++ Hãy đến với nhau bằng tấm lòng trung thực!++

Thứ Ba, 7 tháng 6, 2011

Phim Lý Công Uẩn- Đường tới Thăng Long: Không phạm vào điều cấm (?!)

Nguồn: nld.com.vn

Bàn thêm:
trong bài người đọc thấy có đoạn:

* Vậy thì Lý Công Uẩn - Đường tới thành Thăng Long có thể gọi là gì?

- Phim làm theo tinh thần lịch sử. 19 tập phim này không thể coi là phim lịch sử, gọi là dã sử cũng được.

Lạm bàn: he he, như vậy là, từ một bộ phim lịch sử, các ông đã chuyển thành phim dã sử; để rồi cho rằng "không phạm vào điều cấm"; và như vậy có quyền công chiếu, mặc cho dự luận phản đối.

Lâu nay ta hay nói về văn hóa của những người làm văn hóa; và đây là "người thật, việc thật" để mọi người thấy được.
-------------------------------------------------------

Phim Lý Công Uẩn- Đường tới Thăng Long: Không phạm vào điều cấm (?!)
Thứ Hai, 06/06/2011 23:12

Ông Lê Ngọc Minh, Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh, Chủ tịch Hội đồng Duyệt phim quốc gia, nói như vậy khi trả lời phỏng vấn của phóng viên Báo Người Lao Động


* Phóng viên: Dù Hội đồng Duyệt phim Quốc gia đã duyệt tới ba lần nhưng nhiều ý kiến vẫn cho rằng Lý Công Uẩn - Đường tới thành Thăng Long quá giống phim truyền hình Trung Quốc, ông nghĩ sao?


- Ông Lê Ngọc Minh: Phim Lý Công Uẩn - Đường tới thành Thăng Long thực hiện ở Trung Quốc nên đúng là có rất nhiều cảnh, đặc biệt là đại cảnh, mang yếu tố Trung Quốc. Phim cũng có nhiều cảnh đánh nhau khốc liệt, những câu thoại không phù hợp với người Việt. Khi xem phim, Hội đồng Duyệt phim đã thống nhất là không thể phổ biến trong dịp đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội vì bối cảnh Hoa Lư, Thăng Long quay ở nước ngoài sẽ gây phản cảm trong nhân dân. Chúng tôi đã họp 3 lần, yêu cầu cắt gọt tối đa những cảnh phim mang nặng yếu tố nước ngoài, gây hiểu lầm cho người xem, không trung thực với lịch sử. Tuy nhiên, phải nói thẳng là nếu cắt hết thì không cắt được vì phim quay ở nước ngoài, dùng bối cảnh nước ngoài, nhà sản xuất đã khắc phục cơ bản ở các đại cảnh. Với những cảnh máu me kinh hoàng, chúng tôi đã yêu cầu nhà sản xuất cắt bỏ.

Hội đồng Duyệt phim cũng đã yêu cầu nhà sản xuất phải làm sao cho thuần Việt nhất, những gì lộ ra là của nước ngoài phải hạn chế. Những câu thoại nào không trung thực với lịch sử thì phải bỏ hết và họ đã bỏ, ví dụ như trận đánh trên núi Chu Tước, thiền sư Vạn Hạnh khuyên tướng Lê Hoàn: “Con ra trận, chớ sát sinh nhiều”. Lời răn này trong Phật giáo là đúng, nhưng chiến tranh thì làm sao tránh khỏi gươm đao máu đổ. Đại loại những câu nhạy cảm như thế đã bị loại bỏ. Những từ không thuần Việt như “khởi bẩm”, “tại hạ”, “nô tài” cũng đã sửa. Còn lại những gì không minh định được, thôi hãy coi như đó là sự giao thoa về văn hóa, dù mình không khuyến khích điều này như việc người phụ nữ Việt Nam xưa thường mặc váy nhưng trong phim có những nhân vật phụ mặc quần...

Chúng tôi cho rằng phim không sai phạm về tinh thần lịch sử, có tinh thần nhân văn, nếu xét dưới dạng phim dã sử thì có thể phát sóng được.
Một cảnh quay trong phim Lý Công Uẩn - Đường tới thành Thăng Long:
Từ bối cảnh đến trang phục và diễn viên quần chúng đều của Trung Quốc (ảnh do đoàn phim cung cấp)
* Nhưng thực tế, có những ý kiến lại cho rằng có nhiều nhân vật không đúng với lịch sử?

- Về nhân vật Dương Vân Nga, trong chính sử chỉ nói về bà có ba đoạn ngắn. Điểm quan trọng nhất của nhân vật này là bà đã trao lại vương quyền cho Lê Hoàn vào đúng lúc nước sôi lửa bỏng, bộ phim đã thể hiện được. Với nhân vật này, Hội đồng Duyệt phim đã thảo luận rất kỹ, nhưng cuối cùng cũng thống nhất với nhau, điều lớn nhất là trao vương miện cho ông Lê Hoàn, bà đã làm được, còn đời tư thì có thể châm chước. Đời tư sử không chép, vậy cũng nên dành một khoảng nào đó cho người ta sáng tạo, còn sự sáng tạo này có được chấp nhận hay không thì phải chờ khán giả. Thực ra, trong văn học, nghệ thuật, các tác giả có thể sáng tác theo quan điểm của mình. Trong phim này, các nhà làm phim muốn thể hiện tinh thần của người phụ nữ, vì không muốn thất tiết mà định tự tử, đó là quyền của người làm phim.

Về nhân vật Lê Hoàn, thực ra, để nói về một nhân vật anh hùng dân tộc như mình mong muốn thì phim làm cũng chưa tới, nhưng đẩy ông Lê Hoàn từ một ông vua được kính trọng sang thái cực khác thì không phải. Một ông vua cũng có những giây phút đời thường, cũng có những lúc quyết liệt, có lúc buồn đau, sung sướng. Theo tôi, hãy để công chúng luận bàn. 

Phải khẳng định không phải Hội đồng Duyệt phim ủng hộ tuyệt đối với phim này. Nhưng trong phong trào xã hội hóa, một phim dã sử, cổ trang cũng đáng được ghi nhận. Phim không phạm vào những điều cấm, không quá sai lệch lịch sử, không thóa mạ danh nhân.

* Ông vừa nói phim không quá sai lệch lịch sử?

- Có những phim trung thực với lịch sử, có phim theo tinh thần lịch sử, có phim dã sử, thậm chí có những phim phản biện lịch sử.

* Vậy thì Lý Công Uẩn - Đường tới thành Thăng Long có thể gọi là gì?

- Phim làm theo tinh thần lịch sử. 19 tập phim này không thể coi là phim lịch sử, gọi là dã sử cũng được. 

* Ông nghĩ gì khi có rất nhiều ý kiến cho rằng không nên phát sóng bộ phim này?

- Chốt lại, phim không phạm vào những điều cấm. Vậy nên trong văn bản gửi Đài Truyền hình Việt Nam, chúng tôi cho rằng đây là bộ phim có thể phát được, nhưng phát sóng phim vào thời điểm nào là tùy đài và phải hạn chế những cảnh bạo lực. Là cơ quan quản lý Nhà nước, chúng tôi phải có trách nhiệm nhắc nhở như vậy, nhưng quyết thế nào là tùy đài. Luật đã ghi  rõ giám đốc đài chịu trách nhiệm về việc phát sóng bộ phim. Phải nói thêm rằng đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội là một thời điểm nhạy cảm nên Hội đồng Duyệt phim Quốc gia mới duyệt phim này chứ thời điểm khác thì lãnh đạo đài phải chịu trách nhiệm, chúng tôi làm sao có thể duyệt được tất cả các phim phát trên sóng truyền hình.

* Khi tham gia duyệt bộ phim này, ông có gặp áp lực gì không?

- Thực lòng mà nói, nếu không phải duyệt bộ phim này là tốt nhất. Nhưng là cơ quan quản lý Nhà nước, việc đến tay thì phải làm. Luật Điện ảnh khuyến khích việc xã hội hóa, mình cũng nên động viên họ. Còn hay dở thế nào thì để khán giả quyết định. Nếu phim hay, khán giả sẽ đón nhận, còn nếu ngược lại, biết đâu sau vài tập, Đài Truyền hình Việt Nam sẽ dừng như những phim khác.
Ý kiến bạn đọc



Hãy tôn trọng lịch sử, văn hóa dân tộc

LTS: Sau khi Báo Người Lao Động số ra ngày 6-6, đăng bài “Lý Công Uẩn - Đường tới thành Thăng Long: Vẫn là phim Trung Quốc... nói tiếng Việt!”, tòa soạn đã nhận được rất nhiều ý kiến phản đối của độc giả về nội dung bộ phim và quyết định cho phát sóng trên VTV. Dưới đây là một số ý kiến tiêu biểu

“Dân tộc ta, nhân dân ta đã rất tự hào về lịch sử chống ngoại xâm hào hùng của dân tộc Việt Nam, nếu những gì mà bộ phim thể hiện theo như lời của GS Lê Văn Lan thì đúng là xuyên tạc lịch sử, hạ thấp lòng tự hào, tự tôn dân tộc”.

CaoTung
“Nếu sự thật đúng như GS Lan nói, chúng ta cần cấm hẳn bộ phim này không những trên sóng truyền hình mà trên cả các phương tiện khác. Đây cũng là bài học cần thiết cho những người làm văn hóa, hãy biết tôn trọng lịch sử và văn hóa của đất nước ta”.
Hà HN
“Phim lịch sử Việt Nam mà đi mướn Trung Quốc làm thì làm sao ra cái hồn Việt Nam được. Cái gì cũng đều có thể đặt hàng được nếu có kinh phí nhưng riêng về văn hóa thì phải chính con người Việt Nam làm thôi”.
LTD

“Một bộ phim đã không đủ chất lượng, nội dung sai lệch lịch sử; cảnh trí, phục trang, diễn viên phụ, diễn viên quần chúng người Trung Quốc sao lại cho phát sóng trên đài truyền hình quốc gia? Một bộ phim như vậy không thể cố chiếu lấy được. Tôi đề nghị Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Đài Truyền hình Việt Nam xem xét lại chuyện này. Chưa kể trong thời điểm này, càng không thể đơn giản đem chiếu cho người Việt Nam xem được”.
Trịnh Minh Anh

“Cần phải xem vì sao Đài Truyền hình Việt Nam lại lên lịch phát sóng bộ phim “Trung Quốc hóa” này? Ai ra quyết định, nhằm mục đích gì? Là người xem, chúng tôi kiên quyết phản đối, nhất định sẽ tẩy chay không xem phim này”.

Minh Ngọc

“Hy vọng bộ phim này không vì lý do đã lỡ làm và quá tốn kém kinh phí rồi lại chạy chọt để được công chiếu, thu hồi vốn. Người Việt Nam phải có lòng tự tôn dân tộc. Đã làm phim về đề tài lịch sử thì phải đúng, không được bóp méo hay xuyên tạc. Đài truyền hình quốc gia mà công chiếu bộ phim này thì hệ thống giáo dục trong nhà trường về môn lịch sử Việt Nam sẽ như thế nào đây?”.

Đặng Sơn

“Nếu những nhà làm phim, những người có trách nhiệm liên quan còn lòng tự tôn của dân tộc Việt thì không thể cho phát sóng bộ phim này. Và tốt nhất là không bao giờ phát sóng nó nữa. Tiền cũng quan trọng nhưng lịch sử, văn hóa, lòng tự tôn của một dân tộc còn quan trọng hơn rất nhiều”.
Vũ Viết Tuân

“Có hai cách lý giải: Một là, đây là phim “lỡ làm” thôi cho chiếu giống như cách giải quyết đối với các loại “lỡ” trước đây; hai là, xem lại tư cách của những người làm phim có khách quan, vô tư?”.
Thanh Thư

“Theo tôi, VTV3 không nên chiếu bộ phim này vì với những sai sót nghiêm trọng về nội dung, phục trang và cách diễn xuất giống với các phim Trung Quốc, nếu công chiếu sẽ phản tác dụng, tôi và gia đình tôi sẽ không xem phim này, đặc biệt là với các con cháu tôi. Tôi không hiểu vì sao và vì cái gì mà phải “cố đấm ăn xôi” để chiếu phim này?”.
Phạm Sĩ Hùng

Hoàng Lan Anh thực hiện
  • Ý kiến đọc giả:
    Hoàng Nga

    07/06/2011 00:22
    "Nếu phim hay, khán giả sẽ đón nhận, còn nếu ngược lại, biết đâu sau vài tập, Đài Truyền hình Việt Nam sẽ dừng như những phim khác". Nếu là một bộ phim mỳ ăn liền thì ông nói kiểu đó ko ai thèm phản biện. Còn đây là một bộ phim lịch sử, giao cho những người không biết gì viết kịch bản rồi kêu những người "có biết gì" như ông thẩm duyệt. Theo tôi, ý kiến dừng bộ phim như Giáo sư Lê Văn Lan là hợp lòng dân!

  • Nguyễn Thanh Kha
    07/06/2011 00:39
    Vậy là đã rõ, một cách làm việc hết sức vô trách nhiệm! Rất mong báo NLĐ phỏng vấn ông Giám đốc Đài truyền hình, ông Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL cho ra lẽ! Nội dung phim làm sai lệch lịch sử mà cho là không vi phạm điều cấm. Sau này có phim nào làm mà công nhận Biển Đông và 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa là của TQ thì không biết có vi phạm điều cấm không nhỉ?

  • Hoàng
    07/06/2011 04:03
    Ông này trả lời giống con nít chối tội thật. 1. "Phim làm theo tinh thần lịch sử. 19 tập phim này không thể coi là phim lịch sử, gọi là dã sử cũng được" - nhưng trong phim chả thấy cái thành Thăng Long hay người Việt ở đâu cả? Vậy xếp vào loại "phá sử" là hợp nhất. 2."Nếu phim hay, khán giả sẽ đón nhận, còn nếu ngược lại, biết đâu sau vài tập, Đài Truyền hình Việt Nam sẽ dừng như những phim khác" - sao coi thường khán giả quá vậy.

  • Quang Hòa
    07/06/2011 04:56
    Ông cục phó này nói một câu thật vô cùng dở "thôi hãy coi như đó là sự giao thoa về văn hóa". Làm sao một lãnh đạo ngành văn hóa lại có thể "tặc lưỡi" cho qua một chuyện tày đình như vậy được“... Xin ông hãy nghĩ lại về những lời nói của mình xem có đúng vậy không và hãy thận trọng khi phát ngôn những điều nhạy cảm. Còn đối với bộ phim lai căng này, nếu không thể chiếu trong dịp Đại lễ ngàn năm Thăng Long thì nay lại càng không thể chiếu. Như một món ăn nấu hỏng, đã không thể ăn hôm qua thì mãi mãi cũng sẽ không thể ăn được bởi nếu ăn vào là sinh đủ thứ bệnh tật. Mà cái bệnh đáng sợ nhất là bệnh làm mất đi niềm kiêu hãnh của một dân tộc. Một khi đã làm mất đi niềm kiêu hãnh đó, chúng ta sẽ không còn là thứ người ngợm gì trên đời này nữa.

  • Thư
    07/06/2011 05:05
    Bác Minh dễ dãi thật đấy. Đọc bài thấy cái gì bác cũng cho là không sao, sao cũng được. Dễ dãi với lịch sử là có tội với tiền nhân, có tội với đất nước.

  • Xuân Tùng
    07/06/2011 05:39
    Theo ông Lê Ngọc Minh, Phó Cục trưởng Cục điện ảnh, sở dĩ còn một số cách nhìn nhận khác nhau là do chính sử không nêu rõ tình tiết. Vậy tại sao? Đó chính là vì chính sử đã bị quân xâm lược phương bắc phá hoại, đốt sạch. Hơn một ngàn năm bắc thuộc đã khiến nước ta bị "xóa trắng" các văn thư, sử liệu. Vậy thì, còn nghi ngờ gì nữa, còn luyến tiếc gì nữa mà bàn luận? Theo tôi, hãy dẹp ngay phim này, cất nó vào kho lưu trữ để dành làm tài liệu học tập trong trường điện ảnh, cho sinh viên điện ảnh thấy về sự tắc trách, ấu trĩ (hoặc tham lam) của người có trách nhiệm liên quan đến cuốn phim này.

  • Minh
    07/06/2011 06:22
    Trong tình hình căng thẳng hiện nay tôi cho rằng không nên phát sóng bộ phim này.

  • minh nghia
    07/06/2011 06:27
    Phim ảnh không đơn thuần là giải trí với những cảnh đấm đá bạo lực, mà là qua phim ảnh nó giáo dục con người theo tính hướng thiện, nâng cao sự hiểu biết về lịch sử dân tộc, qua đó trau dồi ý thức và lòng tự hào dân tộc. Nhưng phim Lý Công Uẩn - Đường tới thành Thăng Long lại đậm đặc văn hóa Trung Quốc, bóp méo lịch sử dân tộc. Vậy xin hỏi công chiếu phim Lý Công Uẩn - Đường tới thành Thăng Long để làm gì ? Để quảng bá văn hóa TQ, để giáo dục thế hệ trẻ về sự lai căng văn hóa?

  • trần công danh
    07/06/2011 06:42
    Nếu đúng như ông nầy trả lời thì tôi và gia đình lại càng không xem phim nầy. Vì "lấy râu ông nầy cấm càm bà kia". Gọi là phim dã sử mà làm không ra gì. Chẳng thà xem phim cổ tích VN còn hay hơn nhiều.

  • Nguyễn Văn Nguyễn
    07/06/2011 06:47
    Tôi tin lãng đạo VTV sẽ không chiếu bộ phim này vì họ cũng có lòng tự hào dân tộc. Nếu một sản phẩm văn hóa "ngoại lai" được duyệt và được chiếu trên đài Truyền hình VN thì nên xem lại tư cách và văn hóa của các vị này. Đây là bộ phim Tàu nói tiếng Việt và nên đổi tên là : "Lạc đường tới thành Thăng Long" thì đúng hơn.
------------------
*****

1 nhận xét:

  1. "Chúng tôi cho rằng phim không sai phạm về tinh thần lịch sử, có tinh thần nhân văn, nếu xét dưới dạng phim dã sử thì có thể phát sóng được." Chúng tôi sẽ không bàn cãi gì nhiều nếu ông Minh và VTV ăn lương do Trung Quốc trả ,đây thực sự là một sự coi thường và khiêu khích dư luận Việt Nam

    Trả lờiXóa

Tìm kiếm Blog này