++ Hãy đến với nhau bằng tấm lòng trung thực!++

Thứ Bảy, 23 tháng 7, 2011

Thể chế chính trị của Đất nước và quyền biểu tình của người dân phản đối Trung Quốc

Nguyễn Huy Canh.
(Hải Phòng)


Vào mạng thấy hình ảnh các anh, các chị xuống đường ở HÀ NỘI mà thấy háo hức và cảm phục. Tiếc rằng không được ở trên ấy vào những ngày này. Ôi, dù có hàng chục năm đèn sách, chữ nghĩa và bằng cấp đầy mình như của nhiều học giả cũng không bằng được mấy chị nội chợ xuống đường hôm nay. Hình ảnh các chị như đã tạc vào sông núi: VIỆT NAM BẤT KHUẤT, ANH HÙNG
Lòng thấy buồn và thất vọng. Vì lẽ gì mà Nhà nước lại cho các lực lượng ngăn cản, bắt bớ, đàn áp các cuộc biểu tình như thế?
Trung Quốc ngang ngược bắt bớ, cướp bóc ngư dân ta; xâm phạm vùng biển thuộc chủ quyền của ta chẳng nhẽ lòng yêu nước của nhân dân không được khơi dậy, bồi đắp và giáo dục?
Hiến pháp của chúng ta đã và đang viết gì về các Quyền của công dân? Nền giáo dục của chúng ta dạy gì đây về lòng yêu tổ quốc, yêu đồng bào?
Căm thù TQ hống hách, ngang tàn; nghĩ về đất nước trong những ngày này và nghĩ về nền chính trị nước nhà không khỏi băn khoăn, đau xót. Đâu là tính chính danh, chính nghĩa trong những việc làm của Nhà nước? Đâu là cách xây dựng, tìm kiếm quyền lực mềm? Kinh nghiệm lịch sử trong quan hệ với TQ hàng nghìn năm liệu có ích gì không, có giúp được cho chúng ta điều gì không khi chúng ta đã ở vào thời đại hoàn toàn khác thời đại của cha ông: Hội nhập và toàn cầu hoá?
Vì sao hàng trăm tờ báo các loại thuộc “lề phải” không có lấy một lời, một hình ảnh về những cuộc biểu tình sôi động (không kém phần bi tráng) chống TQ của nhân dân ta ?
Đặc biệt vì sao Nhà nước của dân, vì dân lại mạnh tay ngăn cản? Có phải vì chúng ta phải nhân nhượng, phải hoà hiếu để tránh một cuộc binh đao có thể xảy ra như kinh nghiệm của cha ông đã dạy? Hay là vì ” đồng minh” thể chế, cơ chế chính trị đã buộc Đảng và Nhà nước ta phải hành động như vậy?
Tôi mạnh mẽ khẳng định rằng kinh nghiệm lịch sử đã không còn mấy giá trị trong khuynh hướng vận động của lịch sử hiện đại. Và tôi cũng cho rằng thể chế chính trị có nét tương đồng này đã tồn tại hơn 50 năm nay đã tỏ ra, bộc lộ ra nhiều điểm lạc hậu. Đó là một thể chế chính trị quân chủ chuyên chế tập thể trong cái vỏ bọc chính thể cộng hoà.
Tính  quân chủ chuyên chế này được xác lập từ hai nội dung, hai động thái sau:
-Toàn bộ quyền lực chính trị của đất nước tập trung vào trong tổ chức Đảng CS, mà quyền lực này lại chỉ được hình thành một cách khép kín trong nội bộ tổ chức ĐCS, đó là Ban chấp hành TW,Bộ chính trị và Ban Bí thư. Người dân hoàn toàn đứng ngoài, không được quyền tham gia vào quá trình hình thành nên cái cấu trúc quyền lực ấy bằng lá phiếu phổ thông của mình. Trong khi đó tất cả chúng ta đều nhất trí rằng hoạt động này của nhân dân, hành động này của nhân dân là một trong những dấu hiệu cơ bản của một chính thể cộng hoà-dân chủ và đó cũng là quyền cơ bản, thực chất của công dân trong một xã hội có nền dân chủ đích thực: Quyền lực chính trị cao nhất của đất nước phải là của nhân dân và nhân dân là người trao cái quyền lực ấy cho Đảng.
Chính cách thức tổ chức và vận hành quyền lực như thế này đã làm cho bộ máy quyền lực nhà nước hiểu như là của nhân dân- chỉ còn là hư danh, là hình thức là chủ yếu. Trong thực tiễn vận hành, nhà nước chủ yếu chỉ còn đóng vai trò thể chế hoá đường lối, chủ trương và nghị quyết của Đảng và do đó cũng chỉ là sự hiện thực hoá quyền lực tối cao của Đảng
-Khía cạnh thứ hai của tính chuyên chế của chính thể nước ta là ở cách thức tổ chức quyền lực tập trung. Không có một tổ chức quyền lực nào “tương đương” làm đối trọng, giám sát sự thực thi quyền lực của Ban chấp hành TW, Bộ chính trị và Ban bí thư. Các uỷ viên của các cơ quan quyền lực này có quyền lực tối thượng chẳng khác gì những ông vua thời hiện đại. Ông NGUYỄN VĂN AN (nguyên uỷ viên BCT) đã chỉ ra rất đúng cái bản chất quyền lực này của đất nước, của xã hội chúng ta. Tiếc rằng nó đã không được nhiều người chú ý phân tích và làm sáng tỏ thêm về mặt lí thuyết!

Tổ chức quyền lực trên của Hệ Thống Chính Trị nước nhà vận hành-đặc biệt trong gần 10 năm trở lại đây- đã để lại rất nhiều hệ luỵ: tham nhũng, giả dối, phi dân chủ… Thể chế chính trị đã trở thành vật cản của quá trình phát triển đất nước, củng cố sức mạnh toàn dân và quyền lực mềm.
Không đổi mới Hệ Thống Chính Trị một cách triệt để khó có thể nâng cao sức chiến đấu và lãnh đạo của Đảng, và chúng ta cũng khó có thể đứng ngang bằng và lấy mình làm trung tâm trong quan hệ với TQ
Đổi mới thể chế chính trị theo con đường nào? Hướng đi nào mà vẫn giữ được chế độ chính trị nhất Đảng? ĐCS vẫn là chính Đảng duy nhất cầm quyền trong một thể chế dân chủ và những giá trị nhân quyền phổ biến của nhân loại tiến bộ được duy trì và phát triển
Có thể đây là một vấn đề còn bị bỏ ngỏ- một nan đề của xã hội và dân tộc VN. Tuy nhiên từ những điều đã trình bày ở trên, tôi xin đưa ra một đề án như một sự lựa chọn, một chính kiến được phát biểu. Rất mong được quan tâm và có thể cần phải tranh luận, dù là găy gắt
Sự đổi mới này phải được bắt đầu từ sự dũng cảm dám vượt lên chính mình của Đảng bằng việc từ bỏ đi cái cấu trúc quyền lực đã cũ kĩ với quan điểm dứt khoát rằng, Đảng là một tổ chức chính trị chứ không phải là một tổ chức Quyền lực. Trở thành Quyền lực chính trị khi và chỉ khi thông qua sự lựa chọn của nhân dân bằng lá phiếu, Đảng nắm giữ Quốc Hội với số ghế quá bán và nắm giữ quyền điều hành Chính Phủ
Với mô hình này, QH cũng không phải được tổ chức như một cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất. Hệ thống Tư pháp là một quyền lực độc lập với QH và Chính Phủ. Nó có quyền giải thích Hiến Pháp và bác bỏ những đạo luật do QH ban hành nếu vi hiến
Đề  án chính trị trên đây sẽ cho phép chúng ta thoát khỏi sự ảnh hưởng của TQ về chính trị, đồng thời quyền lực chính trị của Đảng cũng là của nhân dân, do nhân dân trao cho. Đó sẽ là cơ sở hiện thực cho việc xây dựng nhà nước pháp quyền trên nguyên lí của chế độ chính trị nhất đảng cũng như trong thực tiễn và cho phép chúng ta hút được vào trong hệ thống ấy những giá trị phổ biến của nhân loại về tự do và nhân quyền.
Với một niềm tin được chiếu rọi bởi tư duy lí tính, dự án trên đây sẽ củng cố và phát huy được sức mạnh của toàn dân tộc cũng như sự ủng hộ to lớn về tinh thần và vật chất của nhân dân thế giới cũng như của Chính Phủ ở các quốc gia tiên tiến . Đó chính là Quyền lực mềm của chúng ta trong mối quan hệ với nước láng giềng TQ ./.
N.H.C.
------------------
*****


3 nhận xét:

  1. Bài viết sâu sắc, thể hiện tấm lòng yêu nước nồng nàn. Cám ơn tác giả.

    Trả lờiXóa
  2. Thể chế chính trị ngày nay đang lặp lại gần 400 năm trước, cảnh vua Lê chúa trịnh, chủ tịch lại còn tổng bí thư, quốc hội lại còn bộ chính trị. Ông Nguyễn sinh Hùng vừa tuyên bố lớn tiếng phấn đấu để quốc hội thực sự có quyền lực cao nhất...Điều này ai chả biết nói để mà nói, quốc hội vượt làm sao khỏi bộ chính trị, áo mặc không qua khỏi đầu, cái thể chế vua tập thể này đang kéo lùi lịch sử Việt nam lại hàng chục năm, nó đã và đang bộc lộ những gì xấu xa nhất, bất bình đẳng nhất, có thể gọi là chế độ "phong kiến đời mới" đang tồn tại nhờ vào thanh gươm và khẩu súng (công an và quân đội), không cần đến lòng tin của nhân dân.
    Thảo dân

    Trả lờiXóa
  3. Họ đã cực đoan dần dần biến thành kẻ thù của nhân dân. Mọi hoạt động , suy nghĩ khác với sự lãnh đạo của họ đều xem là phản động, chống chính quyền- họ không bao giờ từ bỏ áp đặt quyền lực của họ lên nhân dân thấp cổ bé ming6 trừ khi nhân dân biết phản kháng.

    Đồng bào ơi- mỗi người góp chung tiếng nói để con cháu chúng ta ngày sau sánh bước cùng bạn bè bốn biển năm châu

    Đồng bào ơi- đất nước này là của chúng ta- thà 1 lần chết vinh để ghi tên mình vào sử sách hơn là cúi đầu sống nhục để chính bọn khoác áo nhân dân đè đầu cưỡi cổ.

    Hãy sống vì tương lai con cháu chúng ta


    Theo blog Đông A, 1 tên cực đoan viết về trấn áp biểu tình


    Đông A said...

    @không phải là cuộc đấu tranh chống xâm lấn lãnh thổ, mà là cuộc đấu tranh cho thành phố thanh bình và trật tự xã hội.

    12:54 Ngày 23 tháng 7 năm 2011

    Trả lờiXóa

Tìm kiếm Blog này