Nguồn: Ba Sàm
Đăng bởi basamnews on 29.07.2011
THÔNG TẤN XÃ VIỆT NAM
Tài liệu tham khảo đặc biệt
Thứ Ba, ngày 26/07/2011
TTXVN (Xítni 21/7)
Cuối tháng 6/2011, Nga đã ký một hợp đồng trị giá 1,2 tỉ euro (1,7 tỉ USD) mua hai tàu đổ bộ tấn công mang trực thăng lớp Mistral của Pháp để trang bị cho hải quân. Các tàu này sẽ được đóng với 20 – 40% phụ tùng do Nga sản xuất và Matxcơva sau đó có thể có giấy phép tự đóng hai tàu tương tự trong tương lai. Theo dự kiến, chiếc tàu đầu tiên sẽ được bàn giao vào năm 2014 và chiếc thứ hai vào năm 2015. Thoả thuận này, được đề xuất khi Thủ tướng Nga Vladimir Putin thăm Pháp hồi tháng 11/2009, đã gây nhiều tranh cãi ở cả bên trong và ngoài nước Nga. Những chỉ trích trong nước tập trung vào giá cả cao của việc mua bán này cũng như đóng góp của chúng đối với sự phòng thủ đất nước. Một số nhà bình luận Nga cho rằng dự án đó chỉ phục vụ cho mục tiêu chính trị là củng cố các quan hệ Pháp-Nga.
Tại sao Nga muốn mua tàu Mistral?
Tại sao Nga muốn mua tàu Mistral?
Trong bài phân tích đăng trên tạp chí trực tuyến Diễn đàn Đông Á (EAF) của Ôxtrâylia ngày 20/7, giáo sư chuyên về quan hệ quốc tế Leszek Buszynski thuộc Đại học Quốc tế Nhật Bản (IUJ) cho rằng Thủ tướng Putin đã có một động thái khôn ngoan khi sử dụng thoả thuận nói trên để củng cố các quan hệ với Pháp và làm suy yếu sự thù địch của NATO (vốn gia tăng trong cuộc chiến tranh với Grudia năm 2008) đối với Nga. Với Pháp ở bên cạnh, tình cảm chống Nga mà các thành viên mới của NATO ở Đông Âu và vùng Bantích thường xuyên bày tỏ có thể được kiểm soát. Nga cũng có thể hiện đại hoá và nâng cấp các hệ thống quốc phòng điện tử, vốn trong tình trạng yếu kém kể từ thời Liên Xô. Thoả thuận này gây ra nhiều lo ngại từ Grudia và các quốc gia vùng Bantích (Látvia, Lítva và Extônia) vì nó sẽ mang lại cho Nga khả năng đổ quân mà có thể được sử dụng để chống lại họ. Grudia đặc biệt lo sợ vì những tàu này có thể được sử dụng để đổ quân dọc theo bờ biển Đen nhằm hỗ trợ cho tỉnh ly khai Ápkhadia nếu nổi lên một cuộc xung đột ở đó.
Tàu Mistral là loại tàu chiến lưỡng dụng, có khả năng chỉ huy hạm đội. Tàu này có thể đổ quân lên bờ trong những vùng chiến sự đặc biệt, và với thiết bị điện tử được trang bị, tàu này có thể đóng vai trò trung tâm thông tin để kiểm soát và điều phối các chiến dịch chiến đấu. Pháp có hai tàu như vậy và đang đóng mới chiếc thứ ba cho hải quân nước này.
Tàu chiến lớp Mistral có trọng tải 21.300 tấn và thuỷ thủ đoàn 160 người, có thể vận chuyển tối đa 700 lính và mang theo tới 16 máy bay lên thẳng hạng nặng. Nga có thể sẽ trang bị máy bay trực thăng tấn công KA-50/52, máy bay lên thẳng Ka-27K Helix của hải quân hoặc máy bay trực thăng Ka-29K. Tàu Mistral cũng có thể mang theo 70 xe bọc thép, hai tàu đệm khí và bốn xuồng đổ bộ.
Hai tàu Mistral bán cho Nga sẽ được đóng tại các xưởng của Pháp ở St Nazaire, trong khi hai tàu nữa dự kiến sẽ được đóng sau đó tại St Petersburg trong một hợp đồng khác. Ban đầu, vấn đề chính trong các cuộc thương lượng là hệ thống thông tin chiến thuật hải quân SENIT-9 và hệ thống chỉ huy hạm đội SIC21 đi kèm, điều sẽ làm tăng đáng kể khả năng của Nga trong việc điều phối các chiến dịch chiến đấu. Nga đòi chuyển giao và cấp giấy phép chế tạo thiết bị điện tử được trang bị trên tàu Mistral, nhưng dưới sức ép của các đối tác NATO, Pháp đã do dự. Nga tuyên bố rằng Pháp sẽ xúc tiến việc bán công nghệ đó, nhưng vào giai đoạn này vẫn chưa rõ liệu Pháp sẽ làm theo hay không? Để chống lại việc chuyển giao những kỹ thuật chế tạo cần thiết, Pháp có thể khăng khăng đòi tự lắp đặt và bảo dưỡng những hệ thống đó, điều sẽ làm chậm lại (nhưng không thể ngăn cản) sự rò rỉ công nghệ sang Nga.
Nhằm giảm bớt những lo ngại của NATO, Nga nói rằng tàu Mistral sẽ được triển khai ở châu Á-Thái Bình Dương và cách xa khỏi phương Tây. Đầu tháng 2/2011, Itar-Tass dẫn lời một “nguồn tin” trong Bộ Quốc phòng Nga nói rằng cả hai tàu nói trên sẽ được triển khai ở quần đảo Nam Kuril mà Nhật Bản tuyên bố chủ quyền. Nguồn tin này cho biết cơ sở hạ tầng thích hợp sẽ được xây dựng để đáp ứng hai chiếc tàu đó. Những tin tức khác nói rằng một tàu Mistral sẽ được triển khai trong Hạm đội Thái Bình Dương tại Vladivostok và tàu còn lại sẽ được phiên chế vào Hạm đội biển Bắc ở Bắc Cực.
Việc tuyên bố rằng các tàu Mistral sẽ được triển khai ở quần đảo Nam Kuril dường như là một thủ đoạn chính trị nhằm có thể lớn tiếng hơn trong các cuộc tranh cãi với Nhật Bản về những hòn đảo đang tranh chấp. Kể từ khi Tổng thống Nga Dmitry Medvedev đến thăm Kunashir, một trong những hòn đảo đó, hồi tháng 11/2010, các quan hệ với Nhật Bản đã xấu đi. Ông Medvedev đang xây dựng hình ảnh chính trị của mình với người Nga để chuẩn bị cho cuộc bầu cử tổng thống vào năm tới và đã lấy việc tranh chấp với Nhật Bản để làm tăng uy tín về sự yêu nước của mình. Ông Medvedev tuyên bố rằng những hòn đảo đó là phần “không thể chuyển nhượng” của nước Nga, nhưng lại tránh bình luận về việc triển khai tàu Mistral.
Việc triển khai các tàu Mistral ở Nam Kuril không mang nhiều ý nghĩa vì những hòn đảo đó không phải đối mặt với bất cứ mối đe doạ quân sự nào từ Nhật Bản và việc xây dựng cơ sở hạ tầng bổ trợ sẽ phải mất vài thập niên. Ý tưởng phiên chế hai tàu này cho vùng Bắc Cực xa xôi thậm chí còn vô nghĩa hơn. Hạm đội Thái Bình Dương ở Vladivostok có khả năng là căn cứ cho hai tàu này hơn, vì điều đó sẽ tránh được một vòng căng thẳng mới với NATO. Các chức năng thông tin và chỉ huy của tàu Mistral sẽ làm tăng đáng kể khả năng cho các chiến dịch đổ bộ của Hạm đội Thái Bình Dương, nhưng khó có thể dự tính được những kịch bản trong đó hai tàu này có thể được sử dụng ở châu Á-Thái Bình Dương. Những lo ngại của Nga về Trung Quốc liên quan đến biên giới trên bộ và những vùng rộng lớn ở Viễn Đông và Xibêri, và người Nga không có tranh chấp trên biển nào với người Trung Quốc. Việc triển khai tàu Mistral trong Hạm đội Thái Bình Dương tại Vladivostok sẽ phục vụ một mục đích khác: chúng sẽ cho phép Nga giương cờ không chỉ ở quần đảo Nam Kuril mà còn ở cả trong khu vực ASEAN, một bước tiến hướng tới khôi phục sự hiện diện của hải quân của Nga trong khu vực này.
Những mục tiêu chiến lược của Nga ở châu Á
Trong bài phân tích đăng trên EAF ngày 17/6, tác giả Kirill Nourzhanov thuộc Đại học Quốc gia Ôxtrâylia (ANU) nhận định khi xem xét kỹ hơn thì hợp đồng mua tàu Mistral rất phù hợp với học thuyết quân sự đang phát triển của Nga và không đe doạ Mỹ cũng như các đồng minh châu Âu của Oasinhton. Nga đã thực hiện một chương trình hiện đại hoá vũ khí đầy tham vọng, với mục tiêu nâng tỉ lệ các vũ khí và trang thiết bị hiện đại trong toàn bộ các lực lượng vũ trang lên 70% vào năm 2020. Chương trình hiện đại hoá này đặc biệt tác động đến hải quân. Trong vòng hai thập niên qua, Nga mới chỉ đóng được bốn tàu nổi dựa trên các thiết kể lạc hậu thời Liên Xô, nhưng sẽ nhận dược 50 tàu hoàn toàn mới trong thời gian 2010-2020. Các xưởng đóng tàu của Nga đơn giản là không thể đóng loại tàu hiện đại như Mistral một cách nhanh chóng và độc lập vào thời điểm này.
Tàu Mistral đầu tiên sẽ được phiên chế cho Hạm đội Thái Bình Dương, lực lượng đang được chuyển hoá thành bộ phận cấu thành mạnh nhất của Hải quân Nga và là yếu tố cốt lõi của Bộ chỉ huy Chiến dịch-Chiến lược phía Đông được thành lập năm 2010. Theo Thứ trưởng Quốc phòng phụ trách trang thiết bị, chính hệ thống thông tin chiến đấu SENIT-9 của tàu Mistral, chứ không phải là khả năng tấn công, sẽ mang vai trò chỉ huy trong những năm tới. Các tàu Mistral sẽ đóng vai trò đi đầu cho những khí tài hải quân mới được trang bị cũng như những khí tài được chuyển sang Hạm đội Biển Bắc, và sẽ có vai trò kiểm soát chiến dịch đối với các tàu nổi, tàu ngầm cũng như các lực lượng phòng thủ trên không và duyên hải trải dài từ Vladivostok tới Chukotka.
Trong những ngày qua, các tướng lĩnh hàng đầu của Nga tiếp tục cung cấp thêm những chi tiết về việc triển khai chiến thuật và những sứ mạng cụ thể của hai tàu Mistral. Tham mưu trưởng quân đội ngụ ý rằng hai tàu này sẽ được sử dụng để bảo vệ quần đảo Kuril, điều không gây ngạc nhiên vì lúc Tổng thống Medvedev cùng Bộ trưởng Quốc phòng tới đó vào năm 2010 họ đã sửng sốt khi phát hiện ra rằng những hòn đảo này được bảo vệ bởi các binh sĩ không được huấn luyện tốt cùng với các trang bị từ thời Thế chiến II.
Những nhiệm vụ khác bao gồm bảo vệ cơ sở hạ tầng dầu khí, tuần tra các tuyến đường thương mại, các hoạt động chống cướp biển và chống khủng bố, và những sứ mạng tìm kiếm và cứu hộ trong các khu vực duyên hải có tiếng là hay bị ảnh hưởng bởi hoạt động địa chấn và sóng thần. Có một sự đồng thuận chung rằng hai tàu Mistral sẽ không được sử dụng để tung hoả lực ngoài khu vực trách nhiệm ở Viễn Đông. Hai tàu này không phải là những vật báo hiệu cho sự khôi phục của hải quân viễn dương Nga mà một số người lo ngại sẽ có khả năng thách thức sự bá chủ trên biển của Mỹ. Trên thực tế, Nga đã ngừng công việc đối với các tên lửa hành trình hạng nặng hoặc “những kẻ sát thủ đối với tàu sân bay”.
Một lý do chiến lược cho việc triển khai tàu Mistral ở Thái Bình Dương, điều mà những người phát ngôn chính thức của Nga biết nhưng không nói ra, là để ngăn chặn Trung Quốc. Kể từ thời Gorbachov, họ đã cẩn thận tránh gán cho nước láng giềng khổng lồ là một kẻ thù tiềm tàng. Một ngoại lệ hiếm thấy là câu trả lời được đưa ra vào năm 2009 của Tham mưu trưởng Lục quân trước câu hỏi về dạng chiến tranh nào mà các lực lượng vũ trang nên chuẩn bị sẵn sàng: “Nếu chúng ta nói về phương Đông, thì đó có thể là một đội quân nhiều triệu người với một cách tiếp cận truyền thống để tiến hành các chiến dịch chiến đấu”. Cuộc tập trận quân sự chiến lược Vostok-2010 được tiến hành năm ngoái với giả định đáp lại một mối đe doạ không được nêu tên từ phương Đông, khác với sự né tránh thường lệ của NATO. Đây là một sự kiện lớn nhất cùng loại kể từ năm 1991 và thừa nhận điều hiển nhiên là nước Nga không thể cạnh tranh với Trung Quốc trong các lực lượng mặt đất thông thường, và sẽ phải dựa vào vũ khí hạt nhân và một hải quân mạnh để chống lại mối đe doạ tiềm tàng từ Bắc Kinh đối với Xibêri và vùng Viễn Đông./.
------------------------------------------
Minh Nguyên đã nói
29.07.2011 lúc 09:37Bài này đã được các nhà chiến lược Nga quan tâm tù lâu…Người Nga rất kín đáo, không bao giờ để lộ danh tánh các đối thủ nguy hiểm của đất nuoc và dân tộc họ? Vì vậy, cho đến trước lúc nổ ra xung đột. vài tuần ..không ai biết chăc kẻ thù của Nga là nước nào? đó là ưu diểm của nước Nga.
Về ngoại giao, họ thường im lặng, nhưng hoạt động rất hiệu quả…Hãy học tập người Nga về lĩnh vực dối ngoại này…
Chiến lược phát triển Hải quân của Nga ở biển Đông sẽ gia tăng mạnh trong thời gian tới, nếu xãy ra xung đột ở biển Đông, Nga sẽ tham gia tích cực, giữ ổn định hàng hải quóc tế… khac xa với thời gian còn Xô viết CS…> Lý do rất đơn giản: Nga rát sợ các nước da vàng…
Minh Nguyên
------------------
*****
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét