Nguồn: Ba Sàm
Đăng bởi anhbasam on 23.06.2011
Đôi lời (Ba Sàm): Bức thư của Nhà Nghiên cứu Đinh Kim Phúc gửi Hồ Cẩm Đào được Ba Sàm đăng ngày 11-10-2009. Nhân có bài viết-thư xoay quanh ông ĐKP, liên quan tới những đóng góp không nhỏ của ông trong cuộc đấu tranh với những hành động lấn lướt, gây hấn của Trung Quốc trên Biển Đông, song lại nhận được những đối xử không tương xứng, BS xin đăng lại bức thư này và dẫn ra một số bài viết của ông để bạn đọc rõ thêm sự vụ.
———–
Thư Sài Gòn, ngày 23-6-2011
Nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc gửi Nguyễn Xuân Diện:
Nói lại cho rõ
Trước nhất tôi xin chân thành cám ơn những tình cảm mà nhà văn Vũ Ngọc Tiến đã dành cho tôi trong “Lá thư Sài Gòn 2” và nhân đây tôi xin nói lại cho rõ một số điều về cá nhân tôi.
- Tôi tham gia bộ đội từ năm 1977-1980 sau đó về học ngành Sư phạm Lịch sử tại Trường Đại học Cần Thơ (1980-1984).
- Từ năm 1984-1991 là giáo viên Khoa Sử Địa Trường Đại học Cần Thơ (trong đó 2 năm 1986-1988 học Cao học tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 1).
- Từ năm 1993 đến nay tôi công tác tại Trường Đại học Mở TP.HCM.
- Tháng 10/2009, lúc bấy giờ tôi là Thư ký BBT của Tạp chí Khoa học của trường, nhân việc tôi viết lá thư gửi Chủ tịch nước CHND Trung Hoa Hồ Cẩm Đào để lên án hành động của Trung Quốc trên biển Đông lúc bấy thì liền bị PGS.TS Nguyễn Thanh (lúc ấy là Trưởng bộ môn Mác-Lenin của trường Đại học Mở TP.HCM và hiện nay đang công tác tại Đại học Công nghiệp TP.HCM) tố cáo tôi hoạt động “phản động”. Sau sự việc ấy tôi chuyển sang làm nghiên cứu viên của Khoa Đông Nam Á học của trường Đại học Mở cho đến hôm nay.
Kính,
Đinh Kim Phúc
———
Thư ngỏ gửi ngài Hồ Cẩm Đào
Ngày 11 tháng 10 năm 2009Kính gửi: – Ngài Hồ Cẩm Đào, Chủ tịch nước CHND Trung Hoa,
– Cùng Ban lãnh đạo nhà nước Trung Quốc,
Ngày 1 tháng 10 năm 2009, tại buổi lễ mít tinh chào mừng 60 năm Quốc khánh nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa, Ngài đã phát biểu rằng: “Trung Quốc sẽ kiên định bất di bất dịch kiên trì chính sách ngoại giao hòa bình độc lập, tự chủ, kiên trì con đường phát triển hòa bình, thi hành chiến lược mở cửa cùng có lợi cùng thắng, phát triển hữu nghị và hợp tác với tất cả các nước trên cơ sở 5 nguyên tắc cùng tồn tại hoà bình, tiếp tục cùng với nhân dân các nước trên thế giới thúc đẩy sự nghiệp cao cả hoà bình và phát triển của nhân loại, thúc đẩy xây dựng thế giới hài hoà có nền hoà bình bền vững và phồn vinh chung”. Tôi tin là như vậy.
Cũng ngày hôm ấy, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước CHND Trung Hoa tại Việt Nam Tôn Quốc Tường trong khi trả lời trực tuyến với bạn đọc VietNamNet cũng đã nhiều lần nhấn mạnh lòng tin và thương lượng hòa bình là cơ sở để giải quyết những vấn đề do lịch sử để lại. Ngài Đại sứ đã nói: “Trong ngoại giao Trung Quốc, chúng tôi luôn phản đối nước lớn bắt nạt nước nhỏ. Chủ tịch nước Trung Quốc, Hồ Cẩm Đào trên các diễn đàn quốc tế đã nêu muốn xây dựng thế giới hài hòa. Từ hài hòa có nghĩa là Trung Quốc luôn kiên trì quan điểm “cầu đồng, tồn dị”. Chúng tôi luôn tôn trọng sự phát triển đa nguyên của các nước trên thế giới, không yêu cầu các nước trên thế giới phải phát triển giống Trung Quốc, tôn trọng văn minh, lịch sử của các nước, kiên trì tôn trọng lẫn nhau, có hiểu biết lẫn nhau”…“Chủ trương của chúng tôi là Chính phủ làm hết sức mình để thúc đẩy quan hệ Trung Quốc – Việt Nam”… “Vấn đề còn tồn tại do lịch sử để lại như biển Đông sẽ cùng giải quyết bằng bàn bạc, hữu nghị, hòa bình”. Tôi cũng tin là như vậy.
Nhưng vào đúng cái ngày mà Quý Ngài đang nói những lời hay ý đẹp đó thì những ngư dân Việt Nam trên đường tránh bão trên biển Đông đã bị các lực lượng hữu quan của nhà nước Trung Quốc hành xử như một lũ côn đồ, và đó không phải là lần đầu mà ngư dân Việt Nam gánh chịu.
Thưa Quý Ngài,
Chắc Quý Ngài cũng đã biết Việt Nam đã không cư xử với người dân Trung Quốc đánh cá trên Biển Đông như cách mà Chính quyền Trung Quốc vẫn thường làm với ngư dân người Việt. Vậy thì những ngôn từ tốt đẹp xuất phát từ những người lãnh đạo cao nhất của nước CHND Trung Hoa là trực ngôn hay xảo ngôn?
Nhìn lại mối quan hệ hàng ngàn năm qua giữa hai nước Việt Nam-Trung Hoa, dân tộc chúng tôi đã trả giá quá đắt cho mối quan hệ đó. Nhưng dân tộc Việt Nam là một dân tộc yêu chuộng hoà bình, chính vì lẽ đó mà ông cha chúng tôi đã luôn phải nhún nhường đối với các nhà nước phương Bắc để bảo vệ nền hoà bình cho đất nước nhỏ bé của mình. Bao nhiêu đó chưa đủ sao?
Thưa Quý Ngài,
Nhân dân Việt Nam luôn tôn trọng tình hữu nghị với nhân dân Trung Quốc. Đảng, Chính phủ, nhân dân Việt Nam hết sức gìn giữ quan hệ với Trung Quốc. Có thể nói, phía Việt Nam đã làm hết sức mình. Tuy nhiên, phía Trung Quốc thì ngược lại (thí dụ như trên một số website của Trung Quốc có những bài viết làm xấu đi quan hệ hai nước, như việc mạng Sina.com đăng tải kế hoạch tấn công Việt Nam trong 31 ngày, Thời báo Hoàn cầu có nhiều bài nói xấu Việt Nam…).
Thưa Quý Ngài, Trong lịch sử mối quan hệ giữa hai nước, có bao giờ Việt Nam tiến công trước để xâm lược Trung Quốc chưa?
Câu trả trả lời là rất rõ ràng: Chưa bao giờ! Và nếu có! Chỉ duy nhất một lần, Lý Thường Kiệt phải ra tay trước nhưng hành động đó là để bẻ gãy ý đồ xâm lược của ngoại bang!
Là người dân Việt, chúng tôi vẫn nhớ:
“Từ Triệu, Đinh, Lý, Trần; bao đời xây nền độc lập;
Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên; mỗi bên hùng cứ một phương;
Tuy mạnh yếu có lúc khác nhau,
Song hào kiệt thời nào cũng có”.
Đó là Tuyên ngôn độc lập của đất nước chúng tôi và Quý Ngài cũng phải rõ.
Cuối cùng, tôi muốn nhắn đến Quý Ngài một trong những quy luật trong sử Việt:
- Có gió ngựa Nguyên Mông là xuất hiện ngay Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn.
- Có giặc Minh xâm lược là có ngay Lê Lợi dựng cờ khởi nghĩa.
- Có xâm lược nhà Thanh là có ngay Hoàng đế Quang Trung.
- …
Xin gửi đến Quý Ngài lời chào trân trọng.
Kính thư
Một công dân nước Việt
ĐINH KIM PHÚC
——-
Cùng tác giả, đã đăng trên Ba Sàm:
+ Những lập luận mâu thuẫn của Trung Quốc về Hoàng Sa và Trường Sa (Đại đoàn kết).
+ Hai trang web: ĐCSVN và ĐSQ Hàn Quốc
+ Mục Lân, An Lân, Phú Lân? (Vanchuongviet.org)
+ TRUNG QUỐC VI PHẠM CÔNG ƯỚC QUỐC TẾ!
+ TAM GIÁC TRUNG QUỐC-ĐÀI LOAN-PHILIPPINES TRONG VẤN ĐỀ BIỂN ĐÔNG
+ QUAN HỆ TRUNG-NHẬT-BÀI HỌC CHO VN.
+ THÀNH NGỮ “CÕNG RẮN CẮN GÀ NHÀ”
+ “THẤT TRẢM SỚ”
+ VẤN ĐỀ TÊN GỌI BIỂN ĐÔNG TRONG KHU VỰC ĐÔNG NAM Á
+ ĐỔI TÊN GỌI BIỂN ĐÔNG CẦN THIẾT HAY KHÔNG?
+ TỪ BÃI CÁT VÀNG CHO ĐẾN HOÀNG SA-TRƯỜNG SA LÀ CỦA VIỆT NAM
+ KẾ HOẠCH “TẰM ĂN DÂU”
+ HOÀNG SA-TRƯỜNG SA MÃI MÃI LÀ CỦA VIỆT NAM
+ TƯ DUY BIỂN CẢ CỦA TRUNG QUỐC
+ CỤC THÔNG TIN ĐỐI NGOẠI?
+ KHỞI NGHĨA LÁNG THÉ NĂM 1872-NHỮNG VẤN ĐỀ TỒN NGHI
+ THƯ NGỎ GỬI VỊ TIẾN SĨ ĐẠI HỌC YALE
+ Thư của Nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc gửi ông Trương Nhân Tuấn
+ Như thế nào mới là “có cái gì mới”, thưa ông Chủ tịch Quốc hội?
------------------
*****
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét