Nguồn: GSGP Online | ||
Thứ sáu, 10/06/2011, 00:14 (GMT+7) | ||
Sau khi Báo SGGP ngày 4-6-2011 đăng bài “Lý Công Uẩn - Đường tới thành Thăng Long: Một bộ phim bóp méo lịch sử dân tộc”, trao đổi với PV Báo SGGP, nhà văn Nguyễn Quang Lập cho biết: Bộ phim này đã phỉ báng lịch sử dân tộc. Theo ông, đây là một bộ phim mà từ khâu đạo diễn, trang phục, đạo cụ, bối cảnh, diễn viên quần chúng cho tới việc làm hậu kỳ đều do Trung Quốc đảm trách thì không thể gọi là một phim Việt Nam.
Ông Lập nói: “Điều quan trọng hơn cả với một phim lịch sử là tinh thần lịch sử của bộ phim có được tôn trọng hay không? Thế nhưng, liệu có thể gọi đó là tôn trọng lịch sử Việt Nam khi mà vua Lý lại khoác long bào của vua Tống? Hay như cảnh lên ngôi của vua Lý Công Uẩn, lịch sử đã ghi rành rành là ở Hoa Lư, được triều đình đồng thuận, nhưng trên phim thì Lý Công Uẩn lại lên ngôi ở một ngôi chùa...Tàu. Thêm nữa, việc “Lê Hoàn lại hiện ra như một ông vua xa xỉ, bắt dân xây dựng cái gọi là “vườn ngự uyển”, không cần biết đến những lời can gián, thậm chí còn trừng phạt cả Lý Công Uẩn vì đã dám ngăn vua xây dựng những công trình phục vụ cho việc ăn chơi xa hoa; Dương Vân Nga thì ủy mị, sướt mướt; Đào Cam Mộc từ đầu chí cuối là một viên tướng võ biền... Chỉ từng đó thôi cũng có thể nói lịch sử đã bị phỉ báng. Bộ phim sẽ sửa chữa thế nào để có thay đổi được trang phục, bối cảnh và tinh thần lịch sử? Chỉ có một cách duy nhất là quay lại bộ phim đó”. GS sử học Lê Văn Lan cũng cho biết thêm, vì chỉ trích mạnh mẽ bộ phim mà ông đã từng nhận được những lời răn đe cũng như khuyên nài. “Song trước sau như một, tôi khẳng định rằng không nên chiếu một bộ phim như vậy khi lịch sử bị bóp méo” - ông nhấn mạnh. Một bạn đọc (địa chỉ email: ongnam14468@yahoo.com) nhắn tin đến Tòa soạn Báo SGGP bày tỏ sự bức xúc và bất bình. Ông đặt vấn đề: Cơ quan quản lý của nhà nước về lĩnh vực này có trách nhiệm ra sao mà giao một bộ phim lịch sử của Việt Nam cho Trung Quốc làm; số tiền đầu tư cho bộ phim này là của ai; của tư nhân hay Nhà nước? Đề nghị không cho lưu hành bộ phim này ra công chúng. Nếu phát hành “chui” thì tổ chức tịch thu và xử phạt theo quy định. Nếu tiền đầu tư của tư nhân thì việc lỗ đó là ráng chịu vì nhận thức kinh doanh quá coi thường khách hàng, coi thường lịch sử dân tộc nên phải gánh chịu hậu quả. Nếu tiền đầu tư có phần của Nhà nước, phải quy trách nhiệm đối với tổ chức, cá nhân được phân công thực hiện và quản lý nhà nước về lĩnh vực này. Nhóm PV |
------------------
*****
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét