Nguồn: Blog Lê Mai
Tháng Sáu 12, 2011 — Lê MaiSự kiện “tàu Bình Minh 2″ xẩy ra ngay trước thềm Đối thoại Shangri-La làm chúng ta dễ dàng nhận thấy đó là một tính toán chiến thuật nằm trong chiến lược độc chiếm biển Đông của Bắc Kinh. Tướng Lương Quang Liệt, người dẫn đầu đoàn đại biểu hùng hậu của TQ – vốn rất nổi tiếng với tuyên bố về Đài Loan ngay sau khi ông ta nhậm chức Bộ trưởng Quốc phòng: “Đối với Đài Loan, đánh chậm không bằng đánh sớm, đánh nhỏ không bằng đánh lớn, đánh chiến tranh thường qui không bằng đánh chiến tranh hạt nhân, chỉ đánh Đài Loan không bằng lôi cả Nhật Bản vào cùng đánh”.
Cho nên, không có gì ngạc nhiên khi các bên tham dự Đối thoại Shangri-La hồi hợp chờ đợi “giọng lưỡi” của Lương tại Đối thoại Shangri-La.
Thế nhưng, các bên tham dự Đối thoại Shangri-La lại bất ngờ lắng nghe bài phát biểu đầy “nhã nhặn” của Lương. Có người làm một bản thống kê cho thấy, trong bài phát biểu ấy, có 3 từ “hữu nghị”, 6 từ “đối thoại”, 47 từ “hợp tác” và 34 từ “hòa bình”! Không phải ngẫu nhiên mà TQ luôn nói đến chiến lược “trỗi dậy hòa bình” của TQ – nhất là trong thời gian gần đây, trong khi việc làm của họ thì ngược lại. Không cần phải chờ đợi đâu xa, sự kiện tàu Viking 2 ngày 9.6.2011 tiếp ngay sau sự kiện tàu Bình Minh 2 đã làm cho những người luôn tin tưởng vào mối quan hệ Việt – Trung cũng bừng tỉnh, hiểu rõ TQ muốn gì và chắc chắn TQ sẽ không dừng lại ở đó. Thế giới có quyền đặt câu hỏi, vậy TQ áp dụng chiến lược trỗi dậy hòa bình hay trỗi dậy chiến tranh?
Thập kỷ sáu mươi, xuất phát từ bối cảnh quốc tế lúc bấy giờ, nhận định chiến tranh thế giới có thể sẽ xẩy ra, Mao đề ra chiến lược “đánh mạnh, đánh sớm, đánh chiến tranh hạt nhân”. Thế là không biết bao nhiêu nhân tài, vật lực của quốc gia đổ vào việc chuẩn bị chiến tranh, TQ gần như kiệt sức. Cuối thập kỷ bảy mươi, Đặng nhận định: Chiến tranh lớn không xẩy ra, đừng sợ. Tôi thấy chí ít mười năm nữa cũng không đánh nhau đâu. Chúng ta phải bình tĩnh đưa ra phán đoán mới, phán đoán này là vô cùng quan trọng để chúng ta có thể yên tâm chuyển trọng điểm sang xây dựng kinh tế. Không có phán đoán này, hàng ngày cứ lo sợ hốt hoảng, làm sao có thể yên tâm xây dựng được?
Chiến lược “thu mình, dấu tài” của Đặng ra đời – tất nhiên chúng ta thừa hiểu, chiến lược ấy ra đời trong điều kiện TQ còn yếu về mọi mặt. TQ lớn tiếng tuyên bố với thế giới: TQ vĩnh viễn không xưng bá, không đứng đầu, không cầm cờ, không đối kháng, không thách thức trật tự thế giới đang tồn tại. Đặng lại nói, mặc dù một số nước thế giới thứ ba mong muốn TQ đứng đầu, song TQ nhất thiết không nên đứng đầu, đứng đầu không có ích gì, mọi cái chủ động đều mất hết. Không đứng đầu không phải là lời nói khách sáo mà là một suy nghĩ chính trị, một suy xét chiến lược của TQ.
Ý nghĩa của “thu mình, dấu tài” của TQ là gì? Giấu tài là che giấu tài năng, không bộc lộ ra ngoài. Nó xuất phát từ tình hình thực tiễn TQ và so sánh lực lượng quốc tế, trước hết TQ chỉ có thể làm tốt công việc của mình trong nước. TQ cố hết sức tránh huênh hoang, tạo ra môi trường quốc tế thuận lợi để tập trung sức xây dựng kinh tế. Mục tiêu là tranh thủ thời cơ, thực hiện bốn hiện đại hóa, tạo ra một sự phát triển vượt bậc cho TQ.
Chiến lược ấy đã tỏ ra có hiệu quả. Năm 2010, tổng GDP của TQ đã vượt Nhật Bản, đạt 5,88 nghìn tỷ USD, chỉ đứng sau Hoa Kỳ với 14,66 nghìn tỷ USD.
Đến đây, chúng ta hãy nhìn tổng quát một chút “mối đe dọa” của TQ. Theo một số nguồn tin phương Tây, tổng quân số thường trực hiện nay của 4 quân chủng Quân đội TQ vào khoảng 2,3 triệu người; trong đó Lục quân có 1.560.000 quân, Không quân có 385.000 quân và Hải quân có 255.000 quân, lực lượng tên lửa chiến lược có 100.000 quân. Ngoài ra, Trung Quốc còn duy trì một lực lượng cảnh sát vũ trang với 660.000 người để bảo đảm an ninh nội địa.
TQ có 9.480 chiếc xe tăng các loại, trong đó 8.180 xe tăng hạng nhẹ, 5.000 xe thiết giáp, 58.450 khẩu pháo, cối và rốc két các loại. Vũ khí phòng không của Lục quân gồm 10.300 pháo phòng không và 1.600 tên lửa. Lục quân cũng được trang bị 384 máy bay trực thăng các loại.
Không quân có 4.486 máy bay các loại, gồm máy bay ném bom, máy bay tiêm kích bom, cường kích, tiêm kích và nhiều loại khác. Lực lượng phòng không có 1.578 tên lửa phòng không, 16.000 pháo cao xạ các loại.
Hải quân TQ có tổng số 1.503 tàu, xuồng các loại, trong đó có tàu ngầm, tàu khu trục, tàu hộ vệ, tàu phóng lôi, tàu tên lửa, tàu tuần tiễu trang bị pháo, tàu xuồng đổ bộ và tàu phục vụ. Lực lượng không quân của hải quân có 956 máy bay các loại gồm: máy bay ném bom, rải lôi, máy bay cường kích, tiêm kích, máy bay trinh sát chống ngầm, máy bay vận tải và máy bay trực thăng.
TQ có 609 tên lửa chiến lược trên đất liền với các loại tên lửa đạn đạo xuyên lục địa, tên lửa đạn đạo tầm trung, tên lửa đạn đạo tầm ngắn. Ngoài ra, lực lượng này còn có 13 tên lửa trang bị trên tàu ngầm và 326 bom và đầu đạn hạt nhân trên máy bay.
Thống kê nêu trên khó mà đầy đủ và chính xác, song cũng cho chúng ta thấy sức mạnh quân sự của “chiến lược trỗi dậy hòa bình” của TQ. TQ thường nhấn mạnh, chính sách quốc phòng “phòng ngự” và chiến lược quân sự “phòng ngự tích cực” của mình. Rằng số vũ khí hạt nhân “ít ỏi” mà TQ có chỉ là để tự vệ. TQ không khiêu khích quân sự với bất cứ nước nào. Tuy nhiên, nếu ai cố tình gây chiến tranh với TQ, TQ sẽ tiến hành phản kích để tự vệ.
Với việc triển khai các chính sách đối nội và đối ngoại, sự phát triển “mối đe dọa” của TQ, thế giới ngày càng e ngại TQ. Thứ nhất, TQ phát triển nhanh chóng tất nhiên sẽ dẫn đến việc bành trướng ra bên ngoài bằng vũ lực và xâm lược. Điều này lịch sử đã chứng minh. Thứ hai, TQ với dân số 1,3 tỷ người, trình độ khoa học kỹ thuật, trình độ quản lý lạc hậu sẽ tiêu hao quá mức tài nguyên nhân loại, làm rối loạn thị trường thế giới, phá hoại cân bằng sinh thái toàn cầu, tạo thành mối đe dọa cho thế giới. Thứ ba, sự phát triển của TQ sẽ gặp nhiều mâu thuẫn do chế độ chính trị, khó khăn sẽ ngày càng gay gắt, tất yếu dẫn đến rối loạn chính trị, gây mất ổn định cho khu vực cũng như thế giới.
Thứ tư, mô hình TQ phát triển thành công sẽ có ảnh hưởng chính trị to lớn, tạo nên mối đe dọa vai trò chủ đạo thế giới của các nước phương Tây và Hoa Kỳ.
Chiến lược trỗi dậy hòa bình của TQ ra đời là để đối phó và hóa giải sự lo ngại đó của thế giới. Chiến lược này có thể xóa hết mối nghi ngại đó của thế giới hay không, điều này phụ thuộc vào TQ. Đó là trong hành xử, TQ phải tỏ ra là một nước lớn có trách nhiệm, nói đi đôi với làm.
Với các nước láng giềng, TQ thường nói, “làm bạn với láng giềng, thân thiện với láng giềng, yên ổn với láng giềng, trợ giúp láng giềng, hỗ trợ láng giềng, làm giàu láng giềng”. Thế ư? Cứ xem những hành động của TQ – nhất là thời gian gần đây về tranh chấp chủ quyền trên biển Đông, sẽ hiểu lời nói của TQ có giá trị đến đâu. Chiến lược trỗi dậy hòa bình của TQ liệu có thuyết phục được thế giới hay không?
Và như thế, TQ trỗi dậy hòa bình hay trỗi dậy chiến tranh – câu trả lời thật quá dễ dàng.
Trung Quốc từ Mao đến Hồ
Tháng Năm 31, 2011 — Lê MaiLịch sử TQ ghi dấu đậm nét những sự kiện tàn bạo mà không một quốc gia nào trên thế giới có thể so sánh. Đời Chiến quốc, chỉ trong một đêm, Bạch Khởi đã chôn sống 40 vạn hàng binh. Tần Thủy Hoàng nổi danh trong sử sách là một tên bạo chúa, can tội đốt sách, giết nho sỹ; giết bố như Tùy Dạng Đế, giết vợ như Ngô Khởi, giết con như Dịch Nha, giết công thần như Lưu Bang, Triệu Khuông Dẫn…
TQ, dưới thời Mao, số người dân chết đói – hậu quả của chính sách “Ba ngọn cờ hồng”, “Công xã nhân dân”, “Đại nhảy vọt”…, chết do cuộc “cách mạng văn hóa” long trời lở đất, có nhà nghiên cứu cho là không dưới 80 triệu. Đến thời Đặng, Giang, vụ tàn sát sinh viên, dân thường tại Quảng trường Thiên An Môn vào tháng 6 năm 1989 đứng lên đòi dân chủ làm thế giới văn minh kinh hoàng. Và gần đây, các vụ đàn áp Tân Cương, Tây Tạng dưới thời Hồ cũng có tính chất dã man, tàn bạo không kém. Điều rất rõ ràng, về đối nội, Chính phủ TQ luôn áp dụng một chính sách cực kỳ hà khắc với người dân của mình.
Về đối ngoại, TQ từ Mao, Đặng đến Giang, Hồ đều có những mục tiêu nhất quán, không thay đổi, chỉ có phương pháp thực hiện là thay đổi. Cái không thay đổi, đó là chủ nghĩa bành trướng, chủ nghĩa dân tộc Đại hán đã tồn tại hàng ngàn năm dưới các triều đại phong kiến TQ, được các nhà lãnh đạo TQ thời hiện đại phát triển dưới những dạng khác, tinh vi và nguy hiểm hơn rất nhiều.
Thập niên 50 – 60 của thế kỷ trước, khi quan hệ Xô – Trung còn khăng khít, Mao dùng khái niệm “hai phe”: phe XHCN và phe TBCN. Sau khi Trung – Xô phân liệt, Mao phát minh ra lý luận chia “ba thế giới”, được Đặng đánh giá rất cao. Theo lý luận ấy, TQ chỉ có thể xếp mình vào thế giới thứ ba. Nó là một chiến lược phòng ngự tích cực của TQ với tư cách là một nước yếu.
Thế giới thứ ba bao gồm những nước nhỏ, nước nghèo, nước yếu, không thuộc các nước XHCN hay TBCN. TQ bấy giờ xét về kinh tế là một nước nhỏ, nước nghèo, nước yếu. Về chính trị, chắc chắn TQ là một nước lớn không thể coi thường, nếu muốn “tỏ vẻ” một chút, hoàn toàn có thể nhân danh một nước lớn. Nhưng Mao và các nhà lãnh đạo TQ không làm như vậy. Tự xếp mình vào vị thế kẻ yếu, xuất hiện với tư thế đại diện cho kẻ yếu, chính là biện pháp làm cho kẻ yếu trở thành kẻ mạnh trên thực tế. Đó là trí tuệ truyền thống của TQ. Trên thế giới, kẻ yếu đang chiếm đa số, cách làm như thế sẽ biến mình thành kẻ mạnh, đủ để đứng ngang hàng với những kẻ mạnh chiếm thiểu số.
Đặng cho rằng, chiến lược “chia ba thế giới” của Mao có tác dụng không thể lường hết đối với việc đoàn kết nhân dân thế giới chống chủ nghĩa bá quyền, làm thay đổi so sánh lực lượng chính trị trên thế giới, phá tan ý đồ của Liên Xô muốn cô lập TQ trên trường quốc tế, nâng cao uy tín của TQ.
Đặng đã thừa kế mưu lược của Mao, tuyên bố TQ đứng về thế giới thứ ba, đại biểu cho thế giới thứ ba để phát biểu. Làm như vậy, về chính trị, có thể tăng sức nặng của TQ trong đời sống quốc tế; về kinh tế, có thể giành được những cái lợi to lớn giống như TQ hợp tác với các nước phát triển.
Nhưng Đặng chỉ rõ, chỉ hạn chế trong thế giới thứ ba thì rất bất lợi cho sự phát triển của TQ. Trước tiên, nó làm tăng thêm nghĩa vụ của TQ với các nước bạn bè trong thế giới thứ ba, làm cho TQ phải mang gánh nặng lớn trong quá trình tiến lên hiện đại hóa. Thứ hai là không tiện cho TQ độc lập, tự chủ tiến hành công việc ngoại giao ra tất cả các phía.
Thập kỷ 80, Đặng cho rằng, ngày nay những vấn đề thực sự lớn trên thế giới, mang tính chất chiến lược toàn cầu, thì một là vấn đề hòa bình, hai là vấn đề phát triển. Vấn đề hòa bình là vấn đề giữa Đông và Tây, vấn đề phát triển là giữa Nam và Bắc. Khái quát lại, đó là bốn chữ Đông Tây Nam Bắc. Đó chính là lý luận “Đông Tây Nam Bắc” nổi tiếng của Đặng.
Đặng đã thiết kế những chính sách tài tình, giúp TQ phát triển một cách thần kỳ. “Một nước hai chế độ, hòa bình thống nhất”, “nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa”, “một trung tâm, hai điểm cơ bản”, “đối nội cải cách, đối ngoại mở cửa”, “Gác bỏ tranh luận, cùng nhau sáng tạo”, “che dấu thành tích, giữ vững trận địa, dấu mình chờ thời, làm nên công tích”…là những thiết kế thiên tài của Đặng.
Đến thời Hồ, TQ dường như sử dụng chiến thuật của Đặng một cách khác, không còn “che dấu thành tích, dấu mình chờ thời” nữa. TQ ngày nay đã quá lớn mạnh về mọi mặt. Sự phát triển kinh tế quá nóng của TQ đặt ra rất nhiều vấn đề, làm thế giới e ngại. Trước sau, TQ vẫn chủ trương đối nội hà khắc, đối ngoại mở cửa, hợp tác và đấu tranh đan xen lẫn nhau. Các nhà nghiên cứu đang nói đến TQ như một “đế quốc mới”. Sự ngổ ngáo của TQ tỏ ra cho thế giới thấy, thời kỳ TQ “dấu mình chờ thời” đã qua rồi!
TQ từ Mao, Đặng đến Giang, Hồ đều muốn kiềm chế VN, làm VN suy yếu, bắt buộc VN ở vào vị thế phụ thuộc. Về biên giới, không ngừng lấn chiếm trên đất liền, trên biển với những thủ đoạn vừa tinh vi vừa trắng trợn. Đánh chiếm Hoàng Sa năm 1974, cuộc chiến biên giới năm 1979, sự kiện Trường Sa năm 1988 và mới đây thôi, ba tàu hải giám TQ tấn công tàu Bình Minh 2 của VN càng cho chúng ta thấy, TQ có một chiến lược thôn tính VN rất nguy hiểm. Họ luôn chủ động, làm gì đều có tính toán sâu xa, phương pháp thường xuyên thay đổi nhưng mục tiêu chỉ có một.
Cần nhắc lại, ngày 26.5.2011, ba tàu hải giám TQ trắng trợn xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của VN, tiến sâu vào phạm vi thềm lục địa VN, ngang nhiên cắt đứt dây cáp thăm dò dầu khí tàu Bình Minh 2 của VN. Sau vài ngày ngập ngừng, báo chí chính thống của VN đều lên tiếng phản đối rất mạnh mẽ hành động của TQ. Đây là điểm rất mới. Tiếp đó, ngày 29.5, một cuộc họp báo quốc tế được Bộ Ngoại giao VN tổ chức. Giới quan sát chính trị chú ý đặc biệt đến phát biểu của người phát ngôn Bộ ngoại giao VN – bà Phương Nga: “Hải quân VN sẽ làm mọi việc cần thiết để bảo vệ vững chắc hòa bình, độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước”.
Có vẻ một khúc quanh mới đang tiến đến trong quan hệ Việt – Trung.
Giới quan sát chính trị cũng không thể bỏ qua sự “phản pháo” của bà Khương Du – phát ngôn viên Bộ Ngoại giao TQ:
“Lập trường của TQ trên biển Nam Trung Hoa là rõ ràng và nhất quán. Chúng tôi phản đối tất cả các hoạt động thăm dò dầu khí do VN xúc tiến, đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới quyền lợi của TQ và quyền tài phán trên Biển Đông, cũng như vi phạm sự đồng thuận cả hai nước đã đạt được về vấn đề này”.
“Những việc đã làm của TQ trên biển là hoàn toàn bình thường, đúng pháp luật và hoạt động giám sát trong khu vực biển thuộc thẩm quyền tài phán của TQ”.
Như vậy, chúng ta thấy, TQ đã gửi đến VN một thông điệp rất rõ ràng: các ông muốn phản đối gì thì phản đối, việc của chúng tôi, chúng tôi cứ làm. Vấn đề chủ quyền biển Đông, TQ không cần chứng cứ, không cần tranh luận, TQ sẵn sàng bác bỏ tất cả, nếu không vừa ý TQ. Đó phải chăng là Hồ đã kế thừa cái trí tuệ “không tranh luận” mà Đặng đã “phát minh” ra.
Hơn hai ngàn năm trước, Lão Tử đã nói: “Cái đạo của thánh nhân, làm mà không tranh”, “nói nhiều lắm, không bằng im lặng”. Cứ im lặng mà làm. TQ hiểu rất rõ, những chứng cứ pháp lý từ xưa đến nay của TQ về chủ quyền biển Đông đều không thể thuyết phục được thế giới. Thế là họ không sa vào tranh luận mà ráo riết triển khai chiến lược trên biển Đông. Từ chỗ gần như không có gì, nay TQ đã có một thế đứng trên biển Đông hết sức vững chắc. TQ đã chiếm Hoàng Sa của VN. Mối lo ngại có thể lấy toàn bộ Trường Sa nhưng khó giữ, bây giờ không còn là vấn đề đối với TQ nữa.
TQ từ Mao, Đặng đã có nhiều âm mưu thâm độc đối với VN. Đến thời Giang, Hồ, dã tâm đối với VN càng bộc lộ mãnh liệt. VN phải làm gì để đối phó với người láng giềng khổng lồ phương Bắc? Bất kể đối sách nào, nếu không phát huy được lòng yêu nước và sức mạnh của toàn dân tộc, thì khó có thể thắng nổi TQ.
Và chúng ta đừng quên lời Hồ Chí Minh:
“Dân ta có một truyền thống nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước”.
------------------
*****
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét