trầm, lúc hòa dịu, lúc căng thẳng. Chúng ta luôn luôn ghi nhớ sự giúp đỡ to lớn của nhân dân Trung Quốc đối với nhân dân ta trong cuộc đấu tranh giành độc lập, giải phóng tổ quốc trước đây. Chúng ta cũng rất có thiện cảm với nền văn hóa Trung Hoa, một nền văn hóa có ảnh hưởng rất lớn đối với Việt Nam ta. Nhưng, hòa hiếu không có nghĩa là phải chấp nhận mọi thứ. Lịch sử hàng nghìn năm trong quan hệ giữa hai nước đã diễn ra như thế và bây giờ cũng sẽ tiếp diễn như vậy. Trung Tướng Phạm Hồng Cư: Trong lịch sử mấy ngàn năm của dân tộc đã có 1000 năm bắc thuộc và đã có cuộc xâm lược của các triều đại Tống, Nguyên, Minh, Thanh nhưng dân tộc Việt Nam không bị đồng hóa và đã đánh thắng các cuộc xâm lược của chế độc phóng kiến Trung Quốc. Sang thời đại mới Đảng cộng sản Trung Quốc đã giải phóng đất nước, xây dựng chế độ xã hội mới đã tiến hành kháng Mỹ, viện Triều, đã từng chi viện về vật chất và cố vẫn giúp Việt Nam thắng Pháp và tiếp tục giúp đỡ Việt Nam chống Mỹ, những điều đó nhân dân Việt Nam khắc sâu trong lòng mình. Lòng biết ơn và luôn luôn quý trọng tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước. Tuy nhiên, trong chính sách của Trung Quốc vẫn có những điều làm trái với những lời họ đã tuyên bố. Chúng ta luôn luôn muốn duy trì tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước nhưng cương quyết phản đối và đánh bại mọi mưu đồ bá quyền. Nhà thơ - nhà báo Nguyễn Việt Chiến: Nhân dân Trung Quốc luôn luôn và mãi mãi là người bạn lớn của nhân dân Việt Nam (cả trong chiến tranh và trong hòa bình). Chúng ta chỉ đấu tranh với một bộ phận người Trung Quốc có ý đồ và hành động xấu đối với Việt Nam, họ không thể đại diện cho toàn bộ nhân dân Trung Quốc và họ cũng không thể đại diện cho nền văn hóa lớn lao có lịch sử 5.000 năm của nhân dân Trung Quốc. Thưa ông Nguyễn Việt Chiến và ông Nguyễn Minh Thuyết, ông đã dạy con mình yêu nước như thế nào? (toiyeutq...@yahoo.com) GS.Nguyễn Minh Thuyết: Tôi nghĩ là lịch sử hào hùng của dân tộc và nhà trường làm công việc giáo dục lòng yêu nước cho các con tôi nhiều hơn và hiệu quả hơn. Còn về phía tôi, tôi luôn tạo mọi điều kiện để các con tham gia hoạt động xã hội. Nếu có một nhân tố nào mạnh từ phía gia đình trong việc hình thành lòng yêu nước ở các con tôi thì đó là tình cảm gia đình, quê hương mà sinh hoạt gia đình đã mang lại. Nhà thơ - nhà báo Nguyễn Việt Chiến: Tôi dạy con mình hãy yêu đất nước này như cha đã từng cầm súng (trong chiến tranh) và cầm bút (trong hòa bình) để nâng cao con người và bảo vệ lẽ phải và sự công bằng. Xin hỏi Nhà thơ – nhà báo Nguyễn Việt Chiến: Tại sao chúng ta không dựng phim về lịch sử việt Nam ngay trên đất việt mà phải sang Trung Quốc để quay? Chúng ta dựng phim Việt Nam tại sao múa võ và mặc quần áo Trung Quốc? Ông nghĩ việc này Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch có nên can thiệp không? Hay tiếp tục để các nhà làm phim của chúng ta sang Trung Quốc quay phim Việt Nam? - (Nguyễn Quang Thắng - Quang Trung - TP Hải Dương). - Nhà thơ - nhà báo Nguyễn Việt Chiến: - Từ hàng chục năm nay, có một thời gian khá dài người Việt đã có thói quen thưởng thức các loại phim truyện dã sử, lịch sử ly kỳ hấp dẫn cùng các loại phim tâm lý, tình cảm của Trung Quốc. Hình như, không tối nào trên tivi ngớt bóng phim Tàu. Cho đến khi, chúng ta giật bắn mình khi thấy phim lịch sử của Việt Nam cũng được dựng, được quay ở Trung Quốc theo lối làm phim của họ, khiến một số chuyên gia sử học Việt Nam phải lên tiếng kịch liệt phản đối thì theo tôi, đây là một biểu hiệu của sự “lệ thuộc về văn hóa” cần phải loại bỏ ngay. Vì đây, phải chăng chính là sự nhạo báng về văn hóa, lịch sử Việt Nam và là sự nhạo báng tinh thần yêu nước của dân tộc ta. Có ý kiến cho rằng, các đài truyền hình của chúng ta (cả trung ương và các địa phương) hiện nay, cần phải chọn lọc và cân nhắc liều lượng việc phát sóng các phim nhiều tập của họ nếu không muốn giới trẻ hôm nay “thuộc sử Tàu hơn thuộc sử Việt”. Tôi nghĩ đây là một ý kiến cần phải được các cấp và ngành văn hóa xem xét kỹ. Trong bối cảnh hiện nay, theo ông, lòng yêu nước nên thể hiện như thế nào, bằng cách nào một cách thiết thực nhất? (M.N.L, Hải Phòng) - Trung tướng Nguyễn Quốc Thước: Trong thời bình, lòng yêu nước của mọi người dân được thể hiện một cách đầy đủ trong việc hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, với tinh thần thi đua yêu nước như Bác Hồ đã dạy: “Thi đua là yêu nước, yêu nước phải thi đua”, làm cho toàn dân cuộc sống ngày càng hạnh phúc, đất nước ngày càng hùng mạnh. Và khi đất nước có sự cố thì đem hết sức mình ra để góp cùng toàn Đảng, toàn dân dành cho được chiến thắng trong bất cứ tình huống nào. Trung Tướng Phạm Hồng Cư: Lòng yêu nước là điều cốt lõi của nền văn hóa dân tộc Việt Nam, chính nhờ sức mạnh của nền văn hóa ấy mà 1000 năm Bắc thuộc không bị đồng hóa và đã đánh bại nhiều cuộc xâm lược của các triều đại phong kiến Trung Quốc cũng như của hai đế quốc Pháp và Mỹ. Dân ta có một lòng yêu nước nồng nàn. Mỗi khi có giặc ngoại xâm, lòng yêu nước đó lại càng được đề cao và trở thành một sức mạnh vô địch. Tất nhiên, bên cạnh lòng yêu nước cũng phải có một nghệ thuật đánh giặc tài giỏi độc đáo, riêng của Việt Nam là lấy nhỏ thắng lớn. Trong giai đoạn Cách mạng mới, lòng yêu nước thể hiện trong việc xây dựng và bảo vệ tổ quốc Việt Nam Xã hội Chủ nghĩa. Các thế hệ hiện nay phải cùng với toàn dân xóa cái nhục nghèo nàn và lạc hậu như các thế hệ trước đây đã cùng với toàn dân xóa cái nhục mất nước. GS.Nguyễn Minh Thuyết: Trước hết, chúng ta cần tin tưởng vào đường lối và kinh nghiệm đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta. Việt Nam chúng ta có đủ kinh nghiệm, bản lĩnh và sức mạnh để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, bảo vệ độc lập tự do của tổ quốc. Tùy vào điều kiện của mình, mỗi người có thể đóng góp cho sự nghiệp bảo vệ tổ quốc một cách khác nhau. Ví dụ, có người dân đi biển quan niệm bám biển là yêu nước; nhiều người tham gia phong trào góp đá cho Trường Sa cũng xuất phát từ lòng yêu nước; nhà khoa học công bố những tư liệu, lập luận xác định chủ quyền lãnh thổ của chúng ta với Trường Sa, Hoàng Sa cũng là những hành động yêu nước,…Chúng ta yêu hòa bình và sẽ làm hết sức mình để bảo vệ cuộc sống lao động hòa bình của nhân dân. Nhưng, khi tổ quốc cần tất cả công dân Việt Nam yêu nước đều sẵn sàng đứng lên bảo vệ tổ quốc. Như Trung tướng Nguyễn Quốc Thước đã nói: Yêu nước cũng phải yêu quyết liệt. Xin bác kể một vài câu chuyện về sự quyết liệt yêu nước của bác và nhiều người ở thế hệ bác. Điều bác lo lắng nhất về thế hệ trẻ chúng cháu là gì? (Huỳnh Văn Thành, Ngũ Hiệp, Cai Lậy, Tiền Giang) Trung tướng Nguyễn Quốc Thước: Lòng yêu nước của người dân Việt Nam là một tình yêu nóng bỏng, quyết liệt, bất kỳ trong tình huống nào kinh nghiệm của bác lúc chiến tranh rất ác liệt, hi sinh nhiều, nhưng với trách nhiệm của người chỉ huy phải động viên bộ đội phải dành cho được thắng lợi. Có lần, với cương vị chỉ huy, bác bị thương, cấp trên bảo: Lui về tuyến sau nhưng bác vẫn xin ở lại với một đầu băng bó. Và cuối cùng, đơn vị đã dành được thắng lợi ròn rã. Hiện nay, bác đang là thương binh loại ¾. Trong thời bình, trên nghị trường quốc hội, với tư cách là một đại biểu, trách nhiệm trước dân, bác đã đấu tranh quyết liệt với mọi hiện tượng tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, làm thất thoát của dân. Quyết liệt đến nỗi có người khuyên “bác nên vừa phải”, nếu không thì sẽ tai họa cho gia đình và người thân. Bác hiểu điều đó, nhưng bác nói: Bác Hồ đã dạy: “Cái gì sai, hại cho dân thì kiên quyết chống”. Bác làm đúng lời dạy của Bác Hồ, còn ai đối với bác thế nào là tùy họ. Nếu sợ tiêu cực thì tiêu cực sẽ tấn công, tổn thất sẽ đổ về đầu dân và đất nước. Thưa các khách mời, chúng ta nên ứng xử ra sao để vẫn giữ hòa hiếu và vẫn toàn vẹn đất đai dân tộc? (Lê Quỳnh Tiên, Đà Lạt) GS.Nguyễn Minh Thuyết: Trong thời gian qua, phía Trung Quốc có nhiều hành động xâm phạm chủ quyền của Việt Nam, đe dọa tính mạng của công dân Việt Nam và công dân một số nước làm việc theo hợp đồng với các doanh nghiệp Việt Nam. Những hành động ngang ngược đó là thiếu trách nhiệm, đáng hổ thẹn, không xứng đáng với vị trí của một nước Thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Đó cũng là những hành động khiêu khích có tính toán. Trước hết, chúng ta không nên mắc âm mưu khiêu khích đó mà phải rất tỉnh táo trong hành động. Cần tiếp tục tổ chức đối thoại song phương, đa phương để đạt được những nguyên tắc ứng xử và những giải pháp thực tế mà các bên đều chấp nhận được trên cơ sở công pháp quốc tế. Đảng và Nhà nước cũng cần công khai các tư liệu chứng minh chủ quyền của Việt Nam để nhân dân trong nước và thế giới đều biết. Nếu xét thấy thái độ của phía Trung Quốc tiếp tục không có thiện chí thì cần đưa hồ sơ lên tòa án công lý và các tổ chức quốc tế. Mặt khác, cũng cần tăng cường sức mạnh cho quân đội và hải quân đủ để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ trên biển đảo và bảo vệ ngư dân và các doanh nghiệp Việt Nam thực hiện các hoạt động kinh tế trên biển.
Trung Tướng Phạm Hồng Cư: Câu trả lời của tôi như câu vừa nói trên. Chúng ta quý trọng tình hữu nghĩ đời đời, bền vững giữa nhân dân hai nước nhưng kiên quyết phản đối và đánh bại mọi mưu đồ bá quyền. Trong thời chiến cũng như thời bình, tinh thần yêu nước của người dân Việt Nam là không thể phủ nhận. Nhưng thế và lực của nước ta ở mỗi giai đoạn lịch sử có khác nhau... Bác Cư có thể đánh giá về sức mạnh, thế và lực nước ta hiện nay? (Trần Đức, Du học sinh tại London, Anh) Trung Tướng Phạm Hồng Cư: Thế và lực của Việt Nam đã được thể hiện trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, là một nước nhỏ mà đã đánh thắng hai đế quốc to, góp phần xứng đáng vào phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới. Nhân dân yêu hòa bình và tiến bộ trên thế giới đều ghi nhận những sự cống hiến ấy của dân tộc Việt Nam. Hiện nay, Việt Nam bước vào thời kỳ lịch sử mới xây dựng và bảo vệ tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Thế và lực trong giai đoạn mới là trên cơ sở phát huy sức mạnh truyền thống của lòng yêu nước và tiến hành thành công công cuộc đổi mới, đưa đất nước thoát khỏi tình trạng nghèo nàn lạc hậu, trở thành một nước giàu mạnh ngang hàng với các nước trong khu vực và trên thế giới. Rất nhiều thách thức phải vượt qua nhất định nhân dân Việt Nam với sức mạnh truyền thống của mình sẽ lập được những thành tựu mới trong giai đoạn cách mạng mới. - Chào bác Thước, cháu quê Thanh Hóa nhưng đang học đại học tại Hà Nội, cuối tuần trước, cháu có nhận được một thông điệp từ bạn bè với nội dung: Đi tuần hành để giương cao khẩu hiệu bảo vệ Tổ quốc, nếu ai không đi người đó là kẻ hèn nhát. Cháu nghĩ: Bảo vệ quê hương có nhiều cách, có những cách rất ôn hòa. Cháu không muốn gây kích động nên đã không đi. Ứng xử như cháu có đúng không? Có hèn nhát không? Nguyễn Văn Tuấn (Ngọc Lặc, Thanh Hóa, 25 tuổi) - Trung tướng Nguyễn Quốc Thước: Trước nguy cơ đất nước bị xâm hại, bất kỳ người dân nào cũng phải lên tiếng phản đối, bảo vệ chủ quyền của mình. Chúng ta không chịu khuất phục trước bất kỳ áp lực nào, việc chống đối lại mọi sự xâm lược là hoàn toàn đúng đắn nhưng hành động của chúng ta phải có tổ chức, có lãnh đạo chặt chẽ, có mục tiêu rõ ràng, tuyệt đối không được manh động. Nhiều lúc manh động không mang lại kết quả mà còn gây ra hậu quả. Tôi hoan nghênh mọi hành động phản kháng của tất cả mọi người trước những hành động sai trái của nước ngoài và mục đích cuối cùng là để bảo vệ được chủ quyền và lợi ích của chúng ta, không để bị kích động nhiều lúc phải gây hậu quả ngược lại. Thưa thầy Nguyễn Minh Thuyết, thầy là người luôn rất quan tâm tới thế hệ trẻ, vậy theo thầy, thế hệ trẻ hôm nay, khi đất nước kêu gọi, họ có sẵn sàng xả thân như những thế hệ đi trước? Em được biết có một bộ phận bạn trẻ chỉ chăm chăm ăn chơi mà không nghĩ gì đến những vấn đề mà đất nước đang gặp phải như trong những ngày này.(Phan Tuyết Lan, SV ĐHKHXH và NV) GS.Nguyễn Minh Thuyết: Trong phần trả lời câu hỏi chung phía trên, tôi đã nhắc lại lời Chủ tịch Hồ Chí Minh nói về tinh thần yêu nước của dân ta. Tôi tin rằng, khi tổ quốc cần, mỗi thanh niên chúng ta sẽ đáp lời kêu gọi của tổ quốc một cách xứng đáng nhất. Và trên thực tế hiện nay đang có rất nhiều thanh niên đứng trong hàng ngũ các lực lượng vũ trang trực tiếp cầm súng bảo vệ tổ quốc. Nhiều chiến sĩ ở Trường Sa còn rất trẻ nhưng có nhận thức rất đúng đắn, đang vượt qua những thử thách cam go hàng ngày để hoàn thành nhiệm vụ thiêng liêng bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của tổ quốc. Đó sẽ là những tấm gương cổ vũ thanh niên chúng ta. Câu hỏi này tôi muốn hỏi GS. Nguyễn Minh Thuyết: Là một đại biểu của dân, ông ghi nhận thái độ, ý kiến, phản ứng,... của nhân dân ta hiện nay như thế nào trước sự ngang ngược của Trung Quốc? (Nguyễn Minh Tuấn, Vạn Phúc, Hà Đông, Hà Nội) GS.Nguyễn Minh Thuyết: Tôi rất hoan nghênh và ngưỡng mộ những ý kiến và hành động yêu nước của người dân, trước hết là của thanh niên thể hiện trong những ngày vừa qua. Theo nhận thức của tôi, lòng dân là một sức mạnh vĩ đại mà ngay kẻ thù cũng phải tính đến khi mưu toan xâm phạm. Ý chí của đông đảo nhân dân sẽ làm cho mọi ý đồ bá quyền, ngang ngược phải chùn bước. Tôi là một sinh viên đại học, nhưng tôi sẵn sàng lên đường nhập ngũ nếu Tổ quốc cần. Tôi nhỏ bé và cao chưa đầy 1m55. Xin hỏi bác Phạm Hồng Cư, như thế có đủ tiêu chuẩn lên đường nhập ngũ bảo vệ đất nước khi cần? (Hoàng Hải, 21 tuổi, Tp Hồ Chí Minh, toiyeuvietnam@yahoo.com) Trung Tướng Phạm Hồng Cư: Tôi rất hoan nghênh tinh thần yêu nước sẵn sàng nhập ngũ tham gia bảo vệ tổ quốc của bạn. Tuy nhiên, phải tuân thủ các tiêu chuẩn của Bộ Quốc phòng đề ra. Có lòng yêu nước, thì có thể sẵn sàng phục vụ tổ quốc trên mọi lĩnh vực công tác. Còn khi đất nước đã có tình huống chiến tranh thì toàn dân vi binh, mỗi người dân là một người lính. Trong thế hệ chúng tôi cũng đã có những người thấp bé, nhẹ cân vẫn tham gia chiến đấu trong bộ đội chủ lực hoặc trong dân quân tự vệ nhưng đó là tình huống chiến tranh. Bài thơ Tổ quốc nhìn từ biển của nhà thơ đang được lan truyền rất rộng trên mạng, cả những bài hát phổ nhạc bài thơ này. Vừa là nhà thơ vừa là nhà báo, ông đánh giá vai trò thơ ca và báo chí khác nhau như thế nào trong cuộc đấu tranh lần này, và 2 loại hình đó sẽ còn góp sức được gì cho mặt trận đấu tranh ngoại giao? - (Đào Thị Thúy Hằng, phóng viên tạp chí Đẹp Online) - Nhà thơ - nhà báo Nguyễn Việt Chiến: Theo tôi vai trò của báo chí và thi ca trong thời điểm “Khi Tổ quốc đang bão giông từ biển” như hiện nay đều có chung một sứ mệnh lớn lao là nói lên tiếng nói yêu nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Đất nước chúng ta đã đi qua cả ngàn năm trận mạc, những nỗi đau thương chiến tranh còn ghi dấu nơi rừng sâu, biển thẳm. Và qua nhiều thế kỷ, hàng triệu người con ưu tú của dân tộc chúng ta đã dâng hiến tuổi thanh xuân của mình, đã vĩnh viễn nằm dưới cỏ để gìn giữ non sông này, để mang lại tự do và hạnh phúc cho thế hệ mai sau. Vì thế, tôi nghĩ mỗi một nhà thơ, nhà báo hôm nay đều phải là những chiến sĩ nơi “đầu sóng ngọn gió” của mặt trận báo chí và thi ca để nâng cao lòng yêu nước và khí phách dân tộc trong những tháng năm này. - Thưa bác Thước, cả một đời cống hiến cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ Quốc, nay đã 85 tuổi rồi mà vẫn tràn đầy nhiệt huyết với sự nghiệp của dân tộc, bác đã đúc rút được điều gì quý giá nhất của một đời người, bác muốn nhắn nhủ thế hệ trẻ, đặc biệt là thanh niên Việt Nam điều gì không? (Vũ Thu Huyền, Tây Mỗ, Hà Nội) - Trung tướng Nguyễn Quốc Thước: Có lẽ, ai cũng như bác, điều hạnh phúc nhất là được phục vụ dân, được phục vụ Tổ quốc để đem lại hạnh phúc cho mọi người dân như Bác Hồ đã dạy. Làm việc gì cũng phải vì lợi ích của mình, lợi ích xã hội và lợi ích nhân dân, ích mình mà hại người, hại đất nước là một điều xấu xa. Với các bạn trẻ bây giờ, trình độ hiểu biết rất rộng, được truyền thụ từ kinh nghiệm cha ông, chắc chắn sẽ đóng góp nhiều hơn cho Tổ quốc, cho nhân dân theo tinh thần “Đâu cần thanh niên khó, đâu khó có thanh niên”, “Đừng hỏi Tổ Quốc đã làm gì cho ta mà phải hỏi: Ta đã làm gì cho Tổ quốc hôm nay”. Đó là lòng yêu nước chân chính nhất, vĩ đại nhất. - Xin hỏi bác Thước thêm một câu dường như không có liên quan đến vấn đề chủ quyền lãnh thổ, với tư cách là một quân nhân, bác thấy người lính trên chiến trường sợ nhất điều gì (có phải là sự không chính nghĩa)? Và ngược lại người lính trong thời bình sợ nhất điều gì? - Trung tướng Nguyễn Quốc Thước: Không phải người lính mà trước hết là người chỉ huy sợ nhất là không hoàn thành nhiệm vụ mà nhân dân giao phó, để cho kẻ thù chà đạp đất nước. Trong thời bình cũng vậy thôi, mọi nhiệm vụ quân đội đã giao phải hoàn thành xuất sắc dù phải hi sinh tính mạng. Nhiệm vụ xuyên suốt của quân đội là phải sẵn sàng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Xin nhắc lại, không phải là vật trang trí hoặc làm ngoại giao. Thưa GS.Nguyễn Minh Thuyết, không ít công trình nghiên cứu đã chứng minh, giới trẻ ngày nay thuộc lịch sử Trung Quốc hơn lịch sử nước nhà vì sự đổ bộ rầm rộ của phim Trung Quốc từ truyền hình đến màn ảnh rộng, theo ông, nên nhìn nhận hiện tượng này như thế nào? (Trần Trung Anh – khoa Báo chí – ĐH KHXH&NV TP.HCM) GS.Nguyễn Minh Thuyết: Tôi không nghĩ như vậy. Tôi e rằng cả lịch sử Việt Nam lẫn lịch sử Trung Quốc, nhiều bạn trẻ cũng không nắm vững. Bởi vì, những câu chuyện trong phim truyền hình phần lớn là dã sử, có sự hư cấu của nhà biên kịch, nhiều khi khác xa với lịch sử. Tuy nhiên, việc chiếu quá nhiều phim của một hai nước trên truyền hình là thất sách về văn hóa, cần được sớm thay đổi.
Thưa Trung Tướng Phạm Hồng Cư: Là thế hệ đi trước, thế hệ của những người đã từng xả thân vì tổ quốc. Trong thời điểm hiện tại, nếu như có chiến tranh, Trung tướng có niềm tin vào thế hệ trẻ không? (Lê Văn Bảo, Hậu Lộc- Thanh Hóa) Trung Tướng Phạm Hồng Cư: Tôi đầy lòng tin tưởng vào thế hệ trẻ Việt Nam và thế hệ ngày nay đang xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Mỗi thế hệ đều có nhiệm vụ lịch sử mà đất nước giao cho. Thế hệ chúng tôi là thế hệ của lời thề độc lập cùng với toàn dân giải phóng và thống nhất tổ quốc. Thế hệ trẻ ngày nay cũng có nhiệm vụ lịch sử là xây dựng và bảo vệ tổ quốc tiến lên ngang hàng với các nước trên thế giới. Tôi hoàn toàn tin tưởng thế hệ trẻ sẽ làm tròn nhiệm vụ lịch sử mà tổ quốc giao cho. Thưa GS Thuyết, với tư cách Phó chủ nhiệm UB Văn hóa, giáo dục, thanh thiếu niên và nhi đồng của QH, theo ông nên giáo dục thế nào để tách bạch về giá trị văn hóa Trung Hoa, nhân dân Trung Hoa với tư tưởng bá quyền của 1 nhóm người? (Một độc giả tại Ninh Bình đặt câu hỏi qua điện thoại) GS.Nguyễn Minh Thuyết: Tôi nghĩ rằng được sự giáo dục của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam, nhân dân ta luôn luôn phân biệt rất rõ giá trị văn hóa của một nước và nhân dân nước đó với một số tư tưởng cực đoan, phản văn hóa, cũng như những cá nhân lãnh đạo có tư tưởng bá quyền của nước đó. Các nhà khoa học, giáo dục lại càng thấm nhuần hơn quan điểm này và sẽ có phương pháp thích hợp để thực hiện các chương trình giáo dục giúp cho thế hệ trẻ nhận thức đúng về vấn đề này. Thưa Trung Tướng Phạm Hồng Cư, tôi là một giáo viên vùng cao, tôi vẫn dạy các em học sinh yêu quê hương đất nước, có khát vọng, hoài bão lớn. Nhưng thực tế quanh mình ngày càng có nhiều việc tiêu cực đáng buồn. Vậy giữa lý tưởng và thực tế nên ứng xử như thế nào để giảng học trò tâm huyết nhưng không xa vời? (Nguyễn Thị Hạnh, 30 tuổi, Simacai, Lào Cai) Trung Tướng Phạm Hồng Cư: Tôi rất hoan nghênh cái tâm rất đáng quý của cô giáo, rèn luyện cho thế hệ trẻ tiếp nối sự nghiệp của cha ông, xây dựng và bảo vệ tổ quốc, phát triển sánh vai cùng các cường quốc năm châu như Bác Hồ hằng mong muốn. Trong nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ tổ quốc những thắng lợi đã dành được, những việc làm ích nước lợi dân thì ta hoan nghênh và nêu gương cho các cháu học sinh học tập và phát huy. Còn mặt khuyết điểm tồn tại, yếu kém, tiêu cực thì thái độ của ta là kiên quyết khắc phục. Thế hệ trẻ ngày nay cần phát huy truyền thống tiếp bước cha ông lập nên những thành tựu mới. Đồng thời ra sức lên án và khắc phục những hiện tượng tiêu cực trong xã hội. Em ở Hà Nội nhưng đang làm việc tại Hàn Quốc. Bài thơ "Tổ quốc nhìn từ biển" làm tăng bội phần nhiệt huyết tình yêu đất nước đến mãnh liệt trong mỗi chúng ta. Kể cả đồng bào Việt Nam ở xa Tổ quốc nhưng đang từng ngày hướng về Tổ quốc thân yêu. Thưa anh ! Anh có lời khuyên nào cho những người Việt đang sống và làm việc tại nước ngoài trong việc góp sức cùng bảo vệ chủ quyền và hình ảnh đất nước Việt Nam của chúng ta. - (Lê Đức Trung - Từ Liêm-Hà Nội) - Nhà thơ - nhà báo Nguyễn Việt Chiến: Theo tôi, mỗi người Việt Nam yêu nước trong tháng năm này, dù ở trong nước hay nước ngoài, đều quan tâm đến những vấn đề lớn mà đất nước và dân tộc đang phải trải qua, và có lẽ không có người Việt nào không thấy trăn trở trước những vẫn đề thời sự nhạy cảm như vậy. Tôi nghĩ, mỗi người nên đóng góp cho đất nước và hướng về cội nguồn dân tộc theo cách của mình. - Thưa Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, là một thanh niên Việt Nam, tôi thấy lòng yêu nước cũng giống như bất cứ thứ tình cảm nào khác, cũng cần có những cơ hội để thể hiện và bày tỏ. Tuy nhiên, lòng yêu nước của bạn trẻ như chúng tôi phần lớn vẫn mang tính tự phát. Vậy xin trung tướng cho biết chúng ta cần phải làm gì để tổ chức và phát huy lòng yêu nước ở thế hệ trẻ thành một khối thống nhất? (Hoàng Thị Ngọc Ánh ,VNews, TTXVN) - Trung tướng Nguyễn Quốc Thước: Nói đến có yêu nước hay không là phải thể hiện trong mọi hoạt động thực tiễn của mỗi con người trong các cương vị khác nhau. Bác Hồ nói: Người quét rác tận tụy nhất cũng là người yêu nước nhất. Đề nghị cháu ngẫm nghĩ câu nói của Bác Hồ. Kinh nghiệm đời bác, không bao giờ bác nghĩ: Mình là người yêu nước. Cứ phục vụ dân, phục vụ nước tốt với tinh thần thi đua như Bác Hồ dạy là người yêu nước nhất. Thời đại các cháu bây giờ, trí thức khoa học rất rộng, có đủ điều kiện để thi thố tài năng, đủ sức mình cống hiến trong nhiệm vụ cụ thể của mình. Chính đó là cháu đã thể hiện tinh thần yêu nước không phải bằng lời mà bằng hành động cụ thể. Và khi mọi người đều hành động như vậy thì sẽ thành một tập thể đoàn kết thực sự để cùng nhau cống hiến. Với tư cách là một độc giả, một nhà báo có nhiều năm trong nghề, anh đánh giá thế nào về công tác giáo dục nhận thức về chủ quyền biển đảo, biên giới lãnh thổ của Việt Nam chúng ta đối với người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ? (Nguyễn Minh, Hà Nội) - Nhà thơ - nhà báo Nguyễn Việt Chiến: Có người cho rằng, có thể tình yêu Tổ quốc đồng nghĩa với trách nhiệm công dân của mỗi một con người trước số phận của dân tộc, của đất nước mình. Thôi, xin hãy bớt nói những điều lớn lao, những lời vĩ đại như vậy. Chúng ta là con dân của đất Việt, ông cha ta từ ngàn năm trước đã lên rừng, đã xuống biển để khai phá, dựng xây non nước này. Và, biển đảo ấy là một phần gia tài nghèo khó mà ông cha ta tự ngàn xưa đã không tiếc máu xương, công sức để giữ gìn, để truyền đời lại cho cháu con hôm nay. Vì thế công tác giáo dục nhận thức về chủ quyền biển đảo, biên giới lãnh thổ của Việt Nam chúng ta đối với người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ là rất quan trọng. Và, tôi nghĩ rằng, báo chí thời gian qua, nhất là thời điểm gần đây đã góp phần làm tốt công tác đó. - Kính chào bác Thước: Ngày xưa khi chúng ta đánh Mỹ, trong khi nước Mỹ rất giàu và và mạnh. Các bác có lúc nào thấy sợ không ạ? Còn bây giờ, bác lo nhất là vấn đề gì? (Phương Trang, Sapa, Lào Cai) - Trung tướng Nguyễn Quốc Thước: Sợ là thuộc bản năng của mọi người, mọi sinh vật trong đó có con người. Nhưng nếu sợ Mỹ thì làm sao mà thắng Mỹ. Bác Hồ đã dạy: Chúng ta quyết không sợ! Trên chiến trường, trước mặt là kẻ thù, căm thù sự tàn phá đất nước, sự giết hại đồng bào, sát hại đồng đội, người chỉ huy chỉ có một mục tiêu là động viên bộ đội xông lên tiêu diệt quân thù, bảo vệ đồng bào, trả thù cho đồng đội, đó là hành động của người chiến sỹ chỉ huy trên chiến trường. Cháu còn nhớ những người cộng sản bị tù đày, tra tấn, móc mắt, chặt tay, roi điện nhưng tại sao họ không sợ? Câu hỏi đó bác để dành cho cháu trả lời. Và tin rằng: Cháu sẽ có một đáp số đúng 10 điểm. Thưa bác Cư, là một người từng có nhiều năm lăn lộn trên các chiến trường để giành lấy hòa bình cho đất nước, xin bác chia sẻ về cảm xúc của mình trong vòng gần một tháng vừa qua, khi vấn đề chủ quyền biển đảo của Việt Nam đang trở nên vô cùng nóng bỏng. Có chút gì e sợ không, thưa bác? (Nguyễn Hải Vân, Đống Đa, Hà Nội) Trung Tướng Phạm Hồng Cư: Dân tộc Việt Nam không bao giờ sợ trước những thế lực xâm lược. Chính vì không sợ cho nên đã phát huy lòng yêu nước và nghệ thuật đánh giặc, đánh thắng các thế lực xâm lược trong lịch sử. Trước những hành động xâm phạm chủ quyền của Trung Quốc tại Biển Đông, nhân dân Việt Nam quyết bảo vệ chủ quyền lãnh hải của Tổ quốc. Cấp 3 được học Nam Cao, có hình ảnh một nhà văn nghèo chỉ mong đến khi có đủ tiền để sống, để lúc đấy sẽ chỉ toàn tâm toàn thực hiện giấc mơ của mình là viết nên những áng văn bất hủ. Có lẽ sẽ giống như anh văn sỹ Hộ chẳng bao giờ đủ ăn để mà bắt tay vào viết cuốn tiểu thuyết để đời, đa số mọi người cũng sẽ chẳng bao giờ ngoi ra khỏi vật lộn của công cuộc "tu thân tề gia" để mà bắt đầu "trị quốc, bình thiên hạ". Anh có cho rằng nhiều nhà văn Việt Nam hiện đang đứng ngoài những vấn đề hệ trọng của Tổ quốc, nhân dân? (T.H, Huế) - Nhà thơ - nhà báo Nguyễn Việt Chiến: Tôi nghĩ, có lẽ chẳng có nhà văn nào đứng ngoài những vấn đề hệ trọng của Tổ quốc , nhân dân. Tôi nghĩ rằng hình tượng Tổ quốc trong thơ tôi (và trong thơ, văn của nhiều nhà thơ, nhà văn Việt Nam yêu nước) là một chủ đề bất tận, có tính sử thi xuyên suốt qua nhiều năm tháng. Điều quan trọng là nhà văn phải thở hơi thở đời sống của dân tộc mình và trái tim nhà văn phải đập cùng nhịp với những khổ đau, mơ ước của nhân dân mình. Mỗi người một cách thể hiện khác nhau, tôi nghĩ các nhà văn chúng ta hiện nay đều đang có những sáng tác đau đáu về đề tài đất nước và dân tộc cả đấy, người đọc hãy cố gắng đón chờ những tác phẩm thật sự rung động đang được họ thai nghén và viết ra. - Thưa Trung tướng Thước, Trung tướng có nói: “Bảo vệ tổ quốc không chỉ dựa vào sức mạnh quân sự. Cụ thể là chúng ta phải sử dụng sức mạnh tổng hợp: cả nội lực và những bạn bè yêu chuộng hòa bình trên thế giới”. Dường như đây vẫn là “chiến lược” cũ. Vậy, trong thời điểm hiện nay, xin Trung tướng cho biết, chúng ta thực hiện chiến lược này cụ thể như thế nào? (Trần Văn Khoa, Đống Đa - Hà Nội) - Trung tướng Nguyễn Quốc Thước: Sức mạnh tổng hợp là một quan điểm, đường lối xuyên suốt của Đảng ta trong lãnh đạo cách mạng nói chung và trong nhiệm vụ quân sự nói riêng. Nó vừa là chiến lược vừa là cụ thể, mọi cấp, mọi hành động đều phải quán triệt tư tưởng đó. Hiện nay, để bảo vệ Tổ quốc, chúng ta dùng cả sức mạnh của hệ thống chính trị, Đảng, Nhà nước, 84 triệu dân với lực lượng vũ trang hùng mạnh làm nòng cốt thì không thế lực nào có thể ngăn cản chúng ta bảo vệ đất nước. Và khi chúng ta đã nhất tề đứng lên thì bạn bè, nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới sẽ cũng đứng lên bảo vệ chúng ta như đã ủng hộ trong hai cuộc chiến tranh của quá khứ. Và hiện nay, đã bắt đầu có những hành động của bạn bè trong việc bảo vệ chủ quyền đất nước, chủ quyền lãnh hải của nước ta. - Thưa Trung tướng Thước, tôi là một thương binh ở tỉnh Phú Thọ, và từng có dịp nghe kể rất nhiều về ông. Tôi cảm phục ông và nhân đây, cũng chỉ xin hỏi ông 1 câu: Ông có tin rằng Quân đội nhân dân Việt Nam hiện nay đủ sức mạnh để vượt qua mọi thử thách, bảo vệ vững chắc chủ quyền đất nước, nếu nó bị đe dọa. Xin trân trọng cảm ơn ông. (Trần Ánh – Việt Trì – Phú Thọ) - Trung tướng Nguyễn Quốc Thước: Là một thương binh chắc đồng chí cũng hiểu sức mạnh của quân đội nhân dân VN trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ dưới sự lãnh đạo của Đảng trong lòng của toàn dân tộc. Tin rằng: Quân đội đó mãi mãi vẫn là anh bộ đội cụ Hồ sẵn sàng nhận nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ nhân dân, bảo vệ lãnh thổ, lãnh hải của nước ta. Tình hình xã hội hiện nay có những mặt tiêu cực tác động nhất định vào trong quân đội làm nhiều người phân tâm trong đó có đồng chí, nhưng muốn đánh giá đúng quân đội trong thời bình thì hãy nhìn vào hành động của các chiến sĩ ở nơi biên giới, hải đảo, Trường sa khi phải đương đầu với những thiên tai khốc liệt vẫn thể hiện bản chất là bộ đội cụ Hồ. Những mặt còn tồn tại mà nhiều người băn khoăn, phân tâm tin rằng: Quân đội Trung ương, bộ Quốc phòng sẽ có những giải pháp để không ngừng hoàn thiện tổ chức, nâng cao sức mạnh của Quân đội, đủ sức bảo vệ lãnh thổ, lãnh hải. Chúng ta hãy tin tưởng như vậy và cùng góp sức vào. Chào chú Việt Chiến. Là một công dân Việt Nam, một nhà báo, một nhà thơ chú đã làm việc như thế nào để cống hiến. Nếu phải lựa chọn việc dùng ngòi bút và cầm súng ra chiến trường để bày tỏ lòng yêu nước. Chú sẽ chọn cách nào? (Linh Lê Mỹ, Cần Thơ) - Nhà thơ - nhà báo Nguyễn Việt Chiến: Mình đã từng cầm súng trong chiến tranh và cầm bút trong hòa bình, cầm súng và cầm bút đều có sứ mệnh như nhau, ở mặt trận nào rồi cũng phải chiến đấu hết mình và phải hy sinh quyền lợi của bản thân vì đất nước, vì dân tộc, vì lẽ phải và sự công bằng. - Thưa Trung tướng Thước, cháu đang là du học sinh bên Mỹ xin hỏi: Hiện dư luận quốc tế cũng như các bạn trẻ nơi cháu học chưa được tiếp cận nhiều thông tin của VN, về VN. Vậy Trung tướng có kinh nghiệm gì để bè bạn quốc tế hiểu và ủng hộ mình như trước đây? (Văn Hùng, Ba Tơ, Quảng Ngãi) - Trung tướng Nguyễn Quốc Thước: Bác hoan nghênh các bà con Việt Nam đang sinh sống, học tập bên Mỹ với những tấm lòng hướng về Tổ quốc. Muốn bạn bè hiểu được ta trước hết bản thân những người Việt Nam yêu nước bên Mỹ trong đó có cháu phải thể hiện làm sao để bạn bè hiểu được thế nào là người Việt Nam. Con người của một đất nước luôn bị xâm lược nhưng lại rất yêu chuộng hòa bình, sống có tình nghĩa, có thủy chung. Hiện nay, Nhà nước ta đang có chủ trương mở nhiều kênh giao lưu, đối thoại và thông tin để bạn bè trên thế giới trong đó có Mỹ hiểu thêm về ta mà không để bọn xấu xuyên tạc. Các cháu hãy khuyên bạn bè ở Mỹ hãy đến Việt Nam để hiểu thêm đất nước VN của chúng ta là như thế nào. Tình thân thiện của các cháu đối với bạn bè Mỹ cũng là một cách để bạn hiểu được bản chất của người VN là như thế nào. Rất tiếc bác không ở bên Mỹ để cùng giao lưu với bạn bè bên Mỹ, với tấm lòng biết ơn nhân dân Mỹ đã ủng hộ nhân dân VN trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ. Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến có nghĩ đến việc thành lập câu lạc bộ thơ Yêu nước, hoặc câu lạc bộ thơ hành động vì tổ quốc? - (Phạm Tiến Lực, 20 tuổi, Gia Lai) - Nhà thơ - nhà báo Nguyễn Việt Chiến: Một ý tưởng rất hay, nhưng có nên đề nghị Hội Nhà văn Việt Nam thành lập Câu lạc bộ Thơ yêu nước không nhỉ, khi theo sự hiểu biết của mình, tất cả những người cầm bút hôm nay đều là những người yêu nước cả, tuy mỗi người đều yêu nước theo cách riêng của họ. Cuộc giao lưu trực tuyến kết thúc lúc 11h20 ngày 17/6. BBT |
------------------
*****
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét