++ Hãy đến với nhau bằng tấm lòng trung thực!++

Chủ Nhật, 31 tháng 7, 2011

Nhật ký biểu tình: Trở lại đời thường

 

Nhật ký biểu tình kỳ 4: 
TRỞ LẠI ĐỜI THƯỜNG
Đào Tiến Thi

Đây sẽ là bài cuối cùng trong chùm bài Nhật ký biểu tình của tôi[1][1] trên blog Nguyễn Xuân Diện, kể về những sự kiện sôi động cũng như những chuyện lặt vặt và tâm trạng buồn vui lẫn lộn của tôi trong tháng 7 vừa qua mà nguyên khởi chỉ vì những hành động gây hấn hung bạo và đê tiện của giới cầm quyền hiếu chiến ở Trung Quốc hiện nay.
Ở xứ mình bây giờ, tôi thấy không phải là các sự kiện lớn của dân tộc (kể cả sự kiện bi hoặc hùng) chi phối đời sống mỗi cá nhân (như thời kháng chiến trước đây), mà chính là cái đời sống thường nhật cơm áo gạo tiền, bệnh tật, sự an toàn, con cái học hành,… Số người biểu tình chống Trung Quốc gây hấn, số nhân sỹ đưa đơn kiến nghị, kể cả số người tham gia ký vào những việc có liên quan đến quốc gia hưng vong là quá ít ỏi so với số dân 86 triệu người. Số người không tham gia gì nhưng thường xuyên cập nhật tình hình, thở cùng một nhịp với những người trên có thể gấp vài chục lần nhưng vẫn là một con số quá ít ỏi, may ra chỉ vài phần trăm mà thôi. Nói thể để thấy rằng những người tham gia vào việc “dở hơi” kia khi sống giữa cộng đồng của mình sẽ không dễ gì được mọi người nhìn bằng con mắt bình thường.  
Tôi cũng chỉ là một người tham gia những việc trên ở mức rất hạn chế (7 cuộc biểu tình chỉ đi có 2, khi đi cũng rất hiền lành, chẳng hô hét mạnh, chẳng đi lên hàng đầu để nhiều ống kính ghi lại, thế mà trở về đời thường cũng gặp đủ thứ chuyện phiền.
Ngay sau khi tham gia cuộc biểu tình đầu tiên ngày 3-7, tôi “khai báo” với trưởng ban, người sếp trực tiếp của mình, cô ấy đã dặn tôi nên giữ “bí mật” chuyện này, ai biết có hỏi thì cũng chỉ nên xác nhận là “có”, không bàn gì thêm để tránh mọi sự bình luận. Tôi làm đúng như thế. Nhưng thực ra điều trưởng ban của tôi lo lắng là thừa. Nhiều người biết nhưng chỉ đôi người hỏi tôi thôi, và chỉ hỏi đúng một câu rồi tự họ chuyển nhanh sang chuyện khác, có muốn “thanh minh” gì thêm cũng không được.
Cho đến cuộc biểu tình ngày 17-7, sau khi tôi bị bắt và sau khi tôi công bố “Nhật ký biểu tình” bài 1 ngày 24-7, bài 2 ngày 26-7 trên blog Nguyễn Xuân Diện, nghĩa là tôi đã “công khai hóa” hoàn toàn, thì sự e dè đối với tôi trở nên rõ rệt. Có một anh bạn trước kia gặp tôi bao giờ cũng đứng lại trao đổi dăm bảy phút về tình hình đất nước, chia sẻ nhau những tâm sự, bây giờ gặp tôi bỗng bảo lâu nay không quan tâm nữa. Tôi hỏi vì sao, anh bảo “để không phải bức xúc, có hại cho sức khỏe”. Tôi không chắc anh không còn quan tâm mà chỉ vì ngại trao đổi với một người đang “có vấn đề”.
Lại có cô bạn mà tôi đang có một công việc liên quan, vừa triển khai cách đó mấy hôm, khi thấy cô đang đi cùng chiều, tôi có ý đi chậm lại để hỏi thăm tình hình việc đó đến đâu, thì cô chỉ chào tôi lấy lệ rồi đi vượt lên rất nhanh. Tôi mới hiểu “À ra thế”.
Chiều hôm 25-7, khi tôi còn cách độ 10m để vào phòng làm việc với an ninh thì gặp một cô bạn, một cô bạn vốn rất hồn nhiên vui tính, cô hỏi: “Hôm qua anh có đi…”,  bỗng cô thấy mình nhỡ miệng, vội ngừng lại, sợ hãi đảo mắt nhìn xung quanh một lượt rồi nói nhỏ: “Anh có đi… đi Bờ Hồ không?”. Tôi không nhịn được cười, bảo: “Thì em cứ nói to: “Anh có đi biểu tình không. Nói to lên và gọi đúng tên của nó: đi biểu tình. Sợ cái gì!”.
Ở phòng làm việc với an ninh ra, tôi thấy thoải mái, nhẹ nhõm hẳn, nhưng tôi cảm thấy không khí quanh tôi nặng nề hơn. Nhớ đến cô bạn lúc nãy, tôi vội đến phòng cô, định thông báo cho cô biết, rằng an ninh đã thừa nhận với tôi “ký kiến nghị không sai, biểu tình không có tội” để cô yên tâm. Cô không có ở phòng. Nhưng lạ là các bạn khác cũng không ai “đưa đẩy” với tôi câu nào cả. Tôi chắc cả phòng này đã biết tôi vừa bị an ninh “làm việc”. Nó trái hẳn mọi lần, khi tôi đến, bạn nào cũng vui vẻ, thi nhau hỏi chuyện, trêu chọc tôi nữa.
(Xin nói thêm là tất cả các bạn tôi nhắc đến ở trên đều là những người mà tôi rất quý mến và họ cũng quý mến tôi. Tuy nhiên trong bối này, đến cả một số bạn thân của tôi ở ngoài cơ quan, vẫn thường xuyên liên hệ điện thoại, thế mà từ khi tôi bị bắt, tôi thấy họ cũng e dè kể từ cái tin nhắn. Chắc họ nghĩ điện thoại của tôi đã bị kiểm soát. Vậy thì những người gần gũi tôi họ e dè có gì lạ đâu)
Tôi quay về phòng mình, trưởng ban của tôi mặt vẫn còn tái. Chắc là trong thời gian tôi làm việc với an ninh, cô căng thẳng lắm. Tội nghiệp cho trưởng ban của tôi. Tôi đã bao lần mục kích cô ấy mắt đỏ hoe khi xem những tin ngư dân mình bị Trung Quốc bắt bớ, đánh đập và khi xem những hình ảnh về người biểu tình chống Trung Quốc bị lực lượng an ninh chìm bắt như bắt con vật. Tuy nhiên, mỗi khi thấy tôi định đi biểu tình hay sau khi đi biểu tình, cô đều nói “Thôi anh ạ”. Một câu “Thôi anh ạ” nhưng trong đó chứa biết bao thứ rất con người. Cô là sếp của tôi nhưng tôi thấy thương cô như thương người em gái. Thấy tôi được trở về nhưng chưa biết là lành hay dữ, cô không dám hỏi ngay, vì trong phòng còn nhiều người, sợ tôi nói buột tất cả mọi điều. Cô phải “chặn” tôi trước: “Anh chờ em nhé. Đang bận quá”. Vừa lúc ấy, Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết bước vào. Ông cất tiếng hỏi thân mật thay cho câu chào: “Có gì vui không các bạn?”. Tôi nói ngay: “Có chuyện vui thầy ạ. Em vừa làm việc với an ninh xong, về chuyện ký kiến nghị và đi biểu tình ấy mà”. Giáo sư nói: “Sáng nay cô Bình nhà mình (PGS. Hoàng Hòa Bình) cũng có một chị an ninh đến vì chuyện cô ấy ký kiến nghị. Cũng không có vấn đề gì. Còn Thi thế nào?”. Tôi nói: “Không những không có “vấn đề” mà lại còn tốt đẹp nữa thầy ạ. Họ rất là có văn hóa…”. Như sợ tôi kể tiếp, trưởng ban của tôi vội quay sang Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết hỏi chuyện làm sách và cố gắng kéo câu chuyện đó cho đến hết giờ.
Hai hôm sau, tôi bị bí thư chi bộ gọi làm việc. Tôi đề nghị làm việc tại cơ quan nhưng ông ấy kéo tôi ra phố, đến hẳn một nơi lý tưởng cho cuộc “làm việc” tay đôi: một “cafe room” yên tĩnh, vắng vẻ, có máy lạnh. Vẻ mặt ông ấy nghiêm nghị, lạnh lùng suốt từ lúc cùng nhau khởi hành cho đến lúc ngồi vào bàn, dù tôi cố gắng tạo không khí vui vẻ đến đâu cũng không lay chuyển được. Ông ấy tra xét tôi từ chân tơ kẽ tóc về việc tôi ký kiến nghị và đi biểu tình (tra xét như lấy khẩu cung chứ không phải nghe tâm tư, động cơ hành động). Nó khác hẳn các anh an ninh hôm làm việc với tôi, họ không hề làm việc đó. Họ chỉ hỏi tôi đúng một câu: “Có phải chú ký vào kiến nghị đó không”, hỏi để loại trừ ai đó mượn danh, thế thôi. Tất cả thời gian chỉ là trò chuyện, mà chủ yếu là họ lắng nghe tôi nói. Tuy nhiên những tra xét đó cũng chưa là gì, và tôi vẫn hết sức cố gắng trả lời ông ta. Nhưng cho đến khi ông ấy xúc phạm tôi, thì tôi buộc phải đứng lên từ chối cuộc làm việc. Đến đây tôi phải xin lỗi tất cả độc giả của blog Nguyễn Xuân Diện, tôi xin không kể lại chi tiết những điều đó, sợ sau này khi ông ấy hiểu ra vấn đề, ông ấy, và cả tôi nữa, sẽ không khỏi bẽ bàng. Đồng nghiệp với nhau trong một cơ quan mà, ông ấy lại hơn hẳn tuổi tôi nữa. Về sau tôi thấy tôi đứng lên sớm là may cho ông ấy. Để ông ấy nói nhiều câu sai, tôi không chịu nổi mà đưa lên công luận thì còn ra gì. Nhớ có lần báo chí đưa tin cái ông bí thư chi bộ nào đó bảo Hoàng Sa là bãi chim ỉa, chuyện trở thành là bia miệng không bao giờ gột được.
Hai hôm tiếp thì giám đốc gọi. Giám đốc của tôi, như tôi đã kể trong bài trước, là một người nho nhã, giàu lòng nhân, cho nên tuy không có nhiều thông tin về tình hình hiện nay của đất nước, anh cũng không áp đặt tôi một điều gì. Anh cũng không coi chuyện an ninh gọi nghĩa là tôi có sai phạm. Anh chỉ khuyên ngắn gọn: “Em làm gì thì cũng nên cẩn thận. Và có lẽ theo anh không nên viết blog, dính vào chuyện quan điểm phiền lắm”. Tôi bảo: “Em cũng không có mấy thời gian để viết blog đâu. Vừa rồi Trung Quốc nó ngạo mạn, láo xược quá độ, buộc phải đi biểu tình, mà đi biểu tình thì nhiều cảm xúc quá, em kể lại, thế thôi”. Tôi bật ngay hai bài Nhật ký biểu tình cho anh xem. Đến đoạn kể bị bắt về Mỹ Đình, anh dừng lại bảo: “Khổ thân, thôi yếu thì ở nhà”.
Tối đó về tôi phải tiếp công an khu vực. Bác công an này thỉnh thoảng đi “thăm nắm tình hình” vẫn tạt vào nhà tôi chơi. Vốn là người chất phác, hiền lành, cho nên bác bắt đầu câu như câu hỏi thăm thân mật, chứ không phải làm việc:
- Hôm rồi đi biểu tình à?
- Vâng, sao anh biết?
- Trên họ đưa danh sách về.
- Ở đây có ai nữa đi không anh?
- Không, một mình ông thôi. Thế nhưng từ nay cứ chủ nhật là mình phải ra chỗ ấy (46 Hoàng Diệu).
- À, hay là hôm rồi anh chỉ điểm cho họ bắt em đấy?
Anh cười: “Không. Sau hôm ông bị bắt họ mới đưa tên về mà”.
Anh lại hỏi: “Cơ quan đi có có đông không?”. Tôi bảo: “Cơ quan em có nhiều bộ phận, nhiều địa điểm, không biết hết nhau, nhưng em đoán chỉ có mình em đi thôi”. Tôi chờ đợi để anh hỏi, nhưng ngồi chán, anh cũng chả hỏi gì thêm, chỉ bảo:
- Thôi, từ nay đừng đi nữa.
Lúc này, máu tôi bốc lên. Tôi bảo sao anh lại khuyên em thế, anh có biết bà con ngư dân ta bây giờ khốn khổ như thế nào trên Biển Đông mỗi khi ra khơi làm ăn không. Tôi kể một lô sự kiện chính từ 2009 đến nay, nhất là mấy tháng gần đây. Càng kể tôi càng xúc động, cho đến lúc cổ nghẹn lại, nước mắt trào ra… Anh ngồi yên, cũng có chiều xúc động lắm. Anh không nói gì thêm và chuyển sang chuyện khác.
Trước khi ra về, anh lấy số di động của tôi, bảo: “Nếu hôm nào đi biểu tình thì báo cho tôi nhé”. Tôi bật cười: “Để bác đón lõng tóm em à? Em chả dại”. Anh cũng chả nói gì thêm.
Và sáng nay, khi tôi đang viết những dòng này thì bác công an khu vực ấy lại đến cùng với ông bí thư chi bộ hưu trí, nơi vợ tôi sinh hoạt. Anh nhường tất cả lời cho ông bí thư. Ông bí thư thao thao một chặp về đường lối, chủ trương để cuối cùng bảo từ nay tôi không được đi biểu tình nữa. Tôi bảo bác cho em xem cái nghị quyết hay chỉ thị về việc ấy thì ông bảo không có văn bản đâu, vấn đề này nó tế nhị, chỉ truyền đạt miệng thôi. Tôi bảo không thể thế được, Đảng mình làm gì cũng có nghị quyết, thể hiện sự lãnh đạo tập thể. Cái việc cấm ấy là sai hiến pháp, chắc do cá nhân nào đó nghĩ ra thôi, đâu phải chủ trương của Đảng. Vừa hôm nọ hai cán bộ an ninh trên Bộ Công an làm việc với em không nói thế. Em sợ lệnh “miệng” kiểu này đến lúc sai họ chối phắt thì ai chịu trách nhiệm. Ông ấy cứ nhất quyết đây là chủ trương từ bên trên một cách rất tự tin. Cuối cùng tôi bảo: “Thôi, cứ tạm cứ cho là thế, nhưng bác ạ, mỗi người, ngoài mệnh lệnh của khối óc còn có mệnh lệnh của trái tim. Làm sao đành lòng mặc kệ ngư dân mình để Trung Quốc muốn cướp bóc thế nào cũng được. Tình yêu thương giống nòi để ở đâu”. Tôi lại lôi một lô chuyện đểu của Trung Quốc (chuyện này với tôi nói cả ngày chả hết), nhưng xem ra ông bí thư này chả động lòng chút nào, lúc nào cũng chỉ chực cắt ngang lời tôi để giải thích chủ trương. Ông ta vẫn nhất nhất là không được đi biểu tình nữa, nếu không sẽ là người chống lại chủ trương của Đảng.
Tôi bảo: “Bác chả nắm được tình hình, chán quá”. Ông chặn ngay tôi lại:
- Tôi nguyên là lính hải quân đây. Tôi lạ gì Biển Đông. Tôi còn nắm chắc luật biển quốc tế nữa.
Tôi bảo: “Bác nắm chắc luật biển thì rõ Trung Quốc nó vi phạm thế nào rồi”.
Ông bảo:
- Chỉ có Vịnh Bắc Bộ là mình với Trung Quốc phân chia xong, các vùng khác vấn đề nó phức tạp lắm. Hai bên tranh chấp, thế giới chưa công nhận cho bên nào.
Tôi kinh quá, nhưng cố bình tĩnh bảo:
- Bác ơi, bác lầm rồi. Tất cả các vụ bắt bớ ngư dân của mình mấy năm vừa rồi đều xảy ra trên vùng biển của mình, ngư trường quen thuộc mấy trăm năm nay của ông cha  mình. Hai vụ cắt cáp tàu thăm dò dầu khí vừa rồi cũng nằm hoàn toàn trong vùng biển của mình. Theo quy định của UNCLOS năm 1982, Việt Nam đã xác định vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa rộng 200 hải lý tính từ đường cơ sở. Vụ tàu Bình Minh 02 bị tàu hải giám Trung Quốc cắt cáp thăm dò cách mũi Đại Lãnh (Phú Yên) khoảng 120 hải lý, nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Vụ cắt cáp tàu Viking 2 ngày 9-6, em không nhớ là cách bờ mình bao nhiêu hải lý, nhưng vẫn nhớ phát ngôn viên Phương Nga đã khẳng định là nằm trên thềm lục địa trong giới hạn 200 hải lý, hoàn toàn thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Bà Nga còn nhấn mạnh việc này không thể chấp nhận được. Bác giải thích thế vừa sai luật biển quốc tế, vừa trái hẳn tuyên bố của Bộ Ngoại giao Việt Nam mới đây, nguy hiểm quá bác ơi.
Ông ta không sờn lòng chút nào:
- Hai trăm hải lý ấy mới là theo luật biển, là mình đệ trình lên Liên Hợp Quốc năm 2010. Trung Quốc nó cũng đệ trình, cho nên tạo ra những vùng biển chồng lấn. Muốn chắc chắn là của mình hay không, phải chờ đến 2020 LHQ mới “phê duyệt”!.
- Ối chết. Đấy chính là gian lận của Trung Quốc đấy. Nó cố tình tạo ra vùng không có tranh chấp thành vùng có tranh chấp. Bộ Ngoại giao mình cùng rất nhiều học giả đã vạch mặt điều này. Hai vụ cắt cáp vừa rồi hoàn toàn không ở vùng biển có tranh chấp, chồng lấn chồng liếc gì hết. Thế nên nhà nước mình mới lên án mạnh mẽ như thế. Bác xem lại đi, không lại đi tuyên truyền sai đường lối là chết đấy.
Bác công an khu vực có vẻ hoang mang, không tin về luật biển của bí thư chi bộ, vội đứng lên với lý do trưa rồi, xin phép kết thúc, để gia đình còn dùng cơm. Bác công an cũng chỉ kết lại chung chung, chủ trương trên như thế như thế, chúng tôi mong như thế như thế, chẳng rõ là cấm tôi biểu tình hay là không.
Chao ôi, những ngày tới sẽ còn gì nữa đây. Nhưng ít nhất là mỗi thứ bảy tôi sẽ phải tiếp một lần người nhà nước đến “thăm”.
30-7-2011

[1][1] Bài 1: Đi giữa đồng bào; bài 2: Sống trong đồng chí; bài 3: Làm việc với an ninh

Chùm ảnh kèm theo bài viết:


Đào Tiến Thi "lên xe bus"


 Trong sân đồn Mỹ Đình


------------------
*****


1 nhận xét:

  1. Dân anh chị Đảo Xicin chuẩn bị đến Việt Nam học tập kinh nghiệm.

    Trả lờiXóa

Tìm kiếm Blog này