Nguồn: giaoducnetvn
Thứ sáu, 15 Tháng 7 2011 07:30
(GDVN) – Hơn nửa thế kỷ nghiên cứ địa lý và lịch sử, nhà nghiên cứ Nguyễn Đình Đầu có một bộ sưu tập bản đồ Việt Nam lên tới hàng nghìn tấm. Những tài liệu này giúp giải mã rất nhiều vấn đề về lịch sử, địa lý Việt Nam. Trước những tuyên bố trắng trợn của Trung Quốc về đường lưỡi bò và chủ quyền tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam, PV báo Giáo dục Việt Nam đã có buổi phỏng vấn học giả nổi tiếng này.
Hành động sai với công pháp quốc tế.
PV: Được biết, ông là người có rất nhiều bản đồ cổ - là kho tư liệu quý để xác định chủ quyền Việt Nam. Ông đánh giá thế nào về hành vi gây hấn của tàu Trung Quốc?
Ông Nguyễn Đình Đầu: Các tàu di thăm dò dầu khí của Việt Nam hoạt động trong phạm vi chủ quyền của Việt Nam. Công ước quốc tế về Luật Biển 1982 đã quy định rất rõ ràng như thế.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu (Ảnh: Pháp luật TPHCM) |
Tôi không hiểu tại sao Trung Quốc lại không tôn trọng luật pháp Quốc tế như thế. Hiện nay có thể nói, Trung Quốc là một siêu cường trên thế giới nhưng cách hành xử của họ thật đáng ngại. Thứ nhất đó là hành động sai với công pháp Quốc tế.
Thứ hai, Việt Nam với Trung Quốc là hai nước láng giềng từ xưa tới nay. Tuy có những sự va chạm nhỏ nhưng có thể coi là hai nước thân thiết với nhau. Việc tàu Trung Quốc lại có những hành động xâm phậm nghiêm trọng chủ quyền, tài sản của Việt Nam như vậy làm tôi rất ngạc nhiên.
Tôi là người có nghiên cứu về văn hóa cổ, tôi rất kính trọng Trung Quốc. Trước cái hôm tàu Trung Quốc gây hấn lần thứ 2, buổi chiều tối ngày 4/6, khi chứng kiến một vận động viên nước bạn giành cúp vô địch thế giới về quần vợt, tôi đã rất thán phục và muốn chia sẻ niềm vui ấy với dân tộc Trung Quốc.
Nhưng chuyện một nước siêu cường về mọi phương diện như thế mà lại có hành động như vậy thì tôi nghĩ là không xứng tầm.
PV: Với những tấm bản đồ trong tay, ông nhận định như thế nào về tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa?
Ông Nguyễn Đình Đầu: Thứ nhất, những bản đồ cổ không những của Tây phương và thậm chí những bản đồ từ thế kỷ 15 của chính Trung Quốc đều nói là biển Giao Chỉ tức là biển của Việt Nam. Đến thế kỷ XIX và XX, họ mới bắt đầu gọi là Đông dương tức là Biển Đông.
Bao năm qua, một luồng quan điểm lớn ở Trung Quốc đã cố tình gây ra sự hiểu nhầm khi lợi dụng tên gọi biển Nam Trung Hoa (do người phương Tây gọi) để phán rằng biển của Trung Quốc bao chiếm gần như toàn bộ biển Đông.
Thế nhưng sự thật khoa học cho thấy tên gọi biển Nam Trung Hoa (chỉ biển Đông) mà Trung Quốc lợi dụng để gây ra sự hiểu nhầm ấy chưa thấy xuất hiện ở những bản đồ do chính người Trung Quốc vẽ từ hàng trăm năm trước.
Giao Chỉ là tên gọi do các triều đại phong kiến Trung Quốc dùng chỉ người và nước Việt Nam xưa. Thời Hùng Vương, Giao Chỉ là một trong 15 bộ của nước Văn Lang… Các triều đại phong kiến Trung Quốc sau này nhiều khi vẫn dùng tên Giao chỉ cũng như tên An Nam để chỉ quốc gia và nhân dân Đại Việt. Trong nhiều văn bản và bi ký, tên Giao Chỉ vẫn còn chỉ nước ta tới hết thế kỷ XIX.
Người Trung Quốc không gọi biển Đông là biển Nam Trung Hoa
Trên hai trang 11b và 12a trích từ sưu tập bản đồ Võ bị chí (ghi lại cuộc hành trình của Trịnh Hòa trong thời gian 1405-1433 đi từ Trung Quốc qua Ấn Độ dương tới Phi Châu) có vẽ nước ta tuy đơn giản nhưng cũng rõ ràng: Nước Giao Chỉ bắc giáp Khâm Châu Trung Quốc, nam giáp nước Chiêm Thành, đông giáp biển cả mang tên Giao Chỉ dương, tức biển của nước Giao Chỉ. Đây là tư liệu của Trung Hoa khắc vẽ về nước ta và biển cả thuộc về nước ta từ thế kỷ XV.
Năm 1842, tác giả người Trung Hoa - Ngụy Nguyên xuất bản sách Hải quốc đồ chí mô tả và khắc vẽ bản đồ tất cả các nước trên thế giới và toàn thể năm châu bốn bể, theo phương pháp khoa học với kinh tuyến và vĩ tuyến. Trong sách này, Ngụy Nguyên đã vẽ hai bản đồ về Việt Nam. Trong đó, bản đồ thứ nhất vẽ sơ sài, chia nước ta ra hai phần (Việt Nam Đông đô và Việt Nam Tây đô). Ở ngoài khơi phía đông hai phần Việt Nam, Ngụy Nguyên ghi rõ là Đông Dương đại hải, tức biển Đông rất lớn.
Rõ ràng, hầu hết bản đồ Trung Hoa vẽ về Việt Nam từ thế kỷ XV hoặc trước nữa cho tới đầu thế kỷ XX đều ghi biển cả phía đông Việt Nam là Giao Chỉ dương hay Đông Dương đại hải hoặc Đông Nam hải, đều có nghĩa là biển của Giao chỉ (tức Việt Nam) hay đơn giản là biển Đông (của Việt Nam).
Đến giữa thế kỷ XX, Trung Quốc vẽ lên cái bản đồ có đường lưỡi bò.
Tôi chỉ có hơn trăm cái bản đồ, tôi nghĩ là trên thế giới còn có hàng ngàn cái bản đồ nhưng do điều kiện đi lại nên tôi không thể sưu tầm hết được. Trong tất cả những bản đồ mà tôi nghiên cứu thì không thấy một cái bản đồ nào của phương Tây nói rằng Hoàng Sa, Trường Sa là của nước nào khác mà đều nói là của Việt Nam. Sử liệu ghi rõ, biển Hoàng Sa, Trường Sa là biển Giao Chỉ gần Trung Quốc.
PV: Với những tấm bản đồ trong tay thì ông có thể cho biết, Hoàng Sa và Trường Sa được khai phá từ khi nào?
Ông Nguyễn Đình Đầu: Trên bình diện quốc tế, thế giới chỉ mở rộng ra sau khi phát hiện ra Châu Mỹ nên họ tiếp tục đi sang Châu Á tức là miền Đông của Ấn Độ. Họ bắt đầu phát hiện ra bờ biển Việt Nam từ năm 1523. Đến năm 1525, họ bắt đầu vẽ Hoàng Sa, Trường Sa.
Những nhà địa lý,lịch sử thế giới khi đó đã nói Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam bằng cách họ ghi: bờ biển Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam. Trong mấy trăm bản đồ mà tôi được nghiên cứu, tiếp xúc, không có một bản đồ nào nói là bờ biển Hoàng Sa, Trường Sa là của Trung Quốc hay của Malaixia, hay Philippin…
Tất cả các bản đồ đó đều vẽ nhất loạt na ná như nhau. Quan trọng nhất là trên các bản đồ đó ghi tên đảo, tên biển là gì và ở đâu thì đều nói là ở Việt Nam. Nếu có một hoặc hai cái bản đồ thì còn nói là có sự nhầm lẫn. Đằng này, tất cả các bản đồ và trong suốt 5 thế kỷ liền đều ghi là của Việt Nam.
Về sau thì có những sự hiểu lầm, trước nói là Giao Chỉ gần Trung Quốc sau đó họ bỏ chữ Giao Chỉ đi thì thành ra biển Trung Quốc thôi. Mà bản thân Trung Quốc khi vẽ các bản đồ thì không bao giờ nói là đó là biển Trung Quốc. Điều này được chứng minh cụ thể bằng các hình ảnh, bản đồ một cách rất rõ ràng.
PV: Cá nhân ông còn có tài liệu, bản đồ nào chứng tỏ chủ quyền của Việt Nam tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà chưa được công bố?
Nguyễn Đình Đầu: Trong số những chứng cứ của Việt Nam đưa ra nhằm khẳng định chủ quyền tại hai quần đảo, có nhiều tài liệu là công trình nghiên cứu của tôi. Tuy nhiên, có một số tài liệu còn chưa đưa ra, chúng ta còn giữ làm tin. Nhưng cũng phải nói rõ, những cái đã công bố rồi đều khẳng định những tư liệu đó chính xác, chủ quyền Việt Nam xác lập trên hai quần đảo đó là không thể chối cãi.
Ngay cả trong ca dao bao đời nay của dân tộc cũng đã nói “Thuận vợ thuận chồng tát biển Đông cũng cạn”. Thế thì biển Đông đó là cái gì? Đó sự thể hiện chủ quyền của Việt Nam về biển và các quần đảo rất rõ ràng.
Tôi nghĩ là không chỉ để cho nhân dân Việt Nam hiểu rõ mà chúng ta phải làm cho cả nhân dân thế giới hiểu. Có một thực tế, ngay cả trên thế giới cũng có nhiều người hiểu nhầm. Đã đến lúc phải tiếp tục đưa ra những bằng chứng đó.
Tôi tiếc là bao lâu nay chúng ta chưa chú ý thu thập tư liệu của người khác viết về mình, người ta công nhận chủ quyền của ta tại hai quần đảo đó không những bằng bút tích, văn bản cổ mà còn bằng các bản đồ cổ một cách toàn diện.
Với những bằng chứng mà tôi nghiên cứu, thu thập được đã khẳng định một cách chắc chắn và toàn diện, tổng thể về chủ quyền của Việt Nam tại biển Đông cũng như đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
PV: Xin ông nói cụ thể hơn…
Ông Nguyễn Đình Đầu: Tôi có những bản đồ gốc rất quý và là nguyên bản, khi đưa ra thì ai cũng phải công nhận đó là những tư liệu khảo cổ. Tôi lấy thí dụ bản đồ của Pháp vẽ có hai trạm khí tượng một ở Hoàng Sa và một ở Trường Sa nằm trong hệ thống khí tượng Quốc tế. Đây là tài liệu không ai có thể chối cãi được vì nó là bản đồ quốc tế.
Chúng ta còn có hàng trăm những tài liệu như thế, rất chính xác. Và còn những tài liệu cổ viết bằng chữ cổ và chữ các nước khác thì không thể nói là của Trung Quốc được.
PV: Vậy ông đánh giá thế nào về những chứng cứ mà người Trung Quốc đưa ra để khẳng định 2 quần đảo trên của họ?
Nguyễn Đình Đầu: Trung Quốc đã chuẩn bị 50 – 70 năm nay nhằm đưa ra những chứng cứ nói rằng Trường Sa, Hoàng Sa hay phần lớn biển Đông là của họ. Chủ quan tôi thấy rằng, tài liệu mà Trung Quốc công bố gần đây thể hiện sự vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế, đi ngược lại sự hòa hiếu, tình hữu nghị giữa hai nước là láng giềng với nhau từ bao đời nay.
Việt Nam là nước yêu chuộng hòa bình, không có tinh thần xâm chiếm ai cả. Với tư cách là một siêu cường, Trung Quốc phải chịu trách nhiệm về hành động đó.
Các nhà hiền triết đã từng nói: “Tứ hải giai huynh đệ” tức là người trong bốn bể đều là anh em. Vậy mà Trung Quốc lại cư xử như thế thì tôi rất buồn. Tôi nghĩ những người cư xử như vậy là những người không có tinh thần cao, hiểu biết cao về lịch sử.
Cũng phải nói lại, những chứng cứ, tài liệu mà Trung Quốc đưa ra đó, thì không có một cơ sở nào cả. Tôi có bản đồ cổ của Trung Quốc, do chính người Trung Quốc vẽ cho thấy cực nam của Trung Quốc là đảo Hải Nam. Vậy hà cớ gì, nay lại cho rằng biển Đông là của tỉnh Hải Nam (Trung Quốc). Điều đó là hết sức sai trái về mặt khoa học. Và điều đó là không bao giờ, ít nhất là từ 5 thế kỷ nay rồi.
Tất cả những bản đồ của Trung Quốc và phương Tây vẽ đều không bao giờ nói là biển Đông nằm trong địa giới của đảo Hải Nam.
Xin cảm ơn ông!
Tuệ Minh (ghi)
------------------
*****
tại sao chúng ta không in những sử liệu của nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu ra thành sách cho người Việt và cả thế giới đọc???
Trả lờiXóaAi cho in mà in? Các anh tưởng dễ in sách lắm hay sao? Phải có GIẤY PHÉP XUẤT BẢN. Ai cấp giấy phép ? Chẳng phải NHÀ NƯỚC a?
Trả lờiXóaMuốn xuất bản những tư liệu đó Nhà nước VN phải xin phép China cơ đấy!
Trả lờiXóa