++ Hãy đến với nhau bằng tấm lòng trung thực!++

Thứ Tư, 27 tháng 7, 2011

Tướng Việt Thành trả lời về vụ án Năm Cam

Nguồn: baodatviet.vn


Cập nhật lúc :10:17 AM, 27/07/2011

"Dư luận đang đồn tôi bỏ vợ và đang sống với vợ bé, có 5 căn biệt thự từ Bắc chí Nam. Rõ ràng họ đang muốn làm nhục tôi nhưng xin đừng xúc phạm đến vụ án Năm Cam. Vì vụ án này là chiến công lớn của lực lượng công an", Trung tướng Nguyễn Việt Thành nói.


>> Đường sa ngã của những 'người hùng' chuyên án Năm Cam

Sau sự kiện ba sĩ quan công an tỉnh Tiền Giang từng tham gia vào Ban chuyên án điều tra vụ án Năm Cam vừa bị khởi tố, bắt giam vì có những sai phạm; nhiều tin đồn ác ý đã hướng về phía Trung tướng Nguyễn Việt Thành - nguyên phó Tổng cục trưởng Tổng Cục cảnh sát Bộ Công an, nguyên Trưởng Ban chỉ đạo điều tra vụ án Trương Văn Cam (Năm Cam). Dưới đây là cuộc trò chuyện với Trung tướng Nguyễn Việt Thành.

Từ ngày nghỉ hưu, Trung tướng Nguyễn Việt Thành lại như nông dân thứ thiệt với ruộng vườn, đàn heo.
- Thưa ông, dư luận thắc mắc việc ba sĩ quan công an tỉnh Tiền Giang, mà trong số này có người từng là cấp dưới thân cận của ông và cũng là điều tra viên chính của vụ án Năm Cam từ khi họ còn là lãnh đạo Cơ quan CSĐT Công an Tiền Giang, đã vào vòng lao lý là do phía sau có ông “bảo kê”? Điều này có đúng không mà sao lâu nay ông lại im lặng?

  - Việc ba sĩ quan công an tỉnh Tiền Giang sai phạm bị khởi tố, bắt giam có liên quan đến vụ gây rối tại Công ty Gas Bình Dương và vụ buôn lậu xăng dầu Hùng “xì tẹc”. Người ta cho rằng, nếu không có sự chỉ đạo của tôi thì các sĩ quan công an này không thể lấy tiền tang vật của vụ án gửi vào tài khoản ở ngân hàng để lấy tiền lãi sử dụng để rồi phải vào vòng lao lý.

Vụ Hùng “xì tẹc” cơ quan điều tra đã khởi tố, truy tố 32 đối tượng. Bốn tháng sau, vụ án kết thúc điều tra đưa ra xét xử, Tòa án Nhân dân và Viện KSND tỉnh Tiền Giang đảm trách. Còn tang vật thì do tòa án, UBND và công an tỉnh Tiền Giang chịu trách nhiệm. Tám tháng sau khi vụ án đã kết thúc thì mới xử lý tang vật như bán tàu, bán kho, tài sản tiền bạc đem đi gửi... để tổng kết vụ án.

Tôi biết được có đến 90% số tiền lãi thu được đều sử dụng cho đơn vị PC16 (cơ quan CSĐT) Công an tỉnh Tiền Giang. Đến giờ vẫn còn 1 chiếc xe ô tô, 9 chiếc mô tô, 6 bộ máy vi tính được mua sắm từ tiền lãi này cho đơn vị sử dụng. Một phần dùng để trả nợ cho một sĩ quan của đơn vị này đã thắt cổ tự tử chết. Khi giải thể Văn phòng PC16, anh em chia tiền, người ít nhất được 2 triệu, nhiều nhất được 20 triệu. Với mức độ sai phạm của các sĩ quan công an, ông Nên (Nguyễn Văn Nên – nguyên Phó thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Tiền Giang) bị giáng cấp, cách chức rồi đuổi ra khỏi lực lượng công an.

Việc có thông tin nói tôi “bảo kê”, chống lưng để cho các đồng chí trên sai phạm là có dụng ý xấu, bôi nhọ cá nhân tôi. Tôi rất buồn và hết sức bức xúc trước sự việc bị xúc phạm quá nặng này. Dù tôi đã nghỉ hưu nhưng vẫn còn sinh hoạt đảng tại chi bộ nên hơn nửa tháng qua tôi xin ý kiến Đảng ủy cấp trên đồng thời tham khảo ý kiến một số nơi. Các anh hết sức đồng tình với quan điểm là nên trả lời trước công luận, không nên im lặng vì sẽ dễ bị hiểu nhầm.

- Ông vừa nói 8 tháng sau vụ án kết thúc mới có việc xử lý tài sản, tang vật và gửi ngân hàng, điều này có liên quan gì đến chuyện có hay không việc ông dính líu đến tiền lãi?

- Vì lúc đó tôi đã hoàn thành nhiệm vụ rồi, không còn dính dáng gì nữa, đừng có lập lờ như vậy. Nếu nói tôi có dính líu đến số tiền lãi thì trong sổ chi tiêu của đơn vị PC16 có ghi rõ hai lần tiền được chi ra khi có mặt tôi.

Một lần mua trái cây 180.000 đồng để cho anh em ăn trong cuộc họp hàng tháng giữa các ngành công an, viện kiểm sát tại tỉnh Tiền Giang. Lúc đó, trên tổng cục về dự họp 4 người, tôi và ba người khác. Lần khác, họp xong đơn vị PC16 mời tôi và anh em đi ăn trưa hết 240.000 đồng. Còn các lần khác khi họp xong, tôi đều mời anh em về nhà tôi ăn uống và nhậu lai rai do vợ tôi lo cả.

Lương tâm tôi cảm thấy không hổ thẹn vì không hề vụ lợi cá nhân. Ngay cả khi xảy ra vụ án Năm Cam, lãnh đạo Thành ủy TP.HCM thưởng riêng cho tôi 20 triệu đồng bằng tiền cá nhân ngoài số tiền 2,2 tỷ đồng thưởng cho Ban chuyên án. Lẽ ra tôi được quyền sử dụng 20 triệu đồng này, nhưng tôi cũng báo cáo cấp trên và xin được dùng số tiền đó cho tập thể.

Sau đó, số tiền 20 triệu đồng được dùng để xây nhà lưu niệm tại Trung ương Cục miền Nam. Còn 2,2 tỷ đồng Ban chuyên án dùng để mua 4 chiếc xe ô tô dùng cho tổng cục (1 chiếc cho Công an TP.HCM, 1 chiếc cho Công an tỉnh Tiền Giang) sau khi được lãnh đạo Bộ Công an cho thêm 320 triệu đồng nữa.

- Đó là vụ Hùng “xì tẹc”, còn vụ gây rối tại Công ty gas Bình Dương thì sao? Vì sao Công an Tiền Giang được “đặc quyền đặc lợi” bắt khẩn cấp những người như ông Bùi Mạnh Lân (giám đốc Công ty cổ phần Hưng Thịnh), Nguyễn Đức Bình (phó giám đốc Công ty Gas Bình Dương), Đỗ Cao Bằng (chủ tịch HĐTV Công ty Gas Bình Dương), Phạm Văn Hướng... ở địa bàn tỉnh khác?

- Tháng 12/2000, xảy ra vụ án giết người tại số 17 Bùi Thị Xuân, quận 1, TP.HCM (Vụ án Vũ Hoàng Dung, tức Dung Hà bị sát hại – PV), Tổng cục cảnh sát đã ra quyết định thành lập Ban chỉ đạo để điều tra toàn bộ vụ án. Quyết định này ra đời sau khi có báo cáo xác minh của Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM về các đối tượng nghi vấn. Đồng thời, vụ việc này cũng là khởi đầu cho vụ án Năm Cam.

Với tình chất phức tạp và quan trọng của vụ việc, Bộ Công an đã quyết định thành lập Ban chỉ đạo đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm hoạt động có tổ chức theo kiểu “xã hội đen” ở địa bàn TP.HCM và các tỉnh giáp ranh. Công an tỉnh Tiền Giang được trưng dụng điều tra vụ án Năm Cam.

Do khai thác mở rộng vụ án Năm Cam, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Tiền Giang đã phát hiện các đối tượng do Bằng, Bình thuê gây rối tại Công ty Gas Bình Dương là những đối tượng có nhiều tiền án tiền sự, không có việc làm, địa chỉ không rõ ràng, các đối tượng này có biểu hiện gây cản trở cho việc điều tra (trong đó có đối tượng Phạm Văn Luông – tức Luông “điếc”, một đàn em của Năm Cam).

Sau khi Đỗ Cao Bằng và Nguyễn Đức Bình bị bắt, qua tài liệu trinh sát thấy Bùi Mạnh Lân và Phạm Văn Hướng có biểu hiện bán nhà, không về nơi thường trú gây khó khăn cho việc theo dõi nên Cục CSHS Bộ Công an đã đề xuất tôi chỉ đạo Cục và Tổ A4 áp dụng ngay biện pháp ngăn chặn, bắt giữ Bùi Mạnh Lân và Phạm Văn Hướng đề phòng đối tượng chạy trốn, tôi đã đồng ý.

Ngày 29/4/2003, Công an Tiền Giang đã ra lệnh bắt, khám xét khẩn cấp các đối tượng. Việc làm này là phù hợp với quy định của Bộ luật TTHS về thẩm quyền điều tra đối với Cơ quan điều tra nơi phát hiện tội phạm, không hề có việc công an Tiền Giang có “đặc quyền, đặc lợi”

-Vụ gây rối tại Công ty Gas Bình Dương xuất phát từ tranh chấp dân sự, tại sao lúc đó ông lại chỉ đạo điều tra theo hướng “hình sự hóa”?

- Do tranh chấp về tư cách Hội đồng thành viên và vốn góp tại Công ty Gas Bình Dương, đúng ra vụ việc phải để cơ quan tòa án phán quyết. Thế nhưng, cái gì cũng có lý của nó cả. Vào ngày 18.9.2000, Đỗ Cao Bằng, Nguyễn Đức Bình và Phạm Văn Hướng thuê 15 tên xã hội đen (trong đó có đàn em Năm Cam) đến Công ty Gas Bình Dương gây rối và chiếm giữ tài sản.

Vụ này khá phức tạp nên tôi đã chỉ đạo kỹ lưỡng, thận trọng và đúng pháp luật. Khá nhiều văn bản trao đổi qua lại giữ Tổng cục cảnh sát, Công an tỉnh Bình Dương và Tòa án nhân dân tỉnh Bình Dương. Đến khi ông Đỗ Cao Bằng có đơn tố cáo về việc ông Nguyễn Viết Tạo (giám đốc Công ty Gas Bình Dương) lừa đảo chiếm đoạt tài sản gửi đích danh tôi, tôi đã chỉ đạo anh em làm văn bản gửi giám đốc Công an và Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh Bình Dương để chuyển đơn của ông Đỗ Cao Bằng đến các đồng chí đó xem xét, giải quyết để trả lời cho ông Bằng.
Sau đó, Tòa án nhân dân tỉnh Bình Dương có văn bản đề nghị tôi nên cử cán bộ điều tra phối hợp để đảm bảo quyền dân chủ của công dân. Như vậy, việc chỉ đạo hình sự là do bản thân vụ việc nó như vậy chứ không có chuyện tôi áp đặt chủ quan ở đây.

- Ở trên ông có nhắc đến mật danh tổ A4, tức Tổ điều tra thuộc Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Tiền Giang, nơi có ba sĩ quan công an vừa bị khởi tố, bắt giam, phải chăng là do ông tự ý đặt ra để dành riêng cho Công an Tiền Giang. Cái gì ông cũng ưu ái đưa về Công an Tiền Giang làm như vụ đưa Hải “bánh” (một đàn em cộm cán của Năm Cam) về giam tại trại giam Công an tỉnh Tiền Giang?

- Việc đưa đối tượng Hải “bánh” về giam tại trại giam Công an tỉnh Tiền Giang chính là do ông Nguyễn Mạnh Trung (nguyên Phó thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM, một bị can trong vụ án Năm Cam, hiện đã chấp hành xong hình phạt tù) đề xuất cùng với các ý kiến khác để tránh thông cung.

Còn mật danh Tổ A4 chỉ là ký hiệu đặt cho các bộ phận và đã được các thành viên Ban chuyên án Z5.01 (chuyên án Trương Văn Cam và đồng bọn) thống nhất để tiện cho việc làm văn bản. Bộ phận điều tra Cục C16 là A1, bộ phận điều tra của Công an TP.HCM là A3, Tiền Giang là A4, bộ phận trinh sát hình sự C14 là A5...

- Vậy ông nghĩ sao về những sai phạm của ba sĩ quan Công an tỉnh Tiền Giang cùng những lời đồn gần đây nhắm vào ông và vụ án Năm Cam?

- Cần tách bạch những sai phạm của 3 cán bộ Công an tỉnh Tiền Giang (đã bị khởi tố) và thành công của vụ án Năm Cam. Có người còn đòi lật lại hồ sơ vụ án Năm Cam nữa. Dư luận đang đồn tôi bỏ vợ và đang sống với vợ bé, có 5 căn biệt thự từ Bắc chí Nam. Vợ chồng tôi chẳng có gì đáng giá ngoài mấy mảnh ruộng và đàn heo vài chục con. Vợ tôi hết cấy lúa đến cho heo ăn và gần đây thì khóc rất nhiều vì danh dự bị xúc phạm. Rõ ràng họ đang muốn làm nhục tôi nhưng xin đừng xúc phạm đến vụ án Năm Cam. Vì vụ án này là chiến công lớn của lực lượng công an.
Theo Dân Việt
------------------
*****


3 nhận xét:

  1. Từ những gì được thông tin công khai trên báo chí, thấy rằng, nội tình ngành CA cực kỳ phức tạp. Từ vụ án Năm Cam, PU18 cho thấy giữa anh hùng và tội phạm trong ngành CA chỉ là một rang giới rất mỏng manh. Tướng Huy. Tướng Quắc, tướng Oánh...thay đổi như thay áo, hôm nay là nhân vật được ca ngợi hết lời nhưng hôm sau thì đã phải đứng trước vành móng ngựa.
    Chỉ có một điều rút ra, với người bình thường như chúng ta, hãy cảnh giác khi quan hệ với người mang săc phục CA !

    Trả lờiXóa
  2. Ông Tư Bốn là thương binh ?

    Trả lờiXóa
  3. Trước tiên cháu xin phép được gọi chú bằng Chú thật thân thương trìu mến.Cháu được biết về chú sau vụ án Năm Cam thì cháu rất ngưỡng mộ, giờ đây qua báo chí dù phê phán thế này thế khác cháu càng thêm ngưỡng mộ chú nhiều hơn. Chắc tại câu ngạn ngữ "Điểu tận thì cung tàn" không thể là không đúng phải không chú hay câu "Dậu đổ bìm leo" hả chú?Cháu không biết dòng chữ này có tới được chú không nữa, nhưng chắc chắn rằng trên đời này còn một người luôn ngưỡng mộ chú. cháu xin chúc chú và gia đình có nhiều sức khỏe, hạnh phúc thật nhiều chú nha!

    Trả lờiXóa

Tìm kiếm Blog này