Nguồn: báo QĐND
Bình luận của Ba Sàm:
Báo Quân đội ND nhanh nhảu há? Trong cuộc sống hàng ngày cũng như quan hệ ngoại giao, thái độ ra sao trước kẻ đểu cáng, hèn hạ không thể như với người tử tế.
------------------------------------------
Kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc (1-7-1921/1-7-2011)
Không ngừng thực hiện nhảy vọt về tư tưởng chỉ đạo và lý luận cơ bản
QĐND - Thứ Năm, 30/06/2011, 23:2 (GMT+7)
QĐND - Từ ngày đầu thành lập với hơn 50 đảng viên, cho tới nay Đảng Cộng sản (ĐCS) Trung Quốc đã có đội ngũ hùng hậu gồm hơn 80 triệu đảng viên. Trải qua hàng chục năm đấu tranh, ĐCS Trung Quốc đã lãnh đạo cách mạng Trung Quốc giành nhiều thắng lợi quan trọng, lập lên một nước Trung Quốc mới vào năm 1949. Từ một nước nghèo nàn lạc hậu, nay Trung Quốc đã trở thành nền kinh tế thứ hai của thế giới. Nhân kỷ niệm 90 năm ngày thành lập ĐCS Trung Quốc, phóng viên Báo Quân đội nhân dân đã có cuộc phỏng vấn Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam Tôn Quốc Tường.
Đại sứ Tôn Quốc Tường. Ảnh: Hoa Huyền |
PV: Thưa Đại sứ, thành tựu nổi bật nhất trong 90 năm qua mà ĐCS Trung Quốc đã đạt được là gì? Sự thành công đó bắt nguồn từ đâu?
Đại sứ Tôn Quốc Tường: ĐCS Trung Quốc được thành lập ngày 1-7-1921, cho đến nay đã trải qua 90 năm. Trong 90 năm qua ĐCS Trung Quốc đã đoàn kết lãnh đạo toàn thể nhân dân Trung Quốc giành được những thắng lợi vĩ đại, xây dựng nước Trung Quốc mới, xác lập chế độ XHCN và thực hiện sự nghiệp cải cách mở cửa, mở ra con đường xây dựng XHCN đặc sắc Trung Quốc phù hợp với tình hình trong nước và trào lưu của thời đại.
ĐCS Trung Quốc đã lớn mạnh không ngừng. Cho đến nay ĐCS Trung Quốc đã có đội ngũ hơn 80 triệu đảng viên. Trung Quốc từ một nước nghèo nàn lạc hậu nay đã trở thành nền kinh tế thứ hai của thế giới. Thực tiễn chứng minh, chỉ có ĐCS Trung Quốc mới lãnh đạo Trung Quốc, chỉ có XHCN mới có thể cứu Trung Quốc, chỉ có cải cách mở cửa mới có thể phát triển Trung Quốc.
Tôi cho rằng, để đạt được những thành tựu nêu trên, điều quan trọng là ĐCS Trung Quốc luôn kiên trì nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác kết hợp chặt chẽ với tình hình thực tế tại Trung Quốc; không ngừng thực hiện nhảy vọt về tư tưởng chỉ đạo và lý luận cơ bản. Đảng luôn kiên trì theo phương châm lập Đảng vì dân, chấp chính vì dân, toàn tâm toàn ý mưu cầu hạnh phúc cho nhân dân. Đảng dũng cảm kiên trì bảo vệ chân lý, sửa chữa khuyết điểm, đồng thời không ngừng đổi mới và xây dựng Đảng mạnh hơn nữa. Đảng luôn kiên trì cùng đảng phái dân chủ, những người yêu nước có cùng chí hướng, đồng tâm đồng đức, không ngừng phát triển mở rộng mặt trận thống nhất nhân dân; kiên trì hòa bình hữu hảo, có chính sách đối ngoại rộng mở bao dung; kiên trì con đường độc lập tự chủ, tự lực cánh sinh, kiên định theo con đường đã chọn.
PV: Đã trở thành cường quốc kinh tế thứ hai của thế giới, Trung Quốc vẫn phải đối mặt với không ít khó khăn và thách thức, như việc làm, an sinh xã hội, nhà ở… Vai trò của ĐCS trong giải quyết các vấn đề khó khăn này như thế nào, thưa đồng chí?
Đại sứ Tôn Quốc Tường: Là một đảng lãnh đạo một đất nước đang phát triển, là hạt nhân lãnh đạo sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc, nhiệm vụ quan trọng nhất của ĐCS Trung Quốc là phát triển đảng, phát triển đất nước. Chúng tôi tiếp tục giữ nguyên tôn chỉ “Vì nhân dân phục vụ”, thực hành theo lý luận “Lấy dân làm gốc, chấp chính vì dân”. Trong nước, không ngừng thúc đẩy sự nghiệp cải cách mở cửa, xây dựng xã hội hài hòa. Ngoài nước, kiên trì đi theo đường lối phát triển hòa bình, theo đuổi chiến lược hợp tác cùng có lợi, thúc đẩy xây dựng nền hòa bình lâu dài, xây dựng thế giới hài hòa cùng nhau phồn vinh.
Quy hoạch phát triển 5 năm lần thứ 12 của Trung Quốc khẳng định, cải thiện dân sinh đang trở thành nhiệm vụ nổi bật. Trung Quốc cũng đưa ra các biện pháp thực thi cụ thể, nỗ lực thực hiện các nhiệm vụ quan trọng với nhân dân: “Muốn học có chỗ học, muốn làm có chỗ làm, chữa bệnh có chỗ chữa, muốn ở có nhà ở”.
PV: Tình hình thế giới ngày càng phức tạp, trong nước cũng nảy sinh nhiều vấn đề, vậy công tác lý luận của ĐCS Trung Quốc đã được đổi mới như thế nào để có thể theo kịp với tình hình thực tiễn?
Đại sứ Tôn Quốc Tường: ĐCS Trung Quốc trong quá trình phát triển luôn kiên trì lấy nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác kết hợp chặt chẽ tình hình thực tế của Trung Quốc. Kiên trì dùng khoa học lý luận chỉ đạo thực tiễn, đã trải qua mấy lần nhảy vọt về lý luận cơ bản và tư tưởng chỉ đạo.
Thời kỳ đầu xây dựng đảng, Chủ tịch Mao Trạch Đông là người sáng lập ra tư tưởng Mao Trạch Đông, đấu tranh giành chính quyền, làm nên thắng lợi lịch sử của chế độ XHCN. Sau Đại hội 12 của đảng, Đặng Tiểu Bình sáng tạo ra lý luận Đặng Tiểu Bình, trả lời cho câu hỏi cái gì là chủ nghĩa xã hội, bài học lịch sử nào trong xây dựng chủ nghĩa xã hội. Đến Hội nghị trung ương 4, khóa XIII, Giang Trạch Dân đưa ra sáng kiến về tư tưởng “3 đại diện”, trả lời cho câu hỏi xây dựng đảng như thế nào, làm thế nào để giữ được tính tiên tiến và đề cao bài học lịch sử trong khả năng lãnh đạo của đảng. Những lần nhảy vọt về lý luận cơ bản và tư tưởng chỉ đạo đều là sản phẩm của sự kết hợp thành công giữa chân lý phổ biến của chủ nghĩa Mác với thực tế Trung Quốc, chỉ đạo cách mạng và sự nghiệp kiến thiết ở Trung Quốc để không ngừng đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.
Thành phố Thiên Tân, một trong những niềm tự hào của Trung Quốc trong thời kỳ cải cách mở cửa. Ảnh: trialx.com |
PV: Để chuẩn bị tốt nhất cho thành công của Đại hội XVIII trong năm tới, những vấn đề gì đang được ĐCS Trung Quốc chú trọng?
Đại sứ Tôn Quốc Tường: Đảng Cộng sản Trung Quốc nhấn mạnh, phải giữ đầu óc tỉnh táo, tăng cường nhận thức về thách thức và cơ hội, nắm chắc một cách khoa học quy luật phát triển, chủ động thích ứng với sự thay đổi của môi trường, hóa giải hữu hiệu các dạng mâu thuẫn, lấy phát triển khoa học làm chủ đề, lấy việc đẩy nhanh chuyển biến phương thức phát triển kinh tế làm con đường chính, cải cách mở cửa sâu sắc, bảo đảm và cải thiện dân sinh, củng cố và mở rộng những thành quả đã đạt được sau khi vượt qua cuộc khủng hoảng tài chính kinh tế thế giới, thúc đẩy kinh tế phát triển bền vững và xây dựng xã hội ổn định hài hòa, đặt nền tảng cơ sở vững chắc có ý nghĩa quyết định trong việc xây dựng toàn diện xã hội khá giả.
Trong năm tới (2012), Đại hội đại biểu toàn quốc Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ XVIII sẽ khai mạc. Năm nay công tác chuẩn bị đang được gấp rút tiến hành, chúng tôi đang tập trung làm tốt một số công việc sau: Thứ nhất, bảo đảm bình ổn giá cả ở mức cơ bản. Đây là nhiệm vụ hàng đầu trong điều tiết vĩ mô của năm nay. Thứ hai, mở rộng hơn nữa nhu cầu trong nước, đặc biệt là nhu cầu tiêu dùng của cư dân. Thứ ba, củng cố và tăng cường vị trí cơ bản của nông nghiệp. Thứ tư, nhanh chóng thúc đẩy việc điều chỉnh mang tính chiến lược đối với cơ cấu kinh tế. Thứ năm, ra sức thực hiện chiến lược hưng quốc về khoa học giáo dục và cường quốc nhân tài. Thứ sáu, tăng cường kiến thiết xã hội và bảo đảm cải thiện dân sinh. Thứ bảy, tăng cường mạnh mẽ xây dựng văn hóa. Thứ tám, đi sâu thúc đẩy cải cách các lĩnh vực trọng điểm. Thứ chín, nâng cao hơn nữa mức độ mở cửa với bên ngoài. Thứ mười, tăng cường công tác xây dựng liêm chính và chống tham nhũng.
PV: Theo Đại sứ, để tiếp tục giữ vững quan hệ truyền thống tốt đẹp đã được các bậc tiền bối và các thế hệ kế tiếp của hai Đảng, hai Nhà nước Việt Nam – Trung Quốc cùng nhau xây dựng, vun đắp, cần chú trọng tới nhân tố nào?
Đại sứ Tôn Quốc Tường: Trên thế giới hiện nay, Trung Quốc và Việt Nam là hai trong số không nhiều nước XHCN có sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản. Nhiệm vụ chính của cả hai nước đều là tập trung cho việc phát triển kinh tế, cải thiện dân sinh. Hai quốc gia có một số điểm giống nhau như lý tưởng giống nhau, sự nghiệp giống nhau, vận mệnh giống nhau, thách thức giống nhau, vì vậy yêu cầu hai Đảng, hai nước Trung - Việt cần từ tầm cao chiến lược và góc độ lâu dài để xem xét và hiểu quan hệ hai nước, cần làm cho quan hệ hữu nghị Trung - Việt đã được lãnh đạo tiền bối của hai Đảng, hai Nhà nước đặt nền móng và vun đắp ngày càng phát triển rực rỡ hơn. Điều này phù hợp với lợi ích căn bản và nguyện vọng chung của hai nước.
Cũng giống như bất kỳ mối quan hệ song phương nào, quan hệ Trung - Việt cũng tồn tại một số vấn đề và khác biệt. Làm thế nào để giải quyết thỏa đáng sự khác biệt này, làm thế nào để các vấn đề này nhận được sự quan tâm xứng đáng trong quan hệ giữa hai nước, đòi hỏi trí tuệ và năng lực giải quyết từ cả hai phía. Lãnh đạo hai nước cần đạt được nhận thức chung về các vấn đề quan trọng, nhìn xa trông rộng để có thể xử lý tốt vấn đề này, chúng tôi (Trung Quốc) toàn tâm toàn ý quán triệt thực hiện điều này.
Đảng, Chính phủ Trung Quốc coi trọng cao độ phát triển hợp tác toàn diện và láng giềng hữu hảo với Đảng, Chính phủ Việt Nam. Chúng tôi nguyện cùng Việt Nam thực hiện điều này, tăng cường các chuyến thăm cấp cao, không ngừng nâng cao tin tưởng chính trị, mở rộng hợp tác kinh tế thương mại, mưu cầu cùng phát triển phồn vinh; đi sâu giao lưu nhân văn xã hội, làm phong phú nội hàm quan hệ hai nước, tiếp tục viết lên một chương mới huy hoàng hơn trong quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Trung - Việt, mang lại nhiều lợi ích thiết thực nhất cho nhân dân hai nước. Tôi cho rằng, cùng với sự phát triển quan hệ hai nước, hai bên không ngừng tăng cường lòng tin, những vấn đề còn tồn tại trong lịch sử giữa hai nước sẽ được giải quyết một cách ổn thỏa.
NGUYỄN HÒA (thực hiện)
-------------------------------------------------
Xem thêm:
Đại nhảy vọt
Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
Đại nhảy vọt (Giản thể:大跃进, Phồn thể:大躍進, bính âm:Dàyuèjìn; âm Hán Việt: đại dược tiến) là tên thường gọi trong sách báo tiếng Việt cho kế hoạch xã hội và kinh tế của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (CHND Trung Hoa) được thực hiện từ 1958 đến 1960 nhằm mục tiêu sử dụng dân số khổng lồ của Trung Quốc để chuyển tiếp nhanh chóng Trung Quốc đại lục từ một nền kinh tế chủ yếu là nông nghiệp dựa vào nông dân là chính sang một xã hội công nghiệp cộng sản hiện đại. Mao Trạch Đông đặt điểm tựa của chương trình vào Lý luận sức sản xuất. Đại nhảy vọt ngày nay được đa số mọi người, cả trong và ngoài Trung Quốc, xem như là một đại thảm họa kinh tế. Một con số ước lượng có đến 20 triệu (có thể lên đến 40 triệu) người chết, chính là kết quả những nỗ lực của Mao. Sách báo tiếng Việt còn có một số sách gọi khác như Bước nhảy lớn, Bước nhảy vọt.
------------------
*****
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét