Nguồn: Tamnhinnet
Phát hiện trống đồng Đông Sơn có minh văn thứ hai ở Việt Nam
Trống "Phú" được phát hiện tại huyện Phú Xuyên (Hà Tây cũ) |
Phát hiện bất ngờ chiếc trống đồng cổ có minh văn
Cách đây chừng 5,6 năm, một nông dân ở vùng chiêm trũng thuộc huyện Phú Xuyên (Hà Tây cũ) bất ngờ phát hiện một chiếc trống đồng lớn còn gần như nguyên vẹn trong một hố đất đen đào sâu trong tầng đất đen sú vẹt. Có lẽ chính nhờ tầng đất chua sú vẹt yếm khí này mà chiếc trống đã được bảo tồn nguyên vẹn, gần như mới. Nhất là lớp vàng óng của thau đồng ẩn bên dưới màng patin mỏng được bảo vệ bởi một tầng nhựa cây che phủ khiến chủ nhân không thể tin ngỡ như một đồ đồng mới đúc. Đặc biệt là bên trong phần riềm chân trống hiện ra một dòng chữ Hán khắc nguệch ngọac nhưng rất sắc nét.
Chiếc trống được thông báo đến các thành viên trong Hội sưu tầm cổ vật Thăng Long (Hà Nội) và hiện nay nó là một trong số món đồ giá trị, mang lại niền tự hào chính đáng cho anh em trong Hội. Gần đây, tôi có dịp được nghiên cứu kỹ chiếc trống này, nhất là dòng minh văn được khắc bên trong phần riềm chân trống.
Chiếc trống đầu tiên có minh văn ở nước ta chính là chiếc trống đồng Đông Sơn do nhân dân khai quật được ở Gò Mả Tre, trong thành Cổ Loa, năm 1982 (1). Hàng minh văn này đã được một số nhà khoa học nghiên cứu và công bố . Đây là chiếc trống đồng Đông Sơn thứ hai có minh văn đã được phát hiện và nghiên cứu ở nước ta. Ngoài ra, như đã từng được công bố, còn có một số thạp đồng Đông Sơn và khá nhiều đồ đồng, đồ gốm Giao Chỉ thuộc truyền thống Đông Sơn dưới thời thuộc bắc cũng có khắc minh văn chữ Hán. Vài dòng giới thiệu về chiếc trống mang tên “Phú” Trước hết, để tiện trình bày, trong bài này tôi gọi chiếc trống sẽ được mô tả là trống “Phú”. Bởi trên dòng minh văn trên trống, chính chủ nhân xưa cũng đã cho khắc một câu :”Danh viết Phú” nghĩa là : trống có tên là “Phú” (tức chỉ sự giàu sang, phú quý).
Trống “Phú” thuộc loại trống cỡ lớn, có đường kính miệng 65cm, phần tang rộng nhất tới 71cm. Chiều cao toàn thân trống là 43cm, thuộc loại trống lùn mang đậm phong cách miền núi (Tây Âu).
Thân trống và một phần mặt trống
Ở giữa mặt trống là hình mặt trời có 12 tia cánh rộng. Ngoài các vành trang trí hình học có hai vành chính thể hiện một vành gồm bốn con thằn lằn (hay cá sấu) còn vành kia là hình tám con chim mỏ dài bay ngược chiều kim đồng hồ. Mặt trống không tràn gờ mà thu hẹp so với độ nở của tang mỗi bên 3cm.
Vành thằn lằn (cá sấu) và vành chim mỏ dài trên mặt trống
Tang trống trang trí băng chính gồm 4 chiếc thuyền độc mộc đầu và đuôi thuyền cong vút. Bên trên có 6 người ngồi chèo thuyền giống nhau, một người ngồi phía sau cầm lái và một người ngồi chèo nhưng có một ngọn giáo cắm chúc mũi xuống ở hốc đầu thuyền phía trước. Tất cả đều nhìn theo hướng từ trái sang phải (ngược chiều kim đồng hồ). Không thấy bất kỳ con vật nào ở trên trời cũng như dưới nước.
Chi tiết thuyền trên tang trống
Phần thân thuyền được chia thành tám ô hình chữ nhật, trong mỗi ô có hai hình người hóa trang đội mũ lông chim, mang khố dài, mắt quay nhìn theo hướng từ trái sang phải. Người đứng phía trước, tay cầm rìu (giáo), người đi sau cầm xênh, cả hai nhún theo tư thế nhảy múa. Phía trên đầu là hình một con chim lạc bay.
Hình người hóa trang trên thân trống
Vành chân trống để trơn, thuộc loại thấp nhưng xòe rộng ngang bằng với chỗ phình nhất của tang trống (khoảng trên dưới 70cm). Chính ở phần xòe chân trống này, phía bên trong có dãy chữ Hán khắc rất sắc nét.
Dòng minh văn gồm 16 chữ Hán và những thông tin về các đơn vị đo lường thời Đông Sơn
Các chữ Hán được khắc ở bên trong chân đế trống đồng thành một hàng ngang đọc chạy dọc từ trên xuống dưới, rất giống tình trạng của trống Cổ Loa cả về vị trí lẫn kiểu khắc. Hình ghép dưới đây là do tôi ghép lại từ những đoạn chụp liên hoàn dãy 16 chữ minh văn đó. Dòng minh văn này khắc theo lối Nam Việt tức không thật vuông vắn, lại khá nguệch ngoạc và mắc lỗi chính tả. Tuy nhiên khá dễ đọc, ngoại trừ hai chữ đầu tiên. Từ chữ thứ ba trở về sau có thể đọc như sau : “TRỌNG LỤC QUÂN, NGŨ CÂN, BÁT LẠNG, DANH VIẾT PHÚ, ĐỆ VỊ THẬP NHẤT”. Tạm dịch : “ trống nặng sáu quân, năm cân, tám lạng, tên gọi là Phú, thứ bậc số mười một”.
“Quân” là đơn vị đo lường cổ được dùng từ đời nhà Chu cho đến hết đời nhà Minh. Hai “bình” làm thành một quân. Một bình nặng 15 cân, như vậy một quân nặng 30 cân. Đời nhà Tần có đúc chuẩn những quả quân có quai để thống nhất đo lường toàn thiên hạ. Theo đó, mỗi quân nặng 7,75kg (một cân đời Tần – Hán là khoảng 258 gram) (2). Chiếc trống này có niên đại tương đương Tần – Hán, tức khoảng thế kỷ 3-2 trước Công nguyên, ngang với thời kỳ nhà nước Âu Lạc của An Dương Vương ở Việt Nam. Theo đó, đương thời, theo chuẩn đời Tần – Hán thì trống sẽ có trọng lượng 47,759kg. Tuy nhiên, khi cân trực tiếp chiếc trống thì hiện nó chỉ đạt trọng lượng 45,8 kg. Trong những công trình nghiên cứu trước, khi phân tích đơn vị đo lường ở Lĩnh Nam, Giao Chỉ, chúng tôi cũng như một số nhà nghiên cứu Trung Hoa nhận thấy đơn vị đo lường ở Lĩnh Nam và Giao Chỉ đời Tần – Hán có sự khác biệt so với vùng Trung Nguyên. “Cân” dân gian có trọng lượng nhẹ hơn cân quan xưởng. Một “cân” ở Cửu Chân, Giao Chỉ khi so với trọng lượng hiện tại của trống chỉ đạt 252,5kg. Điều đó phản ánh tính chất cát cứ, bất phục của các thủ lĩnh Bách Việt phương Nam đối với chủ trương thống nhất đo lường của triều đình Tần - Hán. Chính vì thế, để phân định giá trị các đơn vị đo lường người khắc minh văn thường thêm vào tên địa danh để quy ước đơn vị đó tính theo vùng nào.
Chữ “Quân” - đơn vị trọng lượng cổ, minh văn trên trống đồng “Phú”
Thông thường đồ đồng Nam Việt thường ghi các vùng như “Phiên”, “Triết”, “Bố”…Thạp đồng Triệu Đà ghi “Long Xoang”, tức Long Xuyên, nơi ông làm huyện lệnh. Trống Cổ Loa và một số đồ đồng khác cùng thời có ghi Tây Vu (cách đọc chệch của Tây Âu), tên bộ tộc lớn thuộc khối Bách Việt và cũng là tên một bộ (huyện) thời Tây Hán. Theo tôi, hai chữ đầu tiên của dòng minh văn trên trống “Phú” này cũng là dùng để ghi địa danh.
Tên đơn vị hành chính thời Đông Sơn chủ yếu được phiên âm ghép bắt nguồn từ cách gọi bằng hệ thống ngôn ngữ bản địa. Vì thế, khi dùng các bộ thủ hay chữ Hán để ghi nhận chúng thường không nhất thiết gắn với nghĩa gốc của âm bản địa đó. Đôi khi âm đó không có trong chữ Hán. Vì thế đọc được các địa danh thời này bằng chữ Hán là khá phức tạp. Hai chữ đầu tiên trong dòng minh văn trên trống “Phú” được khắc rất rõ nét.
Giả thiết phục dựng hai chữ Cửu Chân từ bản gốc minh văn
Tôi đã nghiên cứu và đề xuất phục dựng hai chữ trên dùng để ghi âm “Cửu Chân” dựa trên sự gần gũi và logic về tự dạng với tính vùng nơi khai quật được trống Phú. Khi trao đổi học thuật, một số nhà nghiên cứu của Viện Khảo cổ học Trung Quốc cũng tán thành kiến giải đó của tôi. Vì thế, nếu tạm chấp nhận giả thuyết nêu trên, toàn văn dòng chữ Hán 16 chữ khắc trong vành chân đế trống Phú có thể được đọc như sau :
"CỬU CHÂN, TRỌNG LỤC QUÂN, NGŨ CÂN, BÁT LẠNG, DANH VIẾT PHÚ, ĐỆ VỊ THẬP NHẤT"
玖 甄, 重 六 鈞, 五 斤, 八 両, 名 曰 富, 第 未 十 一
Tạm dịch : Trống của bộ Cửu Chân (?), đứng hàng thứ 11 (đệ vị thập nhất), nặng 185 cân rưỡi, tên đặt là "Phú" (giầu có).
Như vậy, chiếc trống “Phú” mang một giá trị văn hóa lịch sử rất lớn. Nó chẳng những là trống Đông Sơn thứ hai có khắc minh văn mà còn cho ta khả năng hé mở một lối ghi âm địa danh Cửu Chân bằng chữ Hán cổ hơn kiểu chữ thời Đông Hán, Tam Quốc, Lục Triều sau này. Một số vấn đề khoa học cũng được làm rõ nhờ những minh văn này, như tính địa phương của đơn vị đo lường cổ, cách đặt tên và cách sử dụng chữ Hán để ghi âm nôm…
[1] Nguyễn Duy Hinh, 1995. Dòng chữ Hán khắc trong lòng trống Cổ Loa, trong Những phát hiện mới Khảo cổ học 1995. NXBKHXH, Hà Nội, tr. 157-158.Trịnh Sinh, 2006, Thử giải mã minh văn trên trống Cổ Loa (Hà Nội), trongKhảo cổ học, số 2-2006. Nguyễn Việt, 2007, Minh văn chữ Hán trên đồ đồng Đông Sơn, trong Khảo cổ học, số 5-2007.
[2]Ngô Thừa Lạc, 1957, Trung Quốc Độ -Lượng-Hoành sử, Thương Vụ ấn thư quán, Thượng Hải, tr. 129-130.
TS Nguyễn Việt
------------------
*****
Vậy có phải chữ hán cổ là của Viêt Nam, vì từ lâu thế giới và cả Trung Quốc đã xác định trông đồng xuất phát từ Việt nam.Đề nghị các nhà khoa học xac minh thêm.
Trả lờiXóaMình còn nghi Cửu Chân là viết tắt của Cửu âm Chân kinh nữa í chứ. Vậy Cửu âm Chân kinh có thể của Việt Nam trong Bách Việt?
Trả lờiXóa