++ Hãy đến với nhau bằng tấm lòng trung thực!++

Thứ Tư, 15 tháng 6, 2011

Philippines cần Mỹ trong tranh chấp Biển Đông

Nguồn: vnexpress.net

Tổng thống Philippines Benigno Aquino hôm nay phát biểu rằng nước này cần sự giúp đỡ của Mỹ trong giải quyết tranh chấp Biển Đông, bởi 'sự hiện diện của Mỹ có thể đảm bảo tự do hàng hải và luật pháp quốc tế'. 


> Nghị sĩ Mỹ phản đối dùng vũ lực ở Biển Đông
> Trung Quốc khó thuyết phục láng giềng

Một tàu ngầm của Trung Quốc gần căn cứ tàu ngầm ở đảo Hải Nam. Vị trí của căn cứ tàu ngầm này cho phép các chiến hạm Trung Quốc nhanh chóng triển khai - trong vòng 20 phút - ra Biển Đông, nơi có các tuyến đường hàng hải bận rộn hạng nhất thế giới và là vùng biển rất giàu tài nguyên. Ảnh: FP.
Một tàu ngầm của Trung Quốc gần căn cứ tàu ngầm ở đảo Hải Nam. Vị trí của căn cứ tàu ngầm này cho phép các chiến hạm Trung Quốc nhanh chóng triển khai - trong vòng 20 phút - ra Biển Đông, nơi có các tuyến đường hàng hải bận rộn hạng nhất thế giới và là vùng biển rất giàu tài nguyên. Ảnh: FP.

"Tất nhiên, Trung Quốc là một siêu cường. Dân số của họ lớn hơn nước ta tới 10 lần. Chúng tôi không muốn chiến tranh xảy ra", AFP dẫn lời ông Aquino nói. 

"Có lẽ, sự hiện diện của Mỹ sẽ đảm bảo rằng tất cả chúng ta sẽ được hưởng tự do hàng hải và sẽ tuân theo luật pháp quốc tế". 

Trước đó, đại sứ Mỹ ở Philippines Harry Thomas khẳng định Washington sát cánh với đồng minh của họ trong vấn đề Biển Đông. "Tôi đảm bảo với các vị rằng Mỹ sẽ sát cánh với Philippines trong tất cả các vấn đề", tờ Manila Sunstar dẫn lời đại sứ Thomas cho biết. 

"Mỹ và Philippines là những đồng minh chiến lược. Chúng tôi sẽ tiếp tục tham vấn và hợp tác với nhau trong các vấn đề, bao gồm cả Biển Đông". 

Thời gian qua Philippines nhiều lần cáo buộc Trung Quốc vi phạm chủ quyền của họ trên Biển Đông. Bắc Kinh đều bác bỏ các tố cáo đó và nói họ "hành động bình thường". 

Tuyên bố của Tổng thống Philippines đưa ra chỉ một ngày sau khi thượng nghị sĩ Mỹ Jim Webb, chủ tịch tiểu ban châu Á Thái Bình dương thuộc Ủy ban đối ngoại thượng viện Mỹ, công bố dự thảo nghị quyết lên án thái độ của Trung Quốc ở Biển Đông. 

Trong khi đó Trung Quốc hôm nay khẳng định sẽ không sử dụng vũ lực ở Biển Đông, dù các nước láng giềng đang lo lắng về thái độ quyết liệt của nước này về chủ quyền biển đảo trong thời gian gần đây.

"Chúng tôi sẽ không viện tới vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực", AFP dẫn lời phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi cho biết. "Chúng tôi hy vọng các nước liên quan cố gắng hơn nữa vì hòa bình và ổn định trong khu vực". . 

Căng thẳng trên Biển Đông bất ngờ tăng mạnh trong thời gian qua, khi các tàu cá, hải giám và tàu ngư chính của Trung Quốc liên tục xâm phạm vùng biển thuộc quyền chủ quyền của Việt Nam; họ cũng bị tố cáo xâm phạm vùng nước mà Philippines tuyên bố chủ quyền. 

Hôm 8/6, Mỹ đã điều tàu khu trục USS Chung-hoon tới vùng biển Tây Thái Bình Dương. Mỹ và Philippines sẽ tập trận chung vào cuối tháng này song cả hai bên khẳng định đây là sự kiện đã được lên kế hoạch từ trước, không liên quan tới căng thẳng gần đây ở Biển Đông.

Trung Quốc, Việt Nam, Philippines, Malaysia và Brunei cùng tuyên bố chủ quyền toàn bộ hoặc một phần tại quần đảo Trường Sa ở Biển Đông. Trung Quốc đã công bố yêu sách 9 đoạn (thường gọi là đường lưỡi bò hoặc đường chữ U), ôm trọn Biển Đông và các đảo/quần đảo trong khu vực. Yêu sách này bị các nước khác bác bỏ bởi không có cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử. 

Biển Đông là một khu vực rộng lớn, ước tính 1,7 đến 3 triệu km vuông, được cho là có trữ lượng tài nguyên dồi dào, trong đó dầu ước tính có đến 17,7 tỷ tấn, đứng thứ tư về trữ lượng trên thế giới. Biển Đông cũng là con đường thông từ Thái Bình dương sang Ấn Độ dương, có vị trí địa chính trị quan trọng đối với các nước khu vực châu Á Thái bình dương. 

Mai Trang

------------------
*****


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tìm kiếm Blog này