++ Hãy đến với nhau bằng tấm lòng trung thực!++

Thứ Sáu, 1 tháng 7, 2011

Tầm nhìn công lý trước vấn đề tranh chấp Biển Đông




TẦM NHÌN CÔNG LÝ TRƯỚC VẤN ĐỀ TRANH CHẤP BIỂN ĐÔNG
Nguyễn Hoàng Đức

Cuộc tranh chấp Biển Đông có phải khúc dạo đầu cho cuộc chiến của  Trung Quốc nhắm vào Việt Nam? Nếu không phải khúc dạo đầu thì đốm lửa đầu tiên có được dập tắt hay nhất khoảt phát triển theo logic có lửa thì sẽ cháy, từ viên đá thử sau va chạm ở Biển Đông ngay trước thềm biển Việt Nam sẽ cháy thành ngọn lửa cuộc chiến? Trung Quốc có đánh Việt Nam không? Nếu đánh thì theo kịch bản nào? Kết quả sẽ ra sao khi một anh hàng xóm to gấp gần hai mươi lần muốn dùng chiến thuật biển người “lấy thịt đè người”, lấy  mạnh hiếp yếu? Có hàng loạt nhận định cả Việt Nam, Trung Quốc và báo chí nước ngoài đã bàn một cách rất nóng sốt về đề tài chí tử này.

Hàng loạt các vụ tầu Trung Quốc đã từng va chạm, sách nhiễu và bắt giữ những tầu đánh cá nhỏ của ngư dân Việt Nam, rồi cái lệnh rất phi lý cấm đánh bắt hải sản trong ba tháng trời mỗi năm trên Biển Đông, cho thấy rõ ràng Trung Quốc muốn bày tỏ tham vọng bành trướng coi Biển Đông như ao nhà của mình muốn ra lệnh quản lý thế nào thì ra, bắt người khác, bắt ngay cả chủ nhà Việt Nam có đường bờ biển chạy dài hơn 3200 km hình chữ S ôm lấy Biển Đông phải ngoan ngoãn chấp hành. Nếu không chấp hành thì bị sách nhiễu, bắt giữ,  nộp tiền phạt. Tình hình đặc biệt nóng lên sau khi tầu ngư chính của Trung Quốc ngang nhiên tiến sâu hơn vào hải phận Việt Nam, cắt dây cáp thăm dò của tàu Bình Minh 02 của công ty dầu khí ngày 26/05, cắt dây cáp của tàu Viking II vào ngày 9/6. Đây là những sự kiện leo thang  bởi lẽ so với những gì các tầu Trung Quốc đã sách nhiễu ngư dân Việt Nam, thì,  việc cắt cáp thăm dò của tầu Binh Minh 02, và tầu Viking II, là những hành động được tính toán kỹ nhắm vào không phải tầu nhỏ của ngư dân mà là tầu lớn thuộc công ty nhà nước, được thuê của nước ngoài hay có chuyên gia nước ngoài tham dự. Những sự kiện xảy ra rất nhiều và theo chuỗi  leo tới đỉnh cao như vậy, rõ ràng làm cho nhân dân Việt Nam , nhân dân khu vực, và dư luận quốc tế không thể không lo ngại, và nghĩ đến ngưỡng của của cuộc xung đột sẽ biến thành chiến tranh.

Dân tộc nào chẳng muốn chung sống hòa bình. Cứ nhìn thẳng vào hiện thực đang xảy ra trước mắt thì thấy ngay, những ngư dân làm sao yên ổn đánh bắt cá khi bị các loại tầu “lạ” thường xuyên quấy nhiễu, với một mệnh lệnh không phải của Liên Hiệp Quốc, cũng chẳng phải của nước mình rằng: không được đánh bắt vì trong thời gian này cá đang sinh trưởng. Muốn hòa bình ư, người phương  Tây có một phương ngôn nổi tiếng “Muốn hòa bình thì hãy chuẩn bị chiến tranh”. Như vậy có nghĩa, không có nền hòa bình tự có, chỉ có hòa bình khi người ta giành được chủ quyền và luôn sẵn sàng bảo vệ chủ quyền của mình. Bài học này, đã được ông cha Việt Nam thực hiện rất sớm trong lịch sử. Cụ thể vào tháng chạp năm Giáp Thân 1284, Thượng hoàng Trần Thánh Tông đã triệu tập Hội nghị Diên Hồng, triệu họp các phụ lão trong cả nước để trưng cầu dân ý, hỏi về chủ trương hòa hay chiến khi quân Nguyên Mông sang xâm lược Việt Nam lần thứ 2. Tất cả hội nghị đã hô vang “sát thát”- nhất quyết đánh, quyết tâm đánh. 

“Những tư tưởng dẫn dắt hành động”, đó là một quan điểm lớn của triết học, giờ đứng trước thử thách phải đối địch với một đội quân đông đảo nhất thế giới, có tiềm lực kinh tế đứng thứ nhì thế giới, rõ ràng chúng ta không thể không có một cái nhìn chiến lược toàn diện, bởi vì “biết địch biết ta, trăm trận trăm thắng”. Vậy chúng ta hãy đánh giá xem ta sẽ vào trận với đối phương theo những cái nhìn chiến lược nào.

1- Cuộc chiến của công lý: Luật hàng hải quốc tế thừa nhận, mọi nước có biển, đều có lãnh hải 200 hải lý. Đường bờ biển ở đâu thì lãnh hải ở đó. Việt Nam với dải đất hình chữ S, cùng các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, nhìn trên bản đồ người ta thấy ngay, Việt Nam hoàn toàn có lợi thế logic minh thị đất ở đâu thì biển ở đó. Trái lại, Trung Quốc dù rất nhiều lần tuyên bố Nam Hải (tức Biển Đông) thuộc chủ quyền từ lâu của Trung Quốc không thể nào khác được, nhưng lại chẳng có bất cứ bằng chứng nào. Trái lại nhìn vào bản đồ khu vực thấy ngay một lãnh hải hình lưỡi bò thè lè dài vô tận không hề có bất kỳ một gianh giới có qui ước cứng nào. Về mặt chủ quyền, có thể không nhất thiết phải là đất ở đâu biển ở đó, người ta có thể tìm đến tận châu Mỹ hay bất cứ đâu, khi khám phá thì cắm cột, đánh dấu, ghi tên, xí phần, đăng ký sở hữu. Nhưng chưa một lần Trung Quốc đưa ra một bằng chứng nào như thế. Trái lại, họ chỉ dùng lời lẽ  theo kiểu “cường từ đoạt lý”, hay, công lý thuộc về kẻ mạnh. Có khá nhiều chuyên gia nước ngoài đã lên tiếng, lãnh hải hình lưỡi bò của Trung Quốc quả là phi lý. Cụ thể hơn, Trung Quốc là một nước lớn, lẽ ra trong việc tìm kiếm hòa bình trong khu vực, người ta phải ưu tiên và đặt lên hàng đầu việc đối xử và giải quyết bằng công lý, công lý là của chung, vì vậy nó phải phổ quát và đa phương, nhưng Trung Quốc lại chỉ muốn giải quyết song phương, lại còn nói việc Biển Đông không phải của nước khác, nghĩa là muốn từ chối bàn thảo phổ quát, chỉ đòi giải quyết song phương, cũng có nghĩa là úm ba la cục bộ, mong chia lẻ các đối thủ trong vùng tranh chấp biển, để bẻ đũa từng chiếc một. Than ôi, một nước lớn mà không có tầm nhìn công lý thì có gì để bàn. Chính người Trung Quốc có câu “có lý đi khắp thiên hạ, không có lý không đi quá một bước chân”. Áp dụng vào tình hình trước mắt, rõ ràng sau nhiều năm, Trung Quốc vẫn không thể đi đến  vấn đề qui ước chung trên Biển Đông. Trời ơi, không có công lý, thì làm sao ra khỏi cái vũng cục bộ này. Đây chính là thế mạnh của Việt Nam, người có công lý sẽ mạnh mẽ và chiến thắng. Một đoàn tầu có lớn nhưng nó lại vận động ngược nguyên lý (tức công lý vật lý) thì làm sao không đổ?!

2- Sách lược ngoại giao: Trong binh pháp của Tầu, có khẳng định, ưu thế nhất là đánh bằng ngoại giao, không cần đánh mà kẻ địch phải tan. Trong cuộc chiến ngoại giao, có thể nói, Việt Nam thắng gần như tuyệt đối. Việt Nam, nhìn trực tiếp thực mục sở thị, có hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa nắm gần nhất trong vòng eo của hình chữ S.  Hai sự  kiện mới nổ ra, trước đó là hàng loạt các sự kiện các tầu cá của ngư dân bị sách nhiễu khác, Việt Nam tố cáo Trung Quốc xâm phạm chủ quyền lãnh hải, Trung Quốc bác bỏ tố cáo ngược Việt Nam là người khiêu khích, nhưng hỡi ôi, tại sao một người ngay ngưỡng cửa nhà mình có thể chơi xấu một khách vãng lai từ xa ngàn dặm đến, nếu vị khách không mời đó vẫn còn ở nơi xứ sở quê mình? Chắc hẳn, vị khách đó phải có nhã ý đến cửa nhà người ta, rồi mới có thể nói, tại sao anh lại đánh tôi trước cửa nhà anh? Việt Nam định gây chiến và bắt nạt Trung quốc ư? Càng nói như vậy, dư luận thế giới càng thấy rõ ai mới chính là người gây sự, một đằng một tỉ ba người, cộng thêm Hoa kiều ở khắp thế giới, theo nhiều nguồn tin, Trung Quốc đang có dân số 1,6 tỉ người, như vậy so với dân số Việt Nam 80 triệu, là gấp 20 lần, tổng sản phẩm quốc dân thì gấp hàng trăm lần, một người khổng lồ đứng trước người nhỏ hơn mình 20 lần, lại kêu, cái cậu nhỏ kia bắt nạt tôi, thì ai tin? Đó cũng chính là sự thật về những cuộc tranh chấp Biển Đông vừa qua, Trung Quốc càng tố cáo các nước nhỏ như Việt Nam, Malayxia, và Philippines, thì người ta càng thấy rõ, ai mới là kẻ vừa ăn cướp vừa la làng?! Riêng các cuộc xung đột của Trung Quốc với Việt Nam, rất nhiều chuyên gia chỉ thấy: Trung Quốc thì vẫn kiên định áp đặt cái gọi là sự thật song phương, cũng có nghĩa là sự thật cục bộ trong xó nhà, còn Việt Nam làm sao có thể đòi bắt nạt anh hàng xóm lớn gấp hai mươi lần mình?!

3- Chiến thuật và chiến lược: Nếu đắc sách nhất là đánh bằng ngoại giao ít hao người tốn của nhất, thì hạ sách nhất là đánh công thành hao người tốn của nhất. Toàn bộ chiến thuật của bộ binh có thể nói gọn trong một câu, đó là: đóng chốt và nhổ chốt. Trong toàn bộ lịch sử, binh lính Tầu đã phải nếm mùi thất bại của ải Chi Lăng. Tấn công cũng như rút chạy đều khó vượt qua cũng như bị tổn thất rất lớn. Cuộc viễn chinh mới nhất của Trung Quốc vào Việt Nam tháng 02/1979, dù quân đội Trung Quốc có đánh chiếm cả sáu tỉnh biên giới phía bắc Việt Nam, nhưng binh linh Trung Quốc cũng không dám mạo hiểm vượt qua ải Chi Lăng, vì sợ vấp phải dớp đau của lịch sử. Tổ ba người đóng chốt có thể tiêu diệt hàng trăm người tấn công. Đó chính là ưu thế của Việt nam nếu phải dương đầu với quân Trung Quốc.
.
Trên biển cũng vậy, một chiến hạm có thể chìm, nhưng một hòn đảo thì bất khả chìm, Việt Nam không chỉ có đảo mà còn có cả một lục địa phía sau làm hậu thuẫn cho Hoàng Sa và Trường Sa, nhiều chuyên gia nước ngoài phân tích, cho dù Trung Quốc có chiếm được hai đảo đó cũng không cách gì giữ nổi. Trung Quốc lại chưa thể tiếp nhiên liệu ở trên không, tầu sân bay đang dứ hạ thủy lại chạy bằng năng lượng dầu thường, cho nên không thể tác chiến xa trung tâm được. Vì thế một máy bay “giữ chốt” của Việt Nam hoàn toàn có thể đánh gục từ ba đến năm máy bay của Trung Quốc. Hơn thế với kinh nghiệm đối đầu với không lực Hoa Kỳ, không quân Việt Nam hoàn toàn là đàn anh của Trung Quốc trong kinh nghiệm tác chiến.

4- Tương quan vĩ mô: Nhiều chuyên gia ví, Trung Quốc là gã khổng lồ chân đất sét, hoặc đó là, gã to xác xấu bụng. còn các chuyên gia Phương Tây thì nói thẳng toẹt, Trung quốc không bao giờ có thể lãnh đạo được thế giới vì họ không có hệ thống tư tưởng, còn các nước châu Phi mới đây thì bày tỏ, dù Trung quốc có giúp đỡ họ bao nhiêu đi nữa, thì cũng không bao giờ là quốc gia tiến bộ và văn mình cả, không bao giờ là kiểu mẫu để họ theo đuổi và kính phục như các nước phương Tây khác. Trung Quốc lại đang gặp hàng loạt vấn đề về nội bộ như Tây Tạng, Nội Mông, Quảng Châu… còn ở bên ngoài là các cường quốc như Ấn Độ, Nhật Bản, hay một cái gai như Đài Loan… Vì vậy nếu chiến tranh xảy ra với Việt Nam, chỉ cần vài tháng thôi, Trung Quốc sẽ ra sao? Đó là cơ hội cho tất cả những gì từng ấp ủ đến cao độ bùng phát. Có một sự thật mà Trung quốc đang phải đối mặt, đó là một quốc gia có gần một phần tư dân số loài người, nghĩa là cứ có bốn người xuất hiện ở bất kỳ đâu đều có một người Trung quốc, chắc chắn sẽ phân ly. Đó là điều đã xảy ra với Đế quốc La Mã vào giữa thiên niên kỷ thứ nhất phải phân ly thành Tây La Mã và Đông La Mã, rồi đến Đạo Thiên Chúa  bị chia nhánh cho đạo Tin Lành giữa thiên niên kỷ thứ hai, mới đây là Liên Xô cũ tan rã, rồi Liên bang Nam Tư phân ly… Điều đó chứng tỏ một qui luật: không có sự cấu kết nào có thể tồn tại mãi mãi. Sau một thời gian dài cấu kết thành quốc gia hợp nhất, giờ là lúc mối liên kết đó đã mỏi, và phải gánh chịu thử thách nghiệt ngã của số phận là, không thế lực nào có thể kết đông để thành sức mạnh áp đảo quần hùng mãi được… Vì thế bất cứ cuộc chiến nào dù nhỏ hay lớn sẽ là cái cớ để Trung Quốc phân ly và tan rã. Chỉ cần hai tỉnh của phía nam Trung Quốc phân ly thôi, sẽ trở thành bức tường khiến Trung quốc chẳng thể nào nhòm ngó xuống Biển Đông.

5- Tương quan vĩ mô của xung đột: Ở châu Á, Trung Quốc và Việt Nam là hai nước cộng sản kiên trinh gương mẫu cuối cùng (có cả Bắc Triều Tiên, nhưng nước này quá nặng gia đình trị), vậy nếu Trung Quốc đánh Việt Nam thì có khác gì hai người cùng thuyền đánh nhau để cả hai cùng đắm. Như vậy là hạ sách về tất cả các mặt, công lý, ngoại giao, chiến lược, chiến thuật… là cách tự biến mình thành con trai ngập mỏ con cò để ngư ông đắc lợi, cũng là cách tự biến mình thành hai con hổ đánh nhau để nhiều người tọa sơn ngắm và tìm cơ hội …

Đây là năm điểm chính, người Việt bảo “nói phải củ cải cũng nghe”. Việt Nam có công lý, có ngoại giao, có chiến lược và chiến thuật “đóng chốt” cả trên đất liền và trên biển, đó không phải là những điểm tất thắng của chúng ta sao? Về mặc cảm và niềm kiêu hãnh lịch sử, Việt Nam đánh Tầu lần nào là thắng lần ấy. Lần này chúng ta lại có nhiều thuật lợi nhất, thuận lợi đến mức chưa vào trận đã thấy âm thanh của khúc khải hoàn ca. Tình hình ngày nay đã khác hẳn cuộc chiến chống Tầu 1979, lúc đó Việt Nam vừa mệt mỏi kiệt quệ sau chiến tranh chống Pháp, chống Mỹ, vừa bị bao vây và cô lập trên trường quốc tế sau cuộc chiến ở biên giới Tây Nam, nhưng giờ đây chúng ta đang đứng trước những vận hội mở rộng như chính vấn đề của Biển Đông vậy. Nếu đã chắc thắng, thì có lý do gì làm chúng ta phải e ngại hay sợ sệt. Vậy thì nếu cần chúng ta sẽ không ngại ngần hát vang điệp khúc của hội nghị Diên Hồng. Nào chúng ta hãy bắt nhịp và sẵn sàng hát to lên.

N H Đ
15/05/2011

------------------
*****


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tìm kiếm Blog này