Nguồn: Blog nguoilotgach
Trong những ngày qua, những hành động gây hấn của nhà cầm quyền Trung Quốc thể hiện rất rõ mưu đồ và tham vọng xấu xa của họ đã gây phẫn nộ trong lòng mỗi người Việt Nam yêu nước. Những hành động xâm lấn hải phận Việt Nam của các tàu chiến Trung Quốc, uy hiếp và cản trở các tàu thuyền của ngư dân Việt Nam hành nghề trên vùng biển của mình với nhiều thủ đoạn xấu xa và nham hiểm, trắng trợn hơn nữa khi ngang ngược và liều lĩnh cắt cáp thăm dò dầu khí của các tàu của Việt Nam đang làm nhiệm vụ trên vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam đang phơi bày những ý đồ xấu xa, những mưu toan bẩn thỉu của nhà cầm quyền Trung Quốc “khẩu Phật tâm xà”!
Điều đang lưu ý lá những bước leo thang nguy hiểm ấy lại được sự cổ vũ của cả một hệ thống báo chí và các phương tiện truyền thông của Trung Quốc hàng ngày vu không nói xấu Việt Nam theo ngón võ quen thuộc “ngậm máu phun người” “vừa ăn cướp vừa la la làng” của họ để khích động tâm lý hiếu chiến và đầu óc “bành trướng Đại Hán” trong một bộ phận không nhỏ thanh niên và người dân Trung Quốc thiếu hiểu biết vì thiếu thông tin, hoặc chỉ được tiếp nhận những thông tin đã bị xuyên tạc. Tình hình nói trên gây nên những bức xúc trong tâm trạng xã hội nước ta, đặc biệt là trong giới thanh niên sinh viên và trí thức Việt Nam.
Cũng cần phải nói thêm là, những bức xúc ấy không chỉ có ở Việt Nam và của người Việt Nam ở nước ngoài. Bạn bè quốc tế cũng đã lên tiếng phê phán hành động ngang ngược của TQ [ Đáng tiếc là phản ứng của quốc tế chưa được như chúng ta mong đợi bởi nhiều lý do, trong đó có thái độ chưa thật rõ rang, minh bạch và tương thích với những mưu toan, hành động và thủ đoạn của TQ của nhà cầm quyền Việt Nam chúng ta, đây là điều cần phải được làm sáng tỏ trước công luận trong thời gian sắp tới.].
Đã có rất nhiều hình thức biểu tỏ nỗi bức xúc đó như xuống đường biểu tình hoặc lên án những việc làm đen tối ấy trên các phương tiện thông tin đại chúng, từ các báo chí ra hàng ngày, đến các blog cá nhân, các trang mạng được phổ biến rất rộng rãi trong nước và ngoài nước. Những việc làm nói trên là sự hậu thuẫn có ý nghĩa tích cực cho những ứng xử của nhà cầm quyền ta trong đối ngoại, đặc biệt là đối với Trung Quốc.
Điều cần đặc biệt lưu ý là, bằng những hành động vừa qua, gương mặt của nhà cầm quyền Trung Quốc đã phơi bày trước công luận thế giới. Người ta dần dần càng hiểu rõ hơn những toan tính nguy hiểm của Trung quốc trong giấc mộng trở thành siêu cường, sẵn sàng chà đạp lên luật pháp quốc tế, sẵn sang thực hiện những “chinh sách thực dân” như bà ngoại trưởng Mỹ Hilary Clinton đã phê phán thẳng thừng. Trung Quốc đang tỏ rõ trước công luận là một hiểm họa của thế giới, không chỉ là hiểm họa của tàn phá môi trường mà còn là đe dọa an ninh và ổn định của khu vực và của thế giới trong những mưu toan “xây dựng chủ nghĩa tư bản mang màu sắc Trung quốc” cực kỳ liều lĩnh và nham hiểm. Thủ đoạn gây hấn, hướng mũi dùi bên ngoài để làm lạc hướng những bất ổn định bên trong giữa các thế lực kinh tế, chính trị trong “các nhóm lợi ích”, những bất ổn xã hội và làn sóng phản đối của nhiều tầng lớp, nhiều nhóm xã hội bị đẩy vào đường cùng hoặc trước những nghịch cảnh, những bất công. Chỉ cần dẫn ra đây một ví dụ cũng thấy điều này là một ung nhọt ngày càng sưng tấy lên trong cơ thể xã hội TQ đến một lúc nào thì ung nhọt ấy phải bục vỡ thôi. : Thu nhập bình quân đầu người của người dân Thâm Quyến là 32.650 NDT, nhưng của cán bộ cấp Vụ, Cục là từ 7 triệu đến 10 triệu NDT, của cán bộ cấp tỉnh là từ 8,5 triệu đến 12 triệu NDT. Điều này có nghĩa là tài sản trung bình của một cán bộ cấp Vụ, Cục ở Thâm Quyến gấp khoảng thu nhập trung bình trong 250 năm của một người dân, còn của cán bộ cấp tỉnh là 300 năm Bên cạnh đó là sự quản lý kém hiệu lực của chính quyền, sự tham nhũng của những người nắm quyền đã công khai bộc lộ và có xu thế ngày càng mạnh lên. Điều khiến thế giới lo ngại chính là cách TQ nôn nóng trở thành siêu cường để trả mối hận với thế giới, là nỗi lo ngại sự "lớn mạnh" của Trung Quốc. Luận điểm "mối đe doạ Trung Quốc" không phải vô cớ được tung ra. Dù Trung Quốc đã từng sửa khẩu hiệu chiến lược của mình từ "Trung Quốc trỗi dậy" thành "Trung Quốc trỗi dậy hoà bình", "phát triển hòa bình", v.v.. nhưng phần đông các nước láng giềng và trong khu vực đều giữ thái độ cảnh giác, thận trọng trong cư xử với Trung Quốc. Có người Trung Quốc đã cay đắng và cả hằn học nữa thốt lên: "dưới cái mũ lớn "thuyết Trung Quốc đe dọa" còn có nhiều thuyết "đe dọa nhỏ" nữa, nào là mối đe dọa của tỷ suất thấp của đồng NDT, mối đe doạ của an toàn thực phẩm Trung Quốc, mối đe doạ của việc môi trường Trung quốc xấu đi, mối đe doạ do nhu cầu năng lượng của Trung Quốc tăng nhanh, mối đe dọa do Trung Quốc tăng ngân sách quốc phòng v.v. Trung Quốc ừa có chút khí thế trỗi dậy đã bị các cường quốc thế giới kéo nhau lại "tấn công".[theo tài liệu trình bày của Dương Danh Di].
Cũng đừng quên rằng, cuộc đấu đá giữa các phe phái trong nội bộ Đảng là bệnh lý trầm kha của TQ, hiện đã xuất hiện những nhóm đảng viên chống lại đường lối cơ bản của đảng, đòi đẩy mạnh cải cách chính trị, đòi xây dựng "chủ nghĩa xã hội dân chủ" như mấy nước Bắc Âu...Trào lưu này bắt nguồn từ Hồ Diệu Bang và đặc biệt là Triệu Tử Dương, những người lãnh đạo cao nhất từng công khai khởi xướng, không những không lụi tàn sau khi bị đàn áp mà còn có xu thế phát triển thật sự là mối lo ngại cho những người đương quyền.
Gợi lên vài nét như vậy để hiểu thêm chân tướng của đường lối “bành trướng Đại Hán” và những mưu toan khiến cho vấn đề Biện Đông nóng lên một cách có chủ định với những nước cờ nham hiểm. Hiểu như vậy để suy nghĩ thêm về thái độ cần có của chúng ta trước thời cuộc, trong đó có vấn đề ‘BIÊN ĐÔNG’ .
Trên cơ sở những suy nghĩ ấy, tôi đề xuất với các anh chị về nội dung của kiến nghị [hoặc Tuyên bố] nên hướng tới những vân đề sau đây :
- Nên là tiếng nói của người dân Việt Nam yêu nước, quan tâm đến vận mệnh của đất nước trước hiểm họa do các nhà cầm quyền TQ đang gây nên, trước hết là của người trí thức ưu tư về vận nước, muốn biểu tỏ thái độ và góp phần của mình vào trong sự nghiệp chung. Tiếng nói ấy, vì vậy, phải hướng vào công luận trong nước và quốc tế, tranh thủ được ở mức cao nhất sự ủng hộ, trong đó có nhân dân Trung Quốc và những trí thức TQ có lương tri, am hiểu tình hình trong nước và bối cảnh quốc tế. Tiếng nói ấy, vì vậy, nên là một tiếng nói mạnh mẽ, công khai, minh bạch thể hiện được một ứng xử có văn hóa, đúng mực và khách quan.
- Đó là tiếng nói nhằm hậu thuẫn cho những quyết sách và giải pháp đúng đắn của nhà nước Việt Nam trước hiểm họa của đất nước, chứ không phải chỉ là sự công kích thiếu cẩn trọng, một chiều và chưa thật khách quan. Phải lên tiếng, phải có tiếng nói độc lập của người trí thức trước thời cuộc, song không nhất thiết phải là tiếng nói đối lập lại với chính quyền, những người có điều kiện và phương tiện để nắm bắt thông tin nhiều hơn chúng ta [đương nhiên chuyện xử lý thông tin thì lại có thể còn nhiều yếu tố phức tạp xen vào] . Cố gắng tìm một mẫu số chung giữa chúng ta, người dân và người trí thức yêu nước với những người đang đảm trách nhiệm vụ điều hành bộ máy nhà nước, đó là tinh thần yêu nước, là trách nhiệm trước ý chi chí và nguyện vọng của nhân dân. Cũng vì thế mà chân thành và đúng mức, song rất sòng phẳng và công khai trong việc bày tỏ những kiến nghị mà mình cho là cần phải có trước hiểm họa của quốc gia.
- Trước mắt, trong nội dung bày tỏ của KIẾN NGHỊ, cần tập trung vạch rõ những toan tính nguy hiểm và trắng trợn của nhà cầm quyền Trung quốc trong việc muốn lấn chiếm toàn bộ Biển Đông bằng việc thè “cái lưỡi bò” ham hố và phi lý không có bất cứ một cơ sở pháp lý nào, mà chỉ phơi bày thái độ ngang ngược và phi lý trước công luận thế giới nhất là trong khu vực. Chính vì vậy, đã đến lúc không thể đơn giản nêu khẩu hiệu “Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam” một cách cảm tính, thiếu chính xác với những chứng lý được trình bày khoa học và cặn kẽ. Nếu không cân nhắc, dễ đánh mất sự ủng hộ của những nước láng giềng hoặc các nước trong khu vực cũng đang tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông và cũng đếu chịu áp lực ngang ngược của TQ.
Trên đây là một vài suy nghĩ vội vàng của tôi, thật ra, còn muốn có thời gian để nghĩ kỹ hơn trước khi viết song do anh Lê Hiếu Đàng đòi phải trả lời ngay nên tôi không thể nấn ná thêm nữa.
(bài viết nhận từ tác giả ngày 26/6/2011)
------------------
*****
Thưa GS Tương Lai
Trả lờiXóaGS nói ta cần lên tiếng hậu thuẫn cho Nhà nước ta, để đấu tranh với Trung Quốc, nhưng Nhà nước ta và Nhà nước Trung quốc lại trùng khít làm một! Mời GS đọc :
Bộ Ngoại giao 2 nước Việt Trung hôm nay vừa ra tuyên bố: “Hai bên cho rằng, quan hệ Việt-Trung phát triển lành mạnh, ổn định, đáp ứng nguyện vọng chung và lợi ích căn bản của nhân dân hai nước Việt-Trung, có lợi cho hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực”.
Hai bên nhấn mạnh cần kiên trì đưa quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Trung Quốc phát triển theo đúng phương châm 16 chữ “láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai” và tinh thần 4 tốt “láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt”.
Đảng Trung quốc có nhiều phe, nhưng Đảng ta thì chỉ có một phe đồng thuận với Bành trướng thôi ư ?(như bản Thông cáo Ngoại giao chung này cho thấy). Xin GS cho ý kiến.
Minh Hiển