Nguồn: SGTT.VN
Là phó chủ nhiệm uỷ ban Văn hoá, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội, hình ảnh của ông gắn liền với không khí nghị trường nóng bỏng. “Ông nghị phản biện nhiều nhất” là cái tên mà nhiều người đã yêu quý gọi ông.
Sự đố kỵ, ích kỷ và vô cảm đang trở thành căn bệnh xã hội trầm kha làm thui chột những giá trị sống quý giá. Ông suy nghĩ gì về điều này?
Con người sở dĩ trở thành con người và tồn tại xuyên suốt lịch sử, bất chấp sự hữu hạn của cuộc đời mỗi người là nhờ có cộng đồng (hiểu theo nghĩa tập hợp những người cùng chung sống và những thế hệ kế tiếp nhau). Chính vì vậy, tình cảm gia đình, quê hương, đồng loại… ở đâu và bao giờ cũng là những tình cảm tự nhiên đối với mỗi người. Trải qua những bước thăng trầm của lịch sử, người Việt ta luôn chia ngọt sẻ bùi, cố kết với nhau, chung sức chung lòng xây dựng nên đất nước này. Trong những năm tháng chiến tranh gian khổ, nhiều người trong chúng ta từng chứng kiến dân ta đùm bọc nhau như thế nào, xã hội nề nếp như thế nào. Bây giờ, hình như xã hội có phần nhốn nháo, nhiều giá trị sống không còn được coi trọng. Nhìn nhận một cách công bằng thì xã hội ngày xưa đơn giản hơn, còn bây giờ, đời sống phong phú, phức tạp hơn, con người cũng có ý thức về cá nhân nhiều hơn; hạnh phúc được mỗi người phân biệt rạch ròi với những giá trị ảo. Theo tôi, đó là sự phát triển tất yếu từ xã hội thời chiến, trong đó mọi người vừa được bao cấp toàn diện vừa phải cố kết với nhau để tồn tại sang xã hội thời bình có khoảng trời riêng tư cho mỗi cá nhân nhiều hơn và mỗi người, mỗi gia đình cũng phải tự lo cho mình nhiều hơn.
Nhưng quả tình đang có những biến đổi trong tâm lý xã hội làm chúng ta lo lắng. Có lẽ chưa bao giờ ý thức làm giàu bằng mọi giá, nạn bạo lực, sự thờ ơ, vô cảm trước những vấn đề chung, những nỗi đau của đồng loại, sự chối bỏ những giá trị truyền thống, thậm chí sự đổ vỡ niềm tin hiện rõ như bây giờ.
Còn một căn bệnh trầm kha nữa là bệnh nói dối. Theo ông, bệnh này nảy nòi từ đâu?
Đó là hậu quả của một thời kỳ dài thiếu dân chủ, trong đó nhà quản lý muốn mọi người nghĩ như nhau, nói như nhau, và không muốn nghe ai nói khác. Căn bệnh này làm cho người ta không còn thấy được nhược điểm của bản thân, của đơn vị, địa phương hay xã hội nữa và luôn tự ru ngủ bằng ảo tưởng. Chính nó là một nguyên nhân quan trọng kìm hãm sự phát triển của xã hội. Có thể trong từng thời kỳ đặc biệt của đất nước, nhất là thời chiến tranh, chúng ta chấp nhận không nói hoặc không nói hết về những khó khăn, thất bại cục bộ, để giữ cho được tinh thần, sự nhất trí cao trong xã hội, động viên toàn dân đi đến thắng lợi cuối cùng. Nhưng trong thời kỳ xây dựng kinh tế, nếu cứ che giấu mãi như chuyện Vinashin, dẫn đến món nợ khổng lồ 86 ngàn tỉ đồng thì tai hại vô cùng. Tuy vậy, thất bại kinh tế vẫn chưa phải điều tai hại nhất. Tai hại nhất là tệ nói dối sẽ làm cho người dân mất dần lòng tin vào lãnh đạo, thậm chí mất cả cảm hứng trước những vấn đề quốc gia đại sự.
Làm thế nào để gầy dựng lại các thang giá trị xã hội đang bị thử thách như thế? Ông nhìn nhận thế nào về vai trò tiên phong của giới trí thức trong vấn đề này?
Tôi nghĩ trách nhiệm này trước hết là của Đảng. Là đội tiên phong dẫn dắt dân tộc, Đảng phải nhận thức được trách nhiệm nặng nề của mình trước lịch sử, trước nhân dân để có những giải pháp hoàn thiện và phát triển những giá trị sống được hun đúc trong lịch sử dân tộc. Nhưng trước hết, Đảng cần chỉnh đốn đội ngũ của mình, để cán bộ, đảng viên là những tấm gương cho xã hội tin theo. Một loạt các vụ cán bộ tha hoá, biến chất gần đây cho thấy chỉnh đốn đội ngũ là việc cần kíp lắm rồi, nhân dân trông đợi lắm rồi. Tự hoàn thiện mình, Đảng sẽ tiếp tục là nơi tập hợp những người con ưu tú, trong đó có tầng lớp trí thức, dẫn dắt toàn xã hội xây dựng đời sống mới với nền văn hoá đậm đà bản sắc dân tộc, mang hơi thở của thời đại.
Nổi tiếng là “ông nghị phản biện”, luôn đưa ra những ý kiến thẳng thắn về những vấn đề nóng bỏng của cuộc sống trước Quốc hội, con người phản biện của ông được hình thành do đâu?
Chưa bao giờ ý thức làm giàu bằng mọi giá, nạn bạo lực, sự thờ ơ, vô cảm trước những vấn đề chung, những nỗi đau của đồng loại, sự chối bỏ những giá trị truyền thống, thậm chí sự đổ vỡ niềm tin hiện rõ như bây giờ. |
Tôi không chịu được khi không phản ánh đúng ý nghĩ của mình. Có thể đó là ảnh hưởng của nghề nghiệp và môi trường sống. Từ bé, tôi đã hay đọc sách văn học cổ và lịch sử. Lớn lên, do nghề nghiệp, càng đọc nhiều hơn, càng nghĩ sâu hơn, tôi càng chịu ảnh hưởng của những câu chuyện, những nhân vật, những bài học trong sách của người xưa. Về môi trường sống, tôi may mắn được gặp nhiều người có cá tính, nên cá nhân luôn có sự tỉnh thức. Vả lại, tư thế của một trí thức khiến tôi luôn cảm thấy xấu hổ nếu nói sai sự thật, nói hùa theo người khác. Nhưng để có thể bày tỏ chủ kiến trước Quốc hội, để ý kiến mình có tính thuyết phục, tôi luôn tìm hiểu kỹ vấn đề, nhất là tham khảo ý kiến của các chuyên gia, nhìn vấn đề ở nhiều góc độ, để ý kiến của mình khách quan, công bằng, càng tiệm cận với lẽ phải càng tốt. Đặc biệt là phải có động cơ đúng, mang tính xây dựng. Khi người đại biểu lấy quyền lợi chung để định hướng cho mình thì sẽ có cách nghĩ đúng đắn và thái độ đúng mực.
Có bao giờ ông lâm vào thế khó xử?
Khó xử thì không nhưng khó khăn thì có. Ví dụ, khi phải trả lời phỏng vấn trực tiếp của các phóng viên nước ngoài về một số vấn đề “nhạy cảm” như vụ PCI, dự án khai thác bauxite, dự án đường sắt cao tốc Bắc Nam… Cách giải quyết của tôi là trả lời đúng với quan điểm của mình như đã phát biểu trước Quốc hội, vì ý kiến của mình trước Quốc hội là ý kiến được chuẩn bị kỹ và đã được gần 500 đại biểu cùng giới báo chí và cử tri thẩm định.
Động lực nào thôi thúc ông luôn đứng ở đầu sóng ngọn gió như thế? Ông nhìn nhận như thế nào về trách nhiệm của người đại biểu nhân dân?
Động lực thôi thúc tôi là trách nhiệm của một trí thức, một đảng viên, một đại biểu dân cử. Tôi tin khi nói lên sự thật, những người có tâm sẽ đánh giá đúng, chẳng ghét bỏ gì mình. Còn nếu có ai không bằng lòng, tôi cũng phải chấp nhận thôi. Muốn vừa lòng tất cả mọi người thì không làm được việc gì nên hồn cả. Vả lại, tôi luôn luôn ý thức rằng phát biểu ý kiến phải có tổ chức, phải phù hợp với quyền hạn, trách nhiệm của đại biểu Quốc hội. Khi Quốc hội đã ra nghị quyết thì đại biểu phải chấp hành. Như chuyện mở rộng Hà Nội chẳng hạn, mặc dù đại biểu có thể không tán thành nhưng khi đã có nghị quyết thì về tiếp xúc cử tri cũng không thể nói trái nghị quyết được.
Những năm tháng học tập ở Nga dường như đã hình thành nên tính cách của ông và lối giảng dạy, nghiên cứu khoa học độc lập, có tranh biện?
Tư thế của một trí thức khiến tôi luôn cảm thấy xấu hổ nếu nói sai sự thật, nói hùa theo người khác. |
Tuổi thơ vất vả đã tập cho tôi thói quen đương đầu với khó khăn. Tôi đã từng đi bán báo, bán lạc luộc, ra sông Hồng vớt củi mỗi mùa lũ. Thời phổ thông, tôi là học sinh tham gia cả đội tuyển văn và đội tuyển toán của trường. Vào đại học, tôi học khoa ngữ văn, ĐH Tổng hợp Hà Nội và chọn chuyên ngành ngôn ngữ học. Những năm tháng chiến tranh rèn cho tôi sức chịu đựng, ý chí vươn lên và sự trung thành với lý tưởng. Bốn năm sơ tán và mười năm tình nguyện công tác miền núi cho tôi rất nhiều kiến thức thực tế. Nói tóm lại, mỗi thời kỳ đều đóng góp một phần rất quan trọng.
|
Những năm tháng sống ở Nga, những đợt làm việc dài ngày ở Canada, Pháp và những hoạt động đối ngoại của trường cũ hay của cơ quan Quốc hội mà tôi tham gia sau này cũng tác động sâu sắc đến cách sống của tôi. Điều tôi học được ở các bạn nước ngoài là tính thẳng thắn, tư duy độc lập và sự tôn trọng ý kiến riêng, cuộc sống riêng của người khác.
Theo ông, để tập hợp được đội ngũ trí thức trong và ngoài nước, lãnh đạo cần làm gì?
Chúng ta hãy rút ra những bài học từ Bác Hồ. Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, đặc biệt là từ khi thành lập nước, Bác đã tập hợp được những trí thức tiêu biểu của dân tộc, phát huy trí tuệ của họ, rèn luyện họ thành những người trí thức cách mạng có đóng góp xuất sắc cho sự nghiệp vệ quốc và kiến quốc. Trí thức theo Bác là vì họ tin theo sự nghiệp chính nghĩa cứu dân cứu nước của Bác, tâm phục trí tuệ, đức độ và tấm lòng liên tài thành thực của Bác. Làm theo được Bác, chắc chắn chúng ta tập hợp được những người có tâm có tài vốn không thiếu trong số con Lạc cháu Hồng ngày nay.
Giữa tâm với tài thì tâm là gốc. Đối với người lãnh đạo lại càng như vậy. Có tâm thì biết chọn việc đúng, biết nghe lời nói phải và biết trọng hiền tài. Không có tâm thì chỉ chăm chăm nghĩ đến cái lợi, chỉ chọn việc đem lại lợi lộc cho mình, chỉ chọn những kẻ a dua xu nịnh, và bịt tai trước mọi lời nói phải.
Ông quan niệm như thế nào về người trí thức dấn thân?
Thực ra, đã là trí thức thật thì ai cũng dấn thân. Có người dấn thân cho các sáng tạo, sáng chế, phát minh. Có người dấn thân cho xã hội. Sự dấn thân nào cũng đòi hỏi trí tuệ và đức hy sinh. Không có trí tuệ thì sẽ chọn sai đường. Không dám hy sinh thì không thể đi đến cùng con đường đã chọn.
Nhìn lại đời mình, ông đã đạt được mục đích sống mà mình chọn lựa chưa? Gia đình có chia sẻ nhiều với chuyện dấn thân vào nghị trường của ông không?
Từ nhỏ, tôi luôn mơ ước mình sẽ trở thành người có tiếng nói trong khoa học, trong xã hội. Còn trong cuộc sống riêng, cũng như tất cả mọi người, tôi mơ ước một gia đình hạnh phúc. “Bà đầm” nhà tôi là một phó giáo sư, cũng bảo vệ luận án tiến sĩ ở nước ngoài và đang công tác ở một viện khoa học nên rất ủng hộ tôi phát huy năng lực của mình, đóng góp cho cái chung. Còn mẹ tôi, lúc đầu cũng băn khoăn lắm, bà thường bảo: “Anh mà nói thẳng như thế, sợ người ta mất lòng”. Vợ con tôi luôn chia sẻ, vì cho rằng việc gì đúng phải làm. May mắn nhất cho tôi là các con học hành đàng hoàng, có công ăn việc làm tử tế. Tôi chỉ còn một điều đang “mộng” là được thăng lên chức ông!
thực hiện: Kim Yến
minh hoạ: Hoàng Tường
minh hoạ: Hoàng Tường
------------------
*****
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét